Sơn La: Đề nghị bổ sung cơ sở chế biến nông sản vào loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm mức III

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/7/2021 | 4:13:51 PM

Đây là một trong nội dung góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Sở TN&MT Sơn La, tại Hội thảo trực tuyến tham vấn các địa phương về dự thảo Nghị định do Bộ TN&MT vừa tổ chức.


Điểm cầu tỉnh Sơn La.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Qua nghiên cứu chi tiết về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT đồng tình, nhất trí cao với bố cục và cơ bản các nội dung tại dự thảo. Việc ban hành Nghị định sẽ góp phần quan trọng, tạo thuận lợi cho địa phương khi thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở TN&MT có một số kiến nghị, đề xuất tại một số nội dung.

Cụ thể, đề nghị làm rõ thêm một số nội dung, tại Khoản 3, Điều 3, nội dung "…trái quy định về bảo vệ môi trường lặp lại nhiều lần, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục được”… thì cụ thể số lần là bao nhiêu lần, việc xử phạt vi phạm hành chính như thế nào, trái quy định về bảo vệ môi trường 1 lần mà bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không khắc phục được có thuộc trường hợp này không.

Tại khoản 4 Điều 3, đề nghị đánh giá cụ thể cơ sở quy mô hộ gia đình mà không có đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế cũng có phát sinh nước thải khí thải sẽ thuộc đối tượng nào. Hiện nội dung nêu trong dự thảo không đề cập đến đối tượng này; chưa đánh giá đến việc phát sinh chất thải rắn, chất thải nguy hại.

Điểm a, b, khoản 2 Điều 4, đề nghị làm rõ cơ sở để lựa chọn các thông số để đánh giá khả năng chịu tải môi trường nước. Nguyên nhân là do môi trường nước có thể tiếp nhận nhiều nguồn ô nhiễm, mỗi nguồn ô nhiễm thì thành phần, tính chất nước thải khác nhau, QCVN so sánh khác nhau.

Tại khoản 2, Điều 5, đề nghị xem xét việc xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt riêng đối với từng sông, hồ nội tỉnh có hợp lý không. Trường hợp xây dựng riêng phải bổ sung thêm điều kiện để áp dụng để tránh trên địa bàn 1 tỉnh có nhiều kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt.

Điểm d, khoản 2 Điều 8 có yêu cầu Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, gồm thông tin về số ca nhập viện, số ca tử vong, các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí; phân tích mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và các bệnh có liên quan; đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân tại địa phương. Đây là nội dung khó, liên quan đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Do đó, đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể nội dung đánh giá, việc cung cấp thông tin số liệu.

Điều 31, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về đánh giá tác động môi trường do Chủ dự án tự thực hiện hoặc thông qua đơn vị tư vấn có đủ điều kiện để thực hiện. Tuy nhiên tại nội dung Dự thảo Nghị định chưa quy định điều kiện thực hiện tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đó, đề nghị Bộ TN&MT xem xét, bổ sung.

Điểm b, khoản 6, Điều 24, đề nghị phải có quy định cụ thể để xác định dự án có yếu tố nhạy cảm là như thế nào? Trường hợp dự án xả nước thải vào nguồn nước ở hạ lưu, điểm khai thác nước ở thượng lưu, trong khi đó theo quy hoạch tài nguyên nước toàn bộ dòng suối sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, thì dự án này có thuộc dự án nhạy cảm không?

Bên cạnh đó, điểm đ, e Điều 24, đề nghị làm rõ quy mô để xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường, như: Chuyển mục đích sử dụng từ bao nhiêu ha lúa hoặc di dời, tái định cư bao nhiêu hộ dân?


Sơn La đề nghị bổ sung cơ sở chế biến nông sản gồm cà phê, dong riềng... vào loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm mức III.

Tại Phụ lục số 6, với các dự án công suất nhỏ được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 24 (loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường), đề nghị xem xét tính toán bổ sung công suất tối thiểu và tối đa để quy định dự án có công suất nhỏ, để tránh trường hợp quy mô hộ gia đình quá nhỏ..

Cùng với đó, Sở TN&MT Sơn La đề nghị bổ sung vào danh mục loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mức III đối với loại hình cơ sở sản xuất chế biến nông sản (cà phê, dong riềng…)

Sau khi kết thúc Hội thảo, ngày 9/7, Sở TN&MT Sơn La cũng đã ban hành Công văn số 2503/STNMT-QLMT, gửi các sở, ngành, UBND 12 huyện, thành phố, đề nghị phối hợp góp ý kiến vào nội dung Dự thảo, nhằm đảm bảo tính khả thi, hoàn thiện Dự thảo nghị định, góp phần sớm đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống.

Văn bản tham gia góp ý kiến gửi về Sở TN&MT trước ngày 16/7.
Theo Báo TN&MT

Tags Sơn La cơ sở chế biến nông sản chế biến nông sản cơ sở có nguy cơ ô nhiễm mức III ô nhiễm mức III

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục