Ngày 13-6, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM.
Thu phí là cần thiết
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông thì có ảnh hưởng tích cực, trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo đó, việc thu phí phù hợp với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là các tuyến đường trung tâm; tạo an toàn cho người tham gia giao thông; giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố…
Mức phí được Sở GTVT đề xuất có sự khác nhau giữa 5 khu vực theo quy định UBND TP HCM. Cụ thể, khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm; khu vực 2 gồm: quận 2 (cũ - trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, quận 7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam thành phố), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân; khu vực 3 gồm: quận 8, 9, 12, quận Thủ Đức (cũ), Tân Phú, Gò Vấp; khu vực 4 gồm: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi; khu vực 5 là toàn bộ huyện Cần Giờ.
Với trường hợp sử dụng lòng đường, hè phố để làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị;
điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng; điểm lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố thì mức thu dự kiến tại các tuyến đường trung tâm dao động từ 20.000 đồng- 100.000 đồng (m2/tháng) tùy khu vực. Với các tuyến đường còn lại, dao động từ 20.000 đồng - 50.000 đồng (m2/tháng) tùy khu vực.
Với các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ ôtô, xe máy, môtô và xe đạp, mức phí dự kiến là 50.000 đồng - 350.000 đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm, tùy khu vực; các tuyến đường còn lại dao động từ 50.000 đồng- 180.000 đồng/m2, tùy khu vực.
Vỉa hè đường Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh) bị trưng dụng để xe máy, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ảnh: Anh Vũ
Theo Sở GTVT TP HCM mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe dự kiến cao hơn mức thu phí cho các hoạt động khác từ 2,7 đến 3,5 lần (tùy khu vực).
Mục đích nhằm hạn chế người dân gửi xe ở khu vực trung tâm, góp phần giảm bớt nạn ùn tắc; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng, hiện đại.
Sở GTVT đề xuất đơn vị này sẽ thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng tạm thời lòng đường; UBND các quận, huyện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Dự kiến số tiền thu được là 1.522 tỉ đồng/năm. Trong đó, số thu đối với lòng đường là 550 tỉ đồng/năm, đối với vỉa hè là 972 tỉ đồng/năm.
Toàn bộ 100% số thu nộp vào ngân sách thành phố để phục vụ duy tu bảo trì lòng đường, hè phố."Tại những khu vực cho thuê sẽ có phân định rõ ràng với các vạch sơn, bản biển thông báo để phân biệt trường hợp kinh doanh hợp pháp và kinh doanh không được phép. Qua đó, tạo ra minh bạch trong chính sách quản lý đô thị" - ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, nhấn mạnh.
Nên thí điểm trước khi nhân rộng
Ông Nguyễn Văn Dũng (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia huyện Hóc Môn, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Hóc Môn) bày tỏ ủng hộ với việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố. Bởi lòng đường, hè phố cũng là tài sản của nhà nước, không thể để cá nhân đứng ra thu phí. Nếu cơ quan chức năng làm tốt sẽ đem lại nguồn thu lớn để sử dụng vào việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông hoặc dùng vào mục đích bảo trợ xã hội.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng trước hết cần thí điểm việc thu phí tại một số tuyến đường bảo đảm điều kiện như diện tích, trật tự giao thông..., sau đó mới nhân rộng ra toàn thành phố. "Cần thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng lòng đường, hè phố. Nếu không thì việc cho thuê lòng đường, hè phố sẽ phát sinh nhiều mâu thuẫn" - ông Dũng nói.
Theo luật sư Trương Thị Hòa (Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM), Dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP HCM đã cung cấp rất đầy đủ hiện trạng công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Đề án được xây dựng dựa trên Luật Phí, lệ phí, Nghị định 120/2016/NĐ-CP và Thông tư 85/2019/TT-BTC. Đề án cũng tham khảo cách làm của TP Đà Nẵng và Hà Nội. Riêng đề xuất nộp toàn bộ 100% số thu vào ngân sách thành phố, bà Trương Thị Hòa cho rằng không hợp lý vì trong luật hiện nay quy định phải có khấu trừ phần này.
"Nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè tại TP HCM rất lớn. Trong khi đó, công tác bảo trì đường phố cũng rất cần thiết. Kinh phí ngân sách dành cho bảo trì đường hiện nay khoảng 40%-50% và vẫn không thể đủ. Khi triển khai việc thu phí thì sẽ tăng cường công tác bảo trì đường phố, đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đa số người dân tán thành với đề án thu phí này" - luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ.
-----------------------------------
Chiếm dụng vỉa hè tràn lan
Ngày 13-6, theo ghi nhận, tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, để xe diễn ra tràn lan ở nhiều tuyến đường ở TP HCM.
Cụ thể, các tuyến đường trung tâm thành phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng (quận 1), Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Ngô Thời Nhiệm (quận 3) có nhiều quán kết hợp giữ xe cho khách nên khu vực vỉa hè đầy kín chướng ngại vật, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Ở một số tuyến đường khác như Đặng Văn Sâm (quận Gò Vấp), đường D5, Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh), đường Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt... (TP Thủ Đức), vỉa hè, lòng đường bị hàng quán chiếm dụng. Người bán bày biện bàn ghế, vô tư mời chào khách.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (ngụ TP Thủ Đức) cho biết: "Đường Hoàng Diệu 2 là tuyến đường ẩm thực nên đoạn đường khoảng 1 km, vỉa hè rộng khoảng 5 m là nơi lý tưởng để kinh doanh, buôn bán. Có nơi còn đậu xe dưới lòng đường gây nên cảnh ùn tắc, mất an toàn. Nghe dự thảo cho thuê vỉa hè, tôi rất ủng hộ và mong sớm được triển khai để việc sử dụng vỉa hè đi vào nền nếp".
A.Vũ
---------------------------------------
Đề án càng cụ thể càng tốt
Thực trạng giao thông đường bộ tại TP HCM đang bị quá tải về hạ tầng cơ sở. Vì thế, nếu triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, chính quyền cần tính toán kỹ, bám sát thực tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thực tế nhu cầu sử dụng vỉa hè để kinh doanh là rất lớn, tuy nhiên nhiều năm qua, công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng chiếm dụng vỉa hè, thậm chí còn có tình trạng bảo kê, gây ra nhiều bức xúc. Do đó, chủ trương dọn dẹp, quản lý vỉa hè sao cho hiệu quả là chính đáng nhận được nhiều sự đồng tình của người dân.
Theo số liệu tính toán của đề án, TP HCM hiện có khoảng 12 triệu m2 vỉa hè, nếu được tổ chức bài bản sẽ đem về nguồn lợi không nhỏ cho ngân sách. Một phép tính, chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường này, với giá 100.000 đồng/tháng/m2, hằng tháng có thể thu về hàng trăm tỉ đồng.
Để có thể vừa sử dụng vỉa hè một cách hiệu quả vừa có thêm nguồn thu cho ngân sách, đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, cần phải cụ thể bao gồm nhiều mức khác nhau, tùy từng quận, huyện, vị trí và cả các đối tượng nộp phí. Bởi việc thu phí chính thức về mặt quản lý, giúp họ ổn định kinh doanh.
Về mục đích thu phí, nguồn thu nên sử dụng vào việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng; cải tạo cảnh quan đô thị, trồng cây xanh hay các mục đích công cộng khác tại khu vực hay tuyến đường tổ chức thu phí, để người dân thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần xây dựng thành phố sạch đẹp và văn minh.
Về công tác thu phí, thành phố nên giao cho một đơn vị đứng ra thực hiện nhằm quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo khi thực hiện. Đồng thời, không nên phân cấp cho chính quyền các quận, huyện thu phí, bởi sẽ làm cho bộ máy cồng kềnh. Chưa kể, mỗi nơi thu một kiểu rất khó quản lý, dễ xảy ra tiêu cực.
Ở góc nhìn khác, TP HCM hiện bị quá tải hạ tầng giao thông, về lâu dài nên đưa ra các giải pháp thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi để xe.
Nguyễn Thị Minh Sáu
Lê Vĩnh/nld.com.vn