Lời tòa soạn:
Di sản là giá trị chung của một đô thị, của Quốc gia, là quà tặng của quá khứ cho sự phát triển của đất nước hôm nay. Vì thế, thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, "Bảo tồn” và "Phát triển” không bao giờ đối kháng mà phải nương vào nhau cùng song hành, hay nói cách khác, để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, suy cho cùng, vẫn nên lấy phát triển hiệu quả để bảo tồn.
Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS - TS Đặng Văn Bài khẳng định: "Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự "cân bằng động" giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là đích hướng tới.
Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì là đề tài đang được dư luận và giới chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Câu chuyện của Ba Vì là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, là tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại không chỉ cho Thủ đô Hà Nội, mà cho cả quốc gia.
Vì vậy, việc phát triển và bảo tồn ở địa danh này như thế nào là bài toán cần rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng đưa ra lời giải.
Trên cơ sở đó, Reatimes tiến hành nghiên cứu và phản biện, với những góc nhìn đa chiều và khoa học, thực hiện và đăng tải tuyến bài: Đánh thức tiềm năng du lịch từ phế tích ở Ba Vì: Giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Vườn Quốc gia Ba Vì được đánh giá là một tài nguyên quý hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại cho nhân dân Thủ đô Hà Nội. Ở nơi đây, nhiệt độ trung bình quanh năm chỉ 23,4 độ C, cảnh quan từ những điểm cao ở Đỉnh Vua (1.296m), Đỉnh Tản Viên (1.081m), Đỉnh Ngọc Hoa (1.131m)… đã ưu ái cho Ba Vì trở thành nơi lý tưởng để đầu tư các dự án nghỉ dưỡng.
Giá trị nơi Ba Vì còn là văn hóa, lịch sử đặc biệt, sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang Xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn…
Với nguyên tắc "bảo tồn để phát triển - phát triển để bảo tồn”, các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch, kiến trúc cho rằng, khai thác phải đồng hành với bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên. Từ phía chính quyền cũng cần có chính sách cụ thể về khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Vì, tuân thủ "Luật Bảo vệ và phát triển rừng", xây dựng, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết về khai thác phế tích, phát triển dự án du lịch.
Bản quy hoạch này cần cụ thể, chi tiết cho mỗi khu vực, làm rõ khu vực hạn chế can thiệp hoặc không xây dựng, các khu du lịch cộng đồng, các dịch vụ được phép (cắm trại, nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi, trung tâm bồi dưỡng môi trường cho cộng đồng…), xác định những tiêu chí cụ thể về mật độ, chiều cao, vị trí các công trình được tôn tạo khai thác và những phế tích được giữ lại nguyên trạng, quy hoạch để phát triển, hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan, bổ sung động/thực vật để làm giàu tài nguyên thiên nhiên.
Sự ứng xử trân trọng của chủ đầu tư đối với thiên nhiên đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá là phù hợp, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. (Ảnh sưu tầm)
Với các phế tích, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp khai thác phục vụ du lịch như: Xây dựng trên phế tích một công trình mới; xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích; giữ nguyên phế tích nhưng cải tạo, nâng cấp để hình thành công trình mới trong đó có sự đan xen giữa mới và cũ cùng với hệ thực vật bám vào phế tích tạo ra những không gian sống mới ấn tượng và đặc sắc, hoặc bảo tồn phế tích thành điểm du lịch kèm theo bản giới thiệu về lịch sử ngôi nhà. Các kiến trúc cần hướng đến hòa quyện với thiên nhiên, với phế tích, các công trình cần "nhẹ, thoáng và mềm” được phân bổ theo tuyến, cụm để có hiệu quả trong phục vụ...
Để khai thác tài nguyên nhiều mặt là những phế tích giữa Vườn Quốc gia Ba Vì, cái đích của dự án phải là hiệu quả và sự bền vững, lợi nhuận chỉ là mục tiêu thứ hai. Như vậy không chỉ cần có chính sách quản lý, phát triển phù hợp và kịp thời mà còn cần nhà đầu tư thông minh, có tâm, có tầm và tri thức, cần những đồ án thiết kế sáng tạo và cả sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng để phát triển bền vững. Hội tụ đủ những thành tố đó, có cơ sở để hy vọng và tin tưởng rằng những phế tích giữa Vườn Quốc gia Ba Vì sẽ không còn "ngủ” mà sẽ "thức dậy” để đem đến cho văn hóa - lịch sử, cảnh quan - môi trường và kinh tế du lịch những sản phẩm tốt.
Vườn Quốc gia Ba Vì (Ảnh: Nhà báo Bùi Văn Doanh)
Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: "Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên. Chính người Pháp khi xây dựng các khu nghỉ dưỡng tại núi Ba Vì, trong tất cả các văn bản liên quan đã nhấn mạnh việc bảo tồn rừng, nghiêm cấm chặt phá cây, săn bắn, phá huỷ môi trường; phải coi thiên nhiên là "đặc sản”. Không có sự tùy hứng nào về ý tưởng thiết kế được phép tồn tại ở đây”.
Căn cứ vào những gì mà giai đoạn I dự án đã thực hiện tại Melia Ba Vi Mountain Retreat, hoàn toàn có thể tin tưởng Melia Hotels International sẽ "đánh thức” Ba Vì xứng đáng với tiềm năng mà tạo hóa và lịch sử đã ban tặng. Cốt 600m vốn được coi là đặc khu quân sự của Pháp, giờ đẹp như thơ với sự xuất hiện của Melia Ba Vi Mountain Retreat.
Những công trình mới của khu nghỉ dưỡng được đặt lại trên chính nền một số biệt thự nghỉ dưỡng của Pháp trước đây, mặc dù chỉ là cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn cố tình khoe ra quy hoạch bài bản mang dấu ấn Pháp. Hầu hết các công trình trong khu nghỉ dưỡng này nép mình một cách khiêm nhường vào thiên nhiên.
Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì được giới khoa học nhìn nhận là đúng hướng. Vừa giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng.
Giới kiến trúc sư cho rằng, Tập đoàn Melia có cách thức tiếp cận khá khéo léo và tinh tế giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo, thể hiện sự khiêm nhường với những gì vốn có tại đây, đặc biệt là về khía cạnh ứng xử với cảnh quan.
KTS. Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng, người Pháp đã đặt nền móng cho sự hình thành đô thị lớn và các thị trấn hay khu nghỉ dưỡng ở nước ta. Các phế tích kiến trúc Pháp tại Ba Vì cũng vậy, là dấu tích của di sản quy hoạch kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời Pháp thuộc. Chúng tạo cảm xúc lịch sử với đầy đủ yếu tố thiên nhiên, con người và thời gian. Do đó, có thể phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu mà vẫn bảo tồn được những giá trị lịch sử, văn hoá cốt lõi. Ông Vinh cũng đề xuất xây dựng trung tâm dữ liệu thông tin về Vườn Quốc gia Ba Vì để giúp du khách và người nghiên cứu có cái nhìn tổng thể, trước khi họ tiếp xúc dấu tích thật trên thực địa./.
Theo Tuệ An/ Reatimes