Hiện trạng xử lý rác thải
Tính đến năm 2023, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) lên tới khoảng 9.700 tấn. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm lễ, Tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày.
Lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh, khoảng 10%/năm, nhưng việc xử lý rác vẫn theo cách cũ. Trong đó, 30% được tái chế và đốt công nghệ cũ, 70% được thực hiện theo hình thức chôn lấp, gây nguy cơ ô nhiễm thứ phát và không đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm đã đặt ra.
Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngay trong giai đoạn 2019-2020, TP.HCM đã phê duyệt hàng loạt dự án xử lý chất thải rắn và rác thải với tổng công suất xử lý 2.500 tấn/ngày và thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt phát điện bao gồm: Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Tâm Sinh Nghĩa (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày), Tập đoàn Vietstar (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày).
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Giám
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã thông qua chỉ tiêu đến năm 2025, Thành phố đạt tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.
Theo đó, tổng quy mô công suất các nhà máy điện rác cần đưa vào vận hành đến năm 2030 là 340MW, tương đương với khối lượng rác cần xử lý ước tính khoảng 15.000 tấn/ngày.
Hiện TP.HCM đã tiếp tục xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án điện rác trên địa bàn thành phố với tổng công suất 244MW.
Vướng mắc thể chế cho điện rác
Đối với các dự án điện rác đang được xem xét, phát triển trên địa bàn TP.HCM, ngoài các thủ tục pháp lý về xử lý rác, các quy định liên quan đến nhà máy điện cũng cần phải triển khai.
Để có cơ sở dự án được đấu nối vào lưới điện, là tiền đề tiến hành các thỏa thuận khác có liên quan theo Luật Điện lực và tiến tới ký Hợp đồng mua bán điện và sau này là công nhận vận hành thương mại (COD), nhà máy và phương án đấu nối cần được đưa và các quy hoạch có liên quan.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các quy hoạch này còn nhiều bất cập, chậm trễ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực quốc gia
Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), không đề cập đến loại hình điện rác cho từng tỉnh/khu vực.
Sau khi Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, TP.HCM đã có văn bản số 3535/UBND-KT ngày 24/7/2023 kiến nghị Bộ Công Thương xem xét và điều chỉnh quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của thành phố với công suất đặt là 340MW vào năm 2030.
Tuy nhiên, qua nhiều lần góp ý và thẩm định, tại tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 số 1345/TTr-BCT ngày 01/3/2024 của Bộ Công Thương, tổng quy mô công suất điện rác của TP.HCM đến năm 2030 vẫn chỉ là 123MW và không có danh mục các dự án để làm cơ sở thực hiện.
Mặt khác, theo thực tế các địa phương có danh mục dự án điện rác, Kế hoạch thực hiện cũng chỉ đề cập một số thông tin cơ bản của dự án như quy mô, vị trí, không đề cập đến phương án đấu nối.
Sở dĩ phương án đấu nối không được đề cập trong kế hoạch của Bộ Công Thương là do các dự án điện rác có quy mô nhỏ so với nguồn điện truyền thống, nên phương án đấu nối chỉ tập trung ở lưới điện 110kV trở xuống (chủ yếu là lưới điện 22kV) - thuộc thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch của địa phương theo Luật Quy hoạch.
Thứ hai, về quy hoạch của TP.HCM
Để có cơ sở triển khai chi tiết các hạng mục về lưới điện 110kV bao gồm trạm biến áp và đường dây đấu nối trở xuống, sau khi quy hoạch địa phương được phê duyệt và công bố, TP.HCM cần triển khai công tác lập kế hoạch thực hiện để thẩm định và ban hành.
Tuy nhiên, hiện Quy hoạch TP.HCM vẫn đang trong quá trình thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, việc lập và ban hành kế hoạch để làm cơ sở triển khai việc đấu nối và thực hiện các bước tiếp theo của các dự án điện rác ước tính chỉ có thể thực hiện sau 1 năm tính từ thời điểm thành phố công bố quy hoạch (Theo Luật Quy hoạch 2017, thẩm quyền ban hành kế hoạch của địa phương thuộc Thủ tướng Chính phủ).
Các nhà máy rác hiện vẫn hoạt động theo phương thức xử lý rác kiểu cũ, công nghệ được đánh giá khá lạc hậu. Ảnh: Hoàng Giám
Lời kết
Với dân số gần 9 triệu người, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày ở TP.HCM khá lớn, đảm bảo xây dựng nhà máy điện rác khả thi và hiệu quả, nên việc nghiên cứu đầu tư xây nhà máy điện rác rất cần thiết và cấp bách.
Nhà đầu tư về cơ bản đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực để có thể khởi công các dự án nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Các cơ quan chức năng cần có những phương thức quản lý phù hợp hơn để nhà đầu tư có thể đảm bảo được lợi nhuận thì đốt rác phát điện sẽ đem lại lợi ích lớn cho xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường sống cho người dân.
UBND Thành phố cần làm việc trực tiếp với Chính phủ, Bộ Công Thương để kịp thời đưa danh mục các dự án điện rác trên địa bàn thành phố vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đồng thời tăng quy mô công suất điện rác đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu xử lý rác của địa phương.
Tạo cơ chế cho phép triển khai trước các hạng mục lưới điện dưới 110 kV phục vụ đấu nối các nhà máy điện rác, sau đó thực hiện cập nhật trong các quy hoạch, kế hoạch có liên quan của thành phố. Sở Công Thương cần chủ động kết nối nhà đầu tư và EVN/EVNSPC để triển khai thỏa thuận đấu nối và các thỏa thuận chuyên ngành điện lực có liên quan.
Cho phép các dự án được thẩm định, phê duyệt có điều kiện, khởi công trước các hạng mục công trình xử lý rác song song với quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý về điện lực.
Tuy rằng trên lý thuyết, không cần phân loại rác vẫn có thể phát điện từ rác, nhưng trên thực tế, việc phân loại rác vẫn cần thiết cho đa số lớn các nhà máy điện rác trên thế giới. Đó là nhằm phục vụ việc tái chế và sử dụng kim loại; phân loại từ nguồn rác độc hại như pin, bộ phận điện tử... để áp dụng riêng biệt phương pháp xử lý chất thải độc hại.
Bởi vì, có nhiều khía cạnh mới lạ trong điện rác so với mặt bằng ở Việt Nam. Nếu cần thì thuê tư vấn quốc tế có đủ năng lực nhằm đánh giá những phương án được đề xuất, xem xét kỹ lưỡng các mặt kỹ thuật, kinh tế và môi trường, tính đúng tính đủ những bất lợi và thuận lợi kể cả yêu cầu về trợ giá và việc tính tín chỉ carbon.
----------------------------------------------------
Tiềm năng và thách thức loại hình điện rác
Nhà máy điện rác có rất nhiều điểm khác biệt so với nhà máy phát điện thông thường, vì thế cần có những tính toán đặc thù về các mặt kỹ thuật kinh tế và môi trường.
Cần áp dụng công nghệ cao nhằm xử lý các hợp chất dioxins và furans; trung hòa khí thải có tính axit; thiết bị thu hồi kim loại nặng dưới dạng bụi như thủy ngân, chì, cadimi... trước khi chôn lấp tro từ nhà máy điện rác, thiết bị kiểm tra tự động bằng điện tử nhằm đảm bảo những chất gây ô nhiễm ở dưới mức quy định; việc sử dụng nhiệt trong những hộ gia đình xung quanh nhà máy điện rác thay vì đơn thuần xử lý nhiệt.
Các địa phương trên thế giới vẫn phải tính toán kỹ để cân nhắc giữa điện rác và chôn lấp. Trong đó, nhiều địa phương đã không thực hiện điện rác khi thấy điện rác có chi phí cao hơn chôn lấp trong khi tiền bán điện không đủ trang trải chi phí và chính quyền không có chính sách trợ giá.
Với đặc thù nguồn rác tại Việt Nam, việc xử lý từ trước đến nay chủ yếu được thực hiện theo hình thức chôn lấp hoặc đốt thông thường. Cả hai phương pháp trên đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường - xã hội. Gần đây, một số dự án áp dụng công nghệ làm phân compost nhưng cũng không hiệu quả do đặc thù nguồn rác không được phân loại từ đầu.
Loại hình đốt rác phát điện (điện rác) hiện được áp dụng ở nhiều nước phát triển như là giải pháp chủ yếu xử lý rác hiệu quả. Với sự phát triển về kỹ thuật, hiện đã có nhiều công nghệ đốt rác phát điện có thể vận hành mà không cần phân loại rác như tại Việt Nam.
Về bản chất, các dự án điện rác không phải là dự án phát điện thương mại thông thường, mà với mục tiêu xử lý rác thải sinh hoạt là chính. Trong đó, bên cạnh việc xử lý môi trường hiệu quả còn phát sinh thu hồi nhiệt để phát điện, đem lại hiệu quả đồng hành cho tổng thể dự án.
Thực tế cho thấy trong vài năm qua, một số nhà máy điện rác đã được đưa vào vận hành đã minh chứng cho tính hiệu quả của loại hình đầu tư này, có thể nhắc tới dự án Sóc Sơn (75MW ~ 4.000 tấn rác/ngày), Bắc Ninh (6,1MW ~ 180 tấn rác/ngày).
Các thách thức về điện rác: Về chi phí đầu tư, khác với các dự án xử lý đốt rác thông thường, nhà máy điện rác còn yêu cầu đầu tư hệ thống phát điện, bao gồm hệ thống tuabin – máy phát, BOP, sân phân phối…, dẫn đến suất đầu tư của loại hình này khá cao (khoảng 5 triệu đô/1MW công suất lắp đặt), đòi hỏi nhà đầu tư phải huy động nguồn lực lớn để thực hiện dự án.
Hay nói cách khác, khi đầu tư điện rác thì nhà đầu tư cần có nguồn đầu tư bổ sung khá lớn cho hệ thống lò hơi, tua bin, máy phát và một yếu tố khá khó khăn đấy là nguồn nước làm mát bình ngưng tua bin. Nguồn này không dễ có, do các nhà máy rác không được xây dựng gần sông và các nguồn nước có sẵn. Họ phải đầu tư hệ thống tháp làm mát, bể tích trữ nước lớn và phức tạp làm tăng nhu cầu diện tích của nhà máy.
Ngoài ra, do tính phức tạp của công nghệ, chủ yếu toàn bộ dây chuyền được nhập khẩu từ nước ngoài, rất ít hạng mục có thể nội địa hóa, nên trong ngắn hạn, rất khó có thể giảm chi phí đầu tư.
Về nguồn rác: Mặc dù các công nghệ được áp dụng phổ biến ở Việt Nam không yêu cầu phân loại rác đầu nguồn. Tuy nhiên, để dự án vận hành đem lại hiệu quả, việc cung cấp ổn định nguồn rác cần phải được đảm bảo.
Thực tế không phải lúc nào các nhà máy điện rác cũng được cung cấp số lượng rác với đúng chỉ tiêu để vận hành theo thiết kế. Trong trường hợp chất lượng nguồn rác không đảm bảo, nhà máy còn phải bổ sung dầu DO đốt kèm để có thể vận hành phát điện, gây phát sinh chi phí và tốn kém cho nhà đầu tư.
Về doanh thu: doanh thu của dự án điện rác chủ yếu đến từ chi phí xử lý rác và chi phí bán điện. Chi phí xử lý rác hiện chưa đồng đều giữa các địa phương. Còn chi phí bán điện hiện vẫn đang được hưởng giá ưu đãi với giá FIT là 10,05USCent/kWh, theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg. Tuy nhiên, hiện có thông tin Chính phủ đang xem xét điều chỉnh/bãi bỏ cơ chế này, dẫn đến hoang mang cho nhà đầu tư các dự án mới.
Về các quy định pháp luật: Các dự án điện rác với đặc thù vừa xử lý rác, vừa phát điện nên ngoài việc đảm bảo pháp lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng, còn phải tuân thủ các yêu cầu liên quan đến điện lực. Trong bối cảnh Luật Quy hoạch 2017 được đưa vào áp dụng, các dự án đang trong quá trình phát triển gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về các quy hoạch có liên quan để có thể triển khai các bước tiếp theo quy định.
Theo Tô Văn Trường/Vietnamnet