Ve chai ở Việt Nam chủ yếu được những người lao động đi xe đạp thu gom rác tái chế để bán. Ảnh: UNDP
Nhiều vướng mắc
Tính đến cuối năm 2020, cả nước đã có 381 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 331 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, hình thành một hệ thống các khu công nghiệp phân bổ ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hiện nay nước ta đã hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như khai thác chế biến dầu khí, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, luyện kim, sắt thép, dệt may, da dày - tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Thế nhưng đi cùng với sự phát triển này là một lượng rác thải khổng lồ đã và đang liên tục được thải ra môi trường. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, trong đó từ các khu công nghiệp là khoảng 88,1 triệu tấn/năm. Đơn cử tại Hà Nội, chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 863,2 tấn/ngày, chủ yếu tập trung từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm các nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất cũng thải ra gần 70.000 tấn chất thải rắn, và con số này sẽ tăng lên gấp 10 lần nếu tính cả các nhà máy ngoài khu công nghiệp. Nếu tinh mỗi ngày, thành phố này thải ra trung bình 1500 đến 2000 tấn chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại cần phải xử lý.
Thực tế hiện nay, các đơn vị, cơ sở sản xuất thường tự phân loại ngay tại nguồn để phục vụ nhu cầu tái chế, tái sử dụng lại và phần lớn chất thải rắn công nghiệp nguy hại được hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý và quản lý rác thải công nghiệp hiện vẫn chưa thể ngang tầm với nhu cầu. Và điều đáng bàn là, một trong những lý do dẫn đến nguồn rác thải này lại xuất phát từ khâu đầu tiên: khai thác tài nguyên. "Tình trạng khai thác hiện nay ở nước ta đang diễn ra theo hai mảng: khai thác theo quy hoạch và khai thác ngoài quy hoạch”, ông Lê Xuân Quế - Chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cho biết tại tọa đàm "Khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và tái chế nguyên vật liệu” do Báo Công thương tổ chức. Thêm vào đó, nguồn tài nguyên này chủ yếu được sử dụng để bán nguyên liệu thô, "hàng triệu tấn sản phẩm nông nghiệp chưa được chế biến sâu, công nghệ thu hoạch, công nghệ khai thác, công nghệ chế biến còn lạc hậu và không đồng bộ. Tất cả dẫn đến một hậu quả là việc khai thác có hiệu suất thấp và lãng phí rất nhiều nguồn tài nguyên, tăng lượng rác thải và hủy hoại môi trường”, ông Quế nhận định.
Nếu tài nguyên được khai thác hiệu quả và rác thải được quan tâm quản lý và xử lý đúng mức, những rác thải này có thể trở thành nguồn tài nguyên quý giá góp phần xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn cũng như không làm phương hại đến môi trường. Thực tế, theo ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ lâu Việt Nam cũng đã nhận thức được vấn đề này và các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra rất nhiều biện pháp dưới dạng luật, nghị định, thông tư. Một trong những giải pháp nổi bật là nghị quyết năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, hay Luật Bảo vệ môi trường 2014/2020 với rất nhiều biện pháp về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. "Nhiều quy chuẩn rất ngặt nghèo cũng đã được đưa ra, buộc [các doanh nghiệp] phải có công nghệ xử lý tốt”, ông Tùng cho biết, "đặc biệt, gần đây chúng ta đã có khái niệm khu công nghiệp cộng sinh - chất thải của các đơn vị này có thể dùng cho nguyên vật liệu của các đơn vị khác”.
Thế nhưng, rõ ràng tình trạng sử dụng chưa hợp lý tài nguyên vẫn còn kéo dài cho đến hiện nay, theo ông Hoàng Dương Tùng. "Chúng ta đã có chính sách, nhưng bây giờ điều quan trọng là thực hiện chính sách đó như thế nào”, ông nhận định. Thêm vào đó, nhiều chính sách còn có độ vênh nhau, chưa đồng bộ. "Chẳng hạn như với xỉ than, nếu như có chính sách đồng bộ thì chúng ta có thể tận dụng để làm vật liệu xây dựng, công trình đường xá hay gạch không nung”, ông cho biết.
Từ góc nhìn của ông Hoàng Dương Tùng, vấn đề không chỉ nằm ở chính sách mà còn ở nhận thức chưa đầy đủ về nguồn tài nguyên từ chất thải. "Rất nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng đó là rác thì phải quản lý theo kiểu rác, trong khi đó rất nhiều thứ không phải là rác”, ông nhấn mạnh. "Bởi vậy dù đưa ra nhiều chính sách nhưng doanh nghiệp không dễ dàng để thực hiện”. Dẫn ví dụ về việc thu gom và tái chế nhựa, kim loại, giấy, ông Hoàng Dương Tùng cho biết, việc tái chế này không được thực hiện ở những nhà máy có đầy đủ các công nghệ để cái xử lý về môi trường mà lại được thực hiện ở những làng tái chế - những nơi làm hết sức thô sơ, lấy lợi nhuận là chính, lao động thủ công và lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến môi trường.
Thêm vào đó, hiện rất nhiều đơn vị muốn sử dụng các rác thải này nhưng lại "vướng phải nghị định này, nghị định kia, nếu họ muốn dùng thì lại phải làm một số thủ tục hành chính - những điều mà họ rất ngại”, ông Tùng cho biết. "Người ta không ngại bỏ tiền đầu tư để sửa công nghệ, thế nhưng họ rất ngại làm các thủ tục, chẳng hạn như nhiều nơi yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường, làm giấy phép, phải xin đơn vị này, đơn vị kia. Và một quá trình như thế thì tôi cho rằng không phù hợp và khuyến khích được doanh nghiệp làm với tình hình phát triển hiện nay, khi mà công nghệ và cơ hội đến và đi rất nhanh trong một môi trường đầy cạnh tranh”.
Sự thiếu rõ ràng trong việc phân chia trách nhiệm của các đơn vị từ cơ quan ban hành văn bản đến người thực thi pháp luật cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc tái chế nguyên vật liệu chưa hiệu quả, theo ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp môi trường Việt Nam, Bộ Công thương. "Hiện nay chúng ta đang vướng ở việc người thực hiện chỉ nghĩ đến doanh nghiệp, người dân thôi, còn cơ quan quản lý đứng bên ngoài. Chính vì vậy, chúng ta có một khoảng trống ở đây và không giải quyết được. Chẳng hạn, chúng ta đều nghĩ rằng trách nhiệm đầu tiên là ai phát sinh rác thải thì bên đó phải trả tiền, và hình thành tư tưởng là phải có quỹ. Thế nhưng quỹ đấy để làm gì - nó sẽ gây hiểu nhầm là tôi đã trả tiền rồi thì tôi hết trách nhiệm - đẩy ‘quả bóng’ sang cái cơ quan quản lý quỹ. Trong khi đó, đáng nhẽ việc xử lý giảm rác thải phải ngay từ khâu đầu tiên cho đến khâu lưu thông và cho đến khâu cuối cùng”, ông Trần Văn Lượng giải thích.
Giải pháp nào khả thi?
Theo ông Hoàng Dương Tùng, một trong những biện pháp cần thiết sắp tới phải có sự nhận thức đầy đủ để xem những khó khăn trong việc tái sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp nằm ở đâu. "Tôi nghĩ rằng có thể họ không cần tiền mà cần một cơ chế: khi tôi có những ý tưởng [tái chế], tôi làm tốt như thế thì tôi sẽ được tạo điều kiện để thực hiện cho tốt, không phải ‘xin anh này anh nọ’, kéo dài từ các địa phương đến Trung ương”, ông Hoàng Dương Tùng nhận định. "Hiện nay, rất nhiều vấn đề tưởng là nhỏ nhưng đã gây rất nhiều cản trờ và khó khăn cho những doanh nghiệp muốn thực hiện cải tiến, đổi mới để tiết kiệm được tài nguyên”.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Lượng, việc tạo ra thị trường cho các sản phẩm tái chế cũng rất quan trọng. "Rất nhiều doanh nghiệp tái chế nước ngoài người ta vẫn sống được và trở thành tỉ phú vì việc tái chế của họ mang lại lợi nhuận”, ông cho biết. "Cái chính ở đây là sản phẩm. Không phải chỉ hỗ trợ mà tạo ra thị trường”. Ông dẫn ví dụ, muốn tiêu thụ tro xỉ của nhà máy nhiệt điện dưới dạng vật liệu xây dựng thì cần phải có vai trò của nhà quản lý. "Chẳng hạn như không được sử dụng những vật liệu khác để lát đường mà bắt buộc phải sử dụng tro xỉ để làm vật liệu ở những nơi công cộng hoặc những công trình giao thông. Nếu như có lợi thì có khi cả những nhà máy nhiệt điện họ cũng đầu tư dây chuyền để xử lý ngay”, ông cho biết. "Còn nếu chỉ khuyến khích nhưng sản phẩm họ làm ra không bán được cho ai cả, giá thành sản xuất thì cao hơn thì cũng không giải quyết được vấn đề”.
Theo Mỹ Hạnh/KH&PT