"Việc thu gom rác thải sinh hoạt là công việc khá đặc thù và rất "chua chát”, nhưng cũng tạo được công ăn việc làm cho một số người nên chúng tôi cũng cố gắng làm để có khoản chi phí trả lương cho nhân công, nhất là những người đã gắn bó với mình nhiều năm”, ông N.K.T, một đầu mối thu gom rác ở xã P.A.H tâm sự. "Trong quá trình hoạt động, có những tháng chúng tôi phải bù lỗ để trả các chi phí này vì đã cam kết trách nhiệm với UBND xã phải làm tròn”.
Nghề thu gom rác mưa nắng dãi dầu.
Theo ông T, vào thời điểm cuối tháng 10/2023, ông được mời đến UBND xã để họp triển khai chính sách mới. Theo đó, việc hợp đồng thu gom rác với địa phương sẽ được thay thế bằng hợp tác trực tiếp với công ty vận chuyển, cụ thể là Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre. Các đồng nghiệp thu gom ở các xã lân cận cũng như thế, đều sẽ là cộng tác viên của Công ty CP Công trình Đô thị. Để tiếp tục công việc thu gom rác tại địa phương, Công ty đưa ra khung giá mới, khác biệt hoàn toàn với khung giá và cách làm cũ. "Chính sách mới này sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong công việc thu gom như: Các khoản chi phí xăng xe, chi phí nhân công… và nhiều khoản chi phí không tên khác mà hàng tháng chúng tôi phải chi trả. Nếu tính tổng chi phí thì sẽ cao hơn nhiều so với mức chi trả lại từ phía CP Công ty Công trình Đô thị Bến Tre. Như vậy, chẳng khác nào càng làm càng lỗ!”, ông T bức xúc.
"Đó là chưa kể, ngoài việc càng làm càng lỗ thì chúng tôi với tư cách là cộng tác viên thu gom rác không có một chút quyền quyết định nào đối với công việc, và dĩ nhiên không thể có một đảm bảo nào cho hàng chục nhân công dưới tay mình”, ông T nói thêm.
Chủ một đơn vị thu gom rác khác là ông M, thuộc xã TT trên địa bàn huyện Châu Thành có thâm niên làm công việc thu gom rác cho địa phương, cho biết: "Căn cứ từ số liệu được giao, hàng tháng tôi thu 45 triệu đồng từ các hộ dân. Tuy nhiên, theo tính toán mới từ Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre thì sắp tới tôi phải nộp lại cho công ty là 61 triệu/tháng. Sự chênh lệch này nhiều khả năng do số liệu thống kê số hộ trong địa bàn có sai sót, nhưng số tiền chênh lệch lớn quá kéo dài thì chúng tôi không thể chịu đựng nổi”, ông M nói.
Nghề thu gom rác mưa nắng dãi dầu.
Ông M cũng cho biết: "Sau khi dự họp do Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre và UBND xã thì chúng tôi "biến” thành cộng tác viên của Công ty CP Công trình đô thị Bến Tre mà không còn là đơn vị trực thuộc xã nữa. Việc này không ai đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi! Tất cả phải phụ thuộc vào Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre! Vì vậy, tôi kiến nghị nếu UBND các xã cần hỗ trợ thêm một khoản nào đó cho đơn vị thu gom rác thì mới bù lỗ vào các chi phí nhân công, xăng xe… còn thu tiền cao hơn của người dân thì chúng tôi không dám làm!”.
Theo tìm hiểu của PV, đã nhiều năm nay, Công ty CP Công trình Đô thị Bến Tre là đơn vị tổng thầu thu gom rác trên địa bàn huyện Châu Thành. Sau khi trúng thầu, Công ty sẽ ký hợp đồng thu gom rác với các xã, sau đó các địa phương sẽ hợp đồng thuê lại các đơn vị thu gom rác nhỏ lẻ để làm. Việc này, ngoài ý nghĩa tạo điều kiện cho lao động địa phương có công ăn việc làm, còn góp phần nâng cao ý thức môi trường cho người dân để cùng đồng hành để bảo vệ một môi trường xanh sạch đẹp.
Trả lời PV về tình trạng "chết đứng” của các đơn vị thu gom rác, ông Võ Văn Ngoan – Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bến Tre) cho biết, việc quản lý và thu gom rác từ lâu đã giao về cho các huyện, bởi chỉ có địa phương mới có kế hoạch phù hợp với ngân sách của huyện mình. Sở chỉ quản lý chung và cũng chưa được báo cáo việc này./.
H. SƠN – P. LÂM