Nhà khoa học cũng phải biết “xung phong”

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/5/2021 | 4:35:47 PM

Số người tử vong, người nhiễm bệnh tăng theo từng giờ, từng ngày, “sát thủ vô hình” mang tên Covid-19 đã khiến cả thế giới bị đảo lộn, làm thay đổi nhiều quan niệm về thách thức an ninh phi truyền thống. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu quốc gia tiềm lực kinh tế chưa phát triển nhưng lại chủ động, sáng tạo, ngăn chặn hiệu quả đại dịch nguy hiểm.

Đóng góp sớm vào những bước đi chiến lược của quốc gia ấy, có công sức và sáng tạo đột phá của các nhà khoa học tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) trong việc nhanh chóng nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit nhận diện virus SARS-CoV-2.

Bài 1: Nhà khoa học cũng phải biết "xung phong”

Dịch bệnh do Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019. Báo chí, truyền thông thế giới đề cập ban đầu với phản ứng và sự quan tâm không đồng đều ở mỗi quốc gia. Cá biệt, có cả những nguyên thủ quốc gia, doanh nhân lớn ban đầu vẫn chủ quan, xem thường dịch bệnh này. Ở Việt Nam, lúc đầu, mối nguy hiểm của dịch bệnh chưa được toàn xã hội quan tâm khi mà thời điểm nó gia tăng sự lây lan lại rơi vào kỳ nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng với những nhà khoa học tại Học viện Quân y, họ đã sớm nhận thức được trách nhiệm của mình, tổ chức ngay một đội quân đặc biệt, thực hiện ngay một nhiệm vụ đặc biệt, biết "xung phong”, đi trước nghiên cứu để đất nước không bị bất ngờ trước "giặc dịch”... 

Khi đề tài cấp Nhà nước được nghiên cứu trong…một tháng

Hà Nội những ngày đầu năm 2020, phố phường tấp nập hơn bởi Tết Nguyên đán đến gần. Hối hả. Tắc đường…

Ít ai biết rằng, trong lúc nhà nhà, người người chỉ nghĩ duy nhất đến một từ Tết thì những người lính-nhà khoa học tại Học viện Quân y lại chủ động làm việc với một mệnh lệnh không lời: Hãy quên Tết, vào ngay doanh trại làm việc!

Trước đó không lâu, truyền thông thế giới và Việt Nam bắt đầu đưa tin rải rác về việc thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) có một nhóm người bị mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã nghiên cứu và phân lập được một chủng loại Corona virus mới, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lúc đó tạm thời gọi là 2019-nCoV. Ngày 9-1-2020, ca tử vong đầu tiên do loại virus này bắt đầu diễn ra. Sự lây nhiễm từ người sang người tăng nhanh vào giữa tháng 1-2020 và bắt đầu có một vài bệnh nhân mắc ở các nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản.

Ngày 23-1-2020, Chính phủ Trung Quốc đã phải quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán nhưng phải đến đêm 11-3-2020, WHO mới ra tuyên bố chính thức, gọi "Covid-19" là "Đại dịch toàn cầu".

Tính đến ngày 5-4, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu hơn 1,2 triệu người với hơn 64.973 ca tử vong. Trong khi các quốc gia châu Âu lâm vào tình trạng báo động do số ca nhiễm và tử vong không ngừng tăng cao, thì Việt Nam được các chuyên gia y khoa, bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những hình mẫu chống dịch khi đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Có được thành công bước đầu này là bởi Việt Nam nhận diện được "sát thủ vô hình mang tên SARS-CoV-2" từ rất sớm.


Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y và ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á với bộ kit phát hiện chủng virus SARS-CoV-2.

Ngày 23-1-2020 (29 Tết âm lịch): Việt Nam công bố hai trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2. Cũng trong ngày 23-1, nhóm nghiên cứu nhận nhiệm vụ từ Ban giám đốc Học viện Quân y. Ngày 25-1-2020: Nhóm nghiên cứu thu được trình tự gen virus để tiến hành phân tích.

Ngày 30-1 (tức mồng 6 Tết), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các hướng nghiên cứu về dịch tễ học, virus học, phác đồ điều trị, đặc biệt là chế tạo bộ kit phát hiện Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, Chính phủ đã sớm quyết liệt chỉ đạo. Cùng với đó, phải kể đến sự chủ động của các bộ, ngành trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ. Ý thức được đây là vấn đề rất lớn mà giới khoa học Việt Nam, các nhà quản lý khoa học cần tham gia, từ cuối tháng 1, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai một số hướng nghiên cứu rất cấp thiết.

Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y nhớ lại những ngày đầu chủ động vào cuộc với giặc Covid-19, ngay cả khi cấp trên chưa giao nhiệm vụ: "Cuối tháng 12-2019, ở Vũ Hán (Trung Quốc) xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ chưa rõ nguyên nhân. Đến ngày 13-1, một công trình nghiên cứu công bố đã phát hiện thành công virus gây bệnh. Rất nhanh sau đó, chúng tôi đã liên lạc với một đối tác lâu năm ở Đức, nhờ các chuyên gia bên nước bạn cung cấp thông tin về virus, các cặp mồi để bắt virus, chuỗi dò khóa cũng như một số quy trình để tìm hiểu, phát hiện chủng mới của virus. Đến gần cuối tháng 1, chúng tôi bắt đầu đặt các mẫu di truyền của virus được tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ nước ngoài và bắt tay vào nghiên cứu. Dù chưa có chỉ thị từ cấp trên nhưng phản ứng đó của chúng tôi giống như phản xạ tự nhiên của người làm nghề nghiên cứu khoa học trước dịch bệnh, với tinh thần người lính vì nhân dân phục vụ”.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt đặt hàng 4 nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cấp quốc gia góp phần phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện.

Thông thường, những đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia phải được chuẩn bị. triển khai kéo dài nhiều năm, nhưng nhiệm vụ lúc này đặt lên vai các nhà khoa học Học viện Quân y gấp gáp như chống giặc: Cấp trên giao nhiệm vụ, thời hạn hai tuần phải ra được sản phẩm đầu tiên, sau một tháng có sản phẩm hoàn thiện!

Những ngày triển khai nghiên cứu, tình hình dịch bệnh nóng lên từng ngày. Thiếu tướng Phạm Đức Thọ, Phó chính ủy Học viện Quân y cho biết: Học viện đã thành lập 5 tổ thực hiện công tác phòng, chống dịch. Trong đó, tổ nghiên cứu do GS, TS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện làm tổ trưởng. Nhóm nghiên cứu kit của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự là hạt nhân của tổ nghiên cứu. Nhóm này lại chia ra các nhóm nhỏ: Nhóm thực hiện nhiệm vụ chính là nghiên cứu đề tài, làm ra bộ kit theo chu trình sản xuất, hướng dẫn của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ; nhóm phát triển kit có độ nhạy cao hơn, phát hiện ra virus ở những người lành mang trùng, người mang virus nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài, hoặc người có lượng virus thấp mà những xét nghiệm thông thường không phát hiện được; nhóm đi sâu phân tích những thông tin di truyền của virus; nhóm đánh giá tác dụng điều trị của các bài thuốc trên mô hình động vật thực nghiệm bị viêm phổi...


Những người lính-nhà khoa học tại Học viện Quân y chủ động làm việc, sớm nghiên cứu Nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới (nCoV).
Khí tài nhận diện "giặc dịch Covid-19”

Riêng với nhóm nghiên cứu, chế tạo bộ kit, nhiệm vụ tưởng như đơn giản nhưng yêu cầu đặt ra khá phức tạp. PGS, TS Hồ Anh Sơn tiết lộ: Để phòng, chống đại dịch hiệu quả thì phải có phương tiện nhận diện, phát hiện người nhiễm bệnh nhanh và chuẩn xác nhất. Thời điểm nghiên cứu, đã có một số quốc gia  như: Mỹ, Anh, Đức, Singapore, Pháp... đưa ra các bộ kit nhưng chưa có bộ nào tối ưu, chưa có "trọng tài” nào đứng ra đánh giá bộ kit nào tốt hơn, nhạy hơn. Giá thành mỗi bộ cũng khác nhau. Chúng tôi đã chế tạo 6 phiên bản kit chẩn đoán SARS-CoV-2 khác nhau. Qua đánh giá thẩm định 3 phiên bản tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều đạt yêu cầu chẩn đoán: Ngưỡng phát hiện 5 copy/phản ứng; độ đặc hiệu 100%; phát hiện chính xác 100% các mẫu bệnh phẩm lâm sàng.

Đối với nhiều người, chất lượng của các sản phẩm mang tên "made in Vietnam” vẫn thường bị đánh giá thấp do tâm lý sính ngoại, thế nhưng bộ kit chẩn đoán virus do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất thì ngược lại.

Sự tối ưu hóa của bộ kit Học viện Quân y sản xuất ở chỗ: Bộ kit của các nước gồm những phản ứng riêng biệt, còn bộ kit của Học viện sản xuất thì tất cả được tích hợp vào một phản ứng nên hạn chế sai sót, rút ngắn thời gian (thời gian phát hiện được tối ưu hóa chỉ hơn một giờ đồng hồ), cùng một lần chạy được 96 mẫu (so với bộ kit của CDC Hoa Kỳ là 24 mẫu). Đặc biệt, ứng dụng được tại nhiều địa bàn trên cả nước có hệ thống máy không cùng chủng loại. Chính vì thế, sản phẩm đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới đặt mua ngay sau khi hoàn thành. 

Các nhà khoa học đã vào cuộc với tinh thần "thần tốc”, làm việc cả ngày lẫn đêm, cả ngày nghỉ. Phòng làm việc của nhóm nghiên cứu những ngày ấy, hôm nào cũng sáng đèn đến 2-3 giờ sáng.

"Phải nói rằng, những đam mê, cống hiến của một nhà khoa học kết hợp với kỷ luật quân đội chính là sức mạnh giúp chúng tôi thành công nhanh chóng. Cuối cùng, đề tài đã hoàn thành thắng lợi, về đích trước mốc Nhà nước giao 3 ngày”, Thượng tá, PGS, TS Hồ Anh Sơn khẳng định.


Các cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh trao đổi thông tin về đề tài.

WHO đề nghị chia sẻ kinh nghiệm trên mạng lưới toàn cầu

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, đây là bộ kit phát hiện chủng virus SARS-CoV-2 mới đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Theo ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, hiện nay, khoảng 20 quốc gia đang đàm phán mua bộ sinh phẩm. Trước mắt công ty sẽ xuất khẩu sang Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine. Trong số này Iran đặt 200.000 test (4.000 bộ), Ukraine đặt 15.000 test  (300 bộ). Thành phố Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho nhu cầu của Hà Nội và xuất khẩu tặng Italy.

Còn Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y khẳng định: "Với độ nhạy, đặc hiệu, tính ổn định, đây là bộ kit đảm bảo về chất lượng, có thể nói là tương đương với các bộ kit mà chúng ta đã nhập về. Chúng ta có thể tự chủ trong cung cấp các bộ kit với giá thành rẻ hơn, có thể áp dụng rộng rãi hơn, qua đó có thể sàng lọc và chẩn đoán sớm ca bệnh, kịp thời hơn cho những người bị nghi nhiễm virus. Bộ sinh phẩm này tương thích hầu hết với các máy móc, thiết bị trong việc xét nghiệm, đánh giá, điều trị dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay. Các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Học viện Quân y đã được gửi đến WHO và được WHO đánh giá rất cao. Ngay sau đó, WHO đã xin phép Học viện Quân y chia sẻ kết quả đến mạng lưới các phòng thí nghiệm của WHO trên toàn cầu và Học viện Quân y đã đồng ý”.


Một nữ nghiên cứu viên thực hiện công việc bên trong phòng thí nghiệm Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.

Với thành công của đề tài, Việt Nam hiện có khả năng sản xuất được hàng chục nghìn bộ test/ngày với mức giá khoảng 500.000 đồng cho một lần xét nghiệm, trong đó đã bao gồm các vật tư, thiết bị đi kèm, rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập ngoại. Nhờ vậy, trong trường hợp xấu nhất, Việt Nam vẫn hoàn toàn có khả năng tự chủ động cung ứng nguồn kit xét nghiệm.

Giáo sư Lê Bách Quang, Chủ nhiệm các Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia liên quan đến sinh phẩm nhận xét: "Kể từ khi đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, bắt đầu nghiên cứu, chế tạo, được Bộ Y tế kiểm định, tất cả quá trình tạo ra bộ kit diễn ra vỏn vẹn trong vòng một tháng. Đây là điều không thể tưởng tượng được. Vì sao tôi nói như vậy, bởi vì việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng một sản phẩm trong lĩnh vực y tế đòi hỏi những quy trình nghiên cứu, kiểm tra hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đồng thời sản phẩm đó phải được sản xuất trên dây chuyền, thiết bị đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe. Bộ sinh phẩm mà chúng ta mới chế tạo đã được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485. Đây không phải dây chuyền mà doanh nghiệp nào, tổ chức nào cũng có điều kiện sở hữu và có thể sản xuất được”.

Những thông tin tích cực về phản hồi tính hiệu quả của bộ kit có lẽ là những thông tin làm ấm lòng nhất những người đang "ăn, ngủ, sinh hoạt” cùng virus SARS-CoV-2. Vậy là, những cống hiến không biết mệt mỏi trong suốt thời gian qua của các nhà khoa học quân đội đã nhận được trái ngọt ban đầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất căng thẳng và với mỗi "chiến sĩ áo trắng”, cuộc chiến mới chỉ bắt đầu!
-----------------------------------------------------
Quá trình sản xuất bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 của Việt Nam

Ngày 30-12-2019: WHO nhận báo cáo đầu tiên của Trung Quốc về 44 ca bệnh không rõ nguyên nhân.

Ngày 13-1-2020: Các ca bệnh Covid 19 đầu tiên được phát hiện ngoài Trung Quốc.

Ngày 23-1-2020 (29 Tết âm lịch): Việt Nam công bố hai trường hợp đầu tiên dương tính với chủng mới của virus SARS-CoV-2. Cũng trong ngày 23-1, nhóm nghiên cứu nhận nhiệm vụ từ Ban giám đốc Học viện Quân y.

Ngày 25-1-2020: Nhóm nghiên cứu thu được trình tự gen virus để tiến hành phân tích.

Ngày 30-1 (tức mồng 6 Tết), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức buổi họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các hướng nghiên cứu về dịch tễ học, virus học, phác đồ điều trị đặc biệt là chế tạo bộ kit phát hiện Covid-19.

Đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã ký quyết định phê duyệt đặt 4 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đột xuất góp phần phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện.

Chiều 3-3, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đã đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 8/8 (100%) thành viên đồng ý thông qua.

Ngày 4-3, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

Theo Văn Phong - Thu Thuỷ
(Trích từ Phóng sự "Khi nhà khoa học quân sự "đi trước” trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu")/qdnd.vn

Tags Nhà khoa học Covid-19 bộ kit real-time RT-PCR one step kit thử covid19

Các tin khác

Nhà máy có quy trình xử lý rác thải khép kín, với năng lực xử lý mỗi ngày trên 20 tấn rác, thu về khoảng 6 tấn phân hữu cơ và 200 lít xăng dầu.

Những tấm gương sáng trong ngành giáo dục và khoa học luôn là nguồn cảm hứng không ngừng cho thế hệ trẻ. Trong số những nhà giáo và nhà khoa học ưu tú của lĩnh vực xây dựng, không thể không nhắc đến Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Liên - một người thầy tận tụy, một nhà khoa học lỗi lạc và một nhà lãnh đạo mẫu mực.

Ba công trình của PGS.TS Trần Mạnh Trí được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học và sức khỏe, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.

Ông Trần Văn Hân, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Một Thành Viên Môi Trường Đô Thị Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã sáng tạo nhiều ý tưởng để các xe điện lấy rác hoạt động tốt hơn, giúp công nhân môi trường đỡ vất vả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục