Ngày 29/9 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham dự hội thảo có TS.Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý,.. đại diện các Trường Đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo
Các nhà khoa học tham dự hội thảo đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, có chất lượng vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Dưới đây Chuyên trang Quản lý môi trường trích ý kiến phát biểu chính của các nhà khoa học: PGS.TS Đinh Ngọc Tân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phân tích môi trường; PGS.TS Hà Lương Thuần – Chuyên gia tài nguyên nước; TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Uỷ viên thường vụ LHH, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam.
Ý kiến của PGS.TS Hà Lương Thuần - Chuyên gia TNN:
PGS.TS Hà Lương Thuần phát biểu góp ý Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Trong khuôn khổ bản tham luận này tôi xin có một số ý kiến góp ý, thảo luận sau và được trình bày theo thứ tự nội dung của bản dự thảo.
Điều 2-Khoản 22: Điều 2. Giải thích từ ngữ đề nghị thêm từ " một cách bền vững " An ninh nguồn nước là việc bảo đảm số lượng, chất lượng nước một cách bền vững phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.
Điều 3: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.
Tên của điều này quá dài. Chỉ nên viết gọn là Nguyên tắc quản lý tài nguyên nước, vì: các từ bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra chỉ là nội hàm của công việc quản lý tài nguyên nước.
Đã nói nguyên tắc quản lý tài nguyên nước thì nguyên tắc đầu tiên phải xác định vai trò của nước trong cuộc sống ( tham khảo Nguyên tắc 1: Nước ngọt là tài nguyên hữu hạn và dễ bị tổn thương, nó đóng vai trò thiết yếu nhằm duy trì sự sống, sự phát triển và môi trường.
Khoản 9: Tham khảo Nguyên tắc 2: Phát triển và quản lý tài nguyên nước cần phải dựa trên phương pháp tiếp cận có sự tham gia bao gồm những người sử dụng nước, các nhà quy hoạch và nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp để bổ xung cho khoản 9.
Điều 4: Chính sách của nhà nước về tài nguyên nước, đề nghị xem xét bổ xung chính sách "khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản; bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa sông nước, cảnh quan thiên nhiên, môi trường và du lịch gắn với tài nguyên nước ”.
Khoản 5. Điều 4: Thêm cụm từ " xử lý nước thải” trước cụm từ " tái sử dụng nước”
Khoản 1. Điều 6: Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ cũng nên bổ xung thêm "nghiên cứu phát triển và bảo vệ các giá trị văn hóa sông nước, cảnh quan thiên nhiên và du lịch gắn với tài nguyên nước….Và nghiên cứu dự báo các tác động đến an ninh nguồn nước
Điều 9: Làm rõ các khái niệm sau: Điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Thời kỳ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là 10 năm, tầm nhìn là 20 năm.( tại sao lại có tầm nhìn 20 năm trong điều tra cơ bản TNN).
Điều 12: Quy hoạch tài nguyên nước.
Khoản 1. Viết rất khó hiểu. Quy hoạch về tài nguyên nước gồm: mục a (gần như định nghĩa); và có thể hiểu QHTNN gồm mục b và c. Nhưng các điều từ 13 -19 chỉ nói về quy hoạch sông liên tỉnh. Không có điều nào nói về Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia.
Về Quy hoạch về tài nguyên nước. Một số luật hiện nay cũng đều có chương về quy hoạch. Theo thiển ý của tôi nội dung của chương này có một số điều khoản thuần túy chuyên môn. Nên chăng viết gọn lại lược bỏ một số nội dung. Về chi tiết sau này có thể đưa vào các thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết về quy hoạch. Ví dụ rõ nhất là điều 16.
Điều 17: Rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện định kỳ 5 năm 1 lần. Trong trường hợp trong khoảng 5 năm đó, có những đề xuất điều chỉnh ảnh hưởng đến quy hoạch đã được phê duyệt , tác động xấu đền tài nguyên nước ,vậy vấn đề này có nên nêu trong luật không? và được điều chỉnh như thế nào .
Mục a của Khoản 5 điều 24 lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và khoản 6 của điều 24 lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng không thấy đề cập đến lấy ý kiến của cộng đồng, những người sinh sống ở hạ lưu sông suối, sinh kế của họ gắn liên với dòng chảy sông suối, nhưng lại không được hỏi ý kiến. . Đề nghị nên bổ xung "…. và cộng đồng dân cư có liên quan;..”
Điều 34: Liên quan đến xử lý nước thải. Liệu trong luật này chúng ta có thể xác định NƯỚC THẢI là nguồn tài nguyên chưa ? Ở Isasel đã xử lý được 75%v lượng nước thải để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Điều 35, khoản 4: Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông. Căn cứ vào kịch bản nguồn nước được công bố, diễn biến nguồn nước trên các lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc cập nhật kịch bản nguồn nước. Việc hằng năm xây dựng kịch bản nguồn nước liệu cần thiết hơn có phù hợp và hiệu quả không? Hiện nay công tác dự báo khí tượng thuỷ văn, nguồn nước - được làm khá tốt, ngoài ra các hồ chứa lớn đều làm rất tốt công tác dự báo.
Điều 37: Chuyển nước lưu vực. Khoản 1 điều này nhấn mạnh "…Việc thực hiện dự án chuyển nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân trên địa bàn…”Nhưng không thấy có căn cứ về việc ý kiến của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư ở hạ lưu công trình chuyển nước.
Điều 41: Quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước đã có những nguyên tắc được nêu ở Điều 3 , tuy vậy khi đã nói đến những quy định cũng nên bổ xung "phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, và cảnh quan môi trường.
Điều 66: Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ . Đã từ lâu việc khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trong lòng sông đã được chỉ ra là nguyên nhân chính hạ thấp lòng dẫn ở các sông miền Bắc và gây sạt lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu long. Hiện nay nhu cầu về cát cho các công trình giao thông, xây dựng ngày càng tăng đặc biệt là ĐBSCL, dẫn đến gia tăng khai thác cát sói trong lòng sông, suối. Vì vây khoản 2 của điều này đề nghị bỏ đoạn " có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông ” mà bất cứ họat động nào có liên quan đến khai thác cát sỏi lòng sông cũng phải đánh giá ĐTM và được cơ quan quản lý nhà nước về TNN có thẩm quyền chấp thuận. Có như vậy chúng ta mới quản lý tốt và giảm tình trạng khai thác cát, sỏi ở lòng sông, lòng suối hiện nay
Điều 76: Trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia. Đất nước ta có vị trí địa chính trị bất lợi khi nói đến tài nguyên nước. Cả hai đồng bằng lớn nhất đều phụ thuộc vào dòng chảy từ nước ngoài. Ta nói nhiều về các hoạt động thượng nguồn gây tác động bất lợi cho vùng hạ lưu như thay đổi dòng chảy, giảm phù sa vv, nhưng ít nói tới tác động bất lợi, nguy hiểm khi mùa lũ ,đặc biệt là ĐBSCL. Vậy có nên chăng đưa vào điều này một khoản hoặc mục " dự báo, cảnh báo những tác động bất lợi các hoạt động của các công trình thượng nguồn đối với nước ta. Chủ động có các biện pháp ứng phó khi có các sự cố xảy ra.
Ý kiến của PGS.TS Đinh Ngọc Tấn - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phân tích môi trường:
PGS.TS Đinh Ngọc Tấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ITN
Sau khi nghiên cứu toàn văn Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Một số nội dung cần tập trung cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo Công văn số 138 ngày 20/9/2023 của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, tôi xin có một số ý kiến như sau:
- Nội dung Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã thể chế hoá tương đối đầy đủ quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên nước, an ninh nguồn nước, phòng chống ô nhiễm nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt; đổi mới và hoàn thiện hàng lang pháp lý về tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiện tại và trong tương lai từ 10 đến 20 năm. Tuy nhiên có một số nội dung cần phải rõ và cụ thể hơn trong Luật.
- Những nội dung cần bổ sung, làm rõ và chỉnh sửa như sau:
1. Tại Điều 22- Chức năng nguồn nước (mục 3) có nêu 07 chức năng từ mục a đến g, nhưng theo tôi cần bổ sung thêm 01 chức năng nữa là: Phục vụ an ninh-quốc phòng. Vì sao phải bổ sung chức năng này, như chúng ta đã biết: hiện tại và lâu dài có một số hồ, sông… nằm trong khu vực quân đội quản lý đang dùng để luyện tập, sẵn sàng chiến đấu…và nội dung này phù hợp với Điều 52: Kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, mục 1. Các trường hợp không phải kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước:
a) Khai thác nguồn nước để sử dụng cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;
2. Tại Điều 42- Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Mục 2.Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các nghĩa vụ, có mười nội dung.
