Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2022 | 4:59:11 PM

Thời gian qua, công tác BVMT nói chung và công tác quản lý chất thải rắn (CTR) nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan ban hành như Luật BVMT, các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ hướng dẫn chi tiết thi hành, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR và Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR...

Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hiện nay, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý CTR.

1. Công tác quản lý CTR

Công tác quản lý CTR có thể chia thành 2 giai đoạn đó là trước và sau khi ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019.

Trước khi ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP

Sau khi Luật BVMT năm 2014 được ban hành, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành có liên quan đến quản lý CTR, trong đó Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu đã quy định cụ thể về quản lý chất thải. Trên cơ sở các văn bản nêu trên và các Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của các Bộ, nội dung quản lý nhà nước về CTR được giao cho nhiều Bộ cùng tham gia quản lý, cụ thể:

Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về BVMT. Đối với chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), Bộ có trách nhiệm: Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ CTRSH; tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động BVMT về quản lý CTRSH.

Bộ Xây dựng có trách nhiệm: Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH theo quy hoạch được phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH. Ngoài ra, Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch quản lý CTR các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch CTR các lưu vực sông và quy hoạch quản lý CTR vùng liên tỉnh.

Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì đánh giá, thẩm định công nghệ xử lý CTRSH mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam (theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu). Tuy nhiên, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật BVMT quy định Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí cụ thể; thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý CTRSH.

Thực hiện các trách nhiệm nêu trên, các Bộ đã trình ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý CTRSH. Tuy nhiên, do có sự giao thoa, chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về CTRSH nên việc tổ chức xây dựng, ban hành văn bản pháp quy về quản lý CTRSH còn hạn chế, thiếu thống nhất làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý CTRSH.

Sau khi Nghị quyết số 09/NQ-CP được ban hành

Tại Nghị quyết số 09/NQ-CP, Chính phủ thống nhất giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR. Đồng thời giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR nêu trên.

Ngay sau đó, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Luật BVMT, trong đó có các nội dung sửa đổi, bổ sung về quản lý CTRSH; đồng thời đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2022 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 về Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Đặc biệt, Bộ TN&MT đã tham mưu, trình bổ sung nhiều cơ chế, chính sách mới về quản lý CTR trong Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT.

2. Một số quy định mới về quản lý CTR 

CTRSH

Luật BVMT 2020 đã có sự thay đổi căn bản và vượt bật trong quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo hướng chuyển từ tư duy Nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả. Luật BVMT 2020 đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính chi phí phải trả cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Bên cạnh đó, Luật cũng đưa ra phương thức quản lý mới thông qua quy định CTRSH đã được phân loại phải chứa đựng trong các bao bì nhất định. Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ: Phù hợp với quy định của pháp luật về giá; Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, CTNH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng là giải pháp hiện được nhiều quốc gia áp dụng và cho hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để áp dụng ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, do phải có các điều kiện "cần và đủ” về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hơn hết là ý thức của người dân còn hạn chế. Lường trước những khó khăn này, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ TN&MT đã đặt lộ trình từ nay đến năm 2025 là giai đoạn để tuyên truyền, nâng cao giáo dục, nhận thức cho người dân.

Để đảm bảo thực thi, theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển CTRSH đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ CTRSH phù hợp với các loại chất thải theo quy định; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH. Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định. Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH có trách nhiệm ký quỹ khi có hoạt động chôn lấp chất thải; không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã. Bên cạnh đó, các tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển giao CTRSH cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc điểm tập kết đúng quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom CTRSH.

CTR thuộc các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý CTRSH như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật BVMT hoặc quản lý theo: Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển không thuộc đối tượng quy định nhưng có hợp đồng chuyển giao CTRSH cho cơ sở vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật BVMT… Các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; chi trả giá dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định cụ thể của chính quyền địa phương.

Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định rõ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH bao gồm giá dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh CTRSH(là chi phí hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt) và giá dịch vụ áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH (là chi phí mà UBND các cấp chi trả cho chủ đầu tư, cơ sở được lựa chọn theo quy định để cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH).

Thông tư cũng đưa ra quy định nguyên tắc định giá dịch vụ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh CTR sinh hoạt, cụ thể như: Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được tính theo nguyên tắc có sự bù đắp thông qua ngân sách địa phương; Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phát sinh từ cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý.

Đặc biệt, Thông tư đã đưa ra hướng dẫn liên quan đến nội dung thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải. Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSHtheo khối lượng hoặc thể tích chất thải theo một trong các trường hợp: Thông qua giá bán bao bì đựng CTRSH. Giá bán bao bì bao gồm giá thành sản xuất bao bì và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; Thông qua thể tích thiết bị chứa đựng CTR sinh hoạt; Thông qua việc cân xác định khối lượng CTRSH (đối với các cơ quan, tổ chức) hoặc các hình thức khác do UBND cấp tỉnh quy định.

Đối với trường hợp thực hiện theo hình thức thông qua giá bán bao bì đựng CTR sinh hoạt, Thông tư đưa ra quy định về yêu cầu kỹ thuật như: Có quy cách, kiểu dáng, kích thước cụ thể, thể tích khác nhau theo quy định của UBND cấp tỉnh để bảo đảm dễ dàng phân biệt với các loại bao bì thông thường khác. Mỗi loại bao bì đựng CTRSH có thể tích khác nhau tương ứng với mức giá bán khác nhau; Bao bì đựng các loại CTRSH khác nhau có màu sắc khác nhau; bao bì đựng chất thải thực phẩm có màu xanh, bao bì đựng CTRSH khác có màu vàng. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh có thể quy định màu sắc khác, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh; Chất liệu bao bì đựng chất thải phải phù hợp với công nghệ xử lý chất thải của địa phương. Khuyến khích sử dụng bao bì là chất liệu dễ phân hủy sinh học; Bao bì đựng chất thải thực phẩm hoặc có lẫn chất thải thực phẩm phải đảm bảo tránh rò rỉ nước và phát tán mùi; Bao bì đựng CTRSH có thiết kế dễ buộc, dễ mở, bảo đảm CTRSHkhông rơi vãi và thuận tiện cho việc kiểm tra; CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được lưu chứa trong các bao bì thông thường, bảo đảm có khả năng lưu chứa và không gây ô nhiễm môi trường.

Chất thải nguy hại (CTNH)

Theo Điều 83 Luật BVMT, chủ nguồn thải CTNH có trách nhiệm khai báo khối lượng, loại CTNH trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường hoặc nội dung đăng ký môi trường (thay cho thủ tục đăng ký chủ nguồn thải CTNH); Thực hiện phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ riêng và không để lẫn với chất thải không nguy hại, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; Tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật hoặc chuyển giao CTNH cho cơ sở có giấy phép môi trường phù hợp để xử lý.

Đối tượng được phép vận chuyển CTNH bao gồm: Chủ nguồn thải CTNH có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của pháp luật về BVMT; Cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý CTNH phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển. Như vậy, đối tượng được phép vận chuyển CTNH đã được mở rộng, bao gồm cả chủ nguồn thải và các cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý CTNH. Do vậy, cần có biện pháp quản lý nhằm đảm bảo các đơn vị nêu trên tuân thủ quy định và chuyển giao đến cơ sở xử lý phù hợp, tránh việc chuyển giao đến các cơ sở không đáp ứng các quy định về BVMT hoặc thậm chí là đổ trộm chất thải.

Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTNH phải đáp ứng các yêu cầu BVMT như phù hợp với Quy hoạch BVMT quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý CTNH; bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định; công nghệ xử lý CTNH phải được thẩm định; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng… Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý CTNH; khuyến khích việc đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTNH quy mô cấp vùng; khuyến khích đồng xử lý CTNH. UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch có nội dung về xử lý CTNH; không hạn chế việc thu gom CTNH phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh khác về xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTNH trên địa bàn.

Một điểm mới trong quy định lần này là một số mã CTNH là bùn thải được gộp lại thành một mã CTNH chung, cụ thể là các mã CTNH là bùn thải 01 04 07, 02 05 01, 03 01 08, 03 02 08, 03 03 08, 03 04 08, 03 05 08, 03 06 08, 03 07 08, 04 02 04, 10 02 03, 12 06 06, 12 06 07, 12 06 08, 12 07 05 tại Danh mục mã CTNH ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 được thay thế bằng mã CTNH số 12 06 05. Trong các mã CTNH nêu trên trước đây có một số là loại ** (loại luôn là CTNH), hiện nay được quy định là chất thải công nghiệp phải kiểm soát. Việc kê khai, sử dụng chứng từ CTNH hiện nay sử dụng 4 liên thay vì 6 liên như trước đây (không có các liên gửi cho Sở TNMT và TCMT nữa); đồng thời chủ xử lý CTNH (hoặc đơn vị vận chuyển) là đơn vị đứng ra lập chứng từ, thay vì là chủ nguồn thải;

CTR công nghiệp thông thường

CTR công nghiệp thông thường được phân loại thành các nhóm: CTR công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất; CTR công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; CTR công nghiệp thông thường phải xử lý.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định CTR công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và giao Bộ TN&MT quy định nhóm chất thải trong Danh mục CTR công nghiệp thông thường. Theo đó, Bộ TN&MT đã ban hành danh mục CTNH, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và CTR công nghiệp thông thường tại Thông tư số 02/2022, trong đó nhóm CTR công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được ký hiệu là TT-R.

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức phát sinh CTR công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân loại tại nguồn theo quy định; lưu giữ bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. CTR công nghiệp thông thường không được phân loại phải được quản lý như chất thải quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

CTR công nghiệp thông thường có lẫn CTNH không thực hiện việc phân loại hoặc không thể phân loại được thì được quản lý theo quy định về quản lý CTNH. CTR công nghiệp thông thường phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn CTNH với CTR công nghiệp thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ nước thải ra môi trường; lưu giữ bằng các thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ phù hợp theo quy định của Bộ TN&MT.

Việc vận chuyển CTR công nghiệp thông thường phải được chứa, đựng trong các thiết bị, dụng cụ bảo đảm không rơi vãi, rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển, trừ trường hợp chất thải đặc thù có khối lượng lớn phải chứa, đựng trực tiếp bằng các thiết bị, thùng chứa của phương tiện vận chuyển; Chất thải phải được vận chuyển theo loại sau khi đã được phân loại theo quy định; Phương tiện vận chuyển CTR công nghiệp thông thường phải xử lý phải có thiết bị định vị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoạt động theo tuyến đường và thời gian quy định của UBND cấp tỉnh.

3. Một số đề xuất trong tổ chức thực hiện

Ở cấp Trung ương

Trong năm 2022, Bộ TN&MT đang khẩn trương thực hiện các giải pháp: Ban hành và công bố Danh mục công nghệ xử lý CTRSH khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức triển khai; Xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi chôn lấp CTR và về lò đốt chất thải; Ban hành hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn phù hợp với vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn để triển khai thực hiện; triển khai thí điểm các hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình và cá nhân tại một số địa phương; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, đảm bảo yêu cầu về BVMT; Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; Trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, trong đó có các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Ở cấp địa phương

Tổ chức thực hiện tốt các quy định mới của Luật BVMT 2020 và văn bản quy định chi tiết thi hành, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, của người dân và doanh nghiệp; Thực hiện thí điểm, sớm hơn lộ trình quy định của Luật BVMT 2020 trong việc triển khai cơ chế phân loại rác thải tại nguồn; thu giá, phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng, bao bì chứa tại một số tỉnh, thành phố lớn; Triển khai thực hiện hiệu quả quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau xử lý của mình; Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH, đặc biệt là trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng và vận hành cơ sở xử lý CTRSH, triển khai áp dụng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về BVMT và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án, phát huy và đa dạng hóa nhiều nguồn lực cho xử lý chất thải; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực: các địa phương cần bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTRSH, bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.

UBND cấp huyện ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về quản lý CTRSH; Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về quản lý CTRSH; Tổ chức triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định.

UBND cấp xã kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT trong việc thu gom, vận chuyển CTRSH; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt; Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTRSH; Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao CTRSH cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom CTRSH; xây dựng kế hoạch phương án hoặc nội dung thực hiện quản lý CTRSH trên địa bàn.

Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Môi trường
Nguyễn Đức Thọ
Đỗ Tiến Đoàn
Vụ Quản lý chất thải
Theo Tạp chí Môi trường

Tags hành lang pháp lý chất thải rắn quản lý chất thải rắn

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục