Hội thảo kỹ thuật chuyên đề quản lý voi nuôi nhốt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/12/2022 | 3:26:45 PM

QLMT - Vừa qua, Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm bảo tồn voi cứu hộ động vật, quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk và Tổ chức AAF tổ chức Hội thảo kỹ thuật chuyên đề quản lý voi nuôi nhốt.

Tham dự hội nghị có ông Đoàn Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng phòng hộ - Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam; đại diện chủ nuôi là hộ gia đình, cộng đồng và thành viên nhóm chuyên gia về voi Châu Á của (IUCN).

Theo báo cáo chuyên đề về kết quả bảo tồn voi thuần dưỡng (voi nhà) tại Đắk Lắk trong 10 năm (2013-2022), số lượng voi nhà trong giai đoạn từ năm 1980-2012 suy giảm rất nhanh từ 502 cá thể (năm 1980) xuống còn 51 cá thể (năm 2012), giảm 451 cá thể trong vòng 32 năm, giảm gần 90% số lượng voi nhà.


Quang cảnh hội thảo

Nguyên nhân chủ yếu do: Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng còn lạc hậu, chưa có các biện pháp kỹ thuật chuyên môn về thú y cho voi. Voi chủ yếu được chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống. Ngoài ra, voi còn bị vận chuyển, mua bán, trao đổi ra ngoài tỉnh, bị sát hại hoặc được các chủ voi cho, tặng các sở thú, trung tâm du lịch trong và ngoài nước.

Thống kê đến ngày 18/11/2022, toàn tỉnh chỉ còn 37 cá thể voi, huyện Buôn Đôn 22 cá thể; huyện Lắk 14 cá thể; huyện Krông A Na 1 cá thể. Trong đó, có 17 voi đực và 20 voi cái. Toàn bộ số voi còn lại đã được lập hồ sơ, gắn chip định danh để quản lý, theo dõi tình trạng sức khỏe và ngăn chặn được việc di chuyển voi trái phép ra ngoài tỉnh.

Trong 30 năm không có voi nhà sinh sản, do đó tỉnh Đắk Lắk không có voi trẻ trong độ tuổi sinh sản tốt nhất từ 12 đến 30 tuổi để làm nguồn giống sinh sản. Việc nuôi riêng lẻ, quản lý theo hộ gia đình, voi không có điều kiện giao tiếp để kết đôi, hơn nữa, toàn bộ số voi trong tỉnh đã trên 35 tuổi, vượt ngưỡng sinh sản tốt nhất; do đó, khi voi mang thai thường khó thành công. Cụ thể: Voi Ban Nang 38 tuổi sinh voi con vào tháng 10/2017; voi Bok Khăm 44 tuổi, sinh con vào tháng 1/2019; voi Bok On 38 tuổi sinh con vào tháng 2/2022. Tất cả voi con sinh ra đều chết!

Phần lớn voi nhà tại Đắk Lắk đều do các hộ gia đình chăm sóc, quản lý chiếm 50% số voi còn lại; phần lớn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào voi; chủ yếu cho voi cõng khách thu lợi nhuận. Nhiều du khách vẫn còn tâm lý được cưỡi voi khi đến Đắk Lắk. Khu chăn thả, vùng thức ăn của voi ngày càng bị thu hẹp. Các sản phẩm từ voi (ngà, lông đuôi…) vẫn còn bày bán, sử dụng trái phép. Đàn voi nhà đã lớn tuổi, sinh sản khó thành công, nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Tại Hội thảo, các chủ voi, nài voi, chủ các doanh nghiệp có voi làm du lịch được nói lên tâm tư nguyện vọng, được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tầm nhìn, mục đích, ý nghĩa và các chương trình hành động cụ thể cho công cuộc bảo tồn và phát triển đàn voi nhà tỉnh Đắk Lắk.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến và đóng góp của các chuyên gia đến từ Tổng cục Lâm nghiệp; Tổ chức AAF, sau 2 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo đã đi đến thống nhất: Tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm quần thể voi nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có thể tự sinh sản bền vững, cùng các mục tiêu bảo đảm phúc lợi tối ưu cho voi như: Bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần; phát triển sinh cảnh phù hợp; tăng cường năng lực cho chủ voi, nài voi/quản tượng về cách chăm sóc voi; cứu hộ voi; thí điểm tái thả voi về tự nhiên; bảo đảm cơ hội sinh sản cho các cá thể voi còn khả năng sinh sản…

Rút kinh nghiệm từ những lần voi sinh nở thất bại (voi con chết) trước đây, một phần do các chủ voi đều không có hiểu biết, kỹ năng, kiến thức về chăm sóc voi sinh đẻ… dự kiến, trong năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp kết hợp Trung tâm bảo tồn voi sẽ tổ chức 1 lớp tập huấn đào tạo cho các chủ voi có voi còn khả năng sinh sản kiến thức về chăm sóc trước, trong và sau khi voi sinh để đảm bảo an toàn cho voi mẹ, voi con, hướng đến sự phát triển bền vững của quần thể.

Hội thảo cũng dự kiến xây dựng vùng sinh thái tự nhiên tại Khu du lịch sinh thái Ánh Dương ở huyện Buôn Đôn với diện tích 800ha, xây dựng hàng rào điện tử bao quanh diện tích nói trên làm khu chăn thả bán hoang dã cho voi vào mùa sinh sản. Hướng đến biến nơi đây thành điểm mẫu du lịch dựa vào voi theo mô hình du lịch thân thiện.

Ông Ryan Hockley, đại diện Tổ chức AAF nhận định: "Hội thảo đã xây dựng được chiến lược cụ thể góp phần sớm hiện thực hóa các yêu cầu phúc lợi tối thiểu đối với voi nuôi nhốt, cụ thể: Về dinh dưỡng, bảo đảm voi được ăn, được uống đầy đủ dưỡng chất; được tự do đi lại và tăng khả năng tiếp xúc, giao tiếp với đồng loại, được tắm sông, ao, bùn, cát, bụi, được chà sát cơ thể tạo sự thỏa mái; được chăm sóc sức khỏe, được thăm khám thường xuyên, định kỳ, được điều trị khi đau ốm; được lập hồ sơ, gắn chip quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia; hạn chế tất cả các hoạt động gây bệnh, gây thương tích, gây ức chế cho voi…

Khi xây dựng được khu sinh cảnh sẽ tiến hành tái thả voi nuôi nhốt vào môi trường tự nhiên, tái bổ sung quần thể voi hoang dã, tạo cơ hội cho chúng tìm bạn tình và sinh đẻ tự nhiên để tăng cường khả năng phục hồi bền vững”.

Ngọc Anh 

Tags quản lý bảo vệ rừng;quản lý voi nuôi nhốt; Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam

Các tin khác

Từ đống rác thải hữu cơ tưởng chừng vô dụng, qua sáng chế tài hoa của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, chúng lại biến thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật khác biệt – nghệ thuật tái sinh.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đến từ Đại học Huế vừa vinh dự nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 vì có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Nhận thức về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, BĐKH đối với môi trường sống, em Phạm Nguyễn Minh Quang, trường THCS Thị trấn Lấp Vò đã có những hoạt động bảo vệ môi trường. Em là một trong 18 gương mặt được vinh danh "Trẻ em của năm" 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục