Thực trạng và giải pháp tuyên truyền chống rác thải nhựa tại Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/7/2024 | 9:14:41 AM

QLMT - Ngày 23-24/7 tại Hải Phòng, Trung tâm Thông tin và Truyền thông (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường”. Hội nghị tập huấn thu hút sự quan tâm của rất đông các phóng viên, nhà báo, người làm truyền thông.

Hội nghị tập huấn Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa.
Toàn cảnh Hội nghị

Thực trạng phát sinh chất thải nhựa tại Việt Nam

Rác thải nhựa là một vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa được thải ra môi trường. Trong số này, chỉ có 27% được tái chế bởi các cơ sở và doanh nghiệp, còn lại phần lớn (90%) được xử lý bằng các phương pháp chôn lấp, đốt hoặc vứt ra biển, tạo ra những tác động tiêu cực lâu dài cho môi trường.

Các số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng trung bình khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, lượng rác thải nhựa và túi nilon thải ra mỗi ngày lên tới 80 tấn, một con số đáng báo động. Ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông cho biết, rác thải nhựa có tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác do tính chất khó phân hủy của nó.

Các giải pháp tuyên truyền chống rác thải nhựa

Trước thực trạng đáng báo động này, nhiều giải pháp tuyên truyền chống rác thải nhựa đã được đề xuất và thực hiện. Tại hội nghị tập huấn "Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường” tổ chức tại Hải Phòng, các chuyên gia và nhà báo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và cách thức tuyên truyền hiệu quả. Có thể tổng hợp lại thành một số kinh nghiệm như sau: 

Thứ nhất là chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn

Tại hội nghị tập huấn, ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường nêu rõ quan điểm tiếp cận của Luật Bảo vệ Môi trường, coi chất thải là tài nguyên, với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững. Trong nền kinh tế đó, mọi chất thải đều được nghiên cứu để tái chế và xử lý theo phương thức phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý ra môi trường, tiến tới một xã hội không còn chất thải. Ông cho rằng người dân đang làm quen với việc "ai xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều”.

Thành phố Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo mô hình này, thay vì trả phí theo tháng, người dân phải trả tiền tương ứng với lượng túi nilon cần mua để đựng rác. Giá túi nilon dao động từ 1.900 đồng cho túi 10 lít đến 15.000 đồng cho túi 40 lít. Mô hình này không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn thúc đẩy người dân phân loại rác và tái chế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa. 

Thứ hai là tận dụng mạng xã hội và phương tiện truyền thông hiện đại

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng mạng xã hội như Facebook, TikTok, và Youtube là công cụ truyền tải thông tin nhanh và hiệu quả. Những bình luận và phản hồi của bạn đọc về bài viết cần được các cơ quan báo chí nhìn nhận đúng mức hơn, vì đó như hàn thử biểu đánh giá mức độ thay đổi nhận thức của người dân. Từ đó, các cơ quan báo chí có cơ sở để thay đổi cách thức, thông điệp truyền thông sao cho phù hợp với người dân.

Thứ hai là hạn chế sử dụng đồ nhựa

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hải Phòng, chia sẻ rằng việc hạn chế rác thải nhựa cần sự tham gia của các địa phương, ngành chức năng và sự thay đổi nhận thức của người dân về việc sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường.

Thông qua các tác phẩm báo chí, Hải Phòng đã tăng cường vận động doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào lối sống "nói không” với rác thải nhựa. Mục tiêu trung hạn 2021-2025 là 100% các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố không sử dụng vật dụng hoặc đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa...), hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần.

Thứ ba là các chính sách khuyến khích thay đổi thói quen

Việc tuyên truyền chống rác thải nhựa cần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập VietTimes cho rằng: Việc tuyên truyền chống rác thải nhựa cần một cách làm mới, bởi việc sử dụng nilon đã trở thành thói quen của người dân, bởi sự tiện lợi và giá thành rất rẻ. Lấy đơn cử như việc sử dụng túi nilon, các bà nội trợ mua cả bịch túi to, đủ dùng trong vài tháng chỉ với giá 100.000 đồng. Truyền thông chống rác thải nhựa hiệu quả không thể bằng sự hô hào, động viên mà phải bằng chính sách, bằng những lợi ích thiết thực cụ thể đối với người dân khi chấp nhận thay đổi thói quen.

Ông đưa ra ví dụ về việc thu phí tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho thấy khi người dân thấy rõ những lợi ích từ chính sách, họ sẽ sẵn sàng thay đổi thói quen. Tuy phải chịu mức phí cầu đường cao tốc nhưng đổi lại, người dân được hưởng những lợi ích tuyệt vời từ sự tiện lợi, an toàn của tuyến đường cao tốc mang lại.

Tóm lại: Việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đòi hỏi sự kết hợp giữa các giải pháp kỹ thuật và chính sách tuyên truyền hiệu quả. Bằng cách chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện các mô hình thí điểm thu phí rác thải, tận dụng mạng xã hội, và khuyến khích thay đổi thói quen của người dân, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

HÀ THẮM

Tags tuyên truyền chống rác thải nhựa hội nghị tập huấn

Các tin khác

Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An vừa công bố Kế hoạch thí điểm “Chuyển đổi số quản lý chất thải” với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Đây là một bước đi quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) vừa phát đi Công điện số 2 về việc tăng cường ứng phó tình hình thời tiết mưa, bão từ ngày 6/9 đến hết cơn bão số 3.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Đô, đã kể về cách tận dụng nguồn rác thải nhựa để thay thế nguồn nguyên liệu gỗ dùng làm ván xây dựng.

Sử dụng thiết bị hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các phần mềm quản lý chuyên ngành… giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng, đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng với độ chính xác nhất, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự