Đề xuất bỏ Tổng cục nhưng lại thành lập nhiều Cục gây lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/9/2021 | 11:58:26 AM

QLMT - Chưa biết lợi ích đến đâu, nhưng riêng việc nhỏ này thôi cũng đã "ngốn" khoản ngân sách rất lớn. Rõ ràng đây sự yếu kém về công tác tham mưu, thiếu trách nhiệm, không bám sát vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới.


Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngày 03/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Nghị quyết đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, chi cục, vụ, phòng...

Thời gian qua, thực tế cho thấy, cấp tổng cục đã tạo ra nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện phối hợp với các đơn vị trong triển khai chức năng nhiệm vụ được giao. Do đó, bỏ tổng cục sẽ cắt giảm tối đa cấp trung gian, khắc phục sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các tổng cục với nhau. Việc bỏ cấp trung gian này cũng sẽ tránh được tình trạng trong xử lý thủ tục hành chính từ cấp phòng, cấp Vụ, cấp lãnh đạo Cục, đến lãnh đạo Tổng cục, Thứ trưởng phụ trách rồi mới đến Bộ trưởng, dẫn đến công tác tham mưu chậm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc chung.

Việc kiện toàn, tinh gọn bộ máy ở các bộ, cơ quan ngang bộ, đặc biệt là sắp xếp lại những tổng cục trong các bộ, ngành đáng lý ra phải làm từ lâu, nhưng không hiểu vì lý do gì mà một số Bộ, ngành vẫn "giậm chân tại chỗ". Và đã đến lúc chúng ta cần phải quyết liệt, không nể nang, không thể để tình trạng tổng cục cũng có cục, có vụ, viện trong khi đó ở bộ cũng có cục, có vụ, viện...

Như ở bài viết trước Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đề cập đến câu chuyện đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), theo đề xuất dự kiến:

1) Tổng cục Quản lý đất đai sẽ "tách" Tổng cục Quản lý đất đai ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT gồm: Cục Đăng ký và Thông tin đất đai; Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất; Cục Điều tra, Quy hoạch và Bảo vệ đất; Cục Chính sách và kiểm soát đất đai.

2) Tổng cục Môi trường "tách" ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ, gồm: Cục Bảo vệ môi trường; Cục Quản lý chất lượng môi trường; Cục Quy hoạch và Đánh giá chất lượng môi trường; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.

3)Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ gồm: Cục Địa chất và Cục Khoáng sản.

4) Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ gồm: Cục Điều tra, Quy hoạch biển và hải đảo; Cục Quản lý tổng hợp biển và Hải đảo.





Các văn bản do Bộ TNMT ký ngày 27 và 30/8/2021 về dự kiến triển khai phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của 4 Tổng cục

Ngoài ra chưa kể đang tồn tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Cục Biến đổi khí hậu cũng thuộc Bộ TNMT và hiện đang hoạt động với các chức năng, nhiệm vụ cũng na ná như nhau.

Ngoại trừ ,Tổng cục Khí tượng Thủy văn là tổ chức có hệ thống chân rết khắp cả nước, xứng đáng quy mô của 1 Tổng cục, còn lại tất cả các bộ phận, tổ chức đang được gọi là các Tổng cục hoặc các Cục trực thuộc Bộ TNMT như đã nêu đều chỉ có khung bộ máy cơ quan ở cấp trên, phía dưới là thuộc chính quyền địa phương quản lý, bởi các công việc cụ thể theo luật định chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trong khi đó biên chế cho bộ khung ở các Tổng cục nêu trên lại quá nhiều, như một số chuyên gia nhận xét là "thừa thãi", trong khi biên chế cho cơ quan ngành dọc chuyên môn đó ở địa phương lại rất thiếu thốn từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Từ đó, dẫn tới công chức, viên chức của các Tổng cục thì có nhiều người ít việc để làm, có nhiều thời gian rảnh rỗi để làm việc cá nhân khác hoặc nguy cơ là "nhàn cư vi bất thiện", dễ mang tiếng xấu cho hệ thống chung.

Trở lại câu chuyện tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức bộ máy của các Tổng cục trực thuộc Bộ TNMT mới đây cho thấy, việc tách 1 Tổng cục ra để thành lập nhiều Cục mới trực thuộc Bộ sẽ gây ra nhiều tổn thất, lãng phí ngân sách cho Nhà nước và Nhân dân.

Xin đơn cử, dẫn chứng quy định hiện hành về phụ cấp chức vụ theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 12/4/2004 của Chính phủ, cụ thể:

- Tổng cục trưởng thuộc Bộ có hệ số phụ cấp chức vụ là 1,25. Mỗi Tổng cục lại có 3 Phó Tổng cục trưởng có phụ cấp chức vụ mỗi người là 1,05. Như vậy tương ứng số phụ cấp chức vụ chi hàng tháng cho 4 vị trí lãnh đạo 1 Tổng cục là 4,40 (1,25 + 3,15).

- Cục trưởng thuộc Bộ 1,10 (hạng II). Mỗi Cục này lại có 3 Phó Cục trưởng có phụ cấp chức vụ tương ứng mỗi người là 0,9. Như vậy tương ứng số phụ cấp chức vụ chi hàng tháng cho 4 vị trí lãnh đạo 1 Cục là 3,8. Số phụ cấp chức vụ này nhân với mức lương tối thiểu mà nhà nước công bố sẽ ra số tiền phải chi cho từng vị trí lãnh đạo này.

Như vậy, trường hợp của Bộ TNMT đề xuất thì khi 1 Tổng cục thuộc Bộ tách ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT sẽ phát sinh số phụ cấp chức vụ cho 16 vị trí lãnh đạo ở các Cục trực thuộc Bộ TNMT, tương đương với tổng số phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà nhà nước phải chi hàng tháng là 3,8 x 4 = 15,2. 

So với lúc là 1 Tổng cục thuộc Bộ thì tổng phụ cấp chức vụ mà nhà nước phải chi hàng tháng là 4,40 thì việc cơ cấu sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo cách tách ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT nêu trên đã ngốn thêm số phụ cấp chức vụ mà nhà nước phải chi hàng tháng cho nhóm lãnh đạo mới này là 15,2 - 4,40 = 10,8.

Từ đó cho thấy, việc Bộ TNMT đề xuất tách 4 Tổng cục thuộc Bộ TNMT hiện nay (tổng phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 17,6) thành 12 Cục mới trực thuộc Bộ TNMT (tổng phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 182,4) sẽ làm gia tăng số phụ cấp chức vụ lãnh đạo mà nhà nước phải chi hàng tháng cho nhóm lãnh đạo mới chênh lên so với số hệ số phải chi tiền cho nhóm lãnh đạo mới này là: 182,4 - 17,6 = 164,8.

Đó là chưa kể sẽ sinh ra hàng loạt các phòng, ban, bộ phận trực thuộc các Cục mới này. Và nó cũng phát sinh ra hàng loạt nhóm lãnh đạo mới phải có phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các phòng, ban, bộ phận mới đó. Chưa biết lợi ích đến đâu, nhưng riêng việc nhỏ này thôi cũng đã "ngốn" khoản ngân sách của Nhà nước và Nhân dân là rất lớn.

Rõ ràng đây sự yếu kém về công tác tham mưu, thiếu trách nhiệm, không bám sát vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới.

Qua trao đổi với một số chuyên gia cho rằng, với quy định của pháp luật hiện hành, chức năng nhiệm vụ của các địa phương là rất lớn trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, về đất đai, về khoáng sản... nhưng số biên chế để thực hiện công vụ lại rất ít, đặc biệt là ở cấp tỉnh và cấp huyện thì thiếu thốn công chức chuyên môn, còn cấp xã như lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hầu như không có công chức để chuyên trách theo dõi, tham mưu thường xuyên công tác này dẫn tới việc giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ môi trường không được kịp thời, cán bộ chủ trì tham mưu việc bảo vệ môi trường nông thôn mới ở cấp cơ sở cũng là con số 0 tròn trĩnh...

Trong khi ở các Tổng cục dù ngày càng ít việc cho số nhân lực bởi chức năng nhiệm vụ ngày càng phân cấp nhiều cho các địa phương hoặc ở các Tổng cục, Cục thì công việc chỉ tập trung vào một số người nhất định nhưng lại rất nhiều biên chế.  Có Tổng cục gần ngàn người nhưng thực tế nhiều người không có việc ngay trong giờ hành chính, nên làm thêm việc khác bên ngoài để thu nhập cá nhân, hoặc đi chơi là chính, rảnh nhiều sẽ sinh ra mất đoàn kết, hoặc bỏ thời gian cho các việc khác với danh nghĩa công chức, viên chức, người của Tổng cục thuộc Bộ...

Vì thế, các Tổng cục nên chăng nên lựa chọn 1 số Tổng cục chuyển thành 1 Cục trực thuộc Bộ, còn 1 số Tổng cục chuyển thành Cục theo ngành dọc cho thống nhất và chuyển bớt biên chế hiện có về các cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn đó ở cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác, tránh lãng phí tiền của và nhân lực của nhà nước. Đặc biệt là quản lý tập trung theo đa ngành, đa lĩnh vực, theo chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ tốt hơn trong quá trình phát triển đất nước, bảo đảm phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Chúng ta tuyệt đối không nên tách 4 Tổng cục thuộc Bộ TNMT ra thành 12 Cục trực thuộc Bộ TNMT chỉ để tham mưu công tác quản lý nhà nước của một vài văn bản Luật chuyên ngành. 

Trong đó có nhiều Cục cùng có tên rõ ràng, cùng có chức năng nhiệm vụ về quy hoạch trong cùng 1 Bộ này, chưa kể sau này khi làm việc ở địa phương hoặc ở các Bộ ngành khác mà có việc gì liên quan thì các địa phương và các Bộ ngành khác phải "mời hoặc phải xin ý kiến" tất cả các Cục liên quan thuộc Bộ TNMT.

Đây thực sự là cách tham mưu tổ chức bộ máy hoàn toàn chưa đúng với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước như đã nêu tại Nghị quyết số 18 năm 2017 của Trung ương Đảng và các Nghị quyết, văn bản có liên quan, thể hiện đó là những tham mưu, đề xuất rất thiếu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục đề cập đến vấn đề này ở các bài tiếp theo./.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy hiện nay của Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ:

Cơ quan thực hiện chức năng, tham mưu, quản lý Nhà nước gồm:

Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Viễn thám quốc gia; Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường

Văn phòng Đảng – Đoàn thể; Văn phòng Bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Pháp chế; Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền; Thanh tra Bộ; Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản; Văn phòng thường trực Ủy bản sông Mê Công

Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Viện Khoa học Tài nguyên nước; Trường Đại học TN&MT Hà Nội; Trường Đại học TN&MT TP Hồ Chí Minh; Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT; Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Tags Đề xuất bỏ Tổng cục thành lập nhiều Cục ngân sách công tác tham mưu chủ trương của Đảng và Nhà nước

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục