Đang diễn ra Tọa đàm: “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/6/2021 | 9:18:27 AM

QLMT - Nhằm làm rõ hơn thực trạng về rác thải nhựa; tập hợp các kiến nghị, giải pháp trong việc thu gom, xử lý rác thải nhựa của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, hôm nay ngày 9/6/2021, Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) phối hợp Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.

9.00

Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33 CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Chỉ thị nêu rõ: Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thật sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Tọa đàm:
Nhà báo Hà Hồng - P.Tổng biên Tập Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam - Phụ trách Chuyên trang Quản lý môi trường

Nhằm làm rõ hơn thực trạng về rác thải nhựa; tập hợp các kiến nghị, giải pháp trong việc thu gom, xử lý rác thải nhựa của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, hôm nay ngày 9/6/2021, Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) phối hợp Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Tham dự buổi tọa đàm có: Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội; ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam; TS. LS Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Các Phó Tổng biên tập: Nhà báo Hà Hồng; Nhà báo Nguyễn Thị Ánh Hồng.

Các diễn giả tham gia tọa đàm gồm: Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng Cục biển và Hải đảo – Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Nguyên vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ xây dựng; PGS. TS Đỗ Văn Mạnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng giám đốc Urenco Hà Nội; Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP. HCM, Giám đốc Công ty Nhựa Nam Thái Sơn; 

Tham dự tọa đàm trực tiếp ngày hôm nay còn có các phóng viên báo chí trung ương và Hà Nội như: Báo Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, TTXVN, Báo Hà Nội mới, VnExpress… Tham dự tọa đàm trực tuyến có hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

9:05

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường, Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phát biểu mở đầu tọa đàm.


Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường, Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường, Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam: "Nguy cơ từ ô nhiễm chất thải nhựa ngày càng gia tăng, việc quản lý chưa đúng cách, hiệu quả chất thải nhựa đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, sinh vật, đất, nước, biển và sức khỏe của con người. Nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường đã triển khai rất nhiều chương trình, kế hoạch để từng bước giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới kiểm soát, quản lý một cách có hiệu quả chất thải nhựa. Trong chương trình nỗ lực cùng toàn xã hội đóng góp công sức, thúc đẩy các  hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm từ nhựa thải, Hiệp hội môi trường Đô thị và khu đô thị Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Informa Markets tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề "thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” với mong muốn thông qua hội thảo sẽ có thêm được nhiều chương trình kế hoạch, các giải pháp, sáng kiến, ý kiến đóng góp hiệu quả cho công tác quản lý, tái chế rác thải nhựa từ đó giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ nhựa thải đến môi trường và cuộc sống”.

9:10

Ngài BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam có lời chào mừng các đại biểu tham dự tọa đàm…


Ngài BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Vietnam

"Nhựa vừa là nỗi ám ảnh và vừa là vị cứu tinh của nền văn minh hiện đại. Chúng ta không thể sống thiếu nhựa nhưng chúng ta vẫn đang phải loay hoay trong việc xử lý và tái chế nhựa. Mọi chất liệu và vật liệu nhựa từ số 0 sơ khởi tới nay đã xuất hiện tại mọi nơi trong suốt 60 năm, từ một giải pháp hữu ích cho các nhu cầu của con người nay đã trở thành thủ phạm gây ô nhiễm lên môi trường chúng ta đang sống với số lượng ngày càng tăng, ở những nơi, dưới những hình thái mà chúng ta không bao giờ mong muốn – nhựa nano và hạt vi nhựa.

Việt Nam đã đang thực hiện kế hoạch hành động nhằm ứng phó với những thách thức này: giảm 50% lượng rác thải nhựa ra môi trường biển vào năm 2025. Việc áp dụng các công nghệ mới như công nghệ AI để quản lý việc phân loại rác và xa hơn là giảm các hoạt động chôn lấp, giảm lượng khí thải cùng với việc tạo ra năng lượng sạch từ rác thải sinh học. Quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa đã trợ thành một mắt xích trong nền kinh tế tuần hoàn”.

9:16

Thưa quý vị đại biểu sau đây chúng ta bước vào nội dung chính: Nghe và trao đổi ý kiến chung quanh báo cáo của các diễn giả tham dự tọa đàm.

Theo số liệu của Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi - tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp. Như vậy, một lượng lớn chất thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.

Để có một bức tranh toàn cảnh về rác thải nhựa trên biển, Ban tổ chức chúng tôi trân trọng giới thiệu: TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo: "Cơ chế, chính sách trong quản lý rác thải nhựa trên biển Việt Nam”.


TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo – Bộ Tài nguyên và Môi trường

9:30

Theo số liệu của Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, chuyên đề "Quản lý chất thải rắn sinh hoạt”: Chất thải nhựa khó phân hủy đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý CTRSH, với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp CTRSH khoảng 8 - 12%. Công tác xử lý chất thải nhựa chưa thật sự được chú trọng theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế. 

Để có cái nhìn tổng thể về vấn đề này, sau đây, tôi xin trân trọng giới thiệu GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam sẽ trình bày báo cáo: "Hiện trạng rác thải nhựa, công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam; đề xuất các giải pháp tổng quan”.


GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam

9:45

Ngày 26-4-2019, UBND TP Hà Nội gửi báo cáo số 124 BC- UBND cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo cáo nêu rõ: "Công tác thu gom và vận chuyển rác thải từ nguồn thải đến nơi xử lý với khoảng cách xa chưa hiệu quả. Việc xử lý rác thải vẫn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại các khu xử lý tập trung, dẫn đến quá tải là nguyên nhân gây bức xúc cho người dân quanh khu vực, gây gián đoạn việc vận chuyển, xử lý rác thải. Tiến độ triển khai một số dự án xử lý rác thải theo công nghệ cao còn chậm; việc triển khai một số dự án theo quy hoạch hiện nay khó thực hiện được đều gặp phải khó khăn chung là người dân phản đối. Đối với các dự án sử dựng phương pháp đốt không phát điện đã hoàn thành xây dựng đi vào hoạt động qua thực tế cho thấy việc lựa chọn công nghệ còn chưa hợp lý, thiết bị xuống cấp nhanh, thường xuyên hỏng hóc, phải bảo dưỡng dẫn đến công suất đốt thực tế chưa đáp ứng được so với công suất thiết kế. Việc đầu tư các khu xử lý rác mới tập trung đầu tư tại vùng I (Sóc Sơn) phía Bắc và vùng III (Xuân Sơn) phía Tây, trong khi đó vùng II chưa có nhà máy xử lý rác nào được đưa vào hoạt động, dẫn đến tình trạng có nơi cự ly vận chuyển rác dài từ 50km đến 80km ảnh hưởng tới môi trường và giao thông đô thị.

Sau đây chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu Ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc Urenco Hà Nội, trình bày báo cáo: "Thực trạng thu gom rác thải trong đó có rác thải nhựa: Khó khăn và các kiến nghị”.

Ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc Urenco Hà Nội

10:10

Kinh tế tuần hoàn thường được gắn với phát triển bền vững, sản xuất sạch hơn, có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý môi trường, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, chi phí và bảo vệ môi trường. Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc nghiên cứu đẩy mạnh đổi mới công nghệ là cơ hội lớn để thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn, mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn so với cách thức tăng trưởng trước đây. Đây là động lực và là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy nhanh phát triển nền kinh tế tuần hoàn. 

Sau đây, tôi xin trân trọng giới thiệu Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. HCM, Giám đốc Công ty Nhựa Nam Thái Sơn, trình bày báo cáo: "Các đề xuất thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng cường tái chế rác thải nhựa”.


Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. HCM, Giám đốc Công ty Nhựa Nam Thái Sơn

10:15

Việc PGS. TS Đỗ Văn Mạnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ môi trường – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được nhận giải nhất Giải sáng tạo Châu Á 2020 của Quỹ toàn cầu Hitachi đã được CLB nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn là một trong những sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật  năm 2020. PGS. TS Đỗ Văn Mạnh đã có nhiều công trình nghiên cứu về rác thải nhựa và vi nhựa.

Sau đây tôi xin trân trọng giới thiệu PGS. TS Đỗ Văn Mạnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ môi trường – Viện hàn lâm Khoa học và Công Việt Nam trình bày báo cáo: "Mối nguy hại của hạt vi nhựa và Đề xuất giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa hiệu quả”. 


PGS. TS Đỗ Văn Mạnh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ môi trường - Viện hàn lâm Khoa học và Công Việt Nam
10:30

Thực tế cho thấy Thói quen sử dụng túi ni-lông khó phân hủy của người dân vẫn còn phổ biến do chưa nhận thức được những tác hại của việc thải chất thải nhựa đối với môi trường và hệ sinh thái; chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải nhựa nên tỷ lệ thu gom chất thải nhựa so với lượng phát sinh còn thấp. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm có phát sinh chất thải nói chung và chất thải nhựa khó phân hủy vào môi trường chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong giảm phát thải và thực hiện tái sử dụng cũng như đẩy mạnh hiệu quả của ngành công nghiệp tái chế. Mặt khác, công tác quản lý, xử lý CTRSH ở nước ta thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Sau đây tôi xin mời bà Hòa Trương, Giám đốc Dự án, Đại diện công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Welle Việt trình bày báo cáo về các giải pháp công nghệ để thu gom, tái chế chất thải nhựa góp phần cải thiện môi trường.


Bà Hòa Trương, Giám đốc Dự án, Đại diện công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Welle Việt

Tiếp theo chương trình, chúng tôi xin mời bà Đinh Thụy Đỗ Vi đại diện Công ty RiverRecycle LTd của Phần Lan giới thiệu về công nghệ thu gom rác thải trên sông.


Bà Đinh Thụy Đỗ Vi đại diện Công ty RiverRecycle LTd

10:50

Như vậy chúng ta đã hoàn thành nội dung chính của tọa đàm là nghe các báo cáo liên quan rác thải nhựa của các diễn giả. Sau đây đến phần tọa đàm. Ban thư ký tọa đàm đã chuyển đến chúng tôi câu hỏi của một số đại biểu tham gia trực tuyến. 

12:00

Tọa đàm với chủ đề: "Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” do Chuyên trang Quản lý môi trường (thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) phối hợp cùng Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức đã có 7 báo cáo và nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào ba nội dung chính: Thực trạng rác thải nhựa; công nghệ xử lý rác thải nhựa; hạn chế về cơ chế chính sách và một số giải pháp

Về thực trạng rác thải nhựa, các diễn giả đã thông kế, trích dẫn nhiều số liệu phong phú: Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2015 số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng từ 3,8kg/người/năm lên đến 41kg/người/năm. Lượng chất thải nhựa và túi ni - lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi ni - lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. 

Hai đơn vị tham dự tọa đàm đã đưa ra hai công nghệ thu gom xử lý rác thải nhựa

Công nghệ giải pháp xử lý rác thải đến từ Đức
Công nghệ thu gom rác thải nhựa trên sông

Về nội dung hạn chế về cơ chế chính sách và một số giải pháp, các diễn giả đã có những phân tích sâu sắc về vai trò quan trọng của việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan việc thu gom, xử lý rác thải nhựa. Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế,...); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế). Tuy nhiên, hệ thống chính sách này vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, chưa thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn một cách hiệu quả. Vấn đề bảo vệ môi trường biển và quản lý chất thải đã được nêu ra trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó đã có một số quy định liên quan tới kiểm soát rác thải nhựa, túi ni - lông. Tuy vậy còn rất hạn chế, chưa đầy đủ. Mức độ ô nhiễm do chất thải, rác thải tại Việt Nam nhiều nơi thường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Các diễn giả kiến nghị: Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi ni - lông thân thiện môi trường. Cần tăng mức thuế BVMT đối với túi ni - lông khó phân hủy. Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, các cấp có liên quan cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Thưa quý vị đại biểu, buổi tọa đàm: "Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam” đến đây kết thúc. Thay mặt Ban tổ chức tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà báo đã tham dự buổi tọa đàm ngày hôm nay. Mong rằng chúng ta còn gặp lại nhau vào những buổi tọa đàm trong thời gian tới và tại Triển lãm & Hội thảo về Vận tải, Xử lý chất thải và Công nghệ môi trường, diễn ra từ ngày 10 - 12 tháng 11 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC). Trân trọng cảm ơn!

BÙI HUYỀN - MINH PHAN - BÙI PHƯƠNG (Thực hiện)


Tags rác thải nhựa tọa đàm thực trạng rác thải nhựa

Các tin khác

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc xây đập dâng trên sông Hồng, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Huân cho biết khi làm đập dâng trên sông Hồng sẽ thay đổi dòng chảy, từ đó làm ảnh hưởng tới sinh thái phía hạ lưu, nguy cơ nước mặn sẽ xâm nhập trở lại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá để tìm ra phương án tối ưu...

Tiếp theo bài viết 'Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8' đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

Đi kèm với lợi ích của việc sử dụng năng lượng mặt trời là sự tăng lên đáng kể của lượng rác thải điện tử từ các tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự