Nhiều ý kiến trái chiều về Dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường 2020

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2021 | 5:41:07 PM

QLMT - Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì một số điều kiện trái với các Nghị quyết của Chính phủ, nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp...

 
Theo trang báo điện tử VOV, Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang gây nhiều tranh cãi, nhiều qui định trong dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường 2020 không phù hợp thực tế, chồng chéo, lãng phí, dễ phát sinh tiêu cực.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là "Dự thảo”) đang gấp rút hoàn thiện để Bộ Tư pháp thẩm định, thông qua trong tuần cuối tháng 9/2021. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của Dự thảo này vẫn đang gây tranh cãi bởi áp nhiều "tiêu chuẩn” không phù hợp điều kiện kinh tế- xã hội của Việt Nam,  thậm chí còn tăng chi phí nhưng không hiệu quả cả về mặt quản lý Nhà nước lẫn bảo vệ môi trường, lại phát sinh thêm tiêu cực.

Mới đây, một số Hiệp hội, doanh nghiệp đã có ý kiến bằng văn bản, kiến nghị với Bộ Tài Nguyên và Môi trường về các nội dung chưa phù hợp trong dự thảo.

Một số điều kiện trái với các Nghị quyết của Chính phủ

Về thủ tục cấp giấy phép môi trường, theo các Hiệp hội, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xin cấp giấy phép môi trường (GPMT), nhưng với quy định mới thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin cấp GPMT. Qui định này làm tăng thủ tục hành  chính (TTHC) do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả.

"Luật BVMT quy định hồ sơ xin cấp GPMT gồm 3 mục. Trong Dự thảo này cũng gồm 3 mục lớn, trong các mục lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ phức tạp. Mục 2 có 10 mục nhỏ thì 9 mục đã nộp trong hồ sơ xin duyệt ĐTM. Nhiều mục trùng lắp khác” – ông Nguyễn Hồng Uy - đại diện Tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống (EUROCHAM) cho biết.

Ông Uy phân tích thêm, với quy định trong điều 27-29 của Dự thảo, phần lớn DN sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định + 2 lần kiểm tra thực địa (thẩm định và kiểm tra thực địa ĐTM + thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp GPMT). Điều 29 không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép.

Còn theo bà Hoàng Thị Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), quy trình cấp phép theo dự thảo là không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm. Việc tiền kiểm (lấy mẫu kiểm tra các công trình xử lý chất thải khi còn chưa vận hành thử nghiệm thì làm sao có kết quả chính xác) rõ ràng là không có hiệu quả. Hơn nữa, chỉ cấp phép tiền kiểm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm, mà bài học đau đớn là trường hợp Forrmosa. Ngoài ra Điều 30, khoản 3c quy định phải đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải  trước khi cấp GPMT vậy với các công trình xây dựng như cầu, đường… vốn không có các công trình xử lý chất thải thì làm sao cấp được GPMT?

Ngoài ra, thủ tục cấp GPMT điều chỉnh hay cấp lại (điều 33) cũng rất phức tạp: Báo cáo đề xuất cấp điều chỉnh, cấp lại dài 100% như cấp mới. Có những quy định nằm ngoài Luật BVMT, ví dụ các điểm b, c, d chỉ bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư nhưng vẫn phải cấp lại và làm báo cáo ĐTM ngay cả khi không làm tăng tác động xấu đến môi trường. 

Còn theo ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, điều này đi ngược lại với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC cho DN.  Việc kiểm tra thực địa 2 lần trong quá trình cấp phép cũng không phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo "chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”.

 Nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản. Ảnh minh hoạ: ITN

 Nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp

Với cách gọi "đóng góp” chứ không gọi là phí trong Dự thảo khiến nhiều Hiệp hội và DN quan ngại khi thấy rằng khoản tiền lớn này sẽ nằm ngoài ngân sách nhà nước, và có thể sẽ không chịu các quản lý theo luật phí và lệ phí, mà do Văn phòng EPR tự quyết định. Khi Văn phòng EPR thu tiền để tái chế thay cho doanh nghiệp thì rõ ràng Văn phòng EPR phải chịu trách nhiệm về việc tái chế đó, nhưng Dự thảo không có bất cứ quy định nào về việc nếu không hoàn thành trách nhiệm thì Văn phòng EPR có chịu trách nhiệm trước pháp luật không (Bộ Công Thương cũng có ý kiến góp ý về vấn đề này).

Vì vậy, với quy định này, các Hiệp hội quan ngại rằng DN phải nộp thêm khoản tiền này nhưng điều gì và cơ sở nào đảm bảo rằng môi trường sẽ đảm bảo hơn, sạch hơn? Liệu đây có giống chuyện đổi tên Trạm Thu Phí thành Trạm Thu Giá của Bộ GTVT trước đây?

Việc DN nộp tiền để EPR làm thay việc tái chế, nhưng văn phòng EPR tự quản lý quỹ, quyết định thu chi mà không có quy định giám sát quản lý thì giống như việc hùn vốn cho 1 công ty gia đình mà cả Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và Thủ quỹ đều là người của gia đình đó cử ra.

Công thức tính phí là chưa rõ ràng, tỷ lệ tái chế bắt buộc 80-90% ngay lúc đầu là quá cao, vì ngay cả châu Âu cũng chỉ ở mức 50-60%, cần phải có lộ trình tăng dần.

"Đề nghị lùi lộ trình nộp phí tái chế đến 1/1/2025, vì nếu Nghị định áp dụng vào ngày 01/01/2022 thì doanh nghiệp sớm phải chịu thêm chi phí trong khi vẫn đang rất khó khăn để chống dịch, thêm vào đó là giá hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng đang rất khó khăn” – đây là kiến nghị của hầu hết các Hiệp hội.

Ngành thủy sản "được” tăng thêm nhiều khó khăn

Gần 2 tháng thực hiện "3 tại chỗ” (3TC), DN thủy sản đối mặt với muôn vàn khó khăn và áp lực đứt gãy toàn chuỗi từ nuôi - khai thác - chế biến- XK. Theo tính toán của sơ bộ của các DN sản xuất "3TC”, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản,..) và quy mô công suất chế biến. Một DN trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất "3TC” với chỉ 1/3 công suất và sẽ thiệt hại 50-55%/tháng nếu ngưng sản xuất. Đang ngồi trên đống lửa thì lại thêm lo vì quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà Bộ Tài Nguyên Môi trường đang lấy ý kiến thì các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên đã phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải. Trong khi giá thành đầu tư hệ thống tính sơ đã mất hàng tỷ đồng, chi phí vận hành trung bình từ 10 - 30 triệu đồng/tháng... Thêm đầu tư một hệ thống vừa đắt đỏ, kết quả không chính xác... mà vẫn có nguy cơ bị phạt.

Theo phản ánh của doanh nghiệp thủy sản, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường đang được Bộ Tài Nguyên Môi trường lấy ý kiến, thì các cơ sở chế biến thủy sản bị ngành chế biến thủy sản bị xếp vào Mức III của "Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” của Phụ lục 5 "Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” có lưu lượng xả nước thải ra môi trường chỉ từ 200 m3/ngày trở lên thì phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải. Như vậy, quy định này đã giảm từ mức 1.000 m3/ngày (theo quy định tại NĐ 40/2019) xuống 200 m3/ngày (thời gian tới), tức là giảm xuống 5 lần. Yêu cầu này sẽ khiến quy mô và số lượng lớn gần 100% các nhà máy, bao gồm rất nhiều các nhà máy nhỏ, phải thực hiện và phải đầu tư hệ thống quan trắc với chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa.

Đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỷ đồng/một hệ thống, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc (3 tháng). Cái mà các DN quan ngại lớn ở đây không chỉ là chi phí lớn mình phải đầu tư thêm sau khi đã phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh theo quy định với chi phí hàng tỷ đồng, mà còn điều đáng nói là hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác. Với một ngành hàng, với cả đất nước nhiều ngành hàng thì đó là một chi phí xã hội vô cùng lớn.

Nhiều DN cho rằng, quy định về ngưỡng xả thải hạ xuống 5 lần làm căn cứ để yêu cầu lắp thiết bị quan trắc tự động và quy định tần suất quan trắc nước thải định kỳ của Dự thảo không rõ dựa trên cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học nào hay báo cáo đánh giá thực tiễn.

Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000 m3/ngày trở lên thì "tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là 01 tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn (thậm chí lên tới 30% lượng nước trong ao nuôi/ngày), nên nếu áp dụng theo quy định trên thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc 1 tháng/ lần. Điều này làm tăng chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều trong khi quy định hiện hành chỉ là 3 tháng/lần. Đây lại là một điểm đáng lo ngại nữa với các DN có vùng nuôi.

Hiện nay, ngành chế biến thủy sản đang bị xếp vào mức 3 của "Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”. Tuy nhiên, VASEP và cộng đồng DN thủy sản cho rằng điều đó là không công bằng bởi thực tế so với các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như: bánh kẹo, sữa, dệt nhuộm... thì nước thải của ngành thủy sản ít ô nhiễm môi trường, ít độc hại hơn nhiều nhưng lại bị xếp vào mức độ cao hơn.

Ngoài ra, ngành nuôi trồng thuỷ sản (vốn phải sử dụng lượng nước lớn để nuôi) lại nằm trong "Danh mục dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao”. Quy định này đang đi ngược lại với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, khuyến khích nhân rộng mô hình "cánh đồng mẫu lớn” của Chính phủ. Dẫn tới, các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ cũng phải xin cấp phép cấp Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn thuộc nhóm nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gia tăng thủ tục hành chính, tăng thêm gánh nặng cho các cơ sở nuôi trồng.

Đồng quan điểm trên, theo Báo lao động, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có nhiều bất cập, cần điều chỉnh phù hợp trước khi thông qua.Trong đó nhấn mạnh việc đưa nhà máy thủy sản vào mức nguy cơ ô nhiễm cao bởi so với các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm khác là chưa hợp lý. Vì theo QCVN 11:2015 về nước thải nhà máy chế biến thủy sản không có các chỉ tiêu nước thải độc hại, chủ yếu có nguồn gốc từ cơ thịt thủy sản và các phụ gia thực phẩm, đều là những chất từ tự nhiên và ăn được đối với con người, không gây độc hại mạnh như những hóa chất dùng trong các ngành công nghiệp khác.

Bắc Lãm 

Tags Dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ môi trường 2020 ý kiến trái chiều

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục