Ở châu Âu, hầu hết thủ đô của các nước thành viên đều có ít nhất một con sông hoặc hồ lớn gắn với cảnh quan đô thị của họ. Một số điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở châu Âu cũng được xây dựng và định hình bởi các dòng sông như thủ đô Paris trên sông Seine, Rome trên sông Tiber, Bratislava, Budapest và Viên trên sông Danube, hay Praha trên sông Vltava. Ngoài những con sông chính kể trên, còn có rất nhiều sông, hồ nhỏ khác đóng vai trò trong định hình cảnh quan đô thị của các thành phố ở châu Âu. Một số hồ lớn có thể kể đến ở châu Âu như Hồ Ülemiste (Tallinn, Estonia), Hồ Wannsee, Müggelsee và Tegeler See (Berlin, Đức), Hồ Mälaren (Stockholm, Thụy Điển), Hồ Zürich (Zürich), Hồ Maridalsvannet, Hồ Østensjøvannet (Oslo, Na Uy) (Bảng 1).
Nguồn: EEA (2016). Rivers and lakes in European cities: Past and future challenges. Luxembourg: Publications Office of the European Union.
Trong lịch sử phát triển, sông và hồ mang lại nhiều lợi ích cho con người như cung cấp thực phẩm, nước uống, phát điện, chống lũ lụt, lưu trữ carbon, các tuyến đường thương mại và giao thông. Vào thời trung cổ, nước cũng thường được sử dụng cho một số sự kiện lớn như bắn pháo hoa, đấu thương hay là nơi thực hiện nghi lễ. Không những vậy, sông và hồ đô thị còn có chức năng tiếp nhận cũng như vận chuyển nước thải sinh hoạt và công nghiệp trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, theo thời gian, chính sông, hồ trở thành tác nhân gây phiền toái cho người dân thành phố do sự xuống cấp của chúng. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng ở châu Âu trong thế kỷ XX đã gây ra những tác động tiêu cực không hề nhỏ đến hệ thống sông hồ ở các tỉnh, thành phố. Những tác động này không chỉ đơn thuần là ô nhiễm nguồn nước mà còn là sự biến đổi cấu trúc sông, hồ tự nhiên trước đây, làm thay đổi dòng chảy cũng như hệ thống thủy văn. Sự định cư của con người bên cạnh sông và hồ theo thời gian cũng làm biến đổi môi trường tự nhiên ở các thị trấn và thành phố. Kết quả là nhiều sông hồ ở châu Âu bị ô nhiễm, suy thoái và mất đi vai trò quan trọng của nó.
Kể từ những năm 1970, chất lượng nước trên khắp châu Âu được cải thiện đáng kể nhờ các khoản đầu tư lớn vào hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và quản lý nước mưa. Cũng nhờ vậy mà