Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/9/2023 | 11:28:06 AM

QLMT - Ngày 29/9 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tham dự hội thảo có TS.Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý,.. đại diện các Trường Đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.


TS.Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV (tháng 6/2023) đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu quốc hội (ĐBQH) của các cấp, các ngành, đơn vị, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp và bước đầu hoàn chỉnh dự thảo Luật. Thực hiện Chương trình xây dựng dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm 2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV dự kiến thông qua dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Cuộc hội thảo nói trên nhằm tập hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để gửi cho Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận 8 nội dung cụ thể:

Bổ sung vào Luật, các điều khoản trong Luật để thể hiện rõ nét hơn chủ trương kinh tế hoá việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bám sát cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1);

Cho ý kiến về tên Điều 3 đã bao quát vấn đề quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống, khắc phục tác hại do nước gây ra;

Về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước (Chương II);

Về bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Chương III);

Về điều hoà, phân phối và khai thác sử dụng tài nguyên nước (Chương IV);

Về tổ chức lưu vực sông (khoản 4 Điều 81);

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước (Chương VIII).


Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận 8 nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: "Chương VI (từ Điều 67 đến Điều 74) quy định về nguồn thu ngân sách từ hoạt động tài nguyên nước; thuế, phí, lệ phí, cấp quyền khai thác tài nguyên nước,... nhưng không có giải thích hoặc định nghĩa cụm từ "Công cụ kinh tế” là gì? Tên Chương không phù hợp, dài, không rõ nghĩa (viết như dự thảo thì cái gì cũng đều là "công cụ kinh tế”), viết rất sơ sài; những điều luật mang tính kế hoạch, khẩu hiệu mà thiếu những thiết chế cụ thể để thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trong Chương này những nội dung trên".

Theo PGS. TS Hà Lương Thuần: "Điều 66. Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ. Đã từ lâu việc khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trong lòng sông đã được chỉ ra là nguyên nhân chính hạ thấp lòng dẫn ở các sông miền Bắc và gây sạt lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Hiện nay nhu cầu về cát cho các công trình giao thông, xây dựng ngày càng tăng, đặc biệt là ĐBSCL, dẫn đến gia tăng khai thác cát sỏi trong lòng sông, suối. Vì vậy khoản 2 của điều này, đề nghị bỏ đoạn "có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông” mà bất cứ hoạt động nào có liên quan đến khai tác cát sỏi lòng sông cũng phải đánh giá ĐTM và được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền chấp thuận. Có như vậy chúng ta mới quản lý tốt và giảm tình trạng khai thác cát, sỏi ở lòng sông, lòng suối hiện nay".

Ý kiến của PGS.TS Đinh Ngọc Tấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và phân tích môi trường: "Cần quy định rõ việc quản lý sử dụng nguồn nước để rửa xe máy, xe ô-tô trong đô thị bởi vì việc làm này tiêu tốn rất nhiều nguồn nước sinh hoạt".

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, nhà báo Hà Hồng, Phó Tổng biên tập tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam cho rằng: "Khoản 2 Điều 28 có ghi: Các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và các hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại Khoản 1 Điều 28 phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không ảnh hưởng chức năng bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hoá, đa dạng sinh học cao của nguồn nước.

Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn là di tích quốc gia đặc biệt đang được bổ cập nước sạch. Vậy ai chịu trách nhiệm trong việc bổ cập nguồn nước sạch này cho hồ Gươm. Theo tôi cần thêm cụm từ "bổ cập nước vào Mục 2 Điều 28”.

HÀ VY

Tags Luật Tài nguyên nước hội thảo tài nguyên nước Dự thảo Luật Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục