Ngày 22/6/2022, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris, Pháp, Hội đồng khoa học UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao giải thưởng Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới 2022 cho PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân, thuộc chuyên ngành hóa học, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại của Trường Đại học Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh.
Với công trình "Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh – thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững", PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới đánh giá rất cao về dự án và được vinh danh là 1 trong 15 nhà nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022.
Từ bỏ cơ hội rực rỡ để trở về Việt Nam
"Tôi từng ngạc nhiên, choáng ngợp vì mô hình nghiên cứu khoa học của nước bạn. Lúc ấy, tôi tự nghĩ những điều mình học được, nếu chỉ một mình mình giữ thì thật đáng tiếc. Mình sẽ phải có trách nhiệm về nước, mang những kiến thức đã thu nạp được mang về Việt Nam, đào tạo cho thế hệ trẻ”, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân mở đầu câu chuyện về việc vì sao quyết tâm trở về Việt Nam vào năm 2013.
16 năm trước, nữ nghiên cứu sinh trẻ Hồ Thị Thanh Vân tới Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu hành trình học tập tại Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Đài Loan. Chị đã xuất sắc nhận bằng Tiến sĩ trước thời hạn (chưa đến 3 năm) khi đã công bố một bằng sáng chế Mỹ, một bằng sáng chế Đài Loan về lĩnh vực năng lượng mới, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín với tổng hệ số ảnh hưởng IF=60.
Cơ hội rộng mở, chị được giữ tiếp tục ở lại trường để tiếp tục học nâng cao và giảng dạy. "Đó là thời gian 2 năm tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhiều trung tâm nghiên cứu lớn, tập đoàn năng lượng của các nước phát triển cũng rộng cửa chào đón. Trong khi đó, vấn đề năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn quá mới mẻ. Tôi cũng phân vân để tiếp tục phát triển nghiên cứu của mình là một khoảng cách lớn nếu về nước”, TS Vân tâm sự.
"Vậy vì sao chị vẫn chọn trở về?” – tôi hỏi. "Đó là tâm huyết vì ngành giáo dục”, chị nhỏ nhẹ bày tỏ. Trong những năm học tập và đào tạo, PGS Vân chia sẻ, sinh viên Việt Nam có tố chất giỏi nghiên cứu khoa học, chịu khó tìm tòi, sáng tạo nhưng khó khăn lớn nhất chính là điều kiện để nghiên cứu, tiếp cận các phương tiện, máy móc nghiên cứu hiện đại. Bởi vậy, khi tiếp cận chân trời tri thức mới, chị không chỉ học hỏi kiến thức mà còn học hỏi mô hình triển khai tại các trung tâm nghiên cứu của các giáo sư.
Từ đó, ngày trở về Đại học Bách khoa-Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh và sau này là Trường Đại Học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, chị bắt đầu xây dựng hướng nghiên cứu, thành lập nhóm sinh viên, xây dựng lab theo đúng mô hình tiên tiến trên thế giới.
Chị tự hào và hạnh phúc khi chia sẻ "Mô hình đã đạt hiệu quả lớn, rất nhiều bạn trẻ thành đạt. Từ suy nghĩ ngày đầu tiên đến quay trở về là một lựa chọn đúng đắn”.
Thế nhưng, hành trình đi đến sự tự hào đó vô cùng cam khổ và gian truân.
Chắt chiu từng tháng lương để mua hóa chất phục vụ nghiên cứu
Năm 2013, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân về Việt Nam. Lương một tháng bấy giờ chưa đủ mua nổi 2gr hóa chất. Để tiếp tục hướng nghiên cứu là một khoảng cách lớn. Vài tháng liên tiếp chị phân vân, nên chọn hướng nghiên cứu truyền thống có thể làm ngay trong điều kiện này hoặc là hướng nghiên cứu đã thành công ở nước ngoài.
"Tôi nghĩ mình không đủ sức, tài chính để làm khi phải đấu tranh giữa lấy hết lương để mua hóa chất phục vụ nghiên cứu hay phải lo toan cho gia đình nhỏ. Nhưng tôi cũng rơi vào vòng suy nghĩ, nếu mình từ bỏ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu đã được đào tạo ở nước phát triển sẽ thật sự đáng tiếc. Nó giống như cảm giác sự trở về của mình vô cùng phí hoài, vì bản thân cũng không mang được kiến thức, không thể ứng dụng những kiến thức đã học, không đóng góp được gì cho cộng đồng. Và không nhẽ, chúng ta sẽ mãi xa thế giới về công nghệ năng lượng tái tạo”, PGS Vân đặt câu hỏi.
Khoảng nửa năm sau những chật vật xoay xở, PGS Vân chắt bóp, chắt chiu từng cơ hội để quyết định sẽ đi theo hướng mà tên tuổi của chị đã được khẳng định.
"Tôi cũng mất vài tháng để suy nghĩ hướng đi cho đam mê khoa học công nghệ của mình khi về nước. Giai đoạn đó, cái khó khăn lớn nhất là các trang thiết bị máy móc cần cho các nghiên cứu hiện đại ở nước ngoài nhưng Việt Nam hầu như không có. Thứ hai, tôi cũng băn khoăn làm sao có nguồn kinh phí để đầu tư cho các nghiên cứu hiện đại này. Tôi đã phải giành hầu hết tiền lương hàng tháng để tập trung cho nghiên cứu và chọn con đường đi chắn chắc và quyết tâm theo đuổi những mong muốn của mình cho khoa học công nghệ Việt Nam". - PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân
33 tuổi, suy nghĩ của một nữ khoa học trẻ già dặn hơn so với tuổi. Sự kiên định đó đã tạo ra nhiều bước ngoặt lớn trong xây dựng mạng lưới nghiên cứu về năng lượng tái tạo.
Từ những khó khăn đó, chị càng có thêm nhiều động lực để phải làm tốt hơn. Trên con đường tiếp tục phát triển những nghiên cứu khoa học của mình, chị rất tâm huyết trao truyền cho thế hệ trẻ. Những bạn trẻ dù chỉ mới học phổ thông nhưng thích nghiên cứu khoa học, chị cũng tiếp nhận vào nhóm nghiên cứu.
"Thế hệ trẻ có năng lực, đam mê và nhiệm vụ của tôi là chắp cánh cho bạn ấy. Giúp cho các em là giúp cho một thế hệ, cả gia đình, cả con đường đi của họ”, PGS Thanh Vân chia sẻ.
Tiêu chí để chị chọn học sinh đi đường dài, không phải là những người xuất sắc nhất mà là những người đam mê, chăm chỉ và có trách nhiệm, kiên trì tới cùng trên con đường nghiên cứu khoa học.
Nhiều cuộc thi khoa học trong nước, thế giới được nhóm nghiên cứu của chị chinh phục. Nhiều lứa học viên nghiên cứu đều đi du học ở những nước tiên tiến nhất thế giới, nhận học bổng toàn phần.
PGS Thanh Vân tự hào là khi nhiều sinh viên đã tham gia nghiên cứu thuộc lab của mình đều có thể xin được học bổng toàn phần sau đại học ở các nước phát triển, hay có cơ hội làm việc tại các đơn vị, công ty lớn dễ dàng. Điều đó là niềm khích lệ cho người đưa đò như chị trên chặng đường dài.
"Chỉ cần cố gắng và tâm huyết dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng đào tạo các thế hệ, nhân sự giỏi có trình độ ngang bằng như các như các nước phát triển. Tôi nghĩ trong hành trình nghiên cứu của mình còn thiệt thòi, thua thế giới về các điều kiện, nhưng khi cố gắng thì mình cũng có thể đứng ngang bằng với họ”, PGS Thanh Vân tự hào nói.
"Khó khăn thử thách trong những ngày đầu đến từ nhiều thứ như cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự và nguồn tài chính đầu tư cho những hướng nghiên cứu mới, tiên tiến. Tuy nhiên, lúc đó và cho đến tận bây giờ cách tôi vượt qua là nghĩ về thế hệ trẻ các nhà nghiên cứu trẻ, đến những đóng góp khoa học nước nhà trong việc khẳng định vị thế khoa học công nghệ của Việt Nam, cũng như những giá trị mang lại về mặt cộng đồng, thì tôi cho rằng những áp lực trên sẽ trở thành động lực để tôi cố gắng. Và tôi đã vượt qua như vậy trong gần 20 năm giảng dạy và nghiên cứu". - PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân
Năm 2016, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân đã được hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước xét công nhận Phó Giáo sư, lúc đó chị mới chỉ 36 tuổi.
Hành trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Niềm đam mê nghiên cứu về năng lượng tái tạo xuất phát từ mong muốn phát triển 1 vật liệu đã có những nghiên cứu ở Việt Nam và nước ta có nguồn khoáng sản lớn này cùng với mong muốn về định hướng phát triển bền vững.
Trong các loại pin nhiên liệu thông thường, thành phần bao gồm khí hydro, methanol, ethanol, chất oxy hóa và hai điện cực được làm bằng bạch kim (Pt) và than chì. Sử dụng chất xúc tác bạch kim khiến giá thành pin nhiên liệu bị đẩy lên cao, còn than chì có độ bền kém và độc hại cho môi trường. Chính vì vậy, từ năm 2011, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân và cộng sự đã nghiên cứu và phát triển loại vật liệu mới này, vừa nâng cao khả năng chịu độc CO, vừa thay thế 25% lượng bạch kim cho sản phẩm.
Nhiều năm về Việt Nam, phát triển nghiên cứu của mình, năm 2022, công trình nghiên cứu "Chất xúc tác có cấu trúc nano mới để sản xuất pin nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và sản xuất năng lượng H2 xanh” được trao giải thưởng "Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới" của Quỹ L’Oréal và UNESCO.
Chia sẻ về công trình nghiên cứu, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân cho biết: Nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý bạch kim, đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với bạch kim nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa bạch kim, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này. Thành công trong nghiên cứu này sẽ góp phần mở ra con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, theo đó nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu xanh và bền vững sẽ được sử dụng trong một chu kỳ liên tục.
"Dự án nhằm tiếp cận và giải quyết những vấn đề mang tính cấp thiết và thách thức toàn cầu về an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững bằng việc thiết lập vòng tuần hoàn năng lượng sạch, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất năng lượng hydro xanh, pin nhiên liệu với chi phí thấp tạo ra một vòng tuần hoàn năng lượng xanh, sạch, bền vững có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường nhằm thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch, giảm sự nóng lên toàn cầu”, PGS Thanh Vân chia sẻ.
Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc chung tay đóng góp vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa diễn ra 10/2021 tại Vương quốc Anh.
Hiện nay, nữ khoa học trẻ này đang dồn tâm huyết phát triển pin nhiên liệu - loại pin không cần sạc, không cần vất bỏ mà pin sẽ được tái tạo theo chu kỳ nạp điện. Pin nhiên liệu methanol trực tiếp (DMFC) là một trong những thiết bị chuyển đổi năng lượng điện hóa tiềm năng nhất, do mật độ năng lượng cao, dễ sử dụng, thân thiện môi trường và nhiệt độ hoạt động thấp. Pin nhiên liệu có thể sản xuất từ công suất nhỏ, ứng dụng khá phổ biến cho xe đạp điện, các sản phẩm chạy bằng điện khác.
So với các loại pin truyền thống thì pin nhiên liệu là loại thiết bị năng lượng có mức thải ô nhiễm gần như bằng 0, thân thiện với môi trường và lượng nước sinh ra sau phản ứng là nước sạch có thể dùng uống được.
Tuy nhiên, việc thương mại hóa loại pin nhiên liệu này bị cản trở bởi chi phí cao, trữ lượng thấp, tính không ổn định của chất xúc tác Pt, khả năng dễ bị đầu độc bởi các chất trung gian như CO hoặc CHO. Vì vậy, Đề án nghiên cứu của PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý Pt, đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với Pt nguyên chất, góp phần nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa Pt, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong thời gian không xa.
"Chúng tôi đang muốn làm sao để giảm giá thành bằng cách thay thế vật liệu mới. Muốn phát triển sản phẩm hơn nữa, chúng tôi cần phải tìm nhà đầu tư, các dự án lớn để hợp tác. Các nhà start up về năng lượng như Thụy Sỹ, Đức, Mỹ cũng đang quan tâm hướng đi này và đang đề xuất hợp tác với chúng tôi”, PGS Vân chia sẻ.
PGS Thanh Vân bày tỏ, khoa học công nghệ Việt Nam đang phát triển đã định vị 1 phần nào đó sự đóng góp của Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, mặt bằng chung cơ sở vật chất còn hạn chế so với nước phát triển.
Thời gian tới, để phát triển năng lượng tái tạo bền vững với những sản phẩm thiết thực, PGS Vân cho rằng, các nghiên cứu phải có sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ngoài nước, các trường đại học lớn để hợp tác nghiên cứu. Nếu có được những nhà đầu tư năng lượng lớn trong nước và ngoài nước, sẽ có chi phí đủ để mình xây dựng lớn hơn nữa trung tâm nghiên cứu. Quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước tạo cơ chế chính sách, chia sẻ công nghệ mang tính khả thi và đưa nghiên cứu của Việt Nam tiếp cận thế giới.
Với quan điểm "Làm gì cũng đi tới cùng, không bỏ cuộc vì bỏ cuộc có lỗi với mọi người”, chị đã vượt qua những áp lực khủng khiếp của thời gian, công việc, gia đình. Cũng có lúc chị nghĩ hay thôi mình lựa chọn con đường nhẹ nhàng. Hai vợ chồng cùng học về năng lượng tái tạo, có cần thiết phải dấn thân hay không? Nghĩ vậy, nhưng chị như con thiêu thân, không có ngày nghỉ, không có thời gian dành cho gia đình, thậm chí không có thời gian cho bản thân nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. May mắn chị có ông xã cùng nghề góp ý nhiều cho chị về chuyên môn, được gia đình đồng hành nên thứ áp lực duy nhất chị phải vượt qua chính là áp lực cá nhân cầu toàn của mình.
Thành quả với chị hiện nay, chính là thấy các bạn trẻ thành công và thấy khoa học công nghệ Việt Nam thật sự đặt được vị trí trên bản đồ châu Á, Đông Nam Á và thế giới.
Chị bộc bạch, Việt Nam có tiềm năng lớn trong sử dụng năng lượng tái tạo. Bởi vậy, chị mong các nhà khoa học trẻ cần có các nghiên cứu đột phá theo hướng này và cần có sự quan tâm của nhà nước trong việc đầu tư mang tính dài hạn và chiến lược các nghiên cứu mang tính cấp thiết và toàn cầu.
Hiện PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân còn ấp ủ 1 số dự án nghiên cứu về pin mặt trời mà chị đã có kinh nghiệm làm việc 2 năm ở nước ngoài nhưng điều kiện phòng thí nghiệm, trang thiết bị của Việt Nam chưa đáp ứng được. "Tôi mong muốn thời gian sắp tới tôi có thể phát triển các hướng nghiên cứu này ở Việt Nam”, chị bày tỏ mục tiêu lâu dài trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình.
* Năm 2019, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng Khoa học L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vinh danh Nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019 với đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo.
* Năm 2020, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.
* Ngày 22/6/2022, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris-Pháp, Hội đồng khoa học UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới 2022 cho PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân với những đóng góp nổi bật cho KHCN với dự án "Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh - thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững”.
Theo Việt Anh - Hồng Vân - Thiên Lam - Đức Duy
Báo Nhân Dân