Đề xuất bỏ Tổng cục nhưng lại thành lập nhiều Cục có làm phình to bộ máy?

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/9/2021 | 7:38:39 AM

QLMT - Một số Bộ tuy giải thể, sáp nhập Tổng cục, nhưng lại đề xuất thành nhiều Cục trực thuộc Bộ đã làm phình to bộ máy, thêm đầu mối dù đó là các bộ phận có chức năng quản lý nhà nước tương đồng hoặc liên kết thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương khóa XII gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua hơn 3 năm thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực, từ việc xây dựng thể chế đến những kết quả cụ thể có thể định lượng đo đếm được...
Đề xuất bỏ Tổng cục nhưng lại thành lập nhiều Cục có làm phình to bộ máy?

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương khóa XII

Kết quả thực hiện sắp xếp: bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo được nhận thức mới, tư duy mới và hành động quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương . 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ đến tháng 4/2021, đã giảm được nhiều đầu mối bên trong các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt giảm trên 25% đơn vị sự nghiệp, nhất là ở các địa phương đã giảm 3.980 đơn vị sự nghiệp; thực hiện tích cực việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (đã giảm 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện và 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố, tương ứng giảm 39%). Qua sắp xếp, bước đầu đảm bảo tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả .

Về tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy: đã giảm trên 27.500 biên chế công chức (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015); giảm gần 243.000 biên chế viên chức (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), và vượt so với mục tiêu giảm 10% mà Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2021. Công chức từ cấp huyện trở lên giảm 40.000 người; giảm gần 148.000 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố; hợp đồng lao động giảm gần 7.000 người...

Có thể nói, việc tinh gọn bộ máy nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xã hội đồng thuận cao. Nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương đã thể hiện nhiều cách làm sáng tạo, nghiêm túc, tuy nhiên kết quả chưa tương xứng. "Chiếc bánh ngân sách” sau nhiều năm vẫn dành phần lớn tỷ trọng chi trả hành chính, dẫn đến thiếu chi cho đầu tư phát triển, khó cải cách chế độ tiền lương. Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan chồng chéo làm hạn chế hiệu lực sử dụng nguồn lực...

Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có chỗ việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo theo tinh thần nêu trên của Trung ương chưa đạt hiệu quả. Một số nơi triển khai không những tinh giảm mà lại làm phình to bộ máy và lập thêm nhiều đầu mối trung gian.

Một số Bộ tuy cơ cấu, tổ chức lại như giải thể, sáp nhập các Tổng cục, nhưng lại đề xuất thành nhiều Cục trực thuộc Bộ đã làm phình to bộ máy, thêm đầu mối dù đó là các bộ phận có chức năng quản lý nhà nước tương đồng hoặc liên kết thực hiện chức năng quản lý nhà nước được điều chỉnh bởi một hoặc hai luật chuyên ngành.

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường

Câu chuyện ở Bộ Tài nguyên và Môi trường là một ví dụ. Theo văn bản số 5272;/BTNMT-TCCB ngày 27/8/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Tổng cục Quản lý đất đai về việc triển khai công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, theo đó, dự kiến sẽ "tách" Tổng cục Quản lý đất đai ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khi chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của 01 Luật Đất đai (gồm: Cục Đăng ký và Thông tin đất đai; Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất; Cục Điều tra, Quy hoạch và Bảo vệ đất; Cục Chính sách và kiểm soát đất đai).
Văn bản số 5272/BTNMT-TCCB ngày 27/8/2021 của Bộ TNMT gửi Tổng cục Quản lý đất đai
Văn bản số 5272/BTNMT-TCCB ngày 27/8/2021 của Bộ TNMT gửi Tổng cục Quản lý đất đai

Tương tự, Tổng cục Môi trường cũng được dự kiến "tách" ra làm 4 Cục trực thuộc Bộ TNMT, trong khi chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của một Luật Bảo vệ môi trường và một Luật Đa dạng sinh học (gồm: Cục Bảo vệ môi trường; Cục Quản lý chất lượng môi trường; Cục Quy hoạch và Đánh giá chất lượng môi trường; Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học), (Văn số 5267/BTNMT-TCCB ngày 27/8/2021)

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam dự kiến "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ TNMT (gồm: Cục Địa chất; Cục Khoáng sản), (Văn bản số 5323/BTNMT-TCCB ngày 30/8/2021)

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam dự kiến "tách" ra làm 2 Cục trực thuộc Bộ TNMT (gồm: Cục Điều tra, Quy hoạch biển và hải đảo; Cục Quản lý tổng hợp biển và Hải đảo)..(Văn bản số 5273/BTNMT-TCCB ngày 27/8/2021).

Ngoài 4 Tổng cục đề xuất nêu trên, Bộ TNMT vẫn còn 1 Tổng cục nữa là Tổng cục Khí tượng thủy văn.

Cách làm nêu trên không những không làm cho bộ máy cơ quan nhà nước được hiệu lực, hiệu quả hơn mà còn làm mất thời gian và lãng phí công sức của nhà nước và nhân dân, làm cho bộ máy thêm phình to, thêm nhiều đầu mối hơn và khi triển khai công việc liên quan đến 01 luật nào đó thì sẽ có nhiều cơ quan, nhiều đầu mối quản lý nhà nước khác nhau cho ý kiến, rất dễ sinh ra "quyền anh quyền tôi" rồi phá ngang nhau, kìm hãm quá trình thực thi chỉ đạo của cấp trên, thêm phiền hà cho chủ các dự án phát triển và chậm sự phát triển của đất nước.

Đơn cử như thời gian qua nhiều thủy vực, nhiều con sông là ranh giới các tỉnh, rồi cả dải duyên hải... bị ô nhiễm hoặc sự cố môi trường xảy ra nhưng hầu như các Bộ, ngành chức năng của Trung ương vào cuộc rất chậm, mà lại chủ yếu đẩy trách nhiệm cho các địa phương giải quyết, xử lý, ứng phó với các sự cố, ô nhiễm đó, trong khi tại khoản 3 điều 141 Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành nêu rõ đó là trách nhiệm của Bộ TNMT phải "chủ trì giải quyết..." rõ ràng tổ chức bộ máy của Tổng cục Môi trường thời gian qua đã không thực hiện được nhiệm vụ này và dẫn tới nhiều hậu quả tích đọng. Vậy mà lại đề xuất cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy phình to ra, thiếu gắn kết và kém hiệu lực hơn thì không hiểu rằng mục tiêu chính của việc cơ cấu sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường này sẽ đi đến đâu?!

Đề xuất bỏ Tổng cục nhưng lại thành lập nhiều Cục có làm phình to bộ máy?
Bộ TNMT vẫn cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho dù cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo và xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng Sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu

Rõ ràng đề xuất tách nhập các cơ quan thuộc Bộ như vậy là chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ . Điều này sẽ dẫn tới Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cũng sẽ phình bộ máy tương ứng, thành chuỗi bộ máy ngành dọc kìm hãm quá trình phát triển đất nước.

Hơn nữa, tất cả các hành động triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan bên trong các Bộ nêu trên cho thấy sẽ tiếp tục mắc vào các "tồn tại", "hạn chế" đã được nêu ra trong Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đó là:

"...2- Nguyên nhân hạn chế, bất cập

...Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là về những hạn chế, yếu kém đang tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thiếu kiên quyết, đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến. Một số cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở các cấp chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt.

Công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế chưa chặt chẽ và chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối. Trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành vẫn quy định về tổ chức bộ máy, biên chế; một số văn bản pháp luật về tổ chức còn nội dung chưa phù hợp.

Cơ chế, chính sách khuyến khích việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, biên chế chưa phù hợp, thiếu mạnh mẽ...

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thiếu thường xuyên; chưa xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được coi trọng và chưa được tiến hành một cách căn cơ, bài bản, thiết thực; công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng chưa kịp thời..."

Theo một số chuyên gia cho rằng, với cách làm như vậy, sẽ không vì việc công mà chỉ nhằm "chia ghế cho nhau" thì chính là hành động gây bất ổn cho bộ máy nhà nước trong thời gian dài và sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó xử lý hậu quả.

Có thể đơn giản hơn chỉ cần chuyển mỗi Tổng cục trực thuộc Bộ trong diện phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy thành một Cục trực thuộc Bộ nào đó phù hợp với quá trình phát triển đất nước hiện nay và các bộ phận trong các Cục đó cũng được chuyển đổi đảm bảo thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao và cơ cấu ở mức tương ứng cho phù hợp quy định chung về bộ phận trực thuộc Cục đó. Ví dụ :Tổng cục Quản lý đất đai chuyển thành Cục Quản lý đất đai; Tổng cục Môi trường thành Cục Môi trường; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thành Cục địa chất và Khoáng sản; Tổng cục Biển và Hải đảo thành Cục Biển và Hải đảo...

Một lý do khác có thể việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị từ bộ, ngành trung ương tới địa phương theo hướng chuyên ngành, chuyên sâu, đặc thù như ở Bộ TNMT đề xuất... đã khiến tổ chức bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, thu gọn ở trên Tổng cục nhưng lại phình ra các Cục. 

Theo Báo cáo của Chính phủ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 , tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ giảm được một tổng cục nhưng lại tăng 38 cục, vụ và tương đương, bảy đơn vị sự nghiệp công lập. Số ban và tương đương, số đơn vị công lập của các cơ quan thuộc Chính phủ đều tăng. Khu vực cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đều có xu hướng gia tăng đầu mối, với 34 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 198 phòng chuyên môn cấp huyện...

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ , ngành, địa phương thúc đẩy nhanh việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực, khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. 

Rất mong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước giúp cho việc điều hành của Chính phủ được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước ta./.

Hải Thành

Tags sáp nhập Tổng cục phình to bộ máy Tổng cục Môi trường Bộ TNMT

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự