Hoa sữa nở rộ một góc đường ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng/Báo Thanh Niên
Cũng như tôi, ai cũng nao lòng và thổn thức khi nghe các ca sĩ như Ngọc Tân, Thanh Lam, Hồng Nhung… hát về hoa sữa. Nào là "Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa”; "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm...”; "Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp”...
Tôi dám chắc hàng chục, không phải, hàng trăm thành phố lớn nhỏ ở cả ba miền trồng hoa sữa là bắt đầu từ những ca từ lãng mạn này. Có những thành phố trồng đến cả ngàn cây hoa sữa như Nha Trang, Quy Nhơn...
Thế đấy, cây và hoa xuất hiện không phải từ một nghiên cứu khoa học, bài bản mà từ những phút "phiêu” đầy ngẫu hứng thế này. Nhưng hoa sữa trong thơ, ca, nhạc, họa khác lắm so với hoa sữa ngoài đời, nhất là những người sống ngay bên cạnh nó quanh năm. Một cây hoa sữa đầu phố, thoang thoảng trong gió hương hoa, nhưng vài ba cây hay cả một dãy phố thì là tai họa, nhất là vào mùa hoa nở rộ, bung cánh phát tán mùi nồng nặc không thể chịu nổi. Còn những nhà sống ngay dưới tán cây, có người bị suyễn, viêm phế quản, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm mũi theo mùa. Người già thì đúng là thảm họa, còn người bình thường thì cũng bị viêm mũi, đau đầu, chóng mặt.
Trường THPT Nam Sài Gòn trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7) với hàng hoa sữa trồng từ năm 1997. Ảnh: Phong Vinh
Có lẽ TP. Quy Nhơn (Bình Định) là nơi chặt bỏ bớt hoa sữa đầu tiên ở Việt Nam, sau đó là các thành phố khác như Phan Rang, Kon Tum, Nha Trang, TP.HCM. Đỉnh điểm là vào tháng 7.2019, Hà Nội di chuyển hơn 100 cây hoa sữa ở Hồ Tây lên bãi rác Nam Sơn do người dân phản ứng nhiều năm.
Thỉnh thoảng, lại rộ lên những vụ triệt hạ, bứng đi nơi khác loại cây này, cây khác vẫn đang diễn ra ở các thành phố. Tháng 5.2020, sau vụ cây phượng vỹ đổ đè chết một học sinh trong sân trường ở TP.HCM thì rộ lên việc chặt bỏ phượng vỹ - biểu tượng của học đường, của "thời hoa đỏ” và của "Thành phố biển”. Gần đây nhất là ở Bình Dương, người ta cũng định phá bỏ hàng chục cây dầu vì những đàn sâu khổng lồ tấn công ăn trụi lá cây gây ra cảnh tượng kinh hoàng cho người đi đường. Những chuyện đại loại như thế cho thấy, việc trồng cây ở các thành phố Việt Nam chưa được tính toán chu đáo.
Vào cuối thế kỷ XIX, người Pháp tiến hành trồng cây xanh tập trung và trên vỉa hè ở Hà Nội và Sài Gòn. Ở TP.HCM hiện nay vẫn còn những hàng cây xà cừ, dầu, sao… trên nhiều đường phố và trong công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên. Tuy nhiên, hình thái phát triển đô thị bây giờ đã khác trước rất nhiều, quan niệm về cây xanh đô thị cũng khác xưa khá nhiều. Việc trồng cây cần phải tính toán rất kỹ lưỡng để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Ngoài chuyện cây xanh phải có tán rộng mang lại bóng mát, che mưa, ngăn bụi khói, giảm tiếng ồn và trao đổi không khí thì còn phải có tính thẩm mỹ vì cây xanh là một phần không tách rời của cấu trúc mỗi thành phố. Người ta không thể hình dung thành phố mà không có cây xanh, do vậy cây phải có dáng đẹp, có những cây cho hoa đẹp và mùi thơm quyến rũ nữa. Nhưng trên hết là phải an toàn, cây không được che tầm mắt người lái xe, không cản trở người bộ hành và vướng xe chở hàng hóa.
Hoa sữa trong thơ, ca, nhạc, họa khác lắm so với hoa sữa ngoài đời, nhất là những người sống ngay bên cạnh nó quanh năm. Một cây hoa sữa đầu phố, thoang thoảng trong gió hương hoa, nhưng vài ba cây hay cả một dãy phố thì là tai họa...
Nếu trước kia trồng cây, người ta chú ý đến bóng mát và mỹ quan nên chọn loại cây có tán to, thân thẳng, càng cao càng tốt, như cây dầu, xà cừ, thì ngày nay loại cây này không thích hợp vì cao quá vướng nhà cao tầng, nhất là khi có sự can thiệp của bên chữa cháy, cây có rễ đâm sâu và lan rộng dễ phá hỏng công trình ngầm dưới lòng đất, lòng vỉa hè và móng nhà.
TP.HCM phải bỏ nhiều cây xà cừ cổ thụ gần 200 năm tuổi để làm metro, móng cầu và nhất là khi làm hầm kỹ thuật dưới vỉa hè, lòng đường cho các loại dây cáp như cáp điện tiêu dùng, cáp truyền thông, cáp tivi, cáp quang và đường cấp nước, thoát nước thì bắt buộc phải thay đổi các loại cây khác. Các thành phố có quá nhiều nhà cao tầng đứng san sát nhau như Ma Cao, Hong Kong, TP.HCM thì chính khe hở giữa các cao ốc tạo ra các dòng gió vặn xoáy cực kỳ mạnh làm đổ cây, tốc mái, bung bảng quảng cáo. Các dãy nhà cao tầng sát sông, biển hứng gió to từ phía biển, sông tạo nên những tiếng rít ghê sợ và dòng gió mạnh, khiến cho người đứng ở những tầng cao cảm thấy tòa nhà lắc lư.
Những năm gần đây, người dân ở các thành phố Việt Nam có xu hướng chuyển mảng xanh theo "chiều thẳng đứng”. Đó là việc trồng cây xanh trên sân thượng, ban công, ở các chiếu nghỉ cầu thang và dây leo mành mành buông từ trên cao xuống dọc theo mặt tiền hay thân nhà, thậm chí có nhiều công trình trồng nguyên mặt tiền nhà cao tầng toàn cây xanh theo kiểu giỏ treo, nhưng chỉ một thời gian sau thì có vấn đề, đó là rễ cây phá hỏng kết cấu xây dựng, làm hỏng bề mặt công trình, ố nước, tạo rêu và cây xanh cũng héo khô vì không có nước tưới thường xuyên, đất hết chất màu, khó chăm sóc.
Còn một chuyện nữa cần nói đến là trong quá trình phát triển cây xanh của một thành phố, người ta nhận ra điều cực kỳ quan trọng rằng không phải cứ "xanh” nhiều là tốt. Cây xanh, mảng xanh có phát huy hiệu quả hay không và mang lại lợi ích như thế nào phụ thuộc vào cách thiết kế mảng xanh và loại cây xanh.
Chuyện có thật là vào năm 1973, Brezhnev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong dịp sang thăm Mỹ đã mang về giống của loại cây bông có tốc độ lớn cực nhanh, chỉ sau ba năm thủ đô Matxcova tràn ngập màu xanh, nhưng cũng bắt đầu một tai họa khủng khiếp là vào mùa hè, hàng trăm nghìn cây bông bung trái, và cả thành phố ngập ngụa trong bụi bông. Người đi bộ thì khó thở, người lái xe thì vướng tầm nhìn, rất nhiều người chết vì sợi bông chui vào hệ hô hấp, sau đó lại phải có một chiến dịch phá bỏ loại cây này.
Về sau có báo nói đây là quà tặng của Tổng thống Nixon, có báo khác nói đây là một cách người Mỹ "chơi” người Nga. Chả biết đúng sai, nhưng chuyện cây bông Mỹ là có thật, sinh viên Việt Nam cũng được "hưởng” hậu quả của loại cây này!
Vào mùa hoa sữa nở rộ, bung cánh phát tán mùi nồng nặc không thể chịu nổi.
Những chuyện trên đây cho thấy, muốn trồng cây xanh ở thành phố đảm bảo tính bền vững thì phải có những viện, cơ quan nghiên cứu chuyên nghiệp thật kỹ lưỡng, giống như ở Hà Lan, Đức, để trả lời các câu hỏi như tuyến phố đó trồng cây gì phù hợp tạo mảng xanh mà lại không dễ gãy đổ, không phá vỡ công trình nổi và ngầm? Loại cây nào, dây leo nào chịu được hạn, không phá công trình trên cao? Loại hoa nào không độc hại (mùi, nhựa, phấn hoa…) cũng như loại phân nào, kỹ thuật tưới nào cần được áp dụng…
Xem lại thì cho đến nay ở Việt Nam chẳng có trường đại học, cao đẳng nào đào tạo chuyên ngành cây xanh đô thị; cũng chẳng có viện, trung tâm nào nghiên cứu nó cả. Mỗi khi trồng hay bỏ đi loại cây nào ở địa điểm nhạy cảm thì lãnh đạo chỉ đạo, còn nói chung là do một vài người làm việc lâu năm ở công ty công viên cây xanh hay công ty công ích đề xuất để lãnh đạo quyết.
Đã đến lúc, dù quá muộn, các thành phố như Hà Nội, TP.HCM cần có những nghiên cứu chuyên sâu. Cái gì cũng đại khái, cho nên nhiệm kỳ sau chỉ đi khắc phục hậu quả của nhiệm kỳ trước là đã hết thời gian.
Theo Nguyễn Minh Hòa/ Người Đô Thị