Luật Bảo vệ môi trường 2020: Các chuyên gia, nhà khoa học “hiến kế” xây dựng Nghị định

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/7/2021 | 4:21:49 PM

Bộ TN&MT vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tại Hội thảo nhiều Chuyên gia, nhà khoa học đã góp ý kiến tâm huyết để hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Đa số các ý kiến của các đại biểu được đánh giá cao. Trong đó, có một số ý kiến đề nghị sửa đổi từ ngữ, làm rõ đối tượng thực hiện trong từng quy định, lược bỏ và bổ sung một số điều... Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học xung quanh vần đề này.


TS Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT: Đảm bảo sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống

Trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và hiện nay là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật, Bộ TN&MT đã nhận được sự chung sức, chung lòng, chung ý chí, trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết với lĩnh vực môi trường. Từ đó, dự thảo Nghị định đã được xây dựng đúng với tinh thần của Luật, kết hợp cả khoa học và thực tiễn.

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đã được lắng nghe, cầu thị nghiên cứu và cụ thể hóa trong 13 chương 197 điều và các Phụ lục của Dự thảo Nghị định.

Góp ý cho Dự thảo Nghị định, đại diện các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đều ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo khi đã thể chế hóa cụ thể nhiều nội dung mới của Luật BVMT 2020. Dự thảo Nghị định đã bám sát tinh thần của Luật, xác định rõ trách nhiệm quyền hạn của các tổ chức, cá nhân, đề cao vai trò của địa phương trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung góp ý về bảo vệ môi trường nước, đất, không khí; cấp Giấy phép môi trường, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, kinh tế tuần hoàn, xử lý chất thải rắn…

Nghị định này là cơ sở quan trọng để Luật BVMT 2020 chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022 và được thực thi ngay vào cuộc sống. Đây là Nghị định có dung lượng lớn, đồ sộ, với nhiều vấn đề mới và khó, lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.

Do đó, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện các quy định của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Đảm bảo sớm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và lợi ích của quần chúng nhân dân.

GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng
GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng: Cần có hướng dẫn riêng giữa hệ thống thoát nước thải ở đô thị và khu công nghiệp

Nên chỉnh sửa một số từ ngữ cho phù hợp. Cụ thể, tại Điều 59, Khoản 6 có câu "Hồ sự cố không bao gồm bể điều hòa và các công trình khác trong dây chuyền công nghệ xử lý nước thải”. Trên thực tế, công trình ứng phó sự cố sử dụng trong nhiều trường hợp, nó có thể là bể điều hòa 2 ngăn (ngăn sử dụng thường xuyên và ngăn ứng phó sự cố) được sử dụng nhiều ở các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, ở một số nước còn sử dụng hệ thống thoát nước chung thì trong dây chuyền công nghệ người ta có bố trí riêng bể tiếp nhận thì nó cũng nằm trong dây chuyền công nghệ. Do đó, có thể viết lại thành dây chuyền công nghệ hoạt động ở chế độ bình thường hoặc công trình hoạt động ở chế độ sự cố.

Không nên gọi công trình này là Hồ sự cố,vì thực chất nó là công trình xây dựng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, nên giữ tên là công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố hoặc gọi là bể sự cố. Với nội dung "hồ sự cố kết hợp hồ sinh học” cần ghi rõ thành "hồ sự cố kết hợp hồ sinh học xử lý nước thải” để tránh nhầm lẫn với hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa.

Trong Điều 86 Luật BVMT 2020 có yêu cầu đô thị, khu dân cư tập trung mới; cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa. Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định không có hướng dẫn về xử lý nước thải đô thị. Trên thực tế, ở Việt Nam đang có nhiều khu vực sử dụng hệ thống thoát nước chung và có giếng tách nước mưa ở các sông, hồ và hồ tiếp nhận. Trong khi đó, chi phí xây dựng hệ thống thu gom nếu tách nước thải và nước mưa là tốn kém, cho nên tôi cho rằng việc thực thi điều này là khó cho các dự án thoát nước và xử lý nước thải trong thời gian tới. Nên quy định rõ khu vực nào có cống thu gom và nhà máy xử lý nước thải thì quy định riêng, còn công trình xử lý nước thải tại nguồn xử lý các cụm công nghiệp thì áp dụng cho những khu vực chưa có xử lý nước thải hoặc cống thu gom.

Điều 59 Dự thảo Nghị định có các quy định về tái sử dụng nước thải và khuyến khích việc tái sử dụng nước thải sau khi đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các mục tiêu cộng sinh công nghiệp giữa các cơ sở trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và các mục đích khác. Đây là điều rất tốt nhưng cần quy định rõ cơ quan nào sẽ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho việc tái sử dụng nước thải.

Chương 8 về quan trắc môi trường chủ yếu quy định rõ về điều kiện năng lực quan trắc và công bố thông tin, còn nội dung quan trắc còn ít. Tôi đề nghị cần nêu rõ hơn nội dung quan trắc để có thể dễ dàng áp dụng, đặc biệt là các nội dung như quan trắc liên tục, lấy mẫu, vận hành thử nghiệm.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Sắp xếp lại trình tự kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí quốc gia và của địa phương

Để bảo vệ các thành phần môi trường, Chương II của Dự thảo Nghị định quy định nội dung, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, cần sắp xếp lại trình tự của kế hoạch. Vì kế hoạch bao giờ cũng có đánh giá hiện trạng, dự báo, xác định các vấn đề cấp bách, quan điểm, mục tiêu, giải pháp thực hiện…

Dự thảo Nghị định quy định đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ giai đoạn tối thiểu 3 năm gần nhất; chất lượng không khí chúng ta đánh giá hiện trạng giai đoạn 5 năm gần nhất. Điều này chưa có sự nhất quán. Do vậy, tôi đề xuất chúng ta đánh giá hiện trạng và kế hoạch trong giai đoạn 5 năm.

Điều 59, Khoản 6, các hồ sự cố phải có tổng khả năng lưu chứa nước thải tối thiểu là 1 ngày, tính theo lưu lượng xả nước thải tối đa của dự án vì nó phụ thuộc. Tôi cho rằng không nên quy định tối thiểu 1 ngày vì nó phụ thuộc vào từng công nghệ khác nhau và sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi không có mặt bằng và với những doanh nghiệp có nguồn xả thải lớn. Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc kết hợp thiết kế hồ sự cố với hồ sinh học là khó, cần xem xét lại.

Điều 62 khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, tôi cho rằng việc xác định rất khó vì có nhiều nguồn thải ra ngoài không khí khác nhau. Do đó, tôi đề nghị xem xét lại cách xác định khoảng cách an toàn. Chúng ta có thể ấn định một khoảng cách nhất đinh trên cơ sở lý thuyết tính phát tán hơn là dựa vào kết quả đo mức độ ô nhiễm bên ngoài để đánh giá.

TS Nguyễn Ngọc Lý - Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng
TS Nguyễn Ngọc Lý - Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng: Từng bước chuyển sang người gây ô nhiễm phải trả tiền

Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Mục 1, Chương VI, điều 69 có nội dung: Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND các cấp phải trả cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và sau đó có đề ra các nguyên tắc định giá. Theo tôi, nếu chúng ta vẫn để chính quyền trả cho nhà đầu tư xử lý rác như hiện nay thì sẽ khó thực hiện việc người gây ô nhiễm phải trả tiền, và sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến chương EPR và tuần hoàn kinh tế. Tôi đề xuất không nên để chính quyền trả mà phải từng bước chuyển sang người gây ô nhiễm phải trả.

Về bảo vệ nguồn nước mặt (Mục 1, Chương II), cần đưa thêm định nghĩa về quản lý chất lượng môi trường nước mặt, làm rõ định định nghĩa môi trường nước mặt bao gồm những gì. Vì đây là khái niệm quan trọng, nếu không có định nghĩa thì mỗi người sẽ có cách hiểu khác nhau khi thực hiện. Thể hiện rõ hơn mục tiêu chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường và quy mô của nó cho cả lưu vực hay chỉ sông, hồ.

Về đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy. Tôi cho rằng cần làm rõ khu vực sinh thủy là gì. Về ô nhiễm diện thì vấn đề lớn nhất hiện nay của ô nhiễm diện chính là rác thải, tôi đề xuất cân nhắc đưa thêm rác thải vào ô nhiễm diện. Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước mặt phải đánh giá tổng lượng ô nhiễm để xác định khả năng chịu tải. Theo tôi, cần làm rõ khu vực nhất định cần đánh giá khả năng chịu tải hay cứ có thủy vịnh là chúng ta đánh giá khả năng chịu tải.

Ông Đỗ Thanh Bái - Hội hóa học Việt Nam
Ông Đỗ Thanh Bái - Hội hóa học Việt Nam: Lồng ghép chặt chẽ EPR với nền kinh tế tuần hoàn và quy định về nhập khẩu

Quy định nội dung bảo vệ các thành phần môi trường (Chương II), có yêu cầu xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí. Tuy nhiên, chưa thể hiện rõ được các hành động cụ thể của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp để thực hiện và tương tự như vậy với môi trường đất, nước.

Về khoảng cách an toàn môi trường với khu dân cư, đây là một khái niệm khó định lượng. Vì vậy, cần có sự trao đổi, kết hợp của nhiều Bộ để có thể ban hành được quy định chung, đánh giá rủi ro để xác định được khoảng cách phù hợp và làm rõ nội dung nếu doanh nghiệp không đảm bảo được khoảng cách an toàn thì nên làm gì.

Về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nên lồng ghép chặt chẽ EPR với nền kinh tế tuần hoàn và quy định về nhập khẩu. Bởi nếu chúng ta không siết chặt nhập khẩu sẽ không giải quyết được rác thải trong nước, đặc biệt là chất thải nhựa và chất thải giấy.

Tại Danh mục 6 về các loại hình hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, theo tôi, cần phải bổ sung thêm một số loại hình như: xử lý chất thải nguy hại, các doanh nghệp hóa chất sản xuất sơn, mực in, pin mặt trời, pin sạc,… vì đây là những hoạt động gây ô nhiễm cao.

Bà Đỗ Vân Nguyệt - Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&learn)
Bà Đỗ Vân Nguyệt - Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&learn): Phân rõ đối tượng thực hiện quan trắc môi trường

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc quan trắc có nhiều mục đích khác nhau như giáo dục, cảnh báo, phát hiện điểm nóng, hỗ trợ cho quản lý Nhà nước. Do đó, Điều 101, 117 cần phân rõ thành đối tượng quan trắc phục vụ quản lý Nhà nước và đối tượng quan trắc cho mục đích cộng đồng. Đối với đối tượng quan trắc phục vụ mục đích cộng đồng, nếu áp dụng quy trình quản lý Nhà nước sẽ không hợp lý, không khả thi và không khoa học.

Ban soạn thảo nên xem xét quy định cung cấp, công bố thông tin quan trắc chất lượng môi trường (Chương, Mục 2) vì tại điều khoản liên quan đến công bố thông tin đã có các mục thông tin kết quả quan trắc môi trường của các cấp.

Chúng tôi có đưa ra một số nghiên cứu, liên quan đến tổ chức, cá nhân phục vụ công bố thông tin cho cộng đồng thì đây là hệ thống giáo dục, nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật để bổ sung cho hệ thống Nhà nước, đặc biệt đây là hệ thống thúc đẩy sự tham gia của người dân, xã hội hóa. Nếu chúng ta đưa ra những quy định quá chặt chẽ thì sẽ hạn chế sự tham gia của đối lượng này, điều này đi ngược với tinh thần của Luật BVMT 2020 là thúc đẩy sự tham gia bảo vệ môi trường của toàn dân. Chính vì vậy, điều khoản liên quan đến đối tượng này, chúng tôi đề xuất chỉ cần đối tượng này thông báo cơ quan quản lý Nhà nước hoặc trên trang thông tin thì đưa ra những thông tin kỹ thuật về quan trắc môi trường.

Trong Chương II, Mục 2 về quản lý chất lượng không khí, chúng tôi đề xuất bổ sung thêm kế hoạch quản chất lượng không khí khu vực liên tỉnh, cần xác định khu vực nào có nguy cơ ô nhiễm thì mới cần kế hoạch quản lý chất lượng không khí để tránh tốn kém và không cần thiết với những khu đang có chất lượng không khí tốt.

Ông Hoàng Việt - Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH
Ông Hoàng Việt - Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững IDH: Làm rõ các thông tin môi trường được công khai

Về công khai thông tin môi trường, tại Điều 123, Mục 1 nên bổ sung công khai thông tin trên trang điện tử của cơ quan chuyên môn về môi trường các cấp. Mục 2 các chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm công khai kết quả quan trắc chất thải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, hoặc công khai tại trụ sở UBND cấp xã. Tôi đề xuất bổ sung công khai trên trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn về môi trường. Bên cạnh đó, tại Mục 3 chủ cơ sở sản xuất, xử lý dịch vụ, xử lý chất thải nguy hại cũng phải có trách nhiệm công khai thông tin với tần suất 1 tháng/lần và số liệu phải công khai trên trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn về môi trường các cấp. Điều 6 chưa có quy định công khai thông tin về nguồn thải của UBND tỉnh, đề xuất UBND tỉnh có trách nhiệm công khai thông tin về nguồn thải trên trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn về môi trường trên địa bàn tỉnh và các thông tin về nguồn thải bao gồm loại nguồn thải, loại chất thải, tổng lượng thải và các chất ô nhiễm ở trong nguồn thải đó.

Về công khai thông tin, liên quan đến một số điều trong Dự thảo Nghị định, cần làm rõ các thông tin môi trường được công khai là gì, bổ sung các quy định cụ thể về công khai thông tin liên quan đến thanh tra, kiểm tra.

Điều 59 yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, chúng tôi thấy thiếu phần liên quan các chỉ số cụ thể, hướng dẫn đánh giá khu công nghiệp có đạt tiêu chuẩn hay không, cũng như đảm bảo việc thực thi pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung Bộ TN&MT sẽ xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho khu/cụm công nghiệp.

Nguồn: Báo TN&MT


Tags Luật Bảo vệ môi trường 2020 chuyên gia nhà khoa học hiến kế xây dựng Nghị định Bộ TN&MT

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục