Tìm kiếm giải pháp cho phát triển hạ tầng điện khí và điện gió của Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/6/2023 | 10:54:11 AM

Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển hạ tầng điện khí và điện gió, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung chính sách, cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới.



Sự kỳ vọng vào năng lượng tái tạo

Theo nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự thay đổi của hiện tượng La Nina dần chuyển sang trạng thái El Nino từ quý 3/2022…, nhóm nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ dần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như điện than và thủy điện. Với hơn 3.000 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền), Việt Nam được đánh giá có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á.

Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm 8-10 m/s, mật độ năng lượng trung bình năm 600-700 W/m2. Tiềm năng năng lượng sóng vùng ven biển Việt Nam thông qua số liệu trích xuất tại 20 điểm ven bờ và các trạm hải văn cũng cho thấy, vùng có năng lượng sóng lớn nhất tập trung ở khu vực Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận); dải ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ có năng lượng sóng thấp hơn.

Quyết định số: 500/QĐ-TTg ngày 15/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) nêu rõ: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện, trong trường hợp sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydro khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp. Nếu thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, sẽ có nhiều nhà máy điện khí mọc lên theo chiều dài bờ biển Việt Nam.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay, việc đàm phán hợp đồng mua bán điện còn khó khăn. Việc đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao dẫn tới khó có khả năng vay vốn để thực hiện dự án và thu hồi chi phí cho chủ đầu tư. Ngoài ra, việc giảm thiểu rủi ro về giá của nhiên liệu khí có thể thực hiện bằng cách mua khí theo hợp đồng dài hạn, tuy nhiên luôn đi kèm với ràng buộc về sản lượng, trở thành một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới việc đầu tư các nhà máy điện khí trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng, nguồn nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho sản xuất điện trong nước ngày càng khan hiếm. Do đó, để thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia, đảm bảo cân bằng an toàn vận hành hệ thống, Chính phủ và các bộ/ngành cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách, cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo; xây dựng cơ chế hợp đồng mua - bán điện trực tiếp cũng như xây dựng chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện. Đồng thời, cần hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động cho đầu tư phát triển điện, chính sách thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.

Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát là "Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại”. Để thực hiện thành công mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Bảo Thi - Phong Vũ/vjst.vn

Tags điện khí điện gió năng lượng gió năng lượng tái tạo năng lượng sạch

Các tin khác

Trong bối cảnh lũ lụt nghiêm trọng tại Dubai, một cảnh báo mới được đưa ra về nguy cơ bất ổn ngoại giao và những hậu quả khôn lường của công nghệ gieo mây, gây mưa nhân tạo.

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Thông tin ngày 15/4 từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết một đoàn thám hiểm quốc tế đã phát hiện 22 hang động mới cùng 3 hang động được khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Notre Dame (Hoa Kỳ) đã phát triển lớp phủ kính mới giúp ngăn chặn tia UV và tia hồng ngoại, giảm nhiệt độ phòng và giảm tiêu thụ năng lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự