Hà Nội thay thế hàng cây phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ, chuyên gia thấy không phù hợp?

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/4/2021 | 3:02:21 PM

QLMT - Hà Nội lên phương án thay thế cây phong bằng cây bàng lá nhỏ trên con đường được mệnh danh đẹp nhất Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng sự thay thế này vẫn không phù hợp!

Vì sao cây phong lá đỏ được trồng trên tuyến phố đẹp nhất Hà Nội lại thất bại?

Ngày 5/4, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc thay thế hàng cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ, đường kính thân 10-15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m.

ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-1
Nhiều cây phong chết trơ trọi trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

Theo đó, hàng cây từng được kỳ vọng là biến tuyến phố như "Châu Âu giữa lòng Hà Nội", sau nhiều lần "chết đi sống lại", sẽ được thay thế hoàn toàn trong thời gian tới. Dự kiến, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới này sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021.

Chia sẻ với PV Dân Việt, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, sở dĩ trồng cây phong lá đỏ thất bại bởi đây là cây ôn đới ở xứ lạnh, trong khi Hà Nội là vùng khí hậu nhiệt đới.

ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-2
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp.

"Cây phong lá đỏ khi đưa từ Trung Quốc về đáng lý ra chúng ta phải chuyển đổi dần bằng việc trồng thử nghiệm ở vùng lạnh như Sa Pa (Lào Cai) sau đó thích nghi dần mới trồng tại Hà Nội. Tuy nhiên, cây được đưa thẳng về trồng tại thủ đô. 

Với nhiệt độ 40 độ C, cây phong lá đỏ không thể phát triển được. Tôi từng không đồng tình quan điểm Hà Nội trồng cây phong trên đường này", GS.TS Trần Văn Chứ chia sẻ.

ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-3
ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-4
Việc cây phong lá đỏ "chết đi sống lại", nhiều chuyên gia cho rằng do không hợp thời tiết.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) cho hay, việc trồng cây phong chết gần hết trên con đường được mệnh danh đẹp nhất thủ đô gây lãng phí.

"Cây phong lá đỏ là cây ưa lạnh. Nếu muốn trồng tại khu vực nào trước tiên phải trồng thử nghiệm ở công viên, vườn hoa xem có thích nghi không. Như Pháp trước đây khi trồng cây tại đường phố Hà Nội đã trồng thử nghiệm tại vườn Bách thảo, một số nơi. Khi cây sống được một vài năm, phát triển tốt, họ mới bắt đầu trồng đồng loạt", ông Cường chia sẻ.

Chuyên gia nói gì khi Hà Nội thay thế cây bàng lá nhỏ?

Về việc Hà Nội lên phương án thay thế cây phong bằng cây bàng lá nhỏ, GS.TS Trần Văn Chứ cho rằng, nếu trồng cây gì có hoa tại con đường đẹp nhất thủ đô sẽ làm đẹp cho cả tuyến đường hơn.

"Thực ra cây bàng lá nhỏ là cây bàng Đài Loan. Đây là loại cây rất giòn, rụng lá nhiều, là cây rễ ngang nên dễ phá đường và không có hoa. Đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng vốn rộng, thoáng nên khi gió lớn cây dễ bị gãy đổ", ông Chứ chia sẻ.

ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-5

ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-6
Hình ảnh cây sau sau lá đỏ được trồng tại một tuyến đường ở Hà Nội phát triển tốt. Ảnh Ngọc Hải

Nêu quan điểm của mình, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng, thay vì trồng cây bàng lá nhỏ tại tuyến đường này có thể trồng cây sau sau lá đỏ - một loại cây tương tự cây phong lá đỏ.

"Cây sau sau lá đỏ là cây bản địa của Việt Nam, được trồng nhiều tại vùng Côn Sơn Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương)… hoặc trường đại học Lâm Nghiệp chúng tôi trồng rất nhiều. Vào mùa ra lá non đẹp, đến khi chuyển sang lá đỏ cũng rất đẹp và thơ mộng", ông Chứ cho hay.

ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-8
GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

Trước vấn đề này, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho hay, phong lá đỏ không hợp với môi trường khí hậu tại Hà Nội. Chính vì vậy cây nhanh chóng chết sau 3 năm trồng trên tuyến đường trên. Ông cho rằng nên trồng thử nghiệm 2,3 năm. Nếu cây phát triển tốt mới trồng nhiều.

"Cây bàng lá nhỏ là cây được trồng nhiều tuyến phố tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc trồng cây phải có tiêu chuẩn phù hợp với đô thị. Cụ thể, tuyến đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh hai bên đường nhiều nhà cao tầng. 

Trong khi đó, cây bàng lá nhỏ chỉ nên trồng ở tuyến phố nhỏ, nhà cao tối đa 4-5 tầng vì loài cây này không cao. Chắc chắn nếu trồng tại đây sẽ không bao quát được những nhà cao tầng xung quanh. Phố có nhà cao không nên trồng cây thấp quá, ngoài chuyện cây sống được thì cây cũng phải phù hợp với cảnh quan đô thị", GS Nguyễn Ngọc Lung bày tỏ.

ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-9
ha-noi-thay-the-hang-cay-phong-la-do-bang-bang-la-nho-chuyen-gia-van-thay-khong-phu-hop-10
Hình ảnh cây sau sau lá đỏ gần giống với phong lá đỏ nhưng đây là cây bản địa của Việt Nam. Ảnh Ngọc Hải.

Ông Lê Huy Cường bày tỏ quan điểm: "Tốt nhất nên trồng cây bản địa Việt Nam hoặc cây ở vùng nhiệt đới phù hợp với khí hậu Hà Nội. 

Cây bàng lá nhỏ tôi thấy không phù hợp. Chúng ta cũng đã biết đường Nguyễn Chí Thanh là một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội. Chúng ta nên trồng cây gì cho đẹp, phù hợp hơn".  

Ông Cường bày tỏ quan điểm cá nhân nên thay thế cây phong lá đỏ bằng cây sau sau lá đỏ. Theo ông, đây là loài cây sống khoẻ, được trồng nhiều tại các tỉnh Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Giang…

"Lá cây sau sau lá đỏ cũng đẹp không kém gì cây phong. Giống cây phong lá đỏ lá có 6 thuỳ, còn loại cây sau sau lá chỉ có 3 thuỳ. 

Tại Hà Nội cũng đã trồng loài cây này tại một số địa điểm. Nhiều người lầm tưởng đây là cây phong lá đỏ Việt Nam. Ngoài ra tuyến đường này có thể trồng hoa ban cũng rất đẹp bởi đây là cây ưa nắng, càng cằn cỗi càng ra nhiều hoa", ông Lê Huy Cường nêu.

Trước đó, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2018, các cơ quan chức năng Hà Nội đã trồng 262 cây phong lá đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Các cây phong lá đỏ này do một đơn vị tặng thành phố để trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, ngay khi trồng thử nghiệm cây phong trên phố Hà Nội đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, cây phong lá đỏ cho thấy nó chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Khoảng 45 cây đã chết, những cây còn lại phát triển kém, lá cũng không đỏ như kỳ vọng ban đầu.


Theo Gia Khiêm/ Dân Việt

Tags Hà Nội thay thế hàng cây phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ ý kiến của chuyên gia tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng

Các tin khác

Sự ra đời của hàng loạt công xưởng, nhà máy tại Việt Nam trong thời gian qua đi kèm với việc khai thác sử dụng tài nguyên quá mức và sự gia tăng của các nguồn chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp.

Chiều 7/5, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật, Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục