Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Quốc hội đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89 - 90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, DN xử lý rác thải theo hướng hiện đại thì mục tiêu trên rất khó hoàn thành.
Địa phương lúng túng
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó, rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Riêng các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự báo mỗi ngày sẽ phát sinh từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải.
Công nhân Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) vận hành băng chuyền đưa rác vào lò đốt. Ảnh: Vân Nhi
Trong hoàn cảnh hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa thì rác thải đã làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.
Nhiều chuyên gia khẳng định, việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết. Song, lựa chọn phương pháp nào cho hiệu quả đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý địa phương.
Đơn cử, tại tỉnh Long An - nơi đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%, cao hơn chỉ tiêu chung cả nước - là 90% theo Nghị quyết số 16 của Quốc hội, với khu vực nông thôn là 95%, công nghệ xử lý rác thải, xử lý sản phẩm sau khi tái chế rác thải ra sao cũng đang là một điểm nghẽn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, chúng ta đã quy định rác thải phải phân loại tại nguồn nhưng phân loại xong rồi xử lý, sản xuất, tái chế ra sao? Việc quản lý, sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào… cần phải sớm có hướng dẫn cho các địa phương thực hiện. Ngoài ra, hiện nay, Bộ TN&MT có giới thiệu công nghệ tối ưu xử lý rác thải là công nghệ plasma nhưng chi phí đầu tư, vận hành cao, đòi hỏi lượng rác phải phù hợp... nên việc triển khai rộng khắp ở các địa phương là chuyện không hề đơn giản.
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho biết thêm, nguyên tắc xử lý rác thải bằng công nghệ plasma là đưa nhiệt trị rất lớn, khoảng 4.000 độ C vào lò đốt. Điều này đòi hỏi chi phí để cung cấp được lượng nhiệt trị này sẽ rất lớn. Khi đầu tư lớn như vậy, nếu các tỉnh có nguồn thu ngân sách ít thì không đủ khả năng chi trả. Và nếu kêu gọi xã hội hóa, nhà đầu tư không thấy có lãi, sẽ không mặn mà.
Ngoài ra, phần lớn rác thải ở Việt Nam hiện nay chưa được phân loại tại nguồn nên lượng chất vô cơ trong rác như plastic, nhựa, lốp xe… khá nhiều. Nếu chỉ đốt rác bằng công nghệ thông thường thì lượng khí thải độc hại sẽ rất lớn. Nếu công nghệ áp dụng không được thẩm định kỹ, không xử lý được lượng khí thải độc hại sinh ra thì sẽ rất nguy hiểm. Đây chính là khó khăn cho các địa phương khi lựa chọn công nghệ.
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Đề cập đến các biện pháp nâng cao hiệu qua công tác thu gom, xử lý rác thải, ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần tập trung vào hai vấn đề: Chính sách và các biện pháp thực thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải. Trong đó, về vấn đề chính sách, thực tế là từ trước đến nay, việc quản lý rác thải sinh hoạt do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm.
Gần đây, Bộ TN&MT đã bắt đầu tiếp quản tất cả các vấn đề liên quan đến môi trường. Nếu quản lý Nhà nước về xử lý rác thải đã tập trung một đầu mối về Bộ TN&MT, phải có hướng dẫn cho các địa phương công nghệ phù hợp, còn địa phương phải có quyền quyết định lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp thông qua đấu thầu.
Liên quan đến công tác kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xử lý rác, đốt rác phát điện, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, hiện nay, hầu như chỉ có những địa phương có thu ngân sách lớn, TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng… mới có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Từ thực tế trên, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần phải nghiên cứu vấn đề khuyến khích công nghệ mới mang tính đột phá. Bởi, nếu chúng ta không đột phá về công nghệ, thì ngay cả chỉ tiêu "net zero” (phát thải ròng bằng không) về phát thải khí nhà kính cũng khó có thể thực hiện.
Đồng quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, cần sớm hoàn thiện xây dựng khung chính sách tài chính nhằm tăng nhanh tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. "Đặc biệt, cần đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành đơn giá chất thải rắn sinh hoạt, đơn giá thu mua điện từ các dự án đốt rác nhằm thu hút nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong xử lý rác thải sinh hoạt” - ông Nguyễn Văn An nhấn mạnh.
"Để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, đề nghị Bộ TN&MT chủ trì cùng Bộ Tài chính, chính quyền các địa phương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền mô hình đầu tư hợp tác công - tư, cơ chế tạo nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường để đầu tư trở lại cho vấn đề này." - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Văn An.
Theo KTĐT