Tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Cấp, thoát nước

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/5/2024 | 8:42:49 AM

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm tìm kiếm các giải pháp để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật Cấp, thoát nước; đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc, bất cập; bổ sung các quy định mà thực tiễn đang đòi hỏi ở dự thảo.



Ngày 17/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; đại diện các địa phương, doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế.

Nhiệm vụ đặt ra cho phát triển cấp, thoát nước rất lớn


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, trong các nội dung của hệ thống văn bản pháp luật tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước… đều có các quy định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước.

Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định chuyên ngành, thống nhất, đủ tính pháp lý và chế tài nhằm huy động, tập trung nguồn lực đảm bảo cấp, thoát nước ổn định, bền vững. Mặt khác việc bảo đảm cấp, thoát nước an toàn phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người vẫn chưa có chế tài cụ thể.

Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề cấp, thoát nước; tuy vậy, pháp luật liên quan việc thích ứng, giảm thiểu và khắc phục tác động đến lĩnh vực cấp, thoát nước còn thiếu, không đồng bộ… hạn chế việc quản lý lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho phát triển cấp, thoát nước là rất lớn, cần tập trung triển khai, thể chế hóa lĩnh vực cấp, thoát nước, định hướng phát triển bền vững và tăng cường quản lý trong tương lai. Bộ Xây dựng cũng đã tích cực nghiên cứu Dự thảo Luật Cấp, thoát nước dựa trên 3 chính sách đã được Quốc hội thông qua.

Trên cơ cở đó, Luật Cấp, thoát nước đã được dự thảo 8 chương, 68 điều; Bộ Xây dựng mong muốn nhận được các ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn nữa dự thảo nói trên.

Tại Hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Dự thảo Luật Cấp, thoát nước đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, điều chỉnh hoạt động cấp nước sạch, thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải chỉ được quy định bằng văn bản dưới luật là các nghị định như: Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014. Các quy định này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Cấp, thoát nước và đang bị chi phối bởi nhiều luật khác; đã tác động trực tiếp đến quá trình đầu tư, vận hành; hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát rủi ro.
 
Ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.

Việc ban hành Luật Cấp, thoát nước nhằm kịp thời thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng về bảo đảm cung cấp nước sạch an toàn, ổn định, kiểm soát ô nhiễm từ nước thải và chống ngập úng; làm công cụ pháp lý, quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất, nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải.

Luật cũng sẽ là công cụ quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực ngân sách và xã hội, giúp chính quyền địa phương quản lý, xây dựng, phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước hiệu quả, bền vững, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước

Tại Hội thảo, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật đã báo cáo nội dung cơ bản của dự thảo Luật Cấp, thoát nước và những vấn đề chủ yếu cần ý kiến tham vấn.

Góp ý hoàn thiện dự thảo, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, Sở đã chủ trì cùng các đơn vị cấp nước, các đơn vị quản lý duy trì vận hành các công trình thoát nước đánh giá thực trạng hệ thống cấp, thoát nước trên địa bàn; những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý ngành cấp, thoát nước và kiến nghị các nội dung cần đưa vào dự thảo Luật Cấp, thoát nước báo cáo UBND TP, Bộ Xây dựng và Cục Hạ tầng kỹ thuật.

Về cấp nước, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, nguyên tắc quản lý hoạt động cấp nước sạch là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, phải chịu sự kiểm soát của nhà nước, do đó trong quy định của Luật cần phải thống nhất nguyên tắc trên.

Đồng thời, hệ thống cấp nước chữa cháy được đầu tư xây dựng cùng với hệ thống cấp nước. Tuy nhiên việc khai thác sử dụng là do công tác thực hiện. Đơn vị cấp nước đô thị và nông thôn có trách nhiệm quản lý trụ nước chữa cháy nhưng chi phí duy tu, bảo dưỡng trụ nước chữa cháy và lượng nước sử dụng cho công tác PCCC phải do đơn vị sử dụng chi trả nên việc tính vào phương án giá nước sạch cần xem xét lại.

Ngoài ra, mạng truyền dẫn cấp nước kết nối các nguồn tập trung nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, do đó việc lựa chọn nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện hoàn thiện mạng cấp nước theo phương thức đấu thầu là không khả thi.

Về nguồn lực đầu tư, cần huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước; khuyến khích, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư, quản lý vận hành công trình cấp nước theo mô hình hợp tác công tư… Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, việc triển khai đầu tư phát triển cấp nước chủ yếu theo hình thức xã hội hóa, các đơn vị cấp nước hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.


Quang cảnh Hội thảo.

Đầu tư cấp nước là loại hình kinh doanh có điều kiện, do đó việc lựa chọn nhà đầu tư phải đảm bảo đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính và nhân lực, thiết bị, kinh nghiệm, do đó việc hủ đầu tư công trình cấp nước thuê đơn vị quản lý vận hành cần xem xét trừ trường hợp chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu nhà ở, công trình… Ngoài ra, cần bổ sung thêm quy định liên quan đến công tác đấu nối cấp nguồn bán buôn cho các đơn vị cấp nước bán lẻ trong hệ thống cấp nước tập trung.

Liên quan đến quy hoạch chuyên ngành hạ tầng cấp nước, đại diện Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam cho biết, Công ty đang đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch sông Hồng trên địa bàn với công suất 200.000 m3 /ngày đêm, nhằm cung cấp nước cho cả khu vực thành thị và nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Từ thực tiễn công việc, đại diện Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam cho rằng, cần lập riêng quy hoạch cấp nước tỉnh (hiện nay, chỉ có 5 thành phố trực thuộc trung ương được lập riêng quy hoạch chuyên ngành cấp nước). Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn nữa quy định về hỗ trợ, ưu đãi công trình cấp nước liên vùng, hỗ trợ bù chéo giá nước đô thị và nông thôn để địa phương triển khai được hiệu quả và doanh nghiệp được hưởng ưu đãi.

Đối với lĩnh vực thoát nước, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng nhận định, thoát nước là một trong những ngành nghề hoạt động công ích, mang tính an sinh xã hội, phục vụ người dân là chính. Các công trình thoát nước hoạt động tuần hoàn, kết nối và liên thông với nhau. Việc quản lý, vận hành, cải tạo sửa chữa hệ thống thoát nước đòi hỏi phải có kinh nghiệm tích lũy và sự hiểu biết về hiện trạng các công trình thoát nước, cũng như đòi hỏi một tập thể cán bộ, công nhân viên lành nghề.

Do đó tại Điều 42 dự thảo Luật Cấp, thoát nước cần bổ sung không chỉ đối với với hệ thống thoát nước chống ngập, hệ thống xử lý nước thải tập trung, phân tán mà cả đối với việc vận hành hệ thống thoát nước nói chung cũng cần có tiêu chí khi lựa chọn đơn vị quản lý vận hành là: Đội ngũ cán bộ, nhân viên chủ chốt phải có kinh nghiệm công tác, được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề phù hợp và sự hiểu biết về hệ thống thoát nước của khu vực.

Đồng thời, cần bổ sung, làm rõ quy định về việc tham gia, cũng như vai trò của các đơn vị quản lý vận hành hệ thống thoát nước trong các dự án về thoát nước và xử lý nước thải (bao gồm cả các dự án hạ tầng kỹ thuật khác nhưng có các công trình liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải) ngay từ giai đoạn lập dự án, triển khai dự án đến khi hoàn thành, bàn giao đưa vào vận hành để các công trình có thể phát huy tốt nhất hiệu quả của các hạng mục.

Ngoài ra, việc triển khai các quy hoạch đô thị, đặc biệt là quy hoạch thoát nước chống ngập còn khá chậm. Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước là rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ. Thực tế cho thấy nguồn vốn này rất hạn chế và chủ yếu dựa vào vốn vay ODA. Sự phối hợp giữa đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác với các công trình thoát nước chưa chặt chẽ, chưa tính hết đến yếu tố tổng quan chung của khu vực.

Để đáp ứng được những yêu cầu đổi mới và thích ứng với biến đổi khí hậu, nội dung quy hoạch thoát nước gắn với quy hoạch chống ngập cần được nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hơn.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự tham gia cũng như các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Trong tương lai, Bộ Xây dựng nói chung và Cục Hạ tầng kỹ thuật nói riêng, sẽ tổ chức các hội thảo chuyên sâu hơn nhằm tìm kiếm các giải pháp để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Thứ trưởng cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan rà soát kỹ để xác định, tháo gỡ vướng mắc, bất cập; bổ sung các quy định mà thực tiễn đang đòi hỏi ở dự thảo Luật Cấp, thoát nước.

Theo Đức Tú/Tạp chí Xây dựng

Tags dự thảo Luật Luật cấp thoát nước Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến

Các tin khác

Ngày 23/7, PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang ban hành Quyết định số 36/2024/QĐ-UBND về Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 15/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống tại các vùng nông thôn Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 131/2024/QH15 của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự