Xuyên đêm theo chân những công nhân dò đường ống nước vỡ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 11/5/2024 | 10:42:34 AM

Cũng ống dò, ống nghe đeo tai, cũng bắt mạch, siêu âm, thăm khám, hội chẩn như bác sĩ, nhưng họ không chữa bệnh, mà đêm đêm lại rong ruổi trên nhiều nẻo đường ở TPHCM tìm bệnh cho những ống nước dưới lòng đất.


Nhóm công nhân dò bể tại khu vực Phường 17, quận Bình Thạnh. Ảnh: Anh Tú

Ánh đèn thấp thoáng, những bước chân chậm rãi, âm thanh vang lên từ thiết bị dò cùng những tiếng động vọng lên từ lòng đất... Đó là những thứ rất đỗi quen thuộc diễn ra hằng đêm của những người thợ dò ống nước bể…

Công việc đầy thử thách

Khoảng 23h, nhóm công nhân dò bể thuộc Tổ Quản lý mạng lưới (Đội Thi công tu bổ 2, Công ty CP Cấp nước Gia Định - Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) đã có mặt tại khu vực Phường 17, quận Bình Thạnh bắt đầu truy tìm những ống nước dưới lòng đất bị bể.

Anh Nguyễn Trung Hiếu (Trưởng nhóm dò bể) tay cầm ống dò nhấc từng nhịp đều để "bắt bệnh”. Có kinh nghiệm gần 15 năm, khi phát hiện âm thanh từ lòng đất vang lên thông qua ống đeo tai nghe, anh Hiếu sẽ xác định ngay điểm bể, rò rỉ đường ống trong lòng đất.

"Nghề này chỉ có thể làm về đêm, vì lúc ấy thành phố im ắng, không gian tĩnh lặng chúng tôi mới "nghe” được tiếng nước chảy rõ nhất”, anh Hiếu nói.

Anh Hiếu kể, việc dò tìm và sửa chữa những đường ống nước bị vỡ, rò rỉ vào ban đêm ẩn chứa nhiều khó khăn và thử thách. Những hôm qua các tuyến hẻm tối, khuất tầm nhìn thì việc xác định vị trí chính xác của ống nước bể trở nên khó khăn hơn nhiều so với ban ngày...

"Công việc đòi hỏi họ phải có kỹ năng chuyên môn cao, sự cẩn thận tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm lớn”, vị trưởng nhóm nhấn mạnh.

Công việc của nhóm công nhân thường bắt đầu từ 22h30 ngày hôm trước và kết thúc vào khoảng 4h hôm sau. Trước khi vào vị trí, họ khoác áo phản quang, khệ nệ khuân đồ nghề gồm máy dò, xà beng, đèn pin… rồi lần theo từng tuyến ống nước.

"Mọi người đặt biệt danh cho chúng tôi là "bác sĩ dò bể”. Đó như là động lực giúp anh em nỗ lực mỗi ngày giúp giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch cho thành phố”, anh Nguyễn Hoàng Phương (thành viên nhóm dò bể) cười nói...

Nỗ lực để giảm thất thoát nước sạch cho thành phố

Anh Hiếu chia sẻ, việc nghe đi nghe lại nhiều lần những tạp âm dưới lòng đất rất khó chịu, trung bình khoảng 15 phút nhóm phải đổi người do bị ù tai. Với nỗ lực không ngừng, tỉ lệ thất thoát nước ở khu vực họ phụ trách ngày càng giảm.

Nói về kỷ niệm khi vào nghề, anh Hiếu kể nhiều khi đang đi dò gặp người say xỉn lao vào đòi đánh vì tưởng là trộm.

"Không những thế, làm nghề này còn phải đối mặt với hiểm nguy khi xe cộ vào ban đêm thường chạy rất nhanh và ẩu, nếu không để ý dễ bị va quẹt, hoặc chó sủa vang trời… Có lần người dân còn gọi báo công an vì nghi kẻ trộm”, anh Hiếu cười nhớ lại.

Theo anh Lê Ngọc Sơn (Tổ trưởng Tổ Quản lý mạng lưới, Đội Thi công tu bổ 2) nhân viên kỹ thuật dò bể được đào tạo bài bản cùng với thiết bị hỗ trợ nên giúp cho việc xác định điểm bể chính xác khoảng 95%.

"Để phát hiện được một điểm rò rỉ đòi hỏi thợ dò bể tai phải nhạy, mắt phải tinh; phải phân biệt giữa nhiều âm thanh xuất phát từ lòng đất nghe y chang tiếng nước chảy”, anh Sơn nói.

Trung bình mỗi đêm, công nhân dò bể đi bộ khoảng 4-5km và xác định được khoảng 3-5 điểm bể. Đêm sương lạnh, trên mặt người thợ dò bể vẫn lấm tấm mồ hôi...

"Dù vất vả là vậy nhưng rất hiếm anh em nào bỏ nghề, có người đã gắn bó đến 30 năm. Chúng tôi cứ nghĩ vì lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần trong công tác giảm thất thoát nước sạch của thành phố mà cố gắng làm việc hết mình...”, anh Sơn bộc bạch.

Theo Minh Tâm - Anh Tú/laodong.vn

Tags công nhân ống nước vỡ ống nước thợ dò ống nước

Các tin khác

Sáng 19/9, Hội Chữ thập đỏ cùng Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thăm và tặng 200 suất quà cho công nhân lao động của Công ty CP Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội đã đến thăm hỏi, động viên các nữ công nhân môi trường đô thị đang vất vả thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các phường trên địa bàn Hà Nội.

“Mấy ngày này đi làm cũng sốt ruột ở nhà lắm. Thỉnh thoảng lại gọi điện về cho 2 con ở nhà dặn nếu nước vào nhà thì trèo lên tầng 2. Cũng chỉ có thể làm được như thế vì ở đây việc dọn dẹp cây đổ sau bão số 3 vẫn bộn bề...” - chị Ninh Thị Loan - tổ trưởng tổ thu gom rác thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm chia sẻ.

Chị Hiếu là nhân viên của Công ty TNHH Nga Hải, chịu trách nhiệm thu gom rác tại phường Hợp Giang, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chị là một trong những công nhân môi trường kỳ cựu của thành phố Cao Bằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục