Gây ô nhiễm tiếng ồn bị xử phạt như thế nào?

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/11/2022 | 3:08:58 PM

QLMT - Bài toán ô nhiễm tiếng ồn đã được đặt ra từ lâu, nhưng dường như chưa có biện pháp xử lý triệt để. Từ thực tế cho thấy, tiếng ồn đã ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân.

Hỏi: Tôi vừa chứng kiến cảnh tượng sau đây, ngẫm mà thấy đáng sợ: Một chiếc xe buýt đang chạy trên đường bỗng bấm còi rất đột ngột. Tiếng còi chát chúa khiến một ông già đang đi xe đạp giật thót mình rồi loạng choạng. Rất may là một thanh niên đi xe máy tới nơi đã kịp đỡ ông. Nếu không, hẳn là ông đã ngã ra đường. Khi ấy không biết điều gì sẽ xảy ra khi có rất nhiều phương tiện đang lưu thông trên đường. Vậy Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết: Gây ô nhiễm tiếng ồn bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: 

Trên thực tế, chúng ta đã thấy có rất nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ sự "tra tấn” của những thứ âm thanh được sử dụng với âm lượng "quá tải”, trong đó đặc biệt là từ việc hát karaoke. Người mở loa to, người bị làm phiền dẫn tới cãi vã. Trong trường hợp này, nếu không kiềm chế được, rất có thể từ hàng xóm của nhau thậm chí ruột thịt trong gia đình mà người mất mạng, kẻ vướng vòng lao lý.

Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hiện nay, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, mức phạt tiền Nghị định 167 quy định chỉ từ 100.000-300.000 đồng nên không đủ sức răn đe.

"Bên cạnh đó, quy định chỉ xử phạt từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau, thì các khung giờ khác đang bị bỏ ngỏ. Hơn nữa, đây cũng là khoảng thời gian ngoài giờ hành chính nên UBND quận, huyện, phường xã khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm để có thể kịp thời xử lý. Ngoài ra, máy móc, thiết bị đo tiếng ồn vẫn là rào cản trong công tác xử lý. Bởi, để xử lý các trường hợp vi phạm về tiếng ồn phải đo tiếng ồn, xác định vượt quá quy chuẩn cho phép. Trong khi các phường xã không có thiết bị đo tiếng ồn, phải gọi đơn vị có chức năng. Thêm vào đó, loa kéo hát karaoke được xác định là nguồn gây ồn song loại này không cố định, dễ di chuyển, dễ điều chỉnh khi cần, có tính đặc thù nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể trong việc xử lý..." Luật sư Hải chia sẻ thêm.

Gây ô nhiễm tiếng ồn bị xử phạt như thế nào?
Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ

Một xã hội, đất nước văn minh phải có môi trường sạch sẽ trong đó sự yên tĩnh tạo nên vẻ yên bình, có lợi cho sức khỏe con người. Hãy quan sát những thành phố lớn trên thế giới.

Mức độ nguy nga, hoành tráng, đường phố rộng, dài, dân cư đông hơn nhiều so với các thành phố lớn ở nước ta nhưng lại hầu như không có tiếng ồn. Không có tiếng còi của xe cộ và tiếng còi công an cùng mọi tiếng ồn khác. Con người nói năng cũng từ tốn, vừa đủ nghe chứ không nói to quá mức cần thiết, càng không có hiện tượng cãi lộn. Đó quả là những thành phố rất đáng sống vậy.

Giảm thiểu tiếng ồn đến mức không thể giảm hơn ở bất cứ đâu, nhất là nơi đông người, có sinh hoạt cộng đồng là một biểu hiện của trình độ văn hóa, dân trí.

Có thể nói, nếu các cấp chính quyền quyết tâm, cùng với những quy định, công cụ pháp luật, thì vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn sẽ sớm được xử lý triệt để, đem lại cuộc sống bình yên, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Người dân đang kỳ vọng vào sự quyết tâm, quyết liệt của chính quyền, mà đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

Mức xử phạt sử dụng còi xe không đúng quy định:

Tại khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: nghiêm cấm hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Đối với những trường hợp vi phạm, việc xử lý được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, cụ thể như sau:

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định đồng thời bị tịch thu còi vượt quá âm lượng.

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông: Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe đồng thời bị tịch thu còi không đúng quy định.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng không có tác dụng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Vi phạm những quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tháng đến 4 tháng.

TS. Đồng Xuân Thụ

Tags ô nhiễm tiếng ồn xử phạt xử lý vi phạm về tiếng ồn

Các tin khác

Bạn đọc hỏi: Gần đây có một số dự án đốt rác phát điện được xây dựng và đưa vào vận hành như tại Hà Nội, Bắc Ninh, Cần Thơ, Bình Dương... Vậy xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết, Việt Nam hiện có bao nhiêu nhà máy đốt rác phát điện?

Hỏi: Xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết: Hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế được xây dựng như thế nào?

Hỏi: Xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết, thế nào là sự phát triển bền vững?

Xin Chuyên trang Quản lý môi trường cho biết, gia đình tôi có nên sử dụng lại các chai nhựa nước khoáng, nước ngọt làm chai đựng nước uống không?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự