Sáng tạo từ những điều giản đơn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 25/5/2024 | 9:01:57 AM

Ông Trần Văn Hân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáng tạo nhiều ý tưởng để các xe điện lấy rác hoạt động tốt hơn, giúp công nhân môi trường đỡ vất vả.

Những sáng tạo giúp người lao động

Ông Hân vào công ty cách đây 5 năm. Những ngày đầu, ông làm việc tại bộ phận chăm sóc cây xanh. Đến tháng 10.2022, ông được chuyển đến làm việc tại Tổ Quản lý vận hành và Sửa chữa xe điện.

Ngày qua ngày, công việc của ông chủ yếu vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa 15 xe điện dùng để lấy rác. Từ đây, những ý tưởng của ông cũng dần nảy lên trong đầu.


Công việc hàng ngày của ông Hân là vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa 15 xe điện dùng để lấy rác. Ảnh: Công Sáng

"Ngồi một chỗ sửa chữa, thấy nhiều thứ mình có thể nâng cấp, thay thế hoặc sáng tạo ra nên tôi nêu ý tưởng với Ban Giám đốc. Khi được phê duyệt, các ý tưởng dần đưa vào thực hiện, giúp những cô, chú lao công đỡ nguy hiểm, hay chính bản thân cũng thoải mái hơn trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng xe điện” - ông Hân nhớ lại.

Dáng ông Hân cao, gầy, những vết chân chim trên mặt đã lộ diện ở độ tuổi 53. Chiếc mũ cối thường trực trên đầu, ông đon đả khoe thiết kế của mình giúp quá trình sửa chữa xe điện rác nhanh chóng.

Một thanh sắt dài chừng 40cm, trên thanh sắt có 2 lỗ cách nhau khoảng 15cm, ở giữa lắp một núm vặn bằng sắt, ông Trần Văn Hân tự sáng tạo và đặt tên cho dụng cụ này là vam. Vặn những con ốc trên bánh xe ra, ông Hân ướm chiếc vam vào, 2 lỗ trên thanh sắt vừa khít vào vít của bánh xe.


Thiết kế được ông gọi là Vam, dùng để tháo lắp phần dữ má phanh (tăm bua) của xe rác. Ảnh: Công Sáng

Tiếp đó, ông vặn núm sắt, "cọc cọc cọc…”, sau vài tiếng gõ, nguyên phần giữ má phanh (tăm bua) của xe rác được đưa ra. Ông Hân giải thích, núm sắt vặn vào, phần tăm bua theo lực sẽ được đẩy ra một cách nhẹ nhàng, nếu không có chiếc vam, trước đây lọ mọ mất đến 30 phút mới hoàn thành công đoạn này.

Đó là một trong những phát kiến được ông Hân (Tổ Trưởng Tổ Quản lý vận hành và Sửa chữa xe điện - Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh) sáng tạo trong quá trình làm việc tại đây.

Người tổ trưởng lại dẫn chúng tôi đến và chỉ tay vào những chiếc xe lấy rác bằng điện đặt sẵn trong sân. Trên xe có các miếng dán phản quang, đèn nháy, cảnh báo cũng là những ý tưởng được ông đề xuất thực hiện.

Nhận thấy những lao công làm việc chủ yếu vào ban đêm, hoặc lúc nhá nhem tối. Công việc lại thường xuyên dừng đậu bên đường, nhiều nguy hiểm tiềm ẩn có thể xảy ra, nhất là đối với những nơi xe cộ lưu thông lớn hoặc ít bóng điện. Ông Huân đề xuất dán phản quang và đèn nháy nhằm giúp cảnh báo cho người đi đường. Cũng giúp cô, chú lao công an toàn hơn trong quá trình làm việc.

Hay cả những lốp xe điện mới không ruột. Mỗi lần thủng lỗ đều phải vá, nhưng vá xong, lỗ khác lại hư. Nhiều lần như vậy lốp rất dễ hỏng. Những lốp còn mới nhưng phải thay bỏ đi vì không còn sử dụng được.


Lốp xe điện được ông thêm ruột, giúp xe vận hành êm ái, bền hơn. Ảnh: Công Sáng

Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, ông thử đặt một ruột lốp tương ứng với lốp xe. Điều kỳ diệu là xe chạy êm hơn, kéo dài được tuổi thọ, lốp không còn dễ hư như trước, mỗi lần hư chỉ cần vá ruột sẽ hoàn thành.

Nhờ sáng kiến này, xe điện lấy rác được chuyển đổi thành lốp có ruột, giúp xe bền theo thời gian. Qua đó, cũng giảm được ít nhiều chi phí mỗi lần sửa chữa hoặc thay lốp.

Người đàn ông tuổi ngũ tuần chia sẻ rằng: "Những sáng kiến này tôi thấy chỉ là điều nhỏ nhặt, có lẽ ai đặt vào vị trí của tôi cũng sẽ mong muốn cải tiến tốt hơn. Tôi chỉ mong, các ứng dụng có thể giúp đỡ được lao công trong công ty giảm đi được phần nào sức lao động, đảm bảo được an toàn đó là niềm vui rất lớn với tôi rồi”.

Với những nỗ lực và cống hiến của ông Trần Văn Hân đã được nhiều tổ chức ghi nhận, ông được khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền. Năm 2022, ông được nhận Giấy khen của Thị xã Hồng Lĩnh về lao động giỏi. Hay mới đây nhất, ông nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2024.

Phát triển nhiều hơn những ý tưởng trong lao động

Ông Trần Thăng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh nhận xét, trong công ty, từ lúc vào làm việc tới bây giờ, anh Hân có ý thức trách nhiệm, kỷ luật rất tốt.

"Mỗi ngày anh đều có mặt nơi làm để phục vụ các phương tiện khi đi về hỏng hóc hay đột xuất xảy ra vấn đề. Nhiều trường hợp xe thủng xăm, thủng lốp, hết điện khi đang ở bên ngoài, anh ấy cũng cơ động đến tận nơi để vá, sửa chữa ngay. Đây một phần cũng là nhiệm vụ công việc vốn như vậy, nếu không đáp ứng yêu cầu đó thì chị em cũng không kịp thời sản xuất được” - ông Long chia sẻ.

Thông tin thêm về việc làm của nhân viên mình, ông Long cho rằng, bản thân ông Hân trước đây cũng từng đi nghĩa vụ quân sự, nên dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng anh ấy có kỹ năng về cơ khí rất tốt. Vì vậy, ông Hân đã áp dụng được vào các công việc hiện tại nhằm đảm bảo được chất lượng phương tiện. Như bổ sung thêm một số thiết bị tự mình làm ra giúp phương tiện hoạt động hiệu quả, xe bền hơn; đồng thời, đảm bảo an toàn lao động.


Những sáng tạo của ông Hân giúp công việc của ông trở nên đơn giản hơn. Ảnh: Công Sáng

Đối với những sáng kiến này, Công đoàn Công ty cũng tham mưu, có những khích lệ, vào dịp đánh giá công việc cuối năm đơn vị cũng ghi nhận và khen thưởng. Qua đó, vừa khuyến khích tinh thần tích cực tự giác, vừa nâng cao ý thức xây dựng công ty của cá nhân anh Hân. Nhưng đồng thời cổ vũ tinh thần của cán bộ công nhân viên trong công ty, phát huy thế mạnh của mỗi cá nhân để đóng góp vào công việc của mình.

Bà Phạm Thị Thu Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Hồng Lĩnh cho biết, trường hợp của ông Hân đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho các công nhân vệ sinh môi trường: "Khi xe hư hỏng, việc sửa chữa kịp thời của anh giúp anh chị em tiếp tục công việc và không bị đình trệ. Việc sáng tạo của anh cũng phần nào tiết kiệm chi phí, kinh phí của công ty trong việc mua sắm trang thiết bị mới thay thế để phục vụ cho điều kiện làm việc của người lao động”.


Ông Hân được tôn vinh là công nhân lao động tiêu biểu năm 2024 của LĐLĐ tỉnh trong đợt phát động "Tháng Công nhân” của tỉnh Hà Tĩnh năm nay. Ảnh: Công Sáng

Bà Hương thông tin thêm, hiện nay con số ý tưởng, sáng kiến của phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trên địa bàn huyện Hồng Lĩnh vẫn còn rất khiêm tốn. Những dự án sáng tạo có quy mô lớn, áp dụng rộng rãi chưa có. Tuy nhiên, vẫn có những sáng tạo đơn giản ở một số đơn vị, công ty giúp tăng sản lượng sản phẩm nhiều hơn, mang đến lợi ích tại nơi làm việc.

Để khuyến khích tinh thần sáng tạo tại nơi làm việc của người lao động, Công đoàn các cấp đã có những hoạt động phát động thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo. Bên cạnh đó, những công nhân có ý tưởng hay thành tích hằng năm, công đoàn thường xuyên đề xuất đến UBND thị xã có những khen thưởng, tôn vinh kịp thời vào "Tháng Công nhân” hằng năm.

"Đến nay, việc khen thưởng thực hiện được gần 10 năm, là động lực để công nhân, người lao động hăng say hơn trong lao động, sản xuất.

Ngoài ra, tại công đoàn mỗi cơ sở cũng thưởng nóng, khen thưởng kịp thời đến với các đoàn viên có những đề xuất mới, ứng dụng hiệu quả tại nơi làm việc” - bà Hương nói.

Theo Công Sáng/laodong.vn

Tags ông Trần Văn Hân Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh sáng tạo ý tưởng xe điện lấy rác công nhân môi trường

Các tin khác

Những tấm gương sáng trong ngành giáo dục và khoa học luôn là nguồn cảm hứng không ngừng cho thế hệ trẻ. Trong số những nhà giáo và nhà khoa học ưu tú của lĩnh vực xây dựng, không thể không nhắc đến Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên - một người thầy tận tụy, một nhà khoa học lỗi lạc và một nhà lãnh đạo mẫu mực.

Ba công trình của PGS.TS Trần Mạnh Trí được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học và sức khỏe, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

Từ đống rác thải hữu cơ tưởng chừng vô dụng, qua sáng chế tài hoa của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, chúng lại biến thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật khác biệt – nghệ thuật tái sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục