Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2022 | 3:30:16 PM

Hiện nay, xu hướng sống bền vững đang được hưởng ứng mạnh mẽ trên toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường sống, giảm khí thải gây ô nhiễm và hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc - Ảnh 1
Lối sống bền vững khởi đầu ngay từ những thiết kế, vật liệu bền vững trong mỗi không gian chức năng (Ảnh: GROHE)

Hội nghị COP 26 (Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc) từng dành trọn một ngày (11/11/2021) cho vấn đề Đô thị, Kiến trúc – Xây dựng và đưa ngành công nghiệp AEC (Architecture, Engineering, and Construction) ra bàn luận trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới.

Mỗi năm, sẽ có hơn 4 tỷ tấn xi măng được sản xuất, và phát thải ra môi trường 8% lượng khí thải toàn cầu. Đây là thành phần chính của bê tông – vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Ngành xây dựng cũng tiêu thụ từ 40% đến 75% nguyên liệu thô trên thế giới, bao gồm cả quặng sắt, được sử dụng để sản xuất thép và nhôm. Theo các báo cáo do Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền và Mapa de Conflitos – Một tổ chức báo cáo về các địa điểm có rủi ro và tác động môi trường do các ngành công nghiệp gây ra, ngành công nghiệp khai khoáng cũng gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến môi trường và xã hội, có thể quét sạch toàn bộ đất đai và cộng đồng.

Điều đó cho thấy được tác động của ngành AEC đã vượt qua phạm vi của nó và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống. Suy nghĩ về sống bền vững và đưa tư duy đó vào các công trình, các không gian sống đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ.

Công trình bền vững không chỉ thể hiện bên trong nó, mà còn là sự tương tác, phù hợp với cảnh quan xung quanh, bối cảnh kinh tế – xã hội. Quan tâm đến bối cảnh còn là việc tận dụng vật liệu bản địa, sử dụng công nhân và kỹ thuật xây dựng địa phương. Điều này vừa giúp công trình giữ gìn bản sắc, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Bàn về sống bền vững trên thế giới, KTS người Nhật Bản Kengo Kuma khi nói về thiết kế Sân vận động (SVĐ) phục vụ Olympic 2020, trong bài phỏng vấn với Louisiana Channel – kênh truyền thông của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Đan Mạch đã chia sẻ: "Chúng ta không cần thêm những "biểu tượng bê tông” như SVĐ Quốc gia do KTS Kenzo Tange thiết kế. Tôi công nhận đó đúng là một công trình ấn tượng. Nhưng thời đại của chúng ta, ngoài thẩm mỹ, kinh tế, công năng, còn là vấn đề về phát thải, tiết kiệm năng lượng,… nên ở công trình SVĐ phục vụ Olympic 2020 lần này, tôi đã lựa chọn những vật liệu tự nhiên với ý tưởng chính là những mái hiên, tạo ra bóng đổ như ta đang ngồi dưới những tán cây. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh SVĐ nằm ở Meiji Jingu Gaien, khu rừng lớn nhất ở Tokyo với những đường chạy bộ xuyên khu rừng và kết nối đến với SVĐ”

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc - Ảnh 2
Thiết kế bền vững nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian (Ảnh: GROHE)

KTS người Thụy Sĩ Mario Botta – người từng làm việc với các KTS nổi tiếng như KTS Le Corbusier, Louis Kahn và Carlo Scarpa, đã chia sẻ về quá trình thiết kế Ngôi nhà Casa Rotonda của ông: "Đầu tiên, đó là bối cảnh. Bối cảnh thúc đẩy thiết kế của tôi chứ không phải là bản năng, công năng đơn thuần. Bối cảnh là một phần quan trọng của mỗi dự án. Bối cảnh đã có hầu hết các manh mối cho KTS. Khi tôi bắt đầu thiết kế Casa Rotonda, nó không phải là những đường cong. Đó là một hình vuông với các lát cắt để đưa ánh sáng từ trên cao xuống. Lý do chuyển từ vuông sang tròn là vì bối cảnh xung quanh. Tôi muốn tránh sự đối đầu gay gắt giữa ngôi nhà với các công trình lân cận, sử dụng những vật liệu rất cơ bản và nó cũng khá khiêm nhường, chi phí thì tương đồng với các công trình xung quanh”.

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc - Ảnh 3
Ngôi nhà Casa Rotonda do KTS Mario Botta thiết kế (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, từ xa xưa, ông cha ta đã rất chú trọng đến việc xây dựng bền vững bằng cách sử dụng các vật liệu bản địa (tre, nứa, đá, gỗ, gạch nung,…) bền, chắc, giá thành hợp lý phù hợp với nhu cầu và hài hoà với điều kiện khí hậu, tự nhiên tại địa phương, tiết kiệm năng lượng. Ngày nay, do tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật hiện đại, hội nhập nên việc kết hợp giữa các kinh nghiệm truyền thống với ứng dụng công nghệ mới còn hạn chế. Đây cũng là bài toán khó đặt ra đối với các KTS đương đại. Tuy nhiên, với sự linh hoạt và sáng tạo của mình, các KTS Việt Nam đã có những giải pháp rất độc đáo, giúp công trình hài hòa hơn với tự nhiên, môi trường, cũng như nâng cao chất lượng sống của con người.

Đặt trọng tâm tìm kiếm những đề xuất cho không gian sống tương lai tại Việt Nam, từng bước giải quyết các vấn đề trong thiết kế kiến trúc, xây dựng hiện nay, ngày 31 tháng 03 năm 2022, tại Hà Nội – LIXIL Việt Nam ra mắt chương trình Architecture Leader Perspective (ALP) 2021 – 2022: "Tương lai không gian sống Việt Nam” với mục đích tìm ra giải pháp kiến trúc cho các vấn đề của cuộc sống đương đại. 6 tiêu chí hướng tới một không gian sống tốt hơn được ban tổ chức đặt ra là: sống an toàn, sống khỏe, sống tiện lợi, sống thông minh, sống bền vững, sống thăng hoa.

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc - Ảnh 4
Sân vận động quốc gia Nhật Bản do KTS Kengo Kuma thiết kế (Nguồn: Archdaily)

Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng và tổ chức từ năm 2016 bởi LIXIL Việt Nam, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Năm 2021 – 2022, chương trình mở rộng quy mô và tăng thêm tính chuyên sâu bởi sự bảo trợ từ các đơn vị: Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (SACA); Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Chương trình được hỗ trợ truyền thông bởi các cơ quan truyền thông đầu ngành như: Kiến Việt, Tạp chí Kiến trúc, Tạp chí Nhà Đẹp,… ALP là nền tảng nhằm hỗ trợ sự phát triển và kết nối cộng đồng Kiến trúc – Thiết kế trên quy mô toàn quốc thông qua những hoạt động đa dạng như: nghiên cứu lý luận, thực nghiệm, tọa đàm, triển lãm, giao lưu, nghiên cứu liên ngành… Không chỉ là những nghiên cứu thông thường, ALP luôn chú trọng đến sự liên kết giữa thực tế cuộc sống, các vấn đề đặt ra trong tương lai, yêu cầu từ các nhà phát triển đô thị, suy nghĩ của các kiến trúc sư, góc nhìn của các chuyên gia về các vấn đề xã hội để các giải pháp mang tính thực tiễn cao và toàn diện. "Sản phẩm đầu ra” của chương trình là những nghiên cứu chuyên sâu có tính ứng dụng cao từ các công ty – văn phòng kiến trúc cùng sự đóng góp của các chuyên gia liên ngành.

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc - Ảnh 5
Công trình Nhà Hang Gạch H&P Architects nhận Giải tiêu chí Tiết kiệm năng lượng tại Giải thưởng Kiến trúc xanh 2020. Công trình được hội đồng giám khảo đánh giá cao bởi các giải pháp về hình khối, sử dụng vật liệu địa phương… và hơn hết là giải pháp không gian mang đến hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

Chia sẻ thêm về Chương trình ALP quy mô và tính ứng dụng năm nay, ông Nguyễn Tristan Chinh, Giám đốc Điều hành Kinh doanh toàn quốc, công ty LIXIL Việt Nam cho biết: "Chương trình ALP sẽ triển khai các hoạt động phát triển và kết nối cộng đồng Kiến trúc – Thiết kế trên quy mô toàn quốc thông qua những hoạt động đa dạng như: Tọa đàm, nghiên cứu lý luận, thực nghiệm,… nhằm định hình hướng đi và tìm ra giải pháp phù hợp cho các vấn đề nổi cộm của xã hội thuộc lĩnh vực Kiến trúc – Thiết kế. Không chỉ đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của người dùng, các không gian cần sẵn sàng thích nghi với mọi thay đổi khách quan trong tương lai, đảm bảo tính bền vững và thúc đẩy cảm hứng tận hưởng cuộc sống”.

Theo Tạp chí Kiến trúc

Tags xu hướng sống bền vững kiến trúc con người thiên nhiên

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục