Dự án hạ tầng 'làm khó' hệ thống thoát nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/4/2024 | 10:30:00 AM

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê, hiện nay, việc tiêu thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội được chia ra theo 3 khu vực gồm: lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và Long Biên - Cầu Bây. Thế nhưng, tại những khu vực này, không khó để chỉ ra những bất cập của hạ tầng đối với công tác tiêu thoát nước.

Đơn cử, tại lưu vực sông Tô Lịch, hàng loạt dự án đang thi công với thời gian kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước như: dự án Đường sắt Đô thị thí điểm TP Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); dự án Cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê; dự án Xây dựng tuyến đường từ nút rẽ ra phố Núi trúc đến phố Sơn Tây; các gói thầu số 2, 3 của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá; dự án mở rộng đường Tam Trinh…


Nhiều khu vực ở Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa. Ảnh: Phạm Hùng

Cũng tại khu vực này, các trạm bơm điều tiết hồ được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp ảnh hưởng đến công tác vận hành điều tiết hệ thống. Ngoài ra, các trạm biến áp, tủ phân phối cho các trạm bơm hồ Định Công, hồ Khương Trung 1, hầm chui Trung Hòa đến nay vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị thoát nước để quản lý, vận hành, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cung cấp điện cho trạm bơm để điều tiết mực nước các hồ khi mưa.

Trong khi đó, tại khu vực Long Biên, hệ thống cống, kênh mương thoát nước đã được đầu tư theo quy hoạch nhưng các trạm bơm đầu mối như: Cự Khối 55m3/s; Gia Thượng 10m3/s chưa được đầu tư đồng bộ khiến hệ thống thoát nước lưu vực thoát chủ yếu bằng hình thức tự chảy qua sông Cầu Bây và một phần được bơm cưỡng bức ra sông Đuống qua trạm bơm dã chiến cầu Đông Trù.

Tương tự, hệ thống thoát nước lưu vực sông Nhuệ cũng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch; các công trình hạ tầng kỹ thật đầu mối chưa được triển khai xây dựng… gây ảnh hưởng đến công tác thoát nước của TP.

Đại diện các xí nghiệp thoát nước thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trước mắt, để khắc phục những bất cập trên, đơn vị đã làm việc với chủ đầu tư, đơn vị thi công thống nhất phương án dẫn dòng, phối hợp ứng trực, thanh thải, phương án xử lý các tình huống có thể xảy ra; tăng cường cải tạo sửa chữa các đoạn cống cũ, lún, sụt để bảo đảm an toàn và khả năng thoát nước khu vực… Song, về lâu về dài các đơn vị có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống thoát nước nói riêng.

Đồng quan điểm trên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước nhưng quy hoạch này hiện đã không theo kịp nhu cầu, tốc độ đô thị hóa… khiến công tác tiêu thoát nước, hạn chế tình trạng ngập úng gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả TP, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm… phải xác định quy hoạch phải đi trước đón đầu.

Trong khi đó, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, để hạn chế tình trạng ngập úng, ngoài việc nâng cao hệ thống thoát nước, chúng ta cũng cần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

"Chúng ta cần vận động người dân không vứt rác bừa bãi xuống ao hồ, cống thoát nước, khẩn trương lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ… để công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu ngập úng tại Thủ đô đem lại hiệu quả bền vững” - PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Trình Vũ/Kinh tế & Đô thị

Tags hệ thống thoát nước hạ tầng thoát nước ngập úng

Các tin khác

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tái chế, thường tập trung vào đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế thay vì thực hiện tái chế hoặc ký hợp đồng với các cơ sở tái chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục