Nguy cơ Italy tiếp tục đối mặt với hạn hán nghiêm trọng trong năm 2023

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/2/2023 | 4:45:06 PM

QLMT - Sông Po của Italy sẽ phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng giống năm ngoái - đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ.

Các con sông và hồ của Italy đang phải đối mặt với một năm hạn hán nghiêm trọng nữa, sau một mùa Đông ít mưa và tuyết, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ quả đối với nông nghiệp, thủy điện và nguồn nước uống tại nước này.

Các khu vực rộng lớn của sông Po, con sông dài nhất Italy cung cấp nước cho một số vùng miền Bắc và miền Trung Italy, đã bị khô hạn, trong khi mực nước trên hồ Garda hiện ở mức thấp nhất trong 35 năm qua vào mùa Đông. Mực nước thấp hơn bất thường ở Venice đã làm cạn kiệt các con kênh của thành phố này, khiến những chiếc thuyền gondola bị mắc cạn.


Sông Po ở Boretto, đông bắc Parma, Italy, khô cạn do hạn hán ngày 15/6/2022. (Ảnh: AFP)

Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (CNR) của Italy cho biết lượng mưa ở miền Bắc nước này đã giảm 40% trong năm 2022 và việc không có mưa kể từ đầu năm 2023 là nghiêm trọng.

Đặc biệt, sau một mùa Đông ít mưa và tuyết, nếu không có mưa vào mùa Xuân, sông Po, chảy từ dãy núi Alps ở Tây Bắc Italy, qua đồng bằng sông Po trước khi đến biển Adriatic, sẽ phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng giống năm ngoái - đợt hạn hán tồi tệ nhất ảnh hưởng đến tuyến đường thủy này trong 7 thập kỷ.

Tại khu vực Pavia của thung lũng sông Po, mực nước hiện thấp hơn 3 mét so với mực nước biển, biến các bờ sông thành bãi biển – một hiện tượng thường thấy vào mùa Hè.

Ông Luca Mercalli, Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Italy, cho biết mùa Xuân thường là mùa có mưa nhiều nhất tại thung lũng sông Po. Nếu lượng mưa vào các tháng Tư, tháng Năm có thể bù lại thì đó là hy vọng cuối cùng. Nếu năm nay tiếp tục không có mưa Xuân, thì đây sẽ là lần đầu tiên Italy không có mưa Xuân trong hai năm liên tiếp.

Sông Po cũng chảy qua các vùng Emilia-Romagna và Veneto, một trong những vùng nông nghiệp quan trọng nhất ở châu Âu. Ngoài đợt nắng nóng kéo dài năm 2022, thung lũng sông Po cũng đã trải qua hạn hán vào các năm 2007, 2012 và 2017.

Các nhà khoa học cho biết việc hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên là một dấu hiệu nữa của khủng hoảng khí hậu. Coldiretti, Hiệp hội nông dân lớn nhất của Italy, cho hay đợt hạn hán năm 2022 đã gây thiệt hại tới 6 tỷ euro (6,4 tỷ USD) cho ngành nông nghiệp.

Hiệp hội này cảnh báo rằng nếu không ngăn chặn một đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng nữa, thì 1/3 sản lượng nông nghiệp có thể gặp rủi ro trong năm nay.

Trong khi đó, người đứng đầu chính quyền lưu vực sông Po, Alessandro Bratti nhấn mạnh tình hình thiếu nước nghiêm trọng nhất ở các vùng Piedmont và Lombardy, trong khi hạn hán đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy điện ở vùng Trentino.

Với mực nước sông Po quá thấp, một vấn đề nữa là nước biển đang lấn sâu hơn vào sông, lấp đầy các tầng chứa nước và khiến nước không thể sử dụng được để tưới tiêu cho đất nông nghiệp.

Mùa Hè năm ngoái, Chính phủ Italy, lúc đó do Thủ tướng Mario Draghi đứng đầu, đã giải ngân 36,5 triệu euro (39,1 triệu USD) để giúp đỡ các vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Động thái này cũng cho phép chính quyền địa phương có hành động ngay lập tức, chẳng hạn như áp dụng các biện pháp phân phối nước.

Mặc dù các biện pháp được chính quyền lưu vực sông Po điều phối, nhưng cơ quan này chỉ có quyền tư vấn, chẳng hạn như đề xuất những cách nông dân có thể sử dụng ít nước hơn.

Ông Bratti cho rằng cần phải có luật trao cho chính quyền lưu vực sông Po quyền giải quyết vấn đề, chẳng hạn như yêu cầu nông dân ngừng lấy nước trong 1 tháng hoặc ngừng thủy điện trong 1 tuần.

Chính quyền khu vực cũng có các dự án và quỹ cho cơ sở hạ tầng thủy văn, chẳng hạn như xây dựng các rào chắn để ngăn nước biển tràn vào sông. Theo ông Bratti, điều quan trọng là phải đẩy nhanh các dự án.

Hải Đăng (T/h)

Tags Italy hạn hán nghiêm trọng đối mặt với hạn hán

Các tin khác

Để ứng phó với tình trạng nắng nóng kỷ lục ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo, các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách phát triển các giống lúa chịu hạn, đa dạng hóa cây trồng và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm.

Những năm gần đây, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công... gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở, lún sụt...

Biến đổi khí hậu có thể khiến mưa lớn, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng trở nên trầm trọng và kéo dài lâu hơn trên khắp thế giới.

Hiện tượng El Niño đang suy yếu, cùng với hiện tượng được gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương, đang đóng một vai trò nào đó, đặc biệt là gây ra lũ lụt ở Đông Phi, hạn hán ở Nam Phi và nhiệt độ cao ở Đông Nam Á.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục