Thông tư số 44/2021/TT-BTC về giá nước sạch sinh hoạt có gì mới?

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/7/2021 | 12:10:13 PM

QLMT - Ngày 18-6-2021, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Tạ Anh Tuấn đã ký ban hành Thông tư số 44/2021 quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

› Bộ Tài chính đã Ban hành Thông tư thay thế Thông tư 75 về giá nước sạch sinh hoạt

› Một số nội dung cơ bản tại Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 75 về giá nước sạch

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 05-8-2021, thay thế Thông tư số 88/2012 ngày 28-5-2012 của Bộ Tài chính ban hành khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt, Thông tư liên tịch số 75/2012 ngày 15-5-2012 của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các khu đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.

Để tìm hiểu rõ hơn về Thông tư số 44/2021, phóng viên Chuyên trang Quản lý môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng.


PGS.TS_Nguyễn_Hồng_Tiến
PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến

PV: Từng là nhà quản lý và là một chuyên gia lâu năm hoạt động trong ngành nước, PGS.TS đánh giá như thế nào về Thông tư số 44/2021?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:

Như chúng ta đã biết Thông tư số 88/2012 vàThông tư liên tịch số 75/201 đã được ban hành đến nay đã được 9 năm. Trong 9 năm qua điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân cả khu vực đô thị và nông thôn đã được cải thiện nhiều, yêu cầu đòi hỏi về chất lượng dịch vụ ngày càng cao hơn. Mặt khác tiến bộ của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ xử lý nước ngày càng hiện đại hơn, chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân dần dần đáp ứng các quy định của Quy chuẩn về chất lượng nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt. Công tác quản lý ngành, quản lý doanh nghiệp đã được nâng cao, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đề nghị của các doanh nghiệp ngành nước và các địa phương, Bộ Tài chính cơ quan chủ trì sau một thời gian nghiên cứu, cân nhắc, thận trọng đã hoàn thành và ban hành Thông tư mới thay thế 2 Thông tư nói trên. Chúng tôi đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ này. Thông tư số 44/2021 được ban hành ngắn gọn hơn, chặt chẽ và logic hơn, các quy định được trình bày tuân thủ theo pháp luật hiện hành. Những ý kiến đề xuất hợp lý của các doanh nghiệp ngành nước đã được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu sửa đổi hoặc bổ sung trong quy định mới. Thông tư 44/2021 được ban hành, hy vọng Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với UBND các cấp và các ngành có liên quan phổ biến, tập huấn, hỗ trợ để Thông tư số 44/2021 sớm đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy ngành nước phát triển.

PV: PGS.TS có thể cho biết những điểm mới trong Thông tư số 44/2021?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:

Thứ nhất: Thông tư mới được ban hành để sửa đổi, bổ sung thay thế 2 thông tư đó là Thông tư số 88/2012 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 75/2012 của 3 Bộ: Tài chính, Xây dựng và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là sự kết hợp hợp lý vì trong 2 thông tư cũ có nhiều nội dung liên quan chặt chẽ với nhau.

Thứ hai: Thông tư số 44/2021 khẳng định và hướng dẫn rõ hơn cụ thể hơn nguyên tắc xác định giá nước nhằm tạo ra các điều kiện, cơ hội về pháp luật để các doanh nghiệp ngành nước thực hiện được nguyên tắc bảo đảm tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình từ khai thác, sản xuất, phân phối đến tiêu thụ và có lợi nhuận… Thông qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chí phí, thất thoát… đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Thứ ba: Thông tư số 44/2021 bổ sung thêm 2 chi phí mới đó là chi phí tài chính và chi phí đảm bảo cấp nước an toàn. Đồng thời các chi phí trong Thông tư mới này được giải thích rõ hơn, đầy đủ hơn và dễ hiểu hơn. Một điểm mới là, trong Thông tư này, nội dung chi phí sản xuất không phân biệt cho khu vực đô thị hay nông thôn như trong Thông tư số 75.

Thứ tư: Lợi nhuận định mức đã bỏ tỷ lệ tối thiểu 5% mà thay vào đó là con số tuyệt đối (tại khoản 1 Điều 8 quy định: Lợi nhuận định mức đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước chỉ cấp nước khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn tối đa 1.300đ/m3… cấp nước đồng thời cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn tối đa 1.500đ/m3..).

Thứ năm: Thống nhất giá bán lẻ nước sạch theo các đối tượng sử dụng nước. Thông tư liên tịch số 75/2012 có sự chồng chéo giữa đối tượng sử dụng và mục đích sử dụng.

Thứ sáu: Về lộ trình điều chỉnh giá nước, mặc dù đã giao cho UBND cấp tỉnh lựa chọn quyết định lộ trình điều chỉnh giá nhưng Thông tư 44/2021 đã khống chế với thời gian tối đa là 5 năm. Qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương quan tâm hơn về giá nước này.

Hoạt động sản xuất nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Huy Thịnh
Hoạt động sản xuất nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Huy Thịnh

PV: Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặc dù có nhiều tiến bộ và sắp có hiệu lực thi hành nhưng trong nội dung của Thông tư 44/2021 cũng còn một vài điểm cần được thảo luận thêm, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến có thể cho biết ý kiến của mình?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:

Thứ nhất: Thông tư số liên tịch số 75/2012 gọi là "giá tiêu thụ nước sạch”, cách gọi như vậy là phù hợp với quy định tại Điều 53 Nghị định 117/2007. Trong Thông tư 44/2021 gọi là "giá nước sạch sinh hoạt” về bản chất, hai cách gọi đó có gì khác nhau không?

Thứ hai: Thực tế cho thấy, giá đầu vào của nhiều mặt hàng như điện, vật tư, vật liệu và nhân công…. cũng có những thay đổi theo chiều hướng tăng lên. Mặt khác yêu cầu bảo đảm cấp nước an toàn là mục tiêu cao nhất của các doanh nghiệp ngành nước hiện nay, trong khi đó khung giá nước không hề thay đổi. Mức giá tối thiểu quá thấp (bao gồm VAT) không phù hợp với thực tiễn sản xuất, không có loại hình nào có thể sản xuất và phân phối nước với mức giá này và khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư vào cung cấp nước sạch đặc biệt cho vùng nông thôn, vùng khó khăn.

Thứ ba: Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 44/2021 nêu: Khối lượng từng loại vật tư sử dụng để sản xuất nước sạch áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất nước sạch. Nếu trong trường hợp vật tư sử dụng để sản xuất nước sạch không có trong quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật thì ai có thẩm quyền quyết định? Mặt khác yêu cầu áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật nhưng thiếu quy định cơ quan nào/cấp nào (địa phương/trung ương) có trách nhiệm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật này như vậy là thiếu chặt chẽ.

Thứ tư: Chi phí duy trì đấu nối được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh nước sạch khi có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật về thuế: Các chi phí cho đồng hồ nước, các thiết bị phụ trợ khác… thì có thể có hóa đơn, chứng từ còn những phần việc như công tác duy tu, duy trì, bảo dưỡng, quản lý đường ống… do nhân công của doanh nghiệp thực hiện thì không thể có hóa đơn theo quy định như vậy sẽ gây khó dễ cho doanh nghiệp có lẽ giữ nguyên như quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012 thì hợp lý hơn.

Thứ năm: Tỷ lệ hao hụt nước nước sạch… tối đa là 20% so với tại thời điểm hiện nay (2021) là cao và có lẽ sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp ngành nước giảm tỷ lệ thất thoát (theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ thất thoát trung bình cả nước năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn khoảng 18% - 19%, đồng thời theo Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24-11-2010 thì mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình là 18%).

Thứ sáu: Tại Nghị định số 117/2007 và các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm quản lý hoạt động cấp nước đô thị và cấp nước khu vực nông thôn (trong đó có cả giá nước). Rất tiếc trong Thông tư số 44/2021 vừa ban hành không hề có những quy định gắn với vai trò và trách nhiệm của các Bộ này trong việc tham gia và quản lý giá nước sạch.

PV: Nguyên tắc xây dựng giá nước sạch là phải "tính đúng, tính đủ”. Khi áp dụng Thông tư số 44/2021 vào thực tế, "tính đúng” là điều đương nhiên, tuy nhiên việc "tính đủ” sẽ còn phải phụ thuộc vào những yếu tố nào?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:

Tính "đủ” được hiểu là bao gồm đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối tiêu thụ, có lợi nhuận và phải phù hợp với rất nhiều quy định như chất lượng nước, định mức kinh tế, kỹ thuật… hài hòa lợi ích đơn vị cấp nước và khách hàng… Vì vậy tính "đủ” cũng chỉ là tương đối và ngay cả gọi là hợp lý, hợp lệ cũng vậy. Trong quá trình triển khai thông tư vào cuộc sống vẫn có thể phát sinh nhiều chi phí khác, vì vậy vừa thực hiện vừa tổng kết và bổ sung khi có điều kiện.

PV: Chúng ta vẫn thường nói "tiền nào của nấy”. Vậy theo đánh giá của PGS.TS, việc xây dựng giá nước sạch lần này có bảo đảm được việc nâng cao chất lượng nước và dịch vụ cung cấp nước sạch không?

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến:

Mặc dù vẫn còn một vài điểm bất cập nhưng về tổng thể Thông tư số 44/2021 lần này tiến bộ hơn, nhiều bất cập bước đầu được giải quyết, quan trọng là tổ chức thực hiện. Theo tôi, thành công hay không là ở khâu này. UBND cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Mong rằng sự vào cuộc của UBND cấp tỉnh, của các cơ quan có liên quan và sự đồng thuận của nhân dân, Thông tư số 44/2021 đi vào cuộc sống góp phần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước… chất lượng nước sẽ được nâng cao và chất lượng dịch vụ sẽ được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu của người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến.

HÀ THẮM (thực hiện)

 

Tags giá bán lẻ nước sạch giá nước sạch 2021 Thông tư số 44/2021 khung giá nguyên tắc phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục