Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Nam

  • Cập nhật: Chủ nhật, 9/10/2022 | 1:28:17 PM

QLMT - Chiều 07/10, tại TP.HCM, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Nam. Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT và bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì Hội thảo.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Nam - 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu khai mạc 

Dự Hội thảo còn có đại diện Văn phòng chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các Sở TN&MT; các doanh nghiệp khai thác, sử dụng nước và 19 tỉnh, thành phía Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2022, Bộ TN&MT được giao chủ trì xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ TNMT đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Bộ TN&MT đã khẩn trương xây dựng dự thảo Luật tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua, gồm bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hoá ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chỉ đạo cơ quan xây dựng học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của quốc tế như: chuyên gia Úc về khan hiếm và điều hoà, phân bổ tài nguyên nước; chuyên gia Hà Lan về trữ nước, hành lang bảo vệ nguồn nước và nước ngầm; chuyên gia WB về kinh tế nước; chuyên gia Pháp về quản lý tổng hợp lưu vực sông; chuyên gia Hàn Quốc về cải tạo, phục hồi dòng sông, cơ sở thông tin, số liệu; chuyên gia Mỹ liên quan đến nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; chuyên gia Ý liên quan đến điều hành, vận hành hồ chứa nước... để phân tích, lựa chọn các chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

"Trong quá trình xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đã gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân và đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ." ,Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị các đại biểu chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, đóng góp ý kiến quý báu của mình cho dự thảo Luật, tập trung vào các điểm mới của dự thảo Luật nhằm xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính đồng bộ, tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo đảm hiệu quả, tính khả thi cao và đi vào thực tiễn.

Trình bày các điểm mới của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết: Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều.

Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Trong đó, Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khu vực phía Nam - 2
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước; quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế...

Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước; bổ sung quy định về phân vùng chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất; quy định việc xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh.

Ngoài ra, theo ông Châu Trần Vĩnh, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ TNMT, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hoà, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở TN&MT, doanh nghiệp khai thác và sử dụng nước đã phát biểu đánh giá cao Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, soạn thảo. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung, đặc biệt là những điểm mới của dự thảo Luật.

Thay mặt Bộ TN&MT, cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để cơ quan soạn thảo hoàn thiện Dự thảo Luật đạt chất lượng tốt nhất.

"Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ TN&MT luôn quán triệt tinh thần Chính phủ quản lý thống nhất tài nguyên nước, phân công cho các bộ, ngành, địa phương các nhiệm vụ cụ thể” – Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ TN&MT trong một thời gian ngắn khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 50 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đã xây dựng Dự thảo Luật tương đối hoàn chỉnh để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.

Theo đó, Cơ quan soạn thảo tập hợp nghiên cứu rất kỹ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,...

Đặc biệt, cơ quan soạn thảo đã rà soát, đối chiếu 45 Luật, bộ Luật liên quan trước khi xây dựng các quy định mới trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm tránh những chồng chéo khi Luật được ban hành.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhân dân; rà soát các Luật, Bộ Luật liên quan, các công ước quốc tế để hoàn thiện Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2023 và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023./.

Vinh Diễm

Tags lấy ý kiến Dự thảo Luật Tài nguyên nước Hội thảo

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục