Thí điểm áp dụng đơn giá xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/7/2021 | 9:43:44 AM

3 năm qua, Đồng Nai không thay đổi đơn giá xử lý chất thải sinh hoạt (CTSH) dù đơn giá được xây dựng theo từng năm. Điều này không khuyến khích được các doanh nghiệp (DN) trong việc mua sắm phương tiện vận chuyển chuyên dùng, đổi mới công nghệ xử lý, cũng như mở rộng và nâng cấp các khu xử lý.


Phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt bán tự động tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Hoàng Lộc

Đơn giá nhiều năm không thay đổi

Với khối lượng hơn 1,8 ngàn tấn/ngày, mỗi năm tăng 5%, Đồng Nai là một trong những địa phương phát sinh CTSH lớn của cả nước. Để giảm tải áp lực cho ngân sách, nâng cao hiệu quả công tác thu gom và xử lý chất thải, từ năm 2018, tỉnh đã thực hiện đấu thầu xử lý CTSH. Mức giá trần do UBND tỉnh ban hành và được thay đổi theo từng năm.

Mức giá hiện hành là 496 ngàn đồng/tấn chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xử lý chất thải bằng phương pháp sản xuất men vi sinh hoặc đốt đảm bảo được tỷ lệ chôn lấp dưới 15% và 290 ngàn đồng/tấn đối với hoạt động xử lý chất thải bằng cách chôn lấp. Giá này đã bao gồm chi phí xúc, vận chuyển và chôn lấp chất thải trơ.

Ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, 3 năm qua đơn giá xử lý CTSH không thay đổi gây không ít khó khăn cho DN vận chuyển, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, việc đấu thầu vận chuyển, xử lý CTSH hằng năm có thể gây rủi ro. DN phải bỏ khoản tiền lớn để đầu tư dây chuyền xử lý hiện đại, thời gian thu hồi vốn tối thiểu từ 5-7 năm, nhưng hợp đồng chỉ được ký 1 năm. Tương tự, DN đấu thầu vận chuyển chất thải đầu tư cả dàn xe chuyên dụng, nhưng trúng thầu 1-2 năm thì lỗ trước khi thu hồi vốn. Ông Toàn cho rằng, đa phần các DN kiến nghị ban hành đơn giá, ký hợp đồng trên 3 năm.

Phân loại chất thải sinh hoạt tại Nhà máy xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất)
Phân loại chất thải sinh hoạt tại Nhà máy xử lý chất thải xã Quang Trung (H.Thống Nhất)

Đại diện chủ đầu tư Khu xử lý chất thải Tài Tiến (H.Trảng Bom) cho rằng, nhiều năm qua đơn vị không tham gia đấu thầu xử lý CTSH trên địa bàn H.Trảng Bom vì đơn giá không phù hợp với công nghệ xử lý. Cụ thể, mức giá tương ứng với công nghệ đốt của khu xử lý phải hơn 1 triệu đồng/tấn, còn với mức giá 496 ngàn đồng/tấn DN lỗ.

Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất) Trần Thị Thúy chia sẻ, việc ban hành giá trần xử lý rác và đấu thầu xử lý rác sinh hoạt hằng năm không chỉ gây khó khăn cho địa phương trong công tác tổ chức đấu thầu do quy trình và thủ tục đã mất khoảng 6 tháng, mà còn không tạo động lực và đảm bảo cho các đơn vị xử lý mạnh dạn đầu tư công nghệ xử lý CTSH hiện đại.

Theo bà Thúy, giá trần xử lý CTSH hiện đã có sự phân biệt về công nghệ, hình thức xử lý nhưng nhiều năm qua không thay đổi, cần phải xem xét lại đơn giá trần. 

Thí điểm áp giá theo công nghệ xử lý

Chia sẻ về câu chuyện giá xử lý CTSH, Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Văn Thư cho rằng, thời gian qua, một số đơn vị không tham gia đầu tư xử lý CTSH vì không đáp ứng tỷ lệ chôn lấp rác theo yêu cầu của tỉnh hoặc mức giá trần xử lý chưa phù hợp. Ví dụ, Khu xử lý chất thải xã Bàu Cạn (H.Long Thành) không đấu thầu xử lý CTSH của 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch vì không đáp ứng được tỷ lệ chôn lấp chất thải dưới 15%. Khu xử lý chất thải Tài Tiến không đấu thầu xử lý CTSH của H.Trảng Bom vì mức giá đơn vị đưa ra cao gấp 2-3 lần giá trần của tỉnh. "Khu xử lý chất thải đóng chân trên địa bàn nhưng lại không tham gia đấu thầu xử lý chất thải của huyện khiến các địa phương phải vận chuyển CTSH đi xa, tốn kém chi phí, gia tăng ô nhiễm môi trường” - ông Thư chia sẻ.

Theo ông Thư, năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính báo cáo Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc về giá và kiến nghị kéo dài chu kỳ đấu thầu từ 1 năm/lần lên 3 năm/lần. Ngày 19-3-2021, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn số 2809/BTC-HCSN gửi Sở Tài chính, tuy nhiên nội dung văn bản chưa tháo gỡ được khó khăn nêu trên: một trong những lý do vướng mắc đã nêu trong văn bản là thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu mà cơ quan tham mưu là Bộ KH-ĐT chứ không phải là Bộ Tài chính. Còn về mức giá trần, đúng là 3 năm không thay đổi, tuy nhiên so với một số địa phương lân cận vẫn cao hơn.

Cuối tháng 6-2021, làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tiến độ đầu tư các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch; đầu tư các điểm trung chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giái pháp cấp bách tăng cường xử lý CTSH cho phép địa phương xây dựng, ban hành, thu hút các dự án xử lý chất thải công nghệ hiện đại. Đã công nghệ hiện đại thì mức giá xử lý phải khác. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng đề án đơn giá xử lý CTSH theo công nghệ. Có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom rác từ hộ gia đình, vận chuyển, xử lý chất thải nhằm nâng cao hiệu quả môi trường, giảm tiền ngân sách. Đối với khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa tái chế CTSH làm phân bón.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, tới đây tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng đề án điều chỉnh tăng phí thu gom CTSH hộ gia đình, giá xúc và xử lý CTSH cho cả giai đoạn. Đánh giá lại công nghệ, thủ tục và điều kiện đấu thầu, ưu tiên DN có đủ năng lực, đủ sức cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của tỉnh.
----------------------------------------
Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 1-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường xử lý CTSH yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, giảm phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn.

Hoàng Lộc
Nguồn: Báo Đồng Nai

Tags thí điểm áp dụng đơn giá xử lý chất thải chất thải sinh hoạt công nghệ xử lý chất thải

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục