Vệ sinh môi trường thời Covid-19: Hãy biết ơn người công nhân hốt rác

  • Cập nhật: Chủ nhật, 27/2/2022 | 7:43:15 AM

Trong bối cảnh con người phải tìm mọi cách để sống chung với dịch bệnh, việc bảo vệ môi trường cần đặt lên hàng đầu. Và, như vậy, chúng ta phải biết nâng niu, trân quý người công nhân vệ sinh môi trường.

Vi rút rãi rác khắp nơi, nhưng rác thì vẫn phải hốt

TP.HCM đã qua những ngày tháng căng thẳng nhất của trận đại dịch Covid-19. Song, không ít công nhân vệ sinh môi trường – được mọi người ví von là "những chiến binh thầm lặng" – vẫn không thôi ám ảnh nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh. Hiện tại, dù dịch bệnh đã bớt căng thẳng, nhưng nguy cơ vẫn còn.

Rất nhiều công nhân tại các công ty dịch vụ - công ít, công ty môi trường, đều tỏ vẻ lo lắng cho công tác vệ sinh môi trường thời dịch Covid-19. Đáng nói, việc buông lỏng quản lý, giám sát F0 và rác thải liên quan đến F0 điều trị tại nhà đã và đang gây ra những hệ lụy đáng lo ngại.

Anh Nguyễn Văn Tâm – công nhân Công ty Dịch vụ - công ích quận 3 – nói: "Là người trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý rác, nhiều công nhân môi trường chúng tôi không khỏi từng ngày, từng giờ đối mặt với việc lây nhiễm vi rút Covid-19 từ rác thải của bệnh nhân, bất cứ lúc nào".

Vệ sinh môi trường thời Covid-19: Hãy biết ơn người công nhân hốt rác - Ảnh 1
Công nhân CITENCO chuẩn bị thùng rác để thu gom rác tại các điểm cách ly, bệnh viện dã chiến trong mùa Covid-19. Ảnh: T.Thương.

Thật vậy, hàng ngày, rác của một số hộ gia đình có F0 vẫn vô tư tập kết không phân loại, không cảnh báo; nhiều điểm tập kết rác tịnh không có một dấu hiệu nào cho thấy nơi đó đang có F0. Và những người công nhân vẫn phải tiếp xúc với rác nguy hại đó ở khoảng cách rất gần trong điều kiện không có tín hiệu nhận diện.

Chị Nguyễn Thị Nhâm – công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO)– tâm sự: "Trong giai đoạn cao điểm của mùa dịch, chúng tôi thug om rác tại các điểm cách ly, bệnh viện dã chiến… Đây đích thị là nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nên khi làm việc, chúng tôi luôn trong tâm thế đề phòng, không lơ là.

Vì vậy, cơ bản là vi rút Covid-19 không thể xâm nhập, nếu có, cũng không đáng kể. Nhưng hiện nay, dịch đã giảm, nhưng không phải đã hết. Việc lơ là, chủ quan, buông lỏng phòng chống dịch trong cộng đồng và cả công nhân vệ sinh là phổ biến, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất lớn".

Vệ sinh môi trường thời Covid-19: Hãy biết ơn người công nhân hốt rác - Ảnh 2
Rác thải đã được phân loại trước khi vận chuyển về nhà máy xử lý rác. Ảnh: T.Thương

Ông Huỳnh Minh Nhựt – Giám đốc CITENCO – cho biết: "Chúng tôi hết sức chú trọng đến việc bảo hộ lao động, tuyệt đối bảo đảm an toàn cho gần 2.000 công nhân của công ty, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay. Nhờ vậy, trong suốt thời gian căng thẳng nhất của dịch bệnh Covid – 19 xảy ra tại TP.HCM, tập thể lãnh đạo và công nhân CITENCO luôn luôn bảo bọc, hỗ trợ lẫn nhau, cùng đoàn kết vượt qua dịch bệnh và hoàn thành nhiệm vụ mà chính quyền TP.HCM giao phó".

Hàng ngàn tấn rác thải y tế, rác thu gom từ các bệnh viện dã chiến, điểm cách ly bệnh nhân Covid-19, đã được tập thể công nhân CITENCO thu dọn, vận chuyển và xử lý an toàn tại các nhà máy xử lý rác thải.

Xử lý rác thời Covid-19, chú ý vai trò người công nhân vệ sinh

Thạc sỹ Hà Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – cho biết: Hiệp hội đã có công văn gửi Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, báo cáo hiện trạng và nêu rõ những khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải khi thực hiện điều trị người bệnh F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà.

Có thể nói trong tổng số 30 nghìn hội viên cá nhân, 180 đơn vị hội viên tập thể của Hiệp hội, có nhiều công nhân thu gom rác thải phải tiếp xúc hằng ngày với môi trường độc hại, với người dân ở các khu cách ly, phong tỏa đã bị nhiễm Covid-19.

Vượt qua nhiều khó khăn như: môi trường làm việc ô nhiễm, chủ yếu về đêm, liên tục tăng ca không có ngày nghỉ, thu nhập thấp…; các công nhân môi trường vẫn hoàn thành công việc vất vả của mình. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với phòng dịch không chỉ giữ sạch, đẹp cho phố phường mà còn góp phần ngăn chặn virus SARS-CoV-2 phát tán, lây lan, nhất là trong bối cảnh mới khi nhiều người nhiễm Covid-19 (người bệnh F0) tự điều trị tại gia đình.

Vệ sinh môi trường thời Covid-19: Hãy biết ơn người công nhân hốt rác - Ảnh 3
Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể cán bộ - công nhân lao động CITENCO. Ảnh: T.Thương

Tuy nhiên, công tác vệ sinh môi trường lại đang nảy sinh một số vấn đề khó khăn mới trong quá trình quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, rác thải y tế phát sinh từ điều trị người bệnh Covid-19.

Hiệp hội nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của các hội viên là những đơn vị trực tiếp tham gia trong công tác thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải khi thực hiện điều trị người bệnh F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà.

Tại điều 11, mục 2. Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 có quy định về "Vận chuyển chất thải y tế nguy hại để xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế".

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong các trường hợp người bệnh F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn, mỗi một điểm nhà có người bệnh F0 sẽ là một điểm phát sinh phải thu gom.

Vệ sinh môi trường thời Covid-19: Hãy biết ơn người công nhân hốt rác - Ảnh 4
Công nhân CITENCO chuẩn bị đồ bảo hộ lao động trước khi vào ca xử lý rác thải mùa dịch Covid-19. Ảnh: T.Thương

Điều này dẫn đến công tác thu gom, vận chuyển gặp nhiều khó khăn cả về nhân lực thu gom, phương tiện vận chuyển, thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao.

Xe thu gom không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ; thiếu lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết. Và trên thực tế, công tác này gặp rất nhiều khó khăn do hiện vẫn đang trông chờ rất nhiều vào sự tự giác của các gia đình.

Để công tác thu gom, vận chuyển rác có nguy cơ lây nhiễm khi F0 điều trị tại nhà được linh hoạt, hiệu quả, Hiệp hội đã kiến nghị Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tại địa phương phê duyệt phương án thu gom, vận chuyển rác thật linh hoạt.

Điều quan trọng là Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại các xã, phường (thông qua Trạm y tế) phải sâu sát, theo dõi từng bệnh nhân, hướng dẫn phân loại rác thải... Từ đó, có biện pháp phối hợp với với đơn vị thu dọn rác tại các hộ có bệnh nhân F0…

Hiệp hội đề xuất đưa lực lượng công nhân của các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường vào thành phần tổ Covid cộng đồng của địa phương để thực hiện công việc và hưởng các chế độ chính sách theo quy định.

"Thời gian qua, công nhân và các đơn vị môi trường ở nhiều địa phương đã gần như vắt kiệt sức để hoàn thành nhiệm vụ thu gom vận chuyển, xử lý rác thải, nhất là rác thải tại khu cách ly tập trung và hộ gia đình có người bệnh F0. Chúng ta hãy biết ơn những người công nhân hốt rác" – ông Hồng nói./.


Minh Văn/Dân Việt 

Tags vệ sinh môi trường công nhân công nhân hốt rác Covid-19

Các tin khác

Nhà máy có quy trình xử lý rác thải khép kín, với năng lực xử lý mỗi ngày trên 20 tấn rác, thu về khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít xăng dầu.

Những tấm gương sáng trong ngành giáo dục và khoa học luôn là nguồn cảm hứng không ngừng cho thế hệ trẻ. Trong số những nhà giáo và nhà khoa học ưu tú của lĩnh vực xây dựng, không thể không nhắc đến Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên - một người thầy tận tụy, một nhà khoa học lỗi lạc và một nhà lãnh đạo mẫu mực.

Ba công trình của PGS.TS Trần Mạnh Trí được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học và sức khỏe, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

Ông Trần Văn Hân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáng tạo nhiều ý tưởng để các xe điện lấy rác hoạt động tốt hơn, giúp công nhân môi trường đỡ vất vả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục