Đẩy mạnh truyền thông hai chiều về Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/7/2021 | 10:38:34 AM

Sáng ngày 2/7, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp về công tác truyền thông phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT).

Cùng tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị: Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Thi đua Khen thưởng, Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, Trung tâm truyền thông TN&MT, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Luật BVMT 2020 là một bộ luật lớn, có nhiều điểm mới, mang tính đột phá trong công tác quản lý BVMT (Luật BVMT 2020 được Quốc hội thông qua bao gồm 16 Chương, 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2022). Để Luật được thực thi trong đời sống, Bộ TN&MT đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020, hiện đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ TN&MT để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, các đơn vị thuộc Bộ cũng đang nỗ lực xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020.

Với việc cụ thể hóa những điểm mới từ Luật đến Nghị định, Thông tư, Thứ trưởng nhấn mạnh đến tính phức tạp của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Do vậy, công tác truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển tải những quan điểm, quy định, chính sách mới đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, các đơn vị như Tổng cục Môi trường, Vụ Pháp chế cũng tích cực ghi nhận ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định và Thông tư trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo cuộc họp
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo cuộc họp.

"Đây là sự tương tác cho thấy tính hữu ích của truyền thông hai chiều. Một mặt, truyền thông để các doanh nghiệp, người dân hiểu rõ các quy định mới, các trình tự, thủ tục cần thực hiện. Mặt khác, cũng phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ, luôn cầu thị và lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý, để Luật BVMT 2020 và Nghị định, Thông tư thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Với định hướng như vậy, Thứ trưởng yêu cầu, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo từng chủ đề cụ thể, như đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải rắn sinh hoạt…Trong đó, các đơn vị chuyên môn tham gia soạn thảo Nghị định, Thông tư đóng vai trò chủ yếu trong việc tuyên truyền và tiếp nhận thông tin phản hồi.

Cụ thể, Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường hoàn thiện bộ tài liệu chuyên sâu để phục vụ tuyên truyền, với nội dung chắt lọc, rõ ràng. Tổng cục cũng tiếp thu những thông tin phản hồi để kịp thời xử lý, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ hàng tuần. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền thông qua các hội thảo ở 3 miền, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.

Bên cạnh đó, các Vụ, Trung tâm, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT cần phát huy trí tuệ tập thể, cùng đóng góp để tham gia tuyên truyền các chính sách đạt hiệu quả cao.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp.

Nhận nhiệm vụ Thứ trưởng giao, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, trong tháng 7, Tổng cục sẽ hoàn thiện việc xaya dựng tài liệu truyền thông để cung cấp cho báo chí. Từ tháng 8 đến tháng 12, các chương trình truyền thông sẽ được triển khai cụ thể với nhiều hình thức đa dạng.

Trình bày về các hình thức truyền thông, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT chia sẻ, đơn vị sẽ tổ chức truyền thông trực tiếp thông qua các hội thảo, tọa đàm với các cán bộ của ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các phóng viên báo chí ở Trung ương và địa phương. Trung tâm cũng sẽ tổ chức các tọa đàm trực tiếp với doanh nghiệp để đối thoại, giải đáp trực tiếp cho doanh nghiệp./.

Theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục môi trường

Tags Truyền thông về môi trường Luật Bảo vệ môi trường 2020 Hướng dẫn thi hành Luật Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục