"90% trợ cấp nông nghiệp toàn cầu gây thiệt hại cho con người và hành tinh"

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/9/2021 | 12:43:47 PM

Gần 90% trong số 540 tỷ USD trợ cấp toàn cầu cho nông dân hàng năm là 'có hại', một báo cáo đáng kinh ngạc của Liên hợp quốc cho biết.


Các nguồn gây phát thải khí nhà kính lớn nhất, chẳng hạn như thịt bò và sữa, lại thường được nhận trợ cấp lớn nhất. Ảnh: Guardian.

Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, các trợ cấp đó gây tổn hại đến sức khỏe người dân, gây ra khủng hoảng khí hậu, hủy hoại thiên nhiên và gây ra bất bình đẳng do loại trừ nông dân sản xuất nhỏ, trong đó có nhiều người là phụ nữ.

Các nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, chẳng hạn như thịt bò và sữa, được trợ cấp nhiều nhất, báo cáo cho biết. Những loại này thường do các nhóm công nghiệp hóa lớn sản xuất, thường dễ được hưởng trợ cấp.

Liên hợp quốc cho biết, nếu không có cải cách, mức trợ cấp hàng năm sẽ tăng lên 1.800 tỷ USD vào năm 2030, gây tổn hại hơn nữa đến phúc lợi của con người và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hành tinh.

Phân tích cho biết phải giảm sự hỗ trợ cho ngành công nghiệp thịt và sữa "ngoại cỡ” ở các nước giàu, trong khi phải giảm trợ cấp cho phân bón hóa học và thuốc trừ sâu gây ô nhiễm ở các nước có thu nhập thấp hơn.

Báo cáo được công bố trước hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc vào ngày 23/9, cho biết việc trợ cấp cho các hoạt động có lợi có thể "thay đổi cuộc chơi" và giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng, giảm nhiệt độ toàn cầu và phục hồi thiên nhiên. Sử dụng tốt trợ cấp có thể gồm hỗ trợ thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn như rau và trái cây, cải thiện môi trường và hỗ trợ nông dân nhỏ.

Nhiều phân tích trong những năm gần đây đã kết luận rằng hệ thống lương thực toàn cầu đã bị phá vỡ, với hơn 800 triệu người bị đói kinh niên vào năm 2020 và 3 tỷ người không thể mua được một chế độ ăn uống lành mạnh, trong khi 2 tỷ người béo phì hoặc thừa cân và một phần ba lương thực bị lãng phí. Tổng thiệt hại gây ra ước tính khoảng 12 triệu USD/năm, nhiều hơn giá trị của thực phẩm được sản xuất.

Báo cáo do Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố, nhưng chưa đánh giá hết tổng số trợ cấp trong hệ thống lương thực, vì mới chỉ bao gồm dữ liệu đáng tin cậy có sẵn ở 88 quốc gia.

Tổng giám đốc FAO Qu Dongyu cho biết báo cáo là lời cảnh tỉnh để các chính phủ xem xét lại các chương trình hỗ trợ nông nghiệp "với mục đích chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm và đóng góp vào bốn điều tốt hơn: dinh dưỡng tốt hơn, sản xuất tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”.

Người đứng đầu UNDP, Achim Steiner, cho biết việc chuyển hướng trợ cấp cũng sẽ thúc đẩy sinh kế của 500 triệu nông dân sản xuất nhỏ trên toàn thế giới bằng cách tạo sân chơi bình đẳng trong nông nghiệp.

Marco Sánchez, Phó giám đốc FAO và là tác giả của báo cáo cho rằng hỗ trợ nông nghiệp cần phù hợp thực tế hiện nay, ví dụ Hoa Kỳ sẽ không thể đạt cam kết theo thỏa thuận khí hậu Paris nếu không giải quyết các ngành công nghiệp thực phẩm.

Joy Kim, tại UNEP, cho biết: "Nông nghiệp gây ra một phần tư lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, 70% tổn thất đa dạng sinh học và 80% nạn phá rừng”. Bà cho biết các cam kết tài chính quốc tế hỗ trợ chống biến đổi khí hậu là 100 tỷ USD/năm và 5 tỷ USD/năm chống nạn phá rừng.

"Nhưng các chính phủ lại cung cấp tới 470 tỷ USD [hỗ trợ nông nghiệp] có tác động gây tổn hại lớn đến khí hậu và thiên nhiên", bà bổ sung.

Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến năm 2018, tổng số tiền hỗ trợ hàng năm cho nông dân trung bình là 540 tỷ USD, trong đó 87% (470 tỷ USD) là "có hại”, gồm các ưu đãi về giá cho các loại vật nuôi và cây trồng cụ thể, trợ cấp phân bón và thuốc trừ sâu, và làm sai lệch trợ cấp xuất khẩu và thuế nhập khẩu.

Những điều này gây hại cho sức khỏe do thúc đẩy việc tiêu thụ quá nhiều thịt ở các nước giàu và tiêu thụ quá nhiều các mặt hàng chủ lực dinh dưỡng thấp ở những nước nghèo hơn. Sánchez cho rằng không phát triển trái cây và rau quả, thì sẽ rất tốn kém để ăn uống lành mạnh. "Đó là lý do tại sao 2 tỷ người trên thế giới không thể có một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe".

Báo cáo nêu bật một số trường hợp hành động tích cực, chẳng hạn như động thái cắt giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu ở Trung Quốc, và chính sách canh tác tự nhiên có ngân sách bằng không ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ.

Vương quốc Anh cũng đang chuyển kế hoạch trợ cấp 4,16 tỷ USD/năm sang các mục tiêu môi trường. Một số khoản trợ cấp cũng nên được chuyển hướng để giúp nông dân đối phó với các tác động thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu, báo cáo cho biết.

EU sẽ trả 457,27 tỷ USD trợ cấp nông trại từ năm 2021 đến năm 2027, nhưng vào ngày 9/9, các nghị viên ủng hộ môi trường ở Brussels cho biết sửa đổi kế hoạch đã thất bại trong việc gắn nông nghiệp với các mục tiêu về biến đổi khí hậu của EU.

Sánchez nói rằng điều chỉnh hỗ trợ nông nghiệp gắn với các lợi ích được đảm bảo là rất khó khăn, nhưng có thể được thực hiện bằng cách cho các chính phủ biết chi phí, bằng yêu cầu tốt hơn của người tiêu dùng và các tổ chức tài chính ngừng cho vay các hoạt động gây thiệt hại.

Morgan Gillespy, Giám đốc chương trình tại Liên minh Thực phẩm và Sử dụng Đất, cho biết: "Chi phí thực sự của hệ thống thực phẩm của chúng ta đã bị che giấu quá lâu". Theo một đánh giá gần đây, bà cho biết thiệt hại do các chế độ trợ cấp gây ra cho thiên nhiên trong khoảng 4 – 6 tỷ USD.

"Những thay đổi trong chế độ trợ cấp có thể gây tranh cãi về mặt chính trị và có thể gây ra phản đối giữa nông dân và các nhóm khác", Gillespy nói. "Nhưng chỉ vì nó khó, không có nghĩa là nó không nên xảy ra”.

Một báo cáo riêng biệt được Viện Tài nguyên Thế giới công bố vào tháng 8 cho biết nếu không có cải cách, trợ cấp nông trại "sẽ khiến những vùng đất lành rộng lớn trở nên vô dụng”.

Báo cáo viết: "Giả sử thế giới sẽ có 10 tỷ người vào năm 2050, việc mất đất này sẽ khiến dân số toàn cầu không thể được nuôi sống".

Thay vào đó, nông dân nên được hỗ trợ để khôi phục đất đai của họ thông qua các kỹ thuật như nông lâm kết hợp.

Hương Lan
nongnghiep.vn


Tags trợ cấp toàn cầu khủng hoảng khí hậu đánh giá FAO UNEP UNDP hỗ trợ nông dân

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục