Chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả

  • Cập nhật: Chủ nhật, 22/1/2023 | 7:58:30 AM

QLMT - Xuân Quý Mão đã về ! Mùa xuân là quy luật của đất trời nhưng mùa xuân cũng là dịp chúng ta tổng kết những điều đã làm được, những điều còn vướng mắc, đề ra kế hoạch, nhiệm vụ cho năm mới với niềm tin và hy vọng vào sự thành công tốt đẹp.

Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển tư thế từ bị động ứng phó, sang tư thế chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi môi trường. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhanh chóng đưa Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 vào cuộc sống. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải…

Năm 2022 là năm các đơn vị thuộc Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Hiệp hội) đứng trước nhiều khó khăn khi các đô thị ngày càng tăng về số lượng lẫn quy mô. Đó là sự gia tăng chất thải sinh hoạt tại các đô thị; các bãi chôn lấp rác thải quá tải; định mức đơn giá chậm được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế; phương tiện thiết bị xuống cấp, xăng dầu tiếp tục tăng giá, đời sống người công nhân gặp nhiều khó khăn và kéo dài từ khi có đại dịch Covid – 19 đến nay.

Vượt trên những thách thức đó các đơn vị thành viên đã nỗ lực hoạt động để bảo đảm môi trường đô thị tại các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương vẫn cơ bản xanh - sạch - đẹp. Tháng 8-2022, Hiệp hội phối hợp Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, Hiệp hội Công nghiệp môi trường, và Hiệp hội Tái chế chất thải tổ chức thành công Hội thảo và triển lãm quốc tế với chủ đề: "Giải pháp và công nghệ xử lý chất thải, bảo đảm phát triển bền vững tại các đô thị Việt Nam”. Chuyên trang Quản lý môi trường chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản, nội dung cho tất cả các hoạt động của hội thảo và triển lãm. Thành công của hội thảo và triển lãm nói trên tạo tiền đề trong tương lai Hiệp hội tự chủ động tổ chức hội thảo và triển lãm môi trường quy mô quốc gia, quốc tế.  Điểm nổi bật giữa các đơn vị hội viên là thường xuyên có sự trao đổi thông tin về những giải pháp hữu ích trong đổi mới công nghệ, trao đổi các giải pháp tháo gỡ những khó khăn đặc thù về cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi đầu tư từ ngân sách Nhà nước, từ các thành phần kinh tế khác cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Đặc biệt là chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại. 

Với tinh thần lá lành đùm lá rách, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã trao bốn căn nhà tình nghĩa từ nguồn xã hội hoá (mỗi căn nhà trị giá 100 triệu đồng) cho các công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Sóc Chăng, Tiền Giang, Gia Lai và Cù Lao Chàm (Đà Nẵng). Trao tặng đặc cách "Giải thưởng Cây chổi vàng” cho nữ công nhân làm việc tại Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An bị tử vong do nạn giao thông  trong khi đang làm nhiệm vụ. 

Năm 2023, dự báo thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức do khủng hoảng khí hậu, môi trường, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững. Chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường, hoàn thành mục tiêu 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp. 

Từ các chủ trương vĩ mô trong năm 2023 của ngành môi trường, Hiệp hội cần chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa công tác tham mưu, phản biện, tư vấn trong lĩnh vực môi trường đô thị và khu công nghiệp cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, nhằm xây dựng các chính sách cơ chế, định mức, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp với điều kiện các vùng miền. Các đơn vị hội viên tiếp tục nắm giữ vai trò chủ lực trong công tác phục vụ vệ sinh đô thị tại các địa phương và bảo vệ lợi ích người lao động; làm tốt và hỗ trợ nhau trong đấu thầu tạo công ăn việc làm cho người lao động. Xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tạo sự chuyển biến đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng công tác, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội được giao. 

Nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội và các đơn vị thành viên trong năm nay đó là tập trung làm tốt công tác chuẩn bị nội dung và nhân sự để tổ chức thành công đại hội các hội thành viên ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và Đại hội Hiệp hội Môi trường, Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) vào cuối năm 2023. 

Xuân Quý Mão đang lan toả khắp mọi miền đất nước, gõ cửa từng nhà đang quây quần bên mâm cơm Tết, giòn giã tiếng cười con trẻ. Chặng đường phía trước còn khó khăn, nhưng với khí thế mùa xuân, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả chúng ta có quyền hy vọng Hiệp hội cũng như các đơn vị thành viên sẽ "khéo léo, nhanh chóng” vượt qua trở ngại đạt được mục đích tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động .

Chuyên trang Quản lý môi trường



Tags chuyên trang quản lý môi trường chủ động sáng tạo xuân Quý Mão

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục