Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu quy định: "Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải CTNH phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp”. Như vậy, khi chủ nguồn thải CTNH muốn chuyển giao cho các chủ thể kinh doanh dịch vụ quản lý CTNH thì bắt buộc phải thiết lập hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH để chuyển giao trách nhiệm quản lý. Hợp đồng này được xác lập bằng văn bản và ký kết giữa chủ nguồn thải CTNH và chủ thể cung ứng dịch vụ quản lý CTNH. Hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH sẽ là cơ sở quan trọng để các bên tham gia hợp đồng ràng buộc nhau về quyền và nghĩa vụ cũng như các trách nhiệm sau khi chuyển giao, là căn cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có tranh chấp và thiệt hại xảy ra trên thực tế. Mặc dù hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ quản lý CTNH, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề pháp lý bất cập liên quan đến việc điều chỉnh loại hợp đồng này.
1.Một số bất cập trong quy định pháp luật về hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại
Hiện nay trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 60/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 07 năm 2016 về quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại chưa có một quy định nào hướng dẫn cụ thể về hình thức, nội dung của hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH giữa các chủ thể. Như vậy, so với chất thải sinh hoạt[3] có thể thấy rằng việc pháp luật không có các quy định hướng dẫn cụ thể về hình thức, nội dung hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH là một điểm bất cập rất lớn.
1.1. Về hình thức hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại
Khi pháp luật không quy định hướng dẫn rõ ràng về hình thức, biểu mẫu của hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH sẽ dẫn đến tình trạng không tạo được sự thống nhất về mặt hình thức, gây khó khăn cho các chủ thể trong việc tiếp cận, xây dựng các hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát loại hợp đồng này do các chủ thể giao kết hợp đồng sử dụng rất nhiều loại mẫu hợp đồng khác nhau.
1.2. Về nội dung hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại
Mặc dù về cơ bản các bên được quyền tự do thỏa thuận các nội dung điều khoản liên quan bên trong hợp đồng nhưng nếu không có sự quy định hướng dẫn cụ thể sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng các nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH đôi khi lại không đầy đủ hoặc thậm chí thỏa thuận sai quy định pháp luật. Điều này cũng dễ hiểu vì khi tham gia vào việc xác lập hợp đồng chuyển giao trách nhiệm quản lý CTNH không phải chủ thể nào cũng có đầy đủ trình độ, kiến thức chuyên môn về vấn đề này. Trên thực tế, các loại hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH thường do các cơ sở cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH soạn thảo trước với những điều khoản có lợi cho bên cung ứng dịch vụ và sau đó chuyển cho chủ thể phát sinh CTNH có nhu cầu sử dụng dịch vụ để xem xét, ký kết. Tuy nhiên, sau khi được giao cho hợp đồng thì đa phần các chủ thể phát sinh CTNH có nhu cầu sử dụng dịch vụ quản lý CTNH thường chỉ chủ yếu quan tâm đến vấn đề về giá cả, phương thức thanh toán và sau đó nếu cảm thấy phù hợp về mặt kinh tế thì tiến hành ký mà không cần quan tâm đến các vấn đề pháp lý khác có liên quan, hoặc nếu có quan tâm thì các chủ thể này cũng khó để xác định được đâu là những nội dung cần thiết bắt buộc phải có để đảm bảo tính đầy đủ, phù hợp đối với loại hợp đồng này, vì đây là một loại hình dịch vụ mà đối tượng của nó có tính đặc thù nguy hiểm mang tính chuyên môn cao nhưng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Mặc dù trên thực tế, sau khi hợp đồng được ký kết thì sẽ đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cơ quan này kiểm tra, xem xét, quản lý[4] nhưng vì pháp luật không có quy định hướng dẫn cụ thể nên có những trường hợp cán bộ chuyên môn họ không có đủ cơ sở pháp lý để xem xét tính đúng và đủ đối với loại hợp đồng này. Hơn nữa, pháp luật không quy định hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về những nội dung cần phải có trong một hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH dẫn đến tình trạng bỏ sót một số nội dung điều khoản quan trọng trong hợp đồng như các vấn đề về giám sát, kiểm tra hoạt động thực hiện các trách nhiệm quản lý CTNH, nghiệm thu hoạt động thực hiện quản lý CTNH, tạm dừng hoặc ngưng thực hiện hoạt động quản lý CTNH, đảm bảo quyền lợi cho bên sử dụng dịch vụ trong khoảng thời gian xin cấp lại, điều chỉnh giấy phép… Việc không có các điều khoản thỏa thuận này có thể sẽ phát sinh các vấn đề khó khăn cho các chủ thể tham gia nếu như có tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, đối tượng của hợp đồng kinh doanh dịch vụ ở đây là CTNH, một loại chất thải có khả gây ra tác động tiêu cực cao cho môi trường và con người vì vậy đòi hỏi độ chi tiết, cụ thể, rõ ràng trong các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng chuyển giao CTNH phải cao hơn nhiều so với các loại chất thải thông thường khác. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp vì pháp luật không có quy định hướng dẫn cụ thể nên các chủ thể tham gia vào hợp đồng cố tình thỏa thuận sai theo hướng lách luật để nhằm thu lợi bất chính.
1.3. Về đăng ký hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại
Vấn đề về đăng ký hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH hiện nay pháp luật quy định cũng chưa rõ ràng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu mới chỉ dừng lại ở việc quy định khi chuyển giao trách nhiệm quản lý CTNH thì phải thành lập hợp đồng bằng văn bản, nhưng có phải đăng ký hợp đồng cho các cơ quan quản lý nhà nước hay không và nếu có thì chủ thể nào có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thì pháp luật không quy định cụ thể. Trên thực tế, việc không có sự quy định rõ ràng về trách nhiệm đăng ký hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH thuộc về chủ thể nào thì rất dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, tranh chấp lẫn nhau giữa chủ nguồn thải CTNH và chủ thể kinh doanh dịch vụ quản lý CTNH trong việc thực hiện trách nhiệm đăng ký. Đồng thời, trong trường hợp các bên không chịu thực hiện trách nhiệm đăng ký hợp đồng thì sẽ truy cứu trách nhiệm của chủ thể nào. Bên cạnh đó, một vấn đề nữa không thể không kể đến đó là nếu phải đăng ký thì đăng ký tại cơ quan nào, cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận việc đăng ký. Hiện nay, pháp luật điều chỉnh về hoạt động quản lý CTNH quy định chưa cụ thể rõ ràng, minh thị vấn đề này, điều này tạo ra cách hiểu không thống nhất, gây khó khăn cho các chủ thể trong việc xác định vấn đề đăng ký, đặc biệt là các chủ thể không có kiến thức chuyên môn về pháp luật môi trường. Hiện nay, dựa vào nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2015/NĐ-CP[5] và khoản 1 Điều 10, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT[6] thì có thể hiểu cả Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có quyền tiếp nhận việc đăng ký hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH, các chủ thể có liên quan sẽ phải đăng ký hợp đồng tại hai cơ quan này để họ thực hiện các hoạt động kiểm tra, quản lý. Tuy nhiên, đó chỉ là cách suy luận thông qua các quy định gián tiếp chứ vẫn chưa có một quy định trực tiếp nào xác định rõ chủ thể nào có thẩm quyền tiếp nhận việc đăng ký.
1.4. Về trách nhiệm giám sát của chủ nguồn thải sau khi ký kết hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại
Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại đã bỏ trách nhiệm giám sát hoạt động quản lý CTNH của chủ nguồn thải CTNH sau khi chuyển giao. Trong chừng mực nhất định, việc bỏ quy định này tạo được sự tinh giản, khả thi trong việc ràng buộc trách nhiệm đối với chủ nguồn thải CTNH. Tuy nhiên, dựa trên nguyên lý người sản sinh chất thải phải chịu trách nhiệm tới cùng đối với chất thải phát sinh[7], thì trách nhiệm tiếp tục giám sát quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH là cần thiết. Nếu chủ nguồn thải CTNH không thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý CTNH sau khi chuyển giao thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các chủ thể cung ứng dịch vụ sẽ không thực hiện theo đúng yêu cầu quản lý đặt ra, điều này rất nguy hiểm cho môi trường và con người nếu như CTNH không được xử lý đúng theo các quy trình kỹ thuật và yêu cầu quản lý theo quy định. Một số vụ việc trên thực tế đã cho thấy sự gian dối trong quá trình xử lý CTNH như: Công ty Tân Phương Đông sau khi thu gom bùn thải nguy hại từ Công ty Hào Dương đã đem đi đổ ra các bô rác trên địa bàn tỉnh Bình Dương gây ô nhiễm môi trường cho đến nay không thể thu hồi để xử lý hay Công ty TNHH Tỷ Xuân, Công ty Hào Dương, Công ty Kingmaker, Công ty Sung hyun Vina là chủ nguồn thải các loại CTNH nhưng trong quá trình ký hợp đồng không kiểm tra năng lực đối tác, thấy giá thành xử lý thấp là đồng ý ký hợp đồng, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra giám sát đối với CTNH, vi phạm các qui định về thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH theo qui định về bảo vệ môi trường”[8]. Chính vì vậy, cần thiết phải có một điều khoản trong hợp đồng về việc tiếp tục giám sát quá trình xử lý của bên cung ứng dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động xử lý CTNH đạt yêu cầu, không gây ảnh hưởng đến môi trường, xứng đáng với chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để thuê xử lý CTNH.
1.5. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại
Việc quy định trách nhiệm quản lý hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH còn tồn tại những điểm bất cập. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu quy định: "Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý hợp đồng của các chủ nguồn thải CTNH trong phạm vi địa phương mình (kể cả chủ nguồn thải được miễn thủ tục đăng ký chủ nguồn thải CTNH)”, còn tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại quy định: "Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý hợp đồng liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý CTNH do tỉnh cấp”. Từ hai quy định trên có thể thấy, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có trách nhiệm quản lý hợp đồng của chủ nguồn thải CTNH trong phạm vi địa phương và cả hợp đồng của chủ thể kinh doanh dịch vụ quản lý CTNH nguy hại do tỉnh cấp giấy phép. Việc quy định này là không cần thiết vì về bản chất dù là hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH của chủ nguồn thải CTNH trong phạm vi địa phương hay của các tổ chức, cá nhân có giấy phép quản lý CTNH do tỉnh cấp thì đều có cùng một nội dung giống nhau nên không cần thiết phải quản lý hợp đồng của cả hai bên mà chỉ cần quản lý hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH của chủ nguồn thải CTNH trong phạm vi địa phương là đủ, đây là một sự dư thừa trong quy định pháp luật tạo ra gánh nặng quản lý cho cấp quản lý địa phương. Mặc khác, vì để đảm bảo cơ chế thống nhất, tinh gọn trong hoạt động cấp phép và quản lý, hiện nay pháp luật đã quy định thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép xử lý CTNH cũng như việc kiểm tra, quản lý các loại hợp đồng liên quan đến chủ thể được cấp giấy phép thuộc về cùng một cơ quan duy nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường[9]. Vì vậy, Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 30 tháng 06 năm 2015 về quản lý chất thải nguy hại quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý hợp đồng liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý CTNH do tỉnh cấp là không đảm bảo được sự thống nhất và đi ngược lại với yêu cầu tinh gọn trong cơ chế quản lý hành chính nhà nước đối với loại hình dịch vụ quản lý CTNH.
2. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng dịch vụ quản lý chất thải nguy hại
2.1. Về hình thức, nội dung hợp đồng
Để khắc phục những điểm bất cập trong hợp đồng kinh doanh dịch vụ quản lý CTNH, cần thiết phải ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định hướng dẫn các biểu mẫu hợp đồng dịch vụ dành riêng cho hoạt động quản lý CTNH. Theo tác giả, hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH cần được chia thành ba loại giống như hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt[10], gồm: Hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH; hợp đồng dịch vụ thu gom và vận chuyển CTNH; hợp đồng dịch vụ xử lý CTNH. Tương ứng với từng loại hợp đồng thì sẽ có một biểu mẫu hướng dẫn cụ thể thống nhất về mặt nội dung, hình thức.
Về nội dung biểu mẫu hợp đồng, pháp luật môi trường có thể sử dụng kinh nghiệm của Luật Thương mại năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, trong nội dung của hợp đồng chuyển giao trách nhiệm quản lý CTNH cần phải có các điều khoản điều chỉnh các vấn đề về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng như: Trách nhiệm giao CTNH và chứng từ liên quan; địa điểm, thời hạn giao CTNH; thời điểm chuyển rủi ro; trách nhiệm của các bên trong việc phân loại, bảo quản, lưu giữ CTNH trước và sau khi chuyển giao; trách nhiệm của chủ nguồn thải CTNH khi giao không đúng loại CTNH đã được quy định trong hợp đồng; trách nhiệm của chủ xử lý CTNH đối với chủ nguồn thải khi không đảm bảo điều kiện để hành nghề quản lý CTNH, hoặc không đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật trong quá trình quản lý CTNH gây ra hậu quả về môi trường… Đặc biệt, cần bắt buộc phải quy định cụ thể trong hợp đồng về thời gian tiếp nhận CTNH và xử lý CTNH sau khi chuyển giao để tránh trường hợp chủ cung ứng dịch vụ không thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH đúng theo yêu cầu, dẫn đến tình trạng CTNH không được xử lý, ứ đọng lại gây nguy hiểm cho môi trường và con người. Đồng thời, trong hợp đồng cũng cần phải quy định rõ chủ nguồn thải có quyền giám sát quá trình xử lý CTNH của bên cung ứng dịch vụ, bởi do hiện nay pháp luật không còn quy định trách nhiệm giám sát của chủ nguồn thải CTNH sau khi chuyển giao CTNH. Việc quy định như vậy sẽ điều chỉnh hợp đồng một cách chi tiết hơn mà không sợ bị chồng lấn giữa các quy định pháp luật, từ đó góp phần giảm thiểu các rủi ro pháp lý và những tranh chấp không đáng có có thể phát sinh, cũng như giúp đạt được mục đích quản lý CTNH một cách có hệ thống, an toàn, tránh được tình gian dối trong qúa trình xử lý. Ngoài ra pháp luật cần phải quy định rõ trong hợp đồng phải có các điều khoản về vấn đề đảm bảo quyền lợi của bên sử dụng dịch vụ quản lý CTNH khi bên cung cấp dịch vụ có sự điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật.
2.2. Về đăng ký hợp đồng và xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan
Để tạo sự thống nhất trong việc xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến vấn đề đăng ký hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH, cần phải quy định rõ: "Chủ nguồn thải CTNH đăng ký hợp đồng tại Sở Tài nguyên và Môi trường nơi phát sinh CTNH, chủ thể cung ứng dịch vụ quản lý CTNH đăng ký hợp đồng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường”. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất, tránh tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn, chồng chéo trách nhiệm trong việc đăng ký, tiếp nhận hợp đồng chuyển giao trách nhiệm quản lý CTNH của các chủ thể có liên quan. Đồng thời, để đảm bảo thống nhất, tinh gọn trong quản lý nhà nước đối với hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH, nên bỏ quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quản lý hợp đồng liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý CTNH do tỉnh cấp và giao trách nhiệm này về luôn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, lúc này Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có trách nhiệm quản lý các hợp đồng liên quan đến chủ nguồn thải CTNH do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH. Xuất phát từ nội dung hợp đồng của hai bên đều như nhau, vì vậy việc giao Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường quản lý luôn cả hợp đồng liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý CTNH do tỉnh cấp sẽ đảm bảo đồng bộ với nội dung "Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm tra điều kiện, hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các chủ xử lý CTNH” quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu, giảm gánh nhẹ cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tóm lại, hợp đồng kinh doanh dịch vụ quản lý CTNH là một dạng hợp đồng đặc biệt, có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định đến thành công trong các giao dịch chuyển giao trách nhiệm quản lý CTNH giữa các chủ thể. Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật môi trường điều chỉnh về loại hợp đồng dịch vụ này còn nhiều thiếu sót, hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật điều chỉnh đối với loại hợp đồng này là rất quan trọng và cần thiết.
[1] Khoản 13 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014.
[2] Tính đến tháng 10 năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho 107 cơ sở xử lý chất thải nguy hại để thực hiện các hoạt động dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
[3] Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu quy định: Hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm có các loại hợp đồng: Hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
[4] Khoản 2 Điều 13, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
[5] Tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: "Tổ chức quản lý, kiểm tra điều kiện, hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các chủ xử lý chất thải nguy hại”. Khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: "Quản lý hoạt động và các hồ sơ, báo cáo, hợp đồng, chứng từ của các chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong phạm vi địa phương mình (kể cả chủ nguồn thải được miễn thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại)”.
[6] Tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định Tổng cục Môi trường có trách nhiệm: "Quản lý, kiểm tra điều kiện, hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp”. Tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm: "Quản lý hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, chứng từ liên quan đến các tổ chức, cá nhân có Giấy phép quản lý CTNH do tỉnh cấp”.
[7] Chiêm Phong Phi (2015), Pháp luật về kinh doanh dịch vụ thu gom chất thải rắn thông thường, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.58.
[8] Phương Nam, Vi phạm quy định vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, http://cand.com.vn/Kinh-te/Vi-pham-quy-dinh-van-chuyen-xu-ly-chat-thai-nguy-hai-87507/, truy cập ngày 04/4/2018.
[9] Khoản 2 Điều 10, khoản 5 Điều 11, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 13 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
[10] Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24 tháng 04 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
Theo Trần Linh Huân (Khoa Luật Thương mại – Trường Đại học Luật TP.HCM)/ Tạp Chí Toà Án Nhân Dân