Những bóng hồng đón xuân trong phòng thí nghiệm

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/5/2021 | 9:35:07 AM

Trong nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y, chiếm tỷ lệ cao là những phụ nữ, nhiều người còn rất trẻ đã đóng góp tích cực cho thành công của nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước đột xuất. Họ đã gác lại niềm vui đoàn viên, hội tụ gia đình ngày Tết để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với tinh thần chống dịch như chống giặc, nghiên cứu khoa học cũng là một mặt trận…


Khi Tổ quốc cần…

"Con trai à, con khỏe không, ở quê nhớ phải nghe lời ông bà, chịu khó rửa tay thường xuyên để phòng, chống dịch bệnh nghe con”… Ấy là cuộc nói chuyện vội vã cuối giờ chiều của Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng, thành viên trong nhóm đề tài với cậu con trai nhỏ của mình. Đã hơn hai tháng nay, chị cùng đồng đội "ăn, ngủ với virus”, thời gian dành cho gia đình, đặc biệt là cho các con bị thu hẹp. Như bao người mẹ khác, có những lúc, chị không kìm được những giọt nước mắt xúc động khi nhớ về con, nhưng nhiệm vụ còn đó, chị khẳng khái: Chống dịch như chống giặc, chúng tôi chỉ cố gắng hết sức mình để làm tốt nhiệm vụ mà Nhà nước, Quân đội giao phó.

Theo Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng, trong nhóm đề tài, tỷ lệ nữ phải chiếm tới gần 60%. Khi thông tin về chủng virus mới SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc, Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng cũng giống như nhiều nhà khoa học khác bắt đầu nhận thấy sự nguy hiểm của giống virus lạ này.


Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng hướng dẫn nữ nghiên cứu viên thực hiện đề tài.

"Nói là không sợ là không đúng, nhưng với tâm thế của nhà khoa học thôi thúc chúng tôi cần có những nghiên cứu chuyên sâu về loại virus mới này bởi nhiệm vụ của chúng tôi liên quan đến công tác dự phòng những mầm bệnh tối nguy hiểm”. Chính bởi đã xác định được tâm thế ngay từ đầu, nên khi có quyết định thành lập nhóm nghiên cứu đề tài, Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng cùng các đồng đội ngay lập tức sẵn sàng bước vào cuộc chiến dù thời gian đó rơi vào đúng dịp Tết Nguyên đán. "Áp lực lớn nhất có lẽ là thời gian, những ngày nghiên cứu, chúng tôi liên tục nhận được những thông tin xấu về dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước nhưng bù lại, đó cũng như một đòn bẩy thôi thúc đội ngũ nhóm nghiên cứu làm việc xuyên ngày đêm, sẵn sàng hỗ trợ ứng trực giúp nhau, chỉ cốt làm sao để công tác nghiên cứu diễn ra trôi chảy, kịp thời”, Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng chia sẻ.

… "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”

Điều bất ngờ nhất khi chúng tôi vào thăm phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu đề tài là những nữ nghiên cứu viên đang làm việc tại đây còn rất trẻ. Họ đều là những cô gái vừa chớm qua tuổi đôi mươi, còn tràn đầy sắc xuân và cả nhựa xuân. Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Vì yêu cầu hoàn thành đề tài trong thời gian ngắn, không được phép thất bại, nên chúng tôi đã huy động tổng lực sự góp sức của các nhà khoa học trong đó có cả các em sinh viên còn đang ngồi trên ghế giảng đường”.


Những phút thảnh thơi, các nữ nghiên cứu viên lại trao đổi chuyên môn nhằm đẩy nhanh tiến độ đề tài.

Vừa tròn 23 tuổi, Lương Thị Hoài Thương, nhân viên Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y, một trong những thành viên tham gia nghiên cứu đề tài cho biết: Khi bắt đầu nhận đề tài cùng với các thầy cô, cuộc sống của em cũng có nhiều thay đổi, lịch sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn, đi sớm hơn về muộn hơn nhưng nhìn cách làm việc hăng say của các thầy cô, chúng em có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng suy nghĩ đó, Thạc sĩ trẻ Lê Thị Bảo Quyên cho biết: "Lúc đầu khi biết mình được vinh dự tham gia nghiên cứu đề tài, em không khỏi hồi hộp và lo lắng nhưng cứ nhìn các thầy cô cùng các bạn cố gắng từng ngày em lại được tiếp thêm động lực. Có những giây phút làm việc căng thẳng, cảm thấy chút chùn lòng chỉ cần quay lại nhìn đồng đội, em thấy mình cần cố gắng hơn nữa để cùng tập thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Dấu ấn bàn tay phụ nữ Việt Nam trong sản phẩm

Để nghiên cứu một sản phẩm hội tụ đủ những thành công, khắc phục được nhiều hạn chế mà rất nhiều sản phẩm tương tự ở các quốc gia tiên tiến chưa làm được, đó là kết quả hòa quyện công sức, trí tuệ của cả tập thể khoa học. Nhưng trong đó, có dấu ấn riêng của bàn tay phụ nữ Việt Nam.

Nghiên cứu khoa học ngày nay không thể chỉ là công cuộc "mò kim đáy bể”, nhất là với một nhiệm vụ cấp bách như chế tạo bộ kit. Thạc sĩ trẻ Lê Thị Bảo Quyên tâm sự như vậy và cho biết, mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu đều có những công việc riêng, nhanh chóng, khẩn trương theo thế mạnh từng người.

Việc kết nối, tìm kiếm, tập hợp thông tin, kinh nghiệm từ các phòng thí nghiệm trên thế giới để có thông tin di truyền, phương tiện xác định SARS-CoV-2 là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi người nghiên cứu phải vừa nắm vững kiến thức chuyên sâu, vừa giỏi ngoại ngữ và có kỹ năng làm việc, hợp tác quốc tế.


Thành công của đề tài có dấu ấn bàn tay của những nhà khoa học nữ tại Học viện Quân y.

Theo Đại úy, TS Đinh Thị Thu Hằng, nhóm phụ nữ tham gia nghiên cứu thực hiện khá nhiều khâu công việc rất cần sự tỉ mỉ, chu đáo của người phụ nữ như thiết kế mồi và mẫu dò (thành phần chính của bộ kit), thiết kế các thí nghiệm, phân tích ARN… Chỉ riêng việc chuẩn bị vật liệu hóa chất, tối ưu các quy trình kỹ thuật, xây dựng phương pháp đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu và chất lượng bộ test kit… cũng đòi hỏi hàng núi công việc phải chính xác đến tuyệt đối. Suốt nhiều ngày, họ vừa làm, vừa nín thở trong phòng thí nghiệm theo dõi những phản ứng tối ưu, tính toán, "Nói thì mọi người sẽ khó hình dung, công việc của chúng em sẽ làm là nhập số liệu, tách mẫu RNA virus từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng; thực hiện các phản ứng nhân gen virus tạo chứng dương, thực hiện tối ưu phản ứng real-time PCR phát hiện SARS-CoV-2…”, Thạc sĩ Lê Thị Bảo Quyên chia sẻ.

Tất cả công việc đều được phối hợp một cách nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. Vì đề tài thực hiện có nhiều vòng nghiên cứu khác nhau, từ thí nghiệm, thử nghiệm trong labo, cận lâm sàng, lâm sàng trong đó vòng trong ở phòng thí nghiệm cần sự tỉ mỉ nên có thể phát huy lợi thế của các nữ nghiên cứu viên. Với đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết vốn có, phụ nữ dễ giành phần thắng trong "cuộc chiến tìm đích danh SARS-CoV-2 bên trong phòng thí nghiệm”.

Dũng cảm sống chung "sát thủ” vì sự bình yên của mọi người

Nói vậy không phải việc nghiên cứu, thí nghiệm trong phòng kín thì đơn giản, nhẹ nhàng. Đi kèm quá trình nghiên cứu này là những rủi ro, thách thức. Các nhà khoa học quản lý đề tài nghiên cứu cho biết: Làm thí nghiệm với các mẫu nghiên cứu, trong đó có cả mẫu virus SARS-CoV-2 tiềm ẩn rất nhiều thách thức, hiểm nguy, thậm chí cả những rủi ro thầm lặng phía sau, nếu không có ý chí, bản lĩnh và tinh thần hy sinh, rất nhiều người có thể sẽ sợ hãi, thoái thác nhiệm vụ.

Nhưng điều đó chưa hề xảy ra, dù chỉ trong suy nghĩ của "những bông hồng thép” mang áo trắng quân y. Khi chúng tôi hỏi các chị về điều này, thật bất ngờ, mọi người đều cười tươi, trả lời đầy lạc quan: "Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng, phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt với virus thì mới có thể hiểu về nó và chế ngự nó. Dù có còn nhiều biến thể tinh vi, khó lường nhưng chúng tôi đã, đang và sẽ chiến đấu với chúng vì sự bình yên của mọi người”.


Các nhà khoa học sẵn sàng "cùng ăn, cùng ngủ với virus".

Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn xúc động khi nói về những cộng sự nữ: Quả thực chúng tôi không có nhiều thời gian để quan tâm, động viên đội ngũ thực hiện đề tài, đối với các nữ nghiên cứu viên có chăng ngày lễ tặng các em bông hoa hay thi thoảng mua chút đồ ăn đêm bồi dưỡng cho các em. Nhưng có lẽ, nhờ được làm việc trong môi trường quân đội với kỷ luật cao nên ngay từ khi bắt đầu, toàn bộ ê kíp nghiên cứu đề tài đã làm việc như những người lính ra trận, xác định mình đang ở trên tuyến đầu của cuộc chiến mà Quân đội ta đang là lực lượng xung kích vì nhân dân phục vụ.

Dù đã nghiên cứu thành công bộ kit nhưng ê kíp nghiên cứu đề tài đặc biệt là những bóng hồng vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Đến Viện Nghiên cứu y dược học quân sự những ngày này, những chiếc áo blouse trắng vẫn miệt mài làm việc. Họ đã trải qua một mùa xuân trong phòng thí nghiệm để cùng cả nước chống dịch Covid-19. Và rất có thể, thời gian phải xa con, xa gia đình, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn sẽ vẫn tiếp tục với họ. Nhưng như lời của Lương Thị Hoài Thương, nhân viên Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y: "Thay vì cảm thấy thiệt thòi, tại sao không nghĩ, mình đang làm được một việc ý nghĩa, góp một phần sức nhỏ vào công cuộc chống dịch của cả nước”.

* Covid-19 thuộc nhóm bệnh đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ gây tử vong cao. Khi tiếp xúc với mầm bệnh này, nếu chỉ một sai sót nhỏ, chính bản thân sẽ gặp nguy hiểm. Do đó, người dân cần luôn phải chú ý đến trang thiết bị bảo hộ cá nhân, quần áo, găng tay, ủng… giống như khi làm việc ở khu cách ly.

* Mỗi loại virus có các cấu trúc đặc trưng trên bề mặt hoạt động như những "móc câu” để virus bám vào các cấu trúc phù hợp với loại móc câu ấy (được gọi là thụ thể - receptor) trên bề mặt tế bào chủ để virus chui vào bên trong tế bào. Tế bào nào có cấu trúc giúp các "móc câu” của virus "móc” vào được sẽ là tế bào "nhạy cảm” với virus và bị virus nhiễm vào.

Virus SARS-CoV-2 sử dụng protein S làm "móc câu” để gắn vào thụ thể của nó trên bề mặt màng tế bào niêm mạc đường hô hấp của vật chủ, qua đó virus xâm nhập và nhân lên gây bệnh cho cơ thể. Do các tế bào của đường hô hấp là đích tấn công của virus SARS-CoV-2 (trong đó các tế bào niêm mạc ở mũi, họng được cho là cửa ngõ đầu tiên để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể) nên thường xuyên uống nước ấm, không để họng bị khô là một biện pháp được khuyến cáo để bảo vệ họng, giảm bớt khả năng tấn công của virus vào các tế bào niêm mạc họng.

Bài, ảnh: VĂN PHONG-THU THỦY
(Trích từ Phóng sự Khi nhà khoa học quân sự "đi trước” trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu)/qdnd.vn

Tags Học viện Quân y SARS-CoV-2 TS Đinh Thị Thu Hằng TS Hồ Anh Sơn

Các tin khác

Từ đống rác thải hữu cơ tưởng chừng vô dụng, qua sáng chế tài hoa của kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh, chúng lại biến thành phân bón hữu cơ vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

Thổi hồn vào những phế liệu bỏ đi bằng cả niềm đam mê và kiến thức, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Dân đã tạo nên một dòng chảy nghệ thuật khác biệt – nghệ thuật tái sinh.

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đến từ Đại học Huế vừa vinh dự nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 vì có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Nhận thức về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, BĐKH đối với môi trường sống, em Phạm Nguyễn Minh Quang, trường THCS Thị trấn Lấp Vò đã có những hoạt động bảo vệ môi trường. Em là một trong 18 gương mặt được vinh danh "Trẻ em của năm" 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự