Tổng thống Moon Jae-in tới dự lễ tốt nghiệp vào năm 2018 của sinh viên Viện KH&CN Quốc gia Ulsa (UNIST) - một trong bốn cơ sở đào tạo hàng đầu Hàn Quốc. Nguồn: UNIST
Những khoản đầu tư mới
Từ kinh nghiệm của Chính phủ Mỹ với kế hoạch đầu tư thúc đẩy đất nước sau thời kỳ Đại suy thoái vào nhưng năm 1930, sáng kiến "K-New Deal” được Tổng thống Moon Jae-in thông báo vào tháng 7/2020 với tổng kinh phí 160 nghìn tỉ won (133 tỉ USD) cũng nhằm tạo đà cho Hàn Quốc vực dậy hậu Covid-19, ví dụ tạo ra 1,9 triệu việc làm trong các lĩnh vực công nghệ số và công nghệ xanh vào năm 2025. Tổng thống Moon Jae-in còn cho biết muốn tạo cơ hội để Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về các công nghệ tiên tiến và cấu trúc hạ tầng y học hiệu quả.
Với K-New Deal, Chính phủ Hàn Quốc đã lựa chọn ra 10 dự án chính cho cả kinh tế xanh và kinh tế số hóa. Một trong số đó là một "hồ dữ liệu” – một cơ sở hạ tầng cho thu thập và trao đổi dữ liệu lớn để sử dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, môi trường và dịch vụ vận chuyển. Những chương trình khác bao gồm AI, năng lượng xanh, vận chuyển xanh… Hàn Quốc lên kế hoạch xây dựng các khu phức hợp điện gió ven bờ quy mô lớn và xem xét 13 địa điểm có khả năng lắp đặt. Với dự án vận chuyển xanh, chính phủ sẽ gia tăng việc bán xe điện lên con số 1,1 triệu chiếc trong vòng năm năm tới.
Theo thông tin từ Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc thì 1,8 nghìn tỉ won sẽ được rót vào nghiên cứu khoa học cơ bản, tăng lên đáng kể so với con số 1,5 nghìn tỉ won của năm 2020. Phần lớn số tiền này sẽ để ủng hộ nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ còn khoảng 287,9 tỉ won cho nghiên cứu về các phần công nghệ lõi, các loại vật liệu mới và thiết bị khi Hàn Quốc đang muốn thúc đẩy con đường tự trở thành một chuỗi cung cấp công nghệ, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp bên ngoài đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc sẽ đầu tư 139,1 tỉ won vào nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ thực tế ảo như một phần của những nỗ lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên số của sáng kiến K-New Deal.
Để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, Bộ này cũng sẽ rót khoảng 103,7 tỉ won cho công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặt khác, lĩnh vực nghiên cứu về không gian, vũ trụ sẽ nhận được 334,9 tỉ won với mục tiêu lần đầu tiên lắp đặt và phóng tên lửa được phát triển hoàn toàn trong nước vào năm 2022; lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân nhận được 245,6 tỉ won, chủ yếu cho nghiên cứu an toàn trong lò phản ứng hạt nhân và tháo dỡ lò phản ứng sau khi kết thúc vòng đời; lĩnh vực y tế nhận được 41,9 tỉ won để phát triển các phương thức điều trị và phát triển vaccine nhằm chuẩn bị ứng phó những bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Ước mơ lên vị trí số 1 thế giới bằng nội lực
Trong bảng xếp hạng các quốc gia đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019 (2019 Global Innovation Index) của trường Đại học Cornell, INSEAD và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Hàn Quốc xếp ở vị trí 11 và Đức thứ 9 trong số 129 quốc gia được xếp hạng, cho thấy hiệu suất đỉnh cao của Hàn Quốc trong R&D, một chỉ dấu dựa trên việc đầu tư của chính phủ và ngành công nghiệp vào R&D và số lượng các nhà nghiên cứu làm việc ở cả hai lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm và công nghiệp.
Đây là kết quả của việc chính phủ phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng. Ví dụ như Gyeonggi, một nơi gần 13 triệu dân cư quanh Seoul, hiện tại là nơi quy tụ các công ty lớn về đổi mới sáng tạo của quốc gia. Trung tâm này đã đem R&D của ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng sản xuất lại gần các viện nghiên cứu quốc gia, các trường đại học quốc gia và đại học địa phương. Công ty Samsung Electronics, nơi cung cấp các thiết bị phụ trợ của Samsung, đặt tại Gyeonggi đang hợp tác với SKKU Chemistry để phát triển một vật liệu bán dẫn có thể làm giảm bớt lượng phơi nhiễm phóng xạ khi chụp ảnh tia X y tế. Kể từ năm 2010, Hàn Quốc đã lập 105 trung tâm đổi mới tạo vùng và 18 khu công nghệ cao, 7 chương trình cấp quốc gia để tăng cường sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp.
Nguồn vốn của chính phủ tiếp tục rót vào để khuyến khích R&D, thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, khoa học dẫn đến kết quả là tỉ trọng của đầu tư R&D giới tư nhân đã được tăng lên, chiếm gần 80% tổng số đầu tư R&D của cả Hàn Quốc trong năm 2019, vượt trên cả những quốc gia đổi mới sáng tạo như Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Thụy Điển, những nơi vẫn giữ mức 70%. Việc "đổi vế” đầu tư này được thúc đẩy bằng thuế R&D và nhập khẩu công nghệ nước ngoài.
Trong một hai năm gần đây, Hàn Quốc lại hướng đến việc đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp, những nơi có khả năng vươn dậy thành những ‘kỳ lân’ tỉ đô. Đây là lý do để năm 2021, họ đầu tư 1,5 nghìn tỉ won cho khởi nghiệp.
Cách tiếp cận mang tính hệ thống của Hàn Quốc là nhân tố cốt lõi trong việc tạo dựng một nền kinh tế đổi mới sáng tạo thông qua chuyển các ý tưởng từ phòng thí nghiệm vào ngành công nghiệp. Martin Hemmert, một chuyên gia về các hệ thống đổi mới sáng tạo Tây Á, làm việc tại trường đại học Hàn Quốc, cho rằng chính tư duy văn hóa ở Hàn Quốc đã hỗ trợ thực hiện mục tiêu này và đây là tư duy văn hóa của họ.
Hàn Quốc sẽ rót 1,5 nghìn tỉ won vào khởi nghiệp năm 2021. Đây là số tiền mà Hàn Quốc mong muốn hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong năm nay, tổng kinh phí đầu tư cho khởi nghiệp tăng lên tới 66,2 tỉ won. Mục tiêu của năm nay là đầu tư một cách bền vững vào khởi nghiệp bởi họ coi đây là một phần quan trọng để tạo ra việc làm và nuôi dưỡng các công ty có vai trò đặc biệt trong phát triển các công nghệ giao dịch số.
Không riêng gì Bộ Doanh nghiệp nhỏ, vừa và hỗ trợ khởi nghiệp, còn có gần 15 bộ khác trong chính phủ sẽ hỗ trợ 1,4 nghìn tỉ won thông qua 90 dự án, trong đó dĩ nhiên Bộ Doanh nghiệp nhỏ, vừa và hỗ trợ khởi nghiệp chiếm tới 81 % ngân sách, hỗ trợ 40 dự án. 17 chính quyền thành phố trên khắp Hàn Quốc sẽ rót 81,1 tỉ won để hỗ trợ 104 dự án quy mô nhỏ còn chính quyền Thủ đô Seoul sẽ dẫn đầu với gói 23,7 tỉ won cho 14 dự án.
Nguồn: Nature, asia.nikkei.com, cio.economictimes.indiatimes.com
Theo Anh Vũ/ Khoa Học & Phát Triển