Theo tôi cần phải bổ sung thêm 1 nghĩa vụ hoặc lồng ghép vào 1 trong 10 nội dung tại Mục 2 này là: Phải xử lý nguồn nước bị ô nhiễm do mình gây ra trong quá trình khai thác và sử dụng đạt Quy chuẩn hiện hành trước khi xả ra môi trường.
3. Tại Điều 43- Khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt
Tại mục 1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt có trách nhiệm sau đây: (Có 3 trách nhiệm từ a đến c). Tuy nhiên không thấy đề cập tới là: nếu để nguồn nước bị ô nhiễm, thất thoát, lãng phí thì chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào?
4. Tại Điều 47- Khai thác tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản và mục đích khác.
Tại mục 2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, y tế, thể thao, giải trí, du lịch, tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan và các mục đích khác phải sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, không được gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, cản trở dòng chảy và các ảnh hưởng xấu khác đến nguồn nước.
Theo tôi nội dung này chưa đủ, nếu các cơ sở này tạo ra nguồn nước thải có các chất ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn hiện hành thì giải quyết thế nào? Do vậy cần bổ sung thêm nội dung: Phải xử lý nguồn nước bị ô nhiễm do các hoạt động trên gây ra đạt quy chuẩn hiện hành trước khi xả ra môi trường.
5. Tại Điều 49- Sử dụng nguồn nước cho các mục đích khác: Cần bổ sung thêm nguồn nước sử dụng cho mục đích an ninh - quốc phòng.
6. Tại Điều 51- Quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước: Không thấy đề cập tới nội dung dự báo tài nguyên nước trong tương lai (từ 10 đến 20 năm). Cần bổ sung nội dung này.
7. Tại Điều 56- Căn cứ cấp giấy phép tài nguyên nước
Mục a) Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khai thác, sử dụng nước, quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt. Trường hợp chưa có các quy hoạch, quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì phải căn cứ vào khả năng nguồn nước và phải bảo đảm không gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước;
Vậy khả năng nguồn nước là gì? Dùng cụm từ này rất khó hiểu, không chính xác và chung chung. Theo tôi nên thay cụm từ này bằng cụm từ sau: căn cứ vào trữ lượng và chất lượng nước.
8. Tại Điều 57- Điều kiện cấp giấy phép tài nguyên nước
Mục 1. Tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này. Câu hỏi đặt ra là việc cấp phép thăm dò (không bao gồm khai thác) là vấn đề nghiên cứu khoa học để điều tra về trữ lượng, chất lượng của nguồn nước, do Nhà nước quản lý, tại sao phải lấy ý kiến cộng đồng.
Mục 2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ chứa, đập dâng trên sông, suối ngoài việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này, điểm b khoản 3 Điều 50 của Luật này còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước;
b) Phương án quan trắc khí tượng thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; có quy trình vận hành hồ chứa;
c) Có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
Phần này cần phải quy định rõ ràng và đầy đủ hơn vì có 1 hồ chứa nước mặt dùng cho thuỷ lợi hoặc thuỷ điện hoặc mục đích khác, nhưng có 1 đơn vị khác (đơn vị thứ 2) khai thác như: nuôi trồng thuỷ sản, du lịch… thì trách nhiệm của đơn vị thứ 2 này như thế nào? Chưa thấy đề cấp tới.
9. Tại Điều 59, mục 4: Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có giải pháp, biện pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải hoặc có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nội dung này không rõ ràng lắm, bởi vì bất luận các hoạt động nào tạo ra nước thải ô nhiễm thì đều phải xử lý. Nếu quy định như thế này vô tình tạo ra kẽ hở pháp luật ở chỗ nơi nào nguồn tiếp nhận còn có khả năng chịu tải thì nước thải bị ô nhiễm không phải xử lý và được thải trực tiếp ra môi trường?
Ngoài những đóng góp trên đề nghị Cơ quan soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần phải quan tâm tới vấn đề tiết kiệm nước sạch trong các hoạt động rửa xe máy, ô tô; dùng cho bể bơi… đây là các hoạt động tiêu tốn rất nhiều nước sạch dùng cho sinh hoạt như không thấy đề cập tới.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Uỷ viên thường vụ LHH, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch PTĐT Việt Nam có ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật như sau:
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật
Dự thảo Luật với cấu trúc 10 chương là hợp lý. Một số nội dung đã tiếp cận với thực tế và có quy định tiếp cận với khoa học công nghệ mới, song còn một số vấn đề cụ thể mong ban soạn thảo xem xét.
1. Về chương X: Điều khoản thi hành có đề cập sửa đổi bổ sung một số Luật liên quan như: Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Thuỷ lợi, Luật Đầu tư... là chưa đủ. Còn một Luật khác như Luật Xây dựng, về thi công xây dựng công trình đặc thù nên xem xét thêm để bảo đảm đồng bộ. Ngoài ra cũng nên có điều quy định mở để thuận lợi khi một số Luật ban hành sắp tới như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Trong Dự thảo Luật còn tới 16 nội dung phải chờ Chính phủ quy định cụ thể. Trong khi có một số nội dung cấp bách như: hành lang bảo vệ nguồn nước, quy định gây mưa nhân tạo, bảo vệ nước ngầm... nên có quy định khung ngay trong Luật.
2. Phát triển khoa học và công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước... (Điều 6 của Dự thảo). Dự thảo đã nêu 10 nội dung, cơ bản là đủ song để kịp thời khắc phục hậu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay nên tăng quyền hạn về các nội dung nghiên cứu khoa học cho UBND cấp tỉnh (Khoản 2-Điều 6) như ứng dụng công nghệ sử dụng nước tuần hoàn.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8). Đây là các quy định khung song chưa rõ phân cấp xử lý vi phạm. Chương IX dự thảo mới chỉ dừng ở nội dung thanh tra chuyên ngành (Điều 82) và kiểm tra tài nguyên nước (Điều 83) và xác định trách nhiệm một số Bộ, ngành, UBND Tỉnh mà chưa có khung về quyền hạn xử lý cho từng cấp nên sẽ có khó khăn trong thực tế.
4. Chiến lược, quy hoạch về tài nguyên nước (Mục 2 – Chương II)
Quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch ngành quốc gia được xác định trong Phụ lục 1 Luật Quy hoạch năm 2017 tại Khoản 1 Điều 12 có xác định quy hoạch tổng hợp sông liên tỉnh và quy hoạch bảo vệ, khai thác sử dụng nguồn nước liên quốc gia. Đây cũng là 2 quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành xác định tại Phụ lục 2 Luật Quy hoạch năm 2017. Song diễn đạt điều 12 Dự thảo chỉ là nhắc lại theo hệ thống Luật Quy hoạch mà chưa cụ thể hoá nội dung yêu cầu của loại quy hoạch tài nguyên nước (cụ thể hoá Điều 25) Luật Quy hoạch về quy hoạch ngành). Trong khi 2 loại quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thì đã rất cụ thể trong 8 điều dự thảo (từ điều 13 đến điều 20 dự thảo). Đề nghị cấu trúc lại diễn đạt điều 12, tập trung vào nội dung quy hoạch tài nguyên nước.
5. Chức năng nguồn nước (Điều 22)
Dự thảo nêu nguồn nước với 7 chức năng (khoản 3) là chưa đủ, xem xét thêm chức năng điều tiết khí hậu, vui chơi, giải trí. Về chức năng bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nên diễn đạt khoa học hơn với mục đích là bảo tồn không gian văn hoá truyền thống.
6. Ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 30-31)
Khai thác, bảo vệ nước ngầm là vấn đề khoa học phức tạp cần có nhiều nghiên cứu hơn, quy định trong dự thảo là nguyên tắc định hướng chung không phải là quy định ngưỡng. Đây cũng là nội dung liên quan đến Luật đất đai (đất xây dựng công trình ngầm) và Luật Xây dựng (quy định không gian ngầm). Do vậy cần nghiên cứu khoa học, đồng bộ hơn. Thí dụ Khoản 2 Điều 31 về bảo vệ nước dưới đất khi thi công. Xử lý nền móng công trình là chưa đồng bộ, tạo mâu thuẫn giữa các Luật.
7. Phòng chống tác hại do nước gây ra (Chương V)
Đây là chương gồm 6 Điều (từ Điều 61 đến Điều 66) có nội dung tác động đến cuộc sống song diễn đạt mới dừng ở lý thuyết chung hoặc lời khuyên không cần thiết với phạm vi nội dung của Luật. Thí dụ Khoản 3 Điều 63 liên quan đến quy hoạch đô thị, khu đô thị, khu dân cư, công nghiệp... là những nội dung đã có trong Luật Xây dựng, Nghị định hướng dẫn...
Nhận xét chung:
- Cần có sửa đổi Luật Tài nguyên nước.
- Dự thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề tồn tại từ thực tiễn bước đầu đã có nghiên cứu, song rất cần rà soát lại nội dung đề cập và diễn đạt để có chất lượng và tính thực tiễn hơn.
HÀ VY