Nhiều hành vi vi phạm hệ thống công trình thủy lợi
Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận. Tuy nhiên hiện tình hình vi phạm trong phạm vi bảo vệ các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn xảy ra dưới nhiều hình thức.
Xây cầu và tường rào trong phạm vi bảo vệ công trình. Ảnh: Kim Sơ.
Cụ thể như nạn xâm chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình để trồng cây lâu năm, trồng rau màu; xây dựng cầu qua kênh, lều quán, chuồng trại chăn nuôi, tường rào, nhà vệ sinh trong phạm vi bảo vệ công trình… gây cản trở công tác quản lý, xây dựng sửa chữa và dòng chảy của kênh. Hay việc chăn thả trâu, bò, gia cầm trên kênh, mái đập đất gây hư hỏng công trình.
Bên cạnh đó, tổ chức cá nhân không có trách nhiệm, tự ý điều tiết nước các công trình phân phối nước trên các cấp kênh do công ty quản lý, hoặc tự ý cản kênh điều tiết nước tạm thời, làm ảnh hưởng kế hoạch điều tiết phân phối nước tưới của kênh.
Ngoài ra, việc vứt rác thải sinh hoạt, xác súc vật chết, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải xây dựng…cũng gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, làm hư hỏng kênh, ảnh hưởng đến công tác điều tiết nước tưới của hệ thống.
Để ngăn chặn hành vi trên, theo ông Huệ, thời gian qua Công ty đã triển khai cho cán bộ, người lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, tăng cường công tác kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm. Từ đó phối hợp các cấp chính quyền đia phương, lập biên bản xử lý đúng qui định của pháp luật.
Xây tường rào trong phạm vi bảo vệ công trình. Ảnh: Kim Sơ.
"Đến nay Công ty đã từng bước tiến hành cắm mốc chỉ giới công trình thủy lợi, trên cơ sở đường chỉ giới công trình. Phía Công ty cũng phối hợp chính quyền địa phương rà soát xác định cụ thể từng trường hợp vi phạm của tổ chức, cá nhân, tiến hành vận động thu hồi, xử lý vi phạm hoặc đề xuất giải pháp xử lý, trình Sở NNPTNT Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yênxin chủ trương thực hiện, trả lại đúng phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo qui định”, ông Huệ chia sẻ.
Cần thay đổi chế tài để tăng tính răn đe
Theo Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam hiện vấn đề rác thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, rác thải xây dựng, xác xúc vật chết đổ vào công trình thủy lợi đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Các loại rác thải gây bồi lấp lòng kênh gây tắc nghẽn dòng chảy, làm dâng cột nước trong kênh phía trước lưới chắn rác tạo nguy cơ vỡ kênh, và làm giảm lưu lượng dòng chảy trong kênh sau lưới gây thiếu nước cục bộ. Điển hình xảy ra tại các hệ thống thủy nông như kênh Bắc (Phú Hòa); kênh Nam huyện Tây Hòa và TX Đông Hòa; kênh Phú Xuân, thuộc các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân)…
Rác thải được thả xuống đầy kênh mương. Ảnh: Kim Sơ.
Do đó để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống công trình, Công ty buộc phải điều người lao động liên tục để xử lý các loại rác thải trên kênh rất đau đầu. Không những thế, Công ty còn phải tốn kinh phí thuê xe vận chuyển rác vớt từ kênh đổ đúng nơi quy định.
Việc các loại rác thải đổ vào hệ thống công trình thủy lợi là do hành vi vi phạm công trình thủy lợi của con người gây ra, song quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành vi này chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể qui định tại điểm a, khoản 1, Điều 14, Chương III của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ thì hành vi đổ rác thải, chất thải; xả nước thải vào công trình thủy lợi, bị xử phạt cảnh cáo với khối lượng dưới 0,5m3.
Trong khi việc đổ rác thải, chất thải; xác súc vật chết vào công trình thủy lợi là hành vi lén lút và xảy ra rất nhanh. Vì vậy, sau khi họ thực hiện hành vi này, Công ty không có cơ sở làm bằng chứng, vì tang vật vi phạm trôi theo dòng nước, khối lượng một lần vi phạm luôn nhỏ hơn 0,5 m3. Tuy nhiên do hệ thống kênh tưới, tiêu của Công ty quản lý đi qua các khu dân cư có hàng ngàn hộ dân sinh sống nên lượng rác thải đổ vào công trình là rất lớn.
Do đó, theo Công ty để chấm dứt hành vi thiếu trách nhiệm này cần có sự thay đổi về chế tài xử phạt đó là bãi bỏ quy định phạt cảnh cáo với khối lượng vi phạm nhỏ hơn 0,5 m3. Đồng thời cho phép phạt nguội (hình ảnh camera) và như xử phạt theo số lần vi phạm và có tính lũy kế.
Đối với hành vi xâm chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của Công ty quản lý hiện cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Bởi đường chỉ giới công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật chưa được người dân đồng thuận.
Cụ thể những công trình của Công ty đã khai thác trước năm 1996, hồ sơ thu hồi đất không còn như hệ thống kênh tưới hồ Phú Xuân. Bởi trước thời điểm đó, đất đai còn thuộc quyền sở hữu của nhà nước, công tác thu hồi đất chỉ thực hiện bồi thường thành quả lao động trên đất. Vì vậy không có quyết định thu hồi đất, Công ty không có cơ sở để làm việc.
Công ty rất đau đầu về rác thải xả xuống kênh mương gây khó khăn trong việc điều tiết nước sản xuất. Ảnh: Kim Sơ.
Bên cạnh đó, đối với những hệ thống công trình đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, công tác quản lý nhà nước đối với công trình này qua mỗi thời kỳ có sự khác nhau và không sự chuyển giao về hồ sơ pháp lý chỉ giới công trình.
Ngoài ra, một số địa phương khi làm thủ tục cấp đất cho người dân chồng lấn trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi như: hệ thống kênh tưới của hệ thống thủy nông Đồng Cam; hệ thống kênh tưới hồ Phú Xuân, hệ thống kênh tưới trạm bơm Phú Vang….
Với những tồn tại trên, song Công ty không đủ thẩm quyền để giải quyết, do đó cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, xác định các khối lượng vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, để xử lý các tồn tại đúng qui định của pháp luật.
Ông Phạm Chí Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Yên cho biết, để quản lý các công trình thủy lợi hiện chủ yếu dựa vào tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi từ Trung ương. Song, chi phí này chỉ đủ trả lương thường xuyên cho người lao động tại các đơn vị quản lý thủy nông và một phần dành để duy tu, bảo dưỡng công trình.
Do việc thiếu kinh phí này nên nhiều công trình vẫn chưa triển khai cắm được mốc hành lang bảo vệ công trình theo quy định. Thêm vào đó một số tổ chức, cá nhân nhận thức chưa đầy đủ trong việc lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình. Và cũng cần phải nhắc đến sự thiếu kiên quyết, không xử lý đến nơi đến chốn của các địa phương và đơn vị khai thác thủy nông khi phát hiện các sai phạm của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý.
-----------------------------------
Ông Phạm Chí Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Phú Yên cho biết: Mặc dù thời gian qua địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê kè, phòng chống thiên tai vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Theo báo cáo, chỉ riêng phạm vi quản lý của Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã có hơn 1.000 trường hợp vi phạm, chủ yếu như: canh tác, xây dựng vật kiến trúc, tường rào, lều quán, chuồng trại chăn nuôi, chăn thả gia súc, gia cầm... trong hành lang bảo vệ công trình; xả rác thải và xác gia súc, gia cầm chết xuống lòng kênh tưới, kênh tiêu gây ô nhiễm môi trường, ách tắc dòng chảy; xe có tải trọng quá quy định lưu thông trên bờ kênh và trên công trình thủy lợi gây trượt sạt và hư hại công trình...
Kim Sơ- Minh Hậu
nongnghiep.vn