Thạc sỹ, Nhà báo Hà Hồng
Dưới đây là bài phỏng vấn:
PV: Thưa ông, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, các F0 triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà... Riêng trong công tác xử lý rác thải, theo ông điều này đặt ra những khó khăn gì nhất là với công nhân môi trường?
- Ông Hà Hồng: Trước những khó khăn trong công tác thu gom xử lý rác thải, Hiệp hội đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 báo cáo hiện trạng và nêu rõ những khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải khi thực hiện điều trị người bệnh F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà.
Có thể nói trong tổng số 30 nghìn hội viên cá nhân, 180 đơn vị hội viên tập thể của Hiệp hội, có nhiều công nhân thu gom rác thải phải tiếp xúc hằng ngày với môi trường độc hại, với người dân ở các khu cách ly, phong tỏa đã bị nhiễm Covid-19. Vượt qua nhiều khó khăn như môi trường làm việc ô nhiễm, chủ yếu về đêm, liên tục tăng ca không có ngày nghỉ, thu nhập thấp… nhưng những công nhân môi trường vẫn hoàn thành công việc vất vả của mình, không để rác thải tồn đọng. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với phòng dịch không chỉ giữ sạch, đẹp cho phố phường mà còn góp phần ngăn chặn virus SARS-CoV-2 phát tán, lây lan, nhất là trong bối cảnh mới khi nhiều người nhiễm Covid-19 (người bệnh F0) tự điều trị tại gia đình.
Tuy nhiên, công tác vệ sinh môi trường lại đang nảy sinh một số vấn đề khó khăn mới trong quá trình quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, rác thải y tế phát sinh từ điều trị người bệnh Covid-19. Hiệp hội nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của các hội viên là những đơn vị trực tiếp tham gia trong công tác thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải khi thực hiện điều trị người bệnh F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà. Hiệp hội đã tổng hợp ý kiến và xin kiến nghị với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc này.
PV: Ông có thể nêu cụ thể một vài khó khăn trong quá trình thu gom xử lý rác thải trong các trường hợp vừa nêu và kiến nghị của Hiệp hội?
- Ông Hà Hồng: Tại điều 11, mục 2. Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 có quy định về "Vận chuyển chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong các trường hợp người bệnh F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn, mỗi một điểm nhà có người bệnh F0 sẽ là một điểm phát sinh phải thu gom, điều này dẫn đến công tác thu gom, vận chuyển gặp nhiều khó khăn cả về nhân lực thu gom, phương tiện vận chuyển, thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao; xe thu gom không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ; thiếu lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết. Và trên thực tế, công tác này gặp rất nhiều khó khăn do hiện vẫn đang trông chờ rất nhiều vào sự tự giác của các gia đình.
PV: Tức là chúng ta không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của các gia đình có người bệnh F0 điều trị tại nhà. Theo ông, cần có những giải pháp quyết liệt gì để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ với công nhân nói riêng và góp phần làm hạn chế dịch bệnh lây lan?
- Ông Hà Hồng: Để công tác thu gom, vận chuyển rác có nguy cơ lây nhiễm khi F0 điều trị tại nhà được linh hoạt, hiệu quả, Hiệp hội đã kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tại địa phương phê duyệt phương án thu gom, vận chuyển với các nội dung cần được làm rõ: Việc cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố phải có đơn đăng ký gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường, thị trấn (qua Trạm y tế) tại nơi cư trú. Trong đơn đăng ký của người bệnh F0 điều trị tại nhà nêu chi tiết các nội dung cụ thể bao gồm: được hướng dẫn phân loại lưu trữ rác; cam kết của người bệnh F0 khi điều trị tại nhà; trách nhiệm của người bệnh F0 và người nhà người bệnh F0 trong công tác phân loại, cung cấp các công cụ chứa đựng (thùng chứa, túi nilon,…).
Đối với công tác hướng dẫn phân loại, cấp phát trang thiết bị như thùng rác, túi nilon, thu gom rác của người bệnh F0 khi đưa ra điểm tập kết chung của địa phương do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, các cơ sở y tế trên địa bàn, tổ Covid cộng đồng thực hiện.
Hiệp hội đề xuất đưa lực lượng công nhân của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường vào thành phần tổ Covid cộng đồng của địa phương để thực hiện công việc và hưởng các chế độ chính sách theo quy định.
PV: Còn đối với các bộ, ngành, nhất là chính quyền địa phương các cấp, theo ông cần hỗ trợ gì trong công tác này hiện nay?
- Ông Hà Hồng: Đúng là việc này không thể chỉ các lực lượng làm môi trường cố gắng là đủ. Hiệp hội cũng đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, Sở chỉ huy phòng chống Covid-19 tại các địa phương sớm ban hành hướng dẫn chi tiết việc xác định các nguồn phát sinh chất thải và phân định trách nhiệm thu gom chất thải có nguy cơ lây nhiễm từ hộ gia đình đến điểm tập kết để thu theo cụm theo quy định.
Đồng thời, cơ quan chuyên môn cần xem xét việc cung cấp đầy đủ thông tin, trang bị bảo hộ y tế, các chế độ chính sách cho lực lượng công nhân của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn để việc thu gom xử lý rác có nguy cơ lây nhiễm được thu gom từ nhà người bệnh F0, các điểm tập trung đến điểm tập kết tập trung của quận, huyện đạt hiệu quả tối ưu nhất. Thời gian qua, công nhân và các đơn vị môi trường ở nhiều địa phương đã gần như vắt kiệt sức để hoàn thành nhiệm vụ thu gom vận chuyển, xử lý rác thải, nhất là rác thải tại khu cách ly tập trung và hộ gia đình có người bệnh F0. Tuy vậy họ gần như chưa được hưởng cơ chế hỗ trợ nào. Hiệp hội kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống Covid-19 địa phương sớm ban hành đơn giá thu gom vận chuyển và xử lý rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm Sars-CoV-2 dựa trên nguyên tắc đủ chi phí cho các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý đồng thời phù hợp Điều 20 Luật Giá số 11/2012/QH13. Trong khi chờ ban hành đơn giá, đề nghị cho phép địa phương áp dụng đơn giá thu gom, xử lý đối với chất thải lây nhiễm.
Về thời gian thu gom rác thải, Hiệp hội đề xuất thu gom rác thải trong ngày, khoảng từ 22h00 trở đi để giảm nguy cơ lây nhiễm do đây là khoảng thời gian người dân ít hoạt động ngoài đường. Hơn nữa, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp tổ dân phố. Có như vậy, chúng ta mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19 đối với công nhân môi trường và góp phần làm hạn chế dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Hùng (thực hiện)