Cần hoàn thiện pháp luật về ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/9/2023 | 11:40:53 AM

QLMT - Thực tế cho thấy nhiều quy định pháp luật về rác thải nhựa trên biển đang có nhiều bất cập. Vậy đâu là giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường biển và rác thải nhựa….


Rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển. Ảnh: scoopnest.com

Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh hoạt động của các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải và các chủ thể khác trong phòng ngừa, dự báo; theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những hành vi xả thải chất thải nhựa ra môi trường biển, tác động của chất thải nhựa đến môi trường biển, hiện trạng môi trường biển, sự biến đổi của môi trường biển so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường biển; ngăn chặn, xử lý chất thải nhựa trên biển, đảm bảo cho môi trường biển được trong lành. 

Thực tế cho thấy nhiều quy định pháp luật về rác thải nhựa trên biển đang có nhiều bất cập. Vậy đâu là giải pháp hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường biển và rác thải nhựa….

Những bất cập trong quy định pháp luật liên quan rác thải nhựa trên biển

Hiện tại, quy định pháp luật liên quan rác thải nhựa trên biển còn thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường cũng như các tiêu chuẩn về chất lượng với các sản phẩm được tạo ra từ nhựa, đặc biệt là sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa. Thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường để kiểm soát hoạt động sản xuất nhựa, đánh giá chất lượng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần. Quy chuẩn về chất lượng môi trường nước biển vẫn chưa quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ các thông số về vi nhựa để đánh giá chất lượng môi trường nước biển có phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau hay không. Nhiều nhóm quy chuẩn về nước thải, các chất thải ra môi trường biển cũng chưa có thông số về kiểm soát vi nhựa. Đa số các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải, nước thải ra biển đã được ban hành cách đây từ 8 đến hơn 10 năm, nhiều thông số đã bị lạc hậu so với quy chuẩn của khu vực và quốc tế không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường biển trên thực tiễn. Chưa có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chuẩn liên quan nhựa được hiệu quả. Việc phát hiện, xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến chất thải nhựa còn ít, chưa đảm bảo tính răn đe, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa

Quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, như: Chưa có quy định cụ thể về hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu chất thải đối với sản phẩm nhựa không thuộc loại nhựa sử dụng một lần hoặc bao bì khó phân hủy. Chưa quy định cụ thể loại vật liệu nào được khuyến khích sản xuất để thay thế sản phẩm từ nhựa; chưa tạo nên được khung pháp lý hoàn thiện cho việc xây dựng tổ hợp/liên hợp/ hệ sinh thái phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, tái chế, tái sử dụng nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Chưa quy định cụ thể về phân loại rác thải nhựa, ví dụ: nhựa nào có thể tái chế, tái chế nhiều lần; nhựa nào dùng một lần; nhựa siêu nhỏ; hạt nhựa; nhựa phân rã...

Đến nay UBND nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, về giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, về hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Quy định về tái sử dụng, tái chế và xử lý rác thải nhựa vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Quy định về thu hút đầu tư, sản xuất các sản phẩm thay thế nhựa hoặc nhựa tổng hợp thân thiện môi trường; về sử dụng, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; về thị trường mua bán tài nguyên rác thải nhựa và các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa còn thiếu sự thống nhất gây khó khăn cho quá trình triền khai thực hiện trên thực tiễn. 

Thực tiễn thực hiện quy định pháp luật về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa cho thấy: Các cơ quan có thẩm quyền chưa xây dựng được Danh mục thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường đã được ghi nhận trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 432/QĐ-TTg; quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ lập, thẩm định, phê duyệt cho đến thực hiện, giám sát thực hiện báo cáo ĐTM với các dự án sản xuất nhựa, sản phẩm từ nhựa, tái chế, xử lý nhựa vẫn còn mang tính hình thức. Quy định về nhận chìm các các chất thải còn bất cập để lại không ít hệ lụy cho hệ sinh thái biển.

Về phát hiện ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa 

Việc tiếp cận thông tin quan trắc môi trường của cộng đồng, tổ chức, cá nhân còn rất khó khăn. Chưa thấy có quy định cụ thể về thông tin tình hình môi trường biển cũng như đa dạng sinh học biển; rác thải nhựa trên biển. Việc kiểm tra tình hình môi trường trong không ít trường hợp còn mang tính hình thức cho có, thậm chí có trường hợp gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Quy định về thanh tra môi trường biển và các chất thải ra môi trường biển còn khá sơ sài chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động phát hiện ô nhiễm môi trường trên thực tiễn. Việc giám sát này còn mang tính hình thức và thiếu hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa 

Giải pháp hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật môi trường biển, quy chuẩn với nhựa, rác thải nhựa, sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa.

Một là, cần rà soát hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành quy định các thông số yêu cầu cụ thể với các loại nhựa, sản phẩm được tạo ra từ nhựa, đặc biệt là sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa nhằm tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong thiết kế sản phẩm nhựa, sản xuất nhựa, tiêu dùng, tái sử dụng, tái chế các sản phẩm nhựa, rác thải nhựa ở Việt Nam.

Hai là, rà soát các quy chuẩn về chất lượng môi trường nước biển, quy chuẩn về chất lượng môi trường nước mặt bổ sung các thông số về vi nhựa để có cơ sở đánh giá chất lượng môi trường nước biển phù hợp từng mục đích sử dụng khác nhau;

Ba là, hoàn thiện bổ sung các thông số về kiểm soát vi nhựa trong các quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, các chất thải ra môi trường biển để đảm bảo các chất thải khi thải ra môi trường biển không chứa chất thải nhựa, nhựa sử dụng một lần cũng như các vi nhựa.

Bốn là, thực tiễn những năm qua ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa nói riêng phần nhiều là xuất phát từ nhựa sử dụng một lần. Do vậy, việc xây dựng hoàn thiện các quy chuẩn về quản lý chất thải nhựa ra môi trường biển cần lưu ý đến việc hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong đối với sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần. 

Năm là, tăng cường công tác truyền thông, thực tiễn thực hiện quy chuẩn cho thấy vẫn còn nhiều bất cập từ khâu tuyên truyền cho các chủ thể có thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xả thải liên quan đến nhựa hiểu được các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến nhựa. Chưa có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy chuẩn liên quan đến nhựa được hiệu quả. Việc phát hiện, xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến chất thải nhựa còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. 

Giải pháp hoàn thiện các quy định về phát hiện ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa

Thứ nhất, cụ thể hoá các quy định về quan trắc môi trường nước biển và quan trắc chất thải ra biển, trong đó có chất thải nhựa, đặc biệt là quan trắc vi nhựa trong môi trường biển và các chất thải ra biển;

Thứ hai, đầu tư công nghệ quan trắc môi trường biển ven bờ và công nghệ quan trắc môi trường biển xa bờ. Quy định cụ thể hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quan trắc chất thải nhựa trên biển ven bở và quan trắc vi nhựa và trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong quan trắc môi trường biển xa bờ, trong đó bao gồm cả quan trắc chất thải nhựa trên biển và vi nhựa.

Thứ ba, môi trường biển là không gian mở, rộng lớn bao trùm và chất thải nhựa khi bị thải ra biển sẽ chịu sự tác động của các dòng hải lưu phát tán ra nhiều nơi và dưới sự tác động của các yếu tố lý hoá trong môi trường biển sự phân dã của các chất thải nhựa cũng không hẳn giống nhau. Do vậy để phát hiện được ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa nếu chỉ quy định về trách nhiệm quan trắc của các cơ quan nhà nước khó có thể hiệu quả mà cần xã hội hoá hoạt động này, đặc biệt là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường biển và chất thải ra môi trường biển. Các số liệu thu được từ hoạt động quan trắc của các cá nhân, tổ chức sẽ góp phần hữu ích vào kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường biển và tổ chức bộ máy cơ quan quan trắc môi trường biển.

Thứ năm, hợp tác quốc tế trong quan trắc môi trường biển, đặc biệt là quan trắc chất thải nhựa đại dương, quan trắc vi nhựa ra môi trường biển. Ô nhiễm môi trường biển không dễ quan trắc phát hiện nên việc hợp tác quốc tế trong quan trắc ô nhiễm môi trường biển sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm quan trắc, công nghệ quan trắc, đầu tư tài chính liên quan để phát triển mạng lưới quan trắc của mình ngày càng hiệu quả hơn.

Thứ sáu, tăng cường giám sát các hoạt động quan trắc môi trường biển và xử lý vi phạm.

Thứ bảy, hoàn thiện các quy định pháp luật về thông tin tình hình môi trường biển và ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa. Hoàn thiện các quy định về các thông tin môi trường biển phải bắt buộc công khai và các thông tin môi trường biển cơ quan nhà nước, chủ nguồn thải phải cung cấp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, cơ quan.

Thứ tám, hoàn thiện các quy định pháp luật về giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường biển và tổ chức, cá nhân có hành vi xả thải chất thải ra môi trường biển. Đặc biệt bên cạnh nâng cao vai trò của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ quốc hội, Đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; vai trò của Mặt trận tổ quốc và các thành viên của Mặt trận thì cần nâng cao hơn nữa vai trò của truyền thông.

Thứ chín, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về quản lý chất thải nhựa, bảo vệ môi trường biển từ chất thải nhựa, phòng ngừa, phát hiện ô nhiễm môi trường biển. Rõ ràng như chúng ta thấy môi trường biển mang tính mở và dưới giác độ pháp lý thì biển được phân chia thành các vùng khác nhau, như vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển quốc tế. Các vùng biển này chịu sự điều chỉnh của các hệ thống pháp luật khác nhau từ pháp luật quốc gia đến pháp luật quốc tế; từ các điều ước quốc tế đến các thoả thuận mang tính chính trị pháp lý,… Các vùng biển này cũng được quy định cho các lực lượng, cơ quan khác nhau quản lý, bảo vệ trong đó có bảo vệ môi trường. Pháp luật hiện hành cũng có quy định về trách nhiệm của từng cơ quan này như: Cảng vụ hàng hải, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Lực lượng kiểm ngư, Hải quan, Hải quân, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban nhân dân các cấp,… Do vậy, để bảo vệ môi trường biển nói chung, môi trường biển từ chất thải nhựa nói riêng sự hợp tác hợp lý, hài hoà, nhịp nhàng giữa các cơ quan này đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, bên cạnh pháp luật cần quy định cụ thể hơn rõ ràng hơn trách nhiệm của từng cơ quan này trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển thì các cơ quan này cũng cần phải có sự phối hợp với nhau trên thực địa.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa ở Việt Nam

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa. Cần phải nâng cao nhận thức của cả quan trí và dân trí để người lãnh đạo, người quản lý và người dân hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường biển do chất thải nhựa, ý nghĩa của việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa; sự cần thiết phải tái chế các sản phẩm từ nhựa, sử dụng các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường có thể thay thế nhựa, đăc biệt là nhựa sử dụng một lần. Để thực hiện được việc này, truyền thông chính thống và truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng.

Thứ hai, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường biển từ chất thải nhựa. Chúng ta đều biết ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa là vấn đề mang tính toàn cầu, nó ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật từ pháp luật quốc gia đến pháp luật quốc tế. Ô nhiêm môi trường biển từ chất thải nhựa ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Một quốc gia không thể tự mình có thể kiểm soát được ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa. Hơn nữa, sự phát triển giữa các quốc gia là không giống nhau nhau. Do vậy, cần phải có sự hợp tác giữa các quốc gia trong xây dựng các quy chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường và kiểm soát vi nhựa trong các chất thải ra môi trường biển. Hợp tác để được hỗ trợ kinh nghiệm quản lý, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thị trưởng để tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế các sản phẩm từ nhựa. 

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa Cơ chế phối hợp đó nhằm bảo đảm mạng lưới thông tin, kiểm soát, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa. Bên cạnh đó, cơ chế tham gia của xã hội và cộng đồng trong kiểm sóat môi trường biển từ chất thải nhựa là hết sức quan trọng. 

Thứ tư, nhà nước cần tăng cường nguồn lực tài chính từ ngân sách đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ môi trường biển từ chất thải nhựa. Nâng ngân sách dành cho bảo vệ môi trường từ 1% lên 2% GDP. Nguồn lực tài chính này sẽ được sử dụng hiệu quả cho việc nghiên cứu các sản phẩm thay thế nhựa, hoặc nhựa phân huỷ sinh học; nghiên cứu công nghệ để tái chế, tái sử dụng hiệu quả nhựa và rác thải từ nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần. Đầu tư hệ thống nghiên cứu quan trắc môi trường biển, trong đó có quan trắc ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và quan trắc vi nhựa trong môi trường biển để phòng ngừa, phát hiện ô nhiễm môi trường biển.

Bên cạnh đó, là thúc đẩy ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quản lý chất thải nhựa, phòng ngừa, phát hiện ô nhiễm môi trường biển từ chất thải nhựa.

Biển Việt Nam rất rộng lớn và đa dang, phong phú tài nguyên sinh vật và phi sinh vật. Tuy nhiên, biển Việt Nam những năm qua bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ rác thải nhựa được hiệu quả quá trình hoàn thiện pháp luật về vấn đề này cần phải lưu ý đến các giải pháp nói trên. 

TS. Bùi Đức Hiển
Viện Nhà nước và Pháp luật

Tags ô nhiễm môi trường biển rác thải nhựa chính sách pháp luật quy định pháp luật kiểm soát ô nhiễm

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục