Sơn La: Nhiều cơ sở sơ chế cà phê gây ô nhiễm môi trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/9/2021 | 9:18:38 AM

QLMT - Từ những ngày đầu tháng 9-2021, người dân sinh sống tại các bản Củ 2, Củ 3, Huổi Khoang, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã phát hiện dòng suối dài khoảng 2km chảy qua địa bàn không còn trong mà chuyển dần sang màu đen và bốc mùi hôi, khó chịu.

Các giếng khoan, giếng đào của người dân nơi đây cũng bị ô nhiễm theo, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ gia đình. Ngoài đoạn chảy qua khu dân cư, dòng suối này còn chảy qua khu vực trồng lúa và là nguồn nước chính trong sản xuất nông nghiệp ở đây. Nguyên nhân của tình trạng trên là nước thải của các cơ sở hoạt động sơ chế cà phê trên địa bàn xả trực tiếp ra môi trường. Hàng năm, cứ vào vụ thu hoạch thì tình trạng xả nước thải trên lại tái diễn. 

Các cơ sở sơ chế cà phê ở Ma Sơn gây ô nhiễm môi trường

Dòng suối trên địa bàn huyện Mai Sơn chuyển màu đen do nước thải từ sơ chế cà phê. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn hiện có 1.250ha cà phê, sản lượng dự tính trong niên vụ 2021 – 2022 khoảng 30.000 tấn quả tươi. Tại đây, hiện có trên 40 hộ đăng ký kinh doanh sơ chế cà phê và 295 hộ dân sơ chế cà phê theo hình thức nhỏ lẻ. Nhưng hiện mới có 38 hộ thực hiện đào hố và lót bạt HDPE chống thấm để chứa nước thải.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Hoàng Thị Hồng, trên địa bàn mới có 2 nhà máy sơ chế cà phê đủ điều kiện hoạt động nhưng công suất không thể đáp ứng được. Do đó, các hộ dân đã sử dụng máy móc tự chế để sơ chế cà phê nên khó xác định được quy mô, công suất dẫn đến khó xác định hành vi vi phạm. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sơ chế quả cà phê tươi đạt quy chuẩn đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, mặt bằng rộng.

Theo Anh Tòng Văn Bình, bản Củ 3, vì tình trạng ô nhiễm trên nên hơn 1 tuần nay, gia đình anh phải sử dụng nguồn nước lấy từ trên đồi xuống. Ông Lò Văn Dược, Trưởng bản Huổi Khoang cho biết, hiện tại người dân nơi đây đang rất lo lắng về sức khoẻ bị ảnh hưởng và cả năng suất, chất lượng của cây lúa.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Chiềng Ban cho biết, hiện nay mới vào đầu vụ sơ chế cà phê, một số hộ dân sản xuất nhỏ lẻ vẫn xả thải ra môi trường. Xã đang triển khai để các hộ ký cam kết và đảm bảo đào hố lót bạt, không xả thải ra môi trường. Xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân.

Theo bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, huyện đang tiếp tục triển khai ký cam kết với các chủ cơ sở, hộ gia đình có hoạt động sơ chế cà phê; hướng dẫn các hộ dân thực hiện các thủ tục về môi trường, xây dựng công trình xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm trong quá trình sơ chế quả cà phê. Đồng thời, huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở sơ chế, dừng hoạt động những hộ chưa có giải pháp xử lý nước thải; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình sơ chế cà phê khi chưa có các công trình thu gom, xử lý nước thải.

 

Bắc Lãm (t/h)


Tags huyện Mai Sơn sơ chế cà phê xử lý nước thải ô nhiễm

Các tin khác

Để ứng phó với tình trạng nắng nóng kỷ lục ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo, các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách phát triển các giống lúa chịu hạn, đa dạng hóa cây trồng và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm.

Những năm gần đây, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quá trình phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công... gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở, lún sụt...

Biến đổi khí hậu có thể khiến mưa lớn, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng trở nên trầm trọng và kéo dài lâu hơn trên khắp thế giới.

Hiện tượng El Niño đang suy yếu, cùng với hiện tượng được gọi là Lưỡng cực Ấn Độ Dương, đang đóng một vai trò nào đó, đặc biệt là gây ra lũ lụt ở Đông Phi, hạn hán ở Nam Phi và nhiệt độ cao ở Đông Nam Á.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục