Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL:

Đất và nước là hai nền móng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long được Nghị quyết 120 bảo vệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2024 | 10:46:21 AM

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Vị trí xây hồ chứa tại Đồng Tháp đặt gần Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, diện tích xây dựng khoảng 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ m3. Hồ chứa thứ hai nằm gần Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) dung tích 1 tỷ m3. Từ những đề xuất này, trong bối cảnh định hướng phát triển ĐBSCL đã hoàn toàn thay đổi từ 2017 bằng Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ phát triển ĐBSCL với tinh thần "thuận thiên”, coi nước mặn, ngọt đều là tài nguyên, đảo chiều trật tự ưu tiên cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa đứng chót, sau cây ăn trái và thủy sản. Vì sao một nghị quyết được đánh giá là đột phá lớn cho ĐBSCL vẫn chưa hiệu dụng sau hơn 7 năm được ban hành?  

Với mối quan tâm rộng hơn, phân tích sâu hơn về những rào cản chính sách, pháp lý, thực trạng hiện nay, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - Đại học Fulbright Việt Nam), và ghi ý kiến của ThS. Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL), PGS-TS. Lê Anh Tuấn (giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ).

Sau đây là ý kiến của ThS. Nguyễn Hữu Thiện.


ThS. Nguyễn Hữu Thiện

Trước giờ tôi thường nói ĐBSCL có 3 nhóm nguy cơ. Nhóm một là từ thượng nguồn xuống, gồm có biến đổi khí hậu ở phía thượng nguồn và thủy điện. Thứ hai là biến đổi khí hậu tác động tại chỗ và nước biển dâng. Thứ ba là những vấn đề nội tại của đồng bằng do nền nông nghiệp chạy theo số lượng trong thời gian dài.

Bây giờ tôi buộc phải thêm vô một nhóm nguy cơ thứ tư: là những thông tin sai lệch và những giải pháp "hiến kế” giết chết đồng bằng nhanh hơn.

Trước hết, có hiểu lầm rất lớn về hạn mặn. Điểm lại tình hình hạn của năm nay, hạn đến rất muộn nhưng có khi báo chí vẫn nói là hạn đến sớm. Thực tế là nó đến vào tháng 11, 12 mới là sớm, năm nay từ tháng 3 đổ đi mới có hạn, tức rất muộn. Tôi cũng khẳng định sông Mê Kông năm nay không cạn kiệt mà rất đầy nước trong suốt mùa khô vừa qua. Bản đồ độ ẩm ướt của ĐBSCL cho đến tháng 4 thì gần như toàn bộ đồng bằng vẫn ẩm ướt. Bởi vì năm ngoái lũ đạt đỉnh muộn một tháng so với bình thường. Cho nên đuôi mùa lũ kéo sang đầu khô. Vì vậy mùa khô tháng 1, 2 đồng bằng rất nhiều nước cho tới tháng 4. Nhưng có hai vùng hạn, đó là vùng duyên hải cửa sông Cửu Long ven biển phía đông trải dài từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và vùng bán đảo Cà Mau.

Vùng bán đảo Cà Mau là vùng không nhận nước từ sông Hậu. Nước ở đây là nước mưa, cho nên gặp năm vừa qua là El Nino nắng nóng, bốc hơi nhanh thì vùng này kiệt nước. Nhưng đáng nói là vùng cửa sông Cửu Long thiếu nước vì chúng ta không cho nước vào nữa. Mùa khô tại đây trong tự nhiên ngày xưa phải là nước lợ, do nước mặn đi vào pha với nước ngọt. Nhưng chúng ta không "chấp nhận” điều tự nhiên này. Trước đây do tư duy xem nước mặn là kẻ thù và ưu tiên sản lượng lúa nên ta làm đê bao giữ cho ngọt quanh năm. Trong bối cảnh ngày nay, năm nào có El Nino cực đoan khô hạn thì nước ngọt bay hơi mất từ đầu tháng giêng, thế là không có nước mặn, cũng không có nước ngọt, cho nên mới hạn. Còn lại toàn bộ đồng bằng rất ẩm ướt, nhưng những ai không hiểu thực tế đồng bằng thì tưởng cả đồng bằng đang "oằn oại” thiếu nước.


Ngư dân huyện An Phú, tỉnh An Giang đánh bắt cá linh đầu mùa lũ bằng dụng cụ lưới đáy. Ảnh tư liệu: Nông nghiệp Việt Nam

Việc đề xuất xây 2 hồ chứa nước ngọt, tôi cho là xuất phát từ sự hiểu lầm này. Tình hình năm nay đã cho thấy rõ khi sông Mê Kông không hề cạn kiệt thì 2 vùng này vẫn khô hạn do ngăn mặn. Vậy thì xây hồ to lớn ở Đồng Tháp để làm gì? Có liên quan gì tới hạn ở vùng ven biển đâu? Còn hồ ở vùng Phụng Hiệp càng không ổn. Thực tế vùng này trong mấy chục năm vừa qua bị ngộp trong mùa khô vì nước sông đầy óc ách làm cho đất đai không thở được. Mùa khô ở vùng này nước sông cao hơn ruộng đồng làm cho đồng ruộng bị trầm thủy lưu niên, người dân rất khổ. Mùa khô không cày phơi đất được nên người dân bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng mía thì mía không ngọt, chuyển sang trồng cam thì cam thúi rễ, trồng tràm thì tràm ốm nhom. Giờ làm thêm hồ trữ nước trong vùng nước ngập mênh mông này để làm gì?

Giải pháp cho đồng bằng đã có rồi. Từ năm 2017, chính phủ đã có Nghị quyết 120/NQ-CP với tinh thần "thuận thiên”, sau đó bản Quy hoạch tích hợp ĐBSCL dựa trên tinh thần Nghị quyết 120 đã được soạn thảo. Quy hoạch này đã được Thủ tướng công bố tại Cần Thơ tháng 6.2022. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết 13 về phát triển bền vững ĐBSCL. Đây là khung chính sách rất tốt, nếu thực hiện tốt thì đồng bằng sẽ vượt qua được những vấn đề nội tại, thích ứng được với biến đổi khí hậu và đi tới một tương lai thịnh vượng.

Gần đây tôi thấy có rất nhiều hội thảo, diễn đàn "hiến kế” đủ các kiểu đều dựa trên sự hiểu lầm về tình hình hạn - mặn, thủy điện, biến đổi khí hậu ĐBSCL. Các giải pháp đều kiểu "xức thuốc đỏ”, đau đâu trị đó. Điều này rất nguy hiểm. ĐBSCL cần được xem là một cơ thể sống, tác động một nơi ảnh hưởng nơi khác. Quy hoạch tích hợp mà Chính phủ phê duyệt là một giải pháp tổng thể như thế.

Về đề xuất hồ ở Đồng Tháp rộng tới 27.000 ha tôi thấy rất lo. Diện tích cả huyện Tam Nông chỉ có 45.000 ha, trong đó 7.000 ha thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim. Làm cái hồ 28.000 ha thì dân đi đâu mà sống, trong khi đó hồ này chả liên quan gì chuyện hạn ven biển. Còn khi nói hồ này chứa được 1,5 tỷ m3 thì cần xem lại dựa trên cơ sở nào, vì trong mùa khô nước bốc hơi khoảng 6 mm/ngày. Qua một mùa khô thì mất ít nhất 1,3 m nước rồi, còn lại bao nhiêu và "cứu” được ai?

Quy hoạch tích hợp ĐBSCL mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg 2022 chia ĐBSCL thành ba vùng. Vùng lõi ngọt, là vùng phía đầu nguồn bao gồm Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên xuống đến khoảng giữa đồng bằng. Vùng này luôn luôn có nước ngọt, thực tế đã chứng minh qua những năm khô hạn nhất như 2016 và 2020. Vậy vùng này thì sử dụng cho nông nghiệp, thủy sản nước ngọt là phù hợp.

Tiếp theo là vùng lợ, hiện đang có nhiều công trình ngọt hóa quanh năm nhưng mục tiêu là sau 2030 sẽ trả trở lại thành ngọt mùa mưa, lợ mùa khô để không phải mỗi mùa khô thì phải "oằn mình”, "kiên cường” chống hạn - mặn nữa, mà có thể tận dụng cơ hội kinh tế của nước lợ. Vùng sát biển và vùng bán đảo Cà Mau là vùng mặn, thì canh tác theo mặn.


Cần chuyển đổi hướng đi tuần hoàn cho cây lúa ở miền Tây Nam bộ, từ "bát cơm đầy” sang "những bát cơm có giá trị cao”. Nguồn: Vnbusiness

Khi đã chuyển đổi canh tác cho phù hợp với quy hoạch này thì giải quyết được chuyện nước cho sản xuất. Còn lại là vấn đề nước sinh hoạt cho người dân cần được giải quyết chứ không thể trông cậy vào việc giải cứu như vừa qua mãi được. Nước cho sinh hoạt phải tách riêng ra, không nhập nhằng với các công trình thủy lợi vì nước trong các cống ngăn mặn đen ngòm, hôi thúi không phù hợp cho sinh hoạt. Giải quyết nước cho sinh hoạt thì có hai hướng. 

Một, cách truyền thống theo ông bà ngày xưa là ao, mương, đìa rồi lu, hũ chứa nước ăn. Năm nay chúng tôi quan sát thấy có một hiện tượng rất vui. Đó là những hộ sống sát ven biển thì năm nào mùa khô cũng mặn nhưng họ không hề thiếu nước sinh hoạt. Tại vì họ biết chắc không có nước nên đã chuẩn bị từ trước, tức người dân giải quyết bằng kinh nghiệm truyền thống trong phạm vi gia đình mình.

Hai, những cái dân làm không được và ở cấp cộng đồng thì Nhà nước phải làm. Thí dụ như có thể tạo những ao lớn hơn, những đường ống chuyển nước cho các nơi trong khoảng cách cho phép, rồi ứng dụng công nghệ mới như màng lọc nano, công trình bốc hơi nước biển, hoặc kể cả những nhà máy lọc nước biển. Thật ra, nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt rất nhỏ. Giải quyết được cái đó thì người dân không phải lo nữa. Ở dưới ruộng thì xả nước lợ cho nuôi tôm, chứ sao cứ làm lúa quanh năm suốt tháng?

Quy hoạch tích hợp ĐBSCL có tinh thần rất tiến bộ dựa trên nguyên tắc 3 tầng: tầng đế là nền tảng sức khỏe đất, nước, sinh thái; tầng kế trên là công trình hạ tầng; tầng trên cùng là các hoạt động phát triển kinh tế. Phương pháp quy hoạch này nhấn mạnh là làm gì cũng phải giữ cho được tầng đế mới bền vững.

Tóm lại chính sách dài hơi cho ĐBSCL đã có rồi. Vấn đề là thực hiện cho đúng, đối xử với đồng bằng như một cơ thể sống. Những kiến nghị manh mún kiểu "uống thuốc giảm đau” dựa trên sự hiểu sai lệch về tình hình ĐBSCL rất nguy hiểm. 

Theo Người đô thị

Tags ĐBSCL nước ngọt Nghị quyết 120 hồ chứa tài nguyên đất tài nguyên nước

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Sau gần 30 năm đi vào vận hành, thị trường tín chỉ carbon đã thể hiện nhiều điểm bất hợp lý và xa rời thực tế của nó trong công cuộc chống biến đổi khí hậu

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục