Theo đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2016-2020, nhiều lĩnh vực ngành quản lý vẫn còn những tồn tại chưa xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế vẫn còn một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay; việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật còn chậm và thiếu đồng bộ...
Còn nhiều "điểm nghẽn” đáng suy ngẫm
Tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2016-2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của ngành cho giai đoạn 5 năm tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Xây dựng đã xác định đúng, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các vấn đề lớn, then chốt, căn cốt để tạo các chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá của ngành.
Đến nay, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và đồng bộ với các pháp luật liên quan; đủ sức điều chỉnh các hoạt động trong thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Dù vậy, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ ra các "điểm nghẽn” của ngành quản lý như: Một số quy định trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế chưa phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, việc bám sát, theo dõi, đánh giá tác động chính sách; xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời, thường xuyên. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Hệ quả là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Trong công tác lập quy hoạch đô thị, việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương cũng còn chậm và thiếu đồng bộ giữa các chuyên ngành, dẫn đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Thống Nhất
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị ở nước ta phát triển nhanh về số lượng, nhưng chủ yếu là đô thị loại nhỏ. Mật độ đô thị trong từng vùng kinh tế-xã hội thấp, phân tán, chất lượng phát triển còn hạn chế. Tính liên kết giữa các đô thị với nhau và với khu vực nông thôn chưa chặt chẽ, còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và hành lang kinh tế. Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị.
Về thị trường bất động sản, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng thừa nhận còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội (mới chỉ đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra). Nhà ở thương mại giá thấp; định chế tài chính chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ bất động sản.
Riêng vấn đề "vỡ” kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho cho biết thời gian qua, tổng diện tích thực hiện phát triển nhà ở xã hội hơn 5,21 triệu m2 - tức chỉ bằng 41,7% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là đạt 12,5 triệu m2. Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là do cơ chế chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, việc phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng không nung và vật liệu thay thế cát tự nhiên còn hạn chế. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại một số Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng còn chậm so với kế hoạch.
Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã thẳng thắn chỉ ra một bộ phận cán bộ, công chức ngành xây dựng còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ, quản lý, trì trệ, ý thức kỷ luật, đạo đức công vụ còn yếu, chưa chủ động sáng tạo, bám sát thực tiễn, vi phạm pháp luật.
Quy hoạch bài bản, tích cực chống tham nhũng
Tại hội nghị, trước đông đảo các đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, khối doanh nghiệp và Hiệp hội liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ Xây dựng đã hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra, song ngành xây dựng phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng hiện có.
Đơn cử như nhà ở Hà Nội và TP.HCM chưa đạt mục tiêu đề ra về nhà ở. Các thành phố lớn này vẫn có tình trạng khan hiếm nhà ở, đặc biệt là phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân ở khu công nghiệp.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ cho rằng bên cạnh một số đồ án quy hoạch tốt, vẫn còn một số đề án chất lượng thấp, tầm nhìn dự báo chưa hợp lý. Thậm chí, ở một số nơi còn làm quy hoạch vội vàng, các phương án quy hoạch chưa được tính toán cụ thể; tình trạng dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm làm tắc nghẽn giao thông; trong khi việc di dời các cơ quan ra khỏi nội đô chưa được bao nhiêu.
Về vấn đề điều chỉnh quy hoạch, nhất là tình trạng chủ đầu tư và cơ quan quản lý ở địa phương "xé nát” quy hoạch đã có, Thủ tướng chỉ ra ví dụ ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), từng được ví là khu đô thị kiểu mẫu nhưng nay đã bị lấp đầy, quá tải. Trước thực trạng đó, Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi ủng hộ khởi tố lãnh đạo doanh nghiệp làm sai, nhưng cũng phải khởi tố cả các cán bộ tiếp tay 'xé nát' quy hoạch.”
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến việc làm thế nào để cân bằng xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tương lai, không để tình trạng đập phá xây dựng tràn lan. Do đó, Bộ Xây dựng cần có quy hoạch bài bản với tầm nhìn lâu dài.
Về việc triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam, Thủ tướng cho rằng "có những nơi làm rất lãng phí, nhưng ở Huế lại làm rất rẻ.” Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng trả lời mâu thuẫn trên; chủ động tổng kết, rút ra bài học để tránh lãng phí. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần quan tâm đến vấn đề thay thế cát xây dựng để giải quyết hiệu quả bài toán sạt lở ở các con sông trên cả nước do khai thác cát.
Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng quản lý chặt chẽ, nhất là phân khúc nhà ở xã hội cho người nghèo, cho công nhân. Theo Thủ tướng, muốn làm nhà ở xã hội là phải có đất đai địa phương quản lý, có Khu công nghiệp cho nhà ở công nhân, bố trí nguồn lực thực hiện; phải xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có quy định cho việc đổ vật liệu ngổn ngang ở đường, đặc biệt phải có quy chế sửa chữa nhà trong đô thị, để tránh ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ môi trường sống của người dân; Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tổng thể lo nhà ở an toàn cho người dân vùng thiên tai, ngập lụt.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chú trọng đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nhân tài ngành Xây dựng. Thủ tướng nhấn mạnh "ngành Xây dựng phải có lớp người đảm bảo được trách nhiệm xây dựng đất nước Việt Nam”.
Theo Hùng Võ/ Người Đô Thị