Quản lý nước thải công nghiệp: Giám sát chặt chẽ từ thiết kế - thi công - vận hành

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2020 | 8:58:40 AM

QLMT - Thực tế cho thấy, những lợi ích từ các khu công nghiệp mang lại là không thể phủ nhận khi nó kích thích phát triển kinh tế vùng, tăng GDP, giải quyết việc làm... Tuy nhiên, mặt trái của nó là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên nếu như không có một hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện.


Theo các chuyên gia, đối với hệ thống nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp, cần áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, có sự quản lý giám sát chặt chẽ từ quá trình thiết kế, thi công xây lắp và vận hành (Ảnh: Internet).

Nước thải chưa được xử lý đúng quy định

Theo các nghiên cứu tác động môi trường của Tổng cục Môi trường, các ngành như công nghiệp dệt may, giấy và bột giấy… các chỉ số sinh học của nước thải thường vượt nhiều lần ngưỡng cho phép do sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất, có thể gây ô nhiễm nặng nề các nguồn nước mặt trong vùng nếu không được xử lý đúng cách.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu năm 2020 cho thấy, trong số 274 khu công nghiệp đang hoạt động, đã có 242 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%. Hầu hết các khu công nghiệp được xây dựng trên các tuyến sông lớn, vừa thuận tiện cho việc lấy và xả nước. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với tăng khả năng gây ô nhiễm diện rộng nếu nước thải từ các khu công nghiệp không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường.

Riêng khu vực miền Bắc, đa số các khu công nghiệp tại các địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… cũng đều có hệ thống xử lý nước thải theo quy định.

Như tại tỉnh Bắc Ninh, hiện có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp hiện tại khoảng 37.000 m3/ngày đêm, cơ bản đã được thu gom và đưa về các hệ thống xử lý nước thải tập trung của đơn vị quản lý, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra ngoài môi trường. Hiện còn 01 khu công nghiệp chưa hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.

Tương tự, tại Hải Dương, theo danh mục quy hoạch khu công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh có 18 khu công nghiệp. Đến nay, đã có 11 khu công nghiệp được quy hoạch chi tiết, đã xây dựng đầu tư đồng bộ hạ tầng và đi vào hoạt động. Đến nay, có 9/11 khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

Còn tại Hải Phòng, hiện tỉnh có 6/6 khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung và sử dụng mạng lưới công thu gom riêng. Tổng công suất thiết kế các nhà máy là 28.000 m3/ngày đêm, tổng công suất vận hành đạt 20.100m3/ngày đêm. Các nhà máy đều áp dụng công nghệ sinh học nhân tạo để xử lý nước thải.

Tuy nhiên, với các cụm công nghiệp tại các địa phương trên thì vẫn còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường do hầu hết chưa có hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chung để thu gom xử lý nước thải.

Đẩy mạnh công tác quản lý nước thải

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên là do một số địa phương chỉ tập trung thu hút đầu tư, thiếu đôn đốc, kiểm tra, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng như đưa vào vận hành kịp thời hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; chưa giám sát chặt chẽ việc xả nước thải của các khu công nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt phía ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Do đó, để đẩy mạnh công tác quản lý nước thải tại các khu công nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần sớm xây dựng bộ chỉ số, chỉ tiêu ô nhiễm đặc thù cho các loại hình sản xuất tại các khu công nghiệp. Với từng ngành sản xuất khác nhau, các hóa chất độc hại trong nước cũng khác nhau, do đó, yêu cầu khu công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường là bắt buộc…

Ông Lê Doãn Hoài - Trưởng phòng Kiểm toán môi trường, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho biết, bên cạnh việc sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và có biện pháp xử phạt nghiêm để tạo sự răn đe nhằm ngăn chặn các vi phạm về bảo vệ môi trường trong tương lai. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ dữ liệu, khai thác hệ thống trang thiết bị và các nguồn lực quản lý môi trường tại các địa phương, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các doanh nghiệp và các khu công nghiệp một cách hiệu quả nhất nhằm thực hiện kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, có sự quản lý giám sát chặt chẽ từ quá trình thiết kế, thi công xây lắp và vận hành; tạo ra sự hoạt động đồng bộ và hiệu quả của hệ thống. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quan trắc online để giám sát thường xuyên chất lượng nước thải trước khi xả ra nguồn tiếp nhận hiệu quả nhất…

Theo Linh Đan/Báo Xây dựng

Các tin khác

Xanh hóa các khu công nghiệp (KCN) là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh của khách hàng, đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam trong phát triển bền vững.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có kết quả quan trắc môi trường không khí lần 1/2024 tại 26 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Thanh tra, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thanh Hoá đã có Thông báo số 66/TB-STNMT về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã phối hợp các cơ quan tại các huyện, thị xã tiến hành kiểm tra chất lượng nước thải sau hệ thống xử lý tập trung của các khu công nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự