Cần hoàn thiện khung chính sách bảo vệ động vật hoang dã

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/9/2022 | 8:46:45 AM

QLMT - Trong những năm trở lại đây, đa dạng loài ở Việt Nam đã suy giảm với tốc độ chóng mặt do nạn săn bắt và buôn bán trái phép. Số lượng nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Vì vậy cần kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến ĐVHD.

Nhiều chính sách nhưng phân tán, chồng chéo

Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật về động vật hoang dã của Việt Nam bao gồm: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991, 2004); Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đa dạng sinh học 2008. 

Đáng chú ý là Bộ Luật Hình sự năm 1999, lần đầu tiên có 1 điều quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng bổ sung thêm quy định về động vật hoang dã, theo đó, khung hình phạt cũng như mức hình phạt hình sự cũng được tăng lên. Tuy nhiên theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (EVN), trong thực tế triển khai các văn bản nói trên vẫn còn nhiều vướng mắc. "Luật chồng chéo nhau nhưng quy định, điều kiện cấp phép của văn bản nào cũng rất sơ sài, chỉ quy định chung chung, thiếu hướng dẫn cụ thể. Nói nôm na, quy định của Luật hiện nay giống như có chuồng, có khung nhưng thiếu rất nhiều song sắt”.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận, mặc dù Việt Nam đã có nhiều văn bản quy định về ĐVHD nhưng vẫn thiếu vì có nhiều vấn đề mới phát sinh. Có nhiều nội dung đã có nhưng do tính chất phức tại nên chưa theo kịp tình hình thực tế. Cùng với đó, vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT.

Sớm hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại

Một trong các biện pháp được sử dụng để phục hồi loài là biện pháp bảo tồn chuyển vị hay bảo tồn chuyển chỗ, có nghĩa là "bảo tồn loài hoang dã ngoài môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị ngoài môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền trong các cơ sở khoa học và công nghệ hoặc cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền”. Nhờ có chính sách khuyến khích gây nuôi bảo tồn ĐVHD mà chúng ta vẫn còn gìn giữ, phát triển được nguồn gen, phục hồi cá thể, quần thể của một số loài động vật hoang dã quý hiến. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối gây nuôi bảo tồn ĐVHD đó chính là không quản lý được các cơ sở gây nuôi vì mục đích thương mại. Chính điều này đã tạo cơ hội để nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật nhằm "hợp pháp hóa” ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp.
 
Cần hoàn thiện khung chính sách bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 1
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở nuôi động vật hoang dã ở thị trấn Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: Đ.T

Hiện có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép ở Việt Nam. Số lượng các cơ sở trên thực tế có lẽ còn nhiều hơn nếu tính cả các cơ sở không được cấp phép hoặc đang trong quá trình thực hiện các thủ tục cần thiết để được cấp phép. Theo một nghiên cứu của ENV, đa phần là các trại nuôi có quy mô lớn được khảo sát đều có dấu hiệu "nhập lậu” ĐVHD. Nếu hoạt động gây nuôi thực sự là mô hình khép kín (nghĩa là không tiếp tục khai thác ĐVHD từ tự nhiên) thì vấn đề này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nhập lậu từ tự nhiên diễn ra tràn lan, ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam và cả các quốc gia khác trong khu vực.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Minh Phượng tại EVN: "Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại. Thay vì quy định những loài không được phép gây nuôi thương mại, danh mục này sẽ quy định những loài có thể được gây nuôi và giới hạn hoạt động gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại chỉ được thực hiện với những loài thuộc danh mục này. Quản lý theo phương pháp này sẽ góp phần bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bằng cách chấm dứt được tình trạng săn bắt, nhập lậu các loài này vào các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại. Việc có một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại cũng sẽ đơn giản hóa quy trình quản lý và phù hợp với năng lực thực tế của các cơ quan kiểm lâm. Đây là giải pháp toàn diện vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.

Cơ chế phối hợp trong giám định ĐVHD còn chưa đồng bộ 

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến tình trạng gia tăng đáng kể các hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan thực thi pháp luật gặp khó khăn khi điều tra và tiến hành truy tố tội phạm về động vật hoang dã là thiếu các giám định cần thiết để xác định các sản phẩm từ động vật hoang dã bị buôn bán hoặc săn bắt trái phép và nguồn gốc xuất xứ của chúng. 
 
Cần hoàn thiện khung chính sách bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 2
Giám định Vooc sấy khô ở Đắc Lắc. Ảnh: ITN

Giám định là một công đoạn quan trọng trong các vụ xử lý vi phạm hay các vụ án liên quan đến buôn bán động thực vật hoang dã (ĐVHD). Tuy nhiên hiện nay cơ chế phối hợp còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và thi hành pháp luật như lực lượng cảnh sát, kiểm lâm, hải quan và các cơ quan khoa học. 

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào về giám định loài ĐVHD được quy định trong pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, hai phương thức giám định loài đã được các Cơ quan Khoa học CITES sử dụng là giám định hình thái và phân tích bằng kỹ thuật phân tử (AND).

Thông thường, giám định hình thái được các cơ quan giám định thực hiện trước tiên. Nếu thông qua giám định hình thái đã có thể xác định được loài thì không cần thiết phải thực hiện phân tích ADN. Giám định hình thái có thể được thực hiện thông qua tiếp xúc trực tiếp với cá thể động vật hoặc sản phẩm của chúng, hoặc gián tiếp thông qua hình ảnh được các cơ quan chức năng có liên quan gửi đến, đặc biệt là đối với trường hợp động vật còn sống. Khi không thể đưa ra kết luận giám định loài thông qua phương thức giám định hình thái như trường hợp giám định các sản phẩm của ĐVHD (ví dụ: sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê) thì sẽ cần phải thực hiện phân tích ADN. Phân tích ADN sẽ có chi phí cao hơn và mất nhiều thời gian hơn để có kết quả (thường là hai tuần).

Tuy nhiên, qua công tác điều tra, truy tố và xét xử loại tội phạm này cho thấy một số quy định, thủ tục liên quan đến công tác giám định và xử lý vật chứng đối với ĐVHD hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập khiến hiệu quả giám định, xử lý vật chứng chưa cao và chưa hỗ trợ được nhiều cho quá trình điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm trong hoạt động buôn bán động hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trái phép ở Việt Nam. Hầu hết các địa phương hiện đều không có giám định viên trừ một số tỉnh có giám định tư pháp theo vụ việc. Vì vậy, khi vụ án được phát hiện, việc tịch thu tang vật làm mất rất nhiều thời gian cho quá trình giải quyết vụ án vì phải chờ kết quả giám định. Để giám định ADN, mẫu vật phải gửi tới cơ quan chức năng, do đó cơ quan thực thi gặp nhiều khó khăn trong khâu bảo quản tang vật, vận chuyển và chi phí chăm sóc (đối với các cá thể còn sống), nhất là hiện nay chưa có quy định rõ ràng về việc tang vật là các loài ĐVHD còn sống sẽ được chăm sóc, cứu hộ bởi cơ quan nào trước khi có kết luận giám định.

Hiện nay, cơ chế phối hợp còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và thi hành pháp luật như lực lượng cảnh sát, kiểm lâm, hải quan và các cơ quan khoa học. Trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, tạ Điều 14 có quy định bốn Cơ quan khoa học của CITES. Nhiệm vụ của các cơ quan khoa học như nhau nên để trưng cầu giám định, các cơ quản quản lý có thể gửi cho một trong các cơ quan khoa học và kết quả giám định của một trong các cơ quan là sử dụng được trong các vụ xử lý vi phạm. Tuy nhiên kết quả trưng cầu và kết quả giám định của một cơ quan chưa được cung cấp cho các cơ quan khác để tham khảo và thống kê, nên số lượng các vụ thẩm định chưa có con số thống nhất và đầy đủ. Những cơ quan quản lý và cơ quan thừa hành pháp luật cũng chưa có nhiều thông tin về các cơ quan khoa học CITES nên gặp khó khăn trong việc gửi trưng cầu giám định. Số lượng loài và nhóm loài rất đa dạng và phong phú, số lượng chuyên gia của các cơ quan khoa học hiện còn mỏng, một cơ quan khó có thể đảm nhận được công việc thẩm định của tất cả các vụ việc, của tất cả các nhóm loài, nên nếu trưng cầu không đúng chuyên môn sẽ có ảnh hưởng tới công việc xử lý như thời gian có thể bị kéo dài. Bên cạnh đó còn có những khó khăn vướng mắc như một số quy định của pháp luật còn có sự chồng chéo; chế tài, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đa dạng sinh học còn nhiều bất cập; kinh phí còn hạn hẹp; việc xác định loài cũng còn nhiều vướng mắc.

Để phục vụ công tác điều tra các hành vi vi phạm trong buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thi hành phát luật, Giáo sư TSKH Đặng Huy Huỳnh đề xuất một số kiến nghị: Sửa đổi Luật Giám định tư pháp theo hướng luật hóa việc giám định mẫu vật động thực vật hoang dã; xây dựng một khung hướng dẫn chung về quy trình giám định động thực vật hoang dã, đồng thời ban hành các hướng dẫn cụ thể cho một số mẫu vật phổ biến như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê… Cần có cơ chế phối hợp trong công tác giám định và xử lý vi phạm giữa các cơ quan khoa học và các cơ quan quản lý, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc trưng cầu giám định. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực giám định loài động vật cho các cơ quan quản lý, thi hành luật và cơ quan khoa học.

Hồng Anh (T/h)


Tags chính sách động vật hoang dã bảo vệ động vật hoang dã

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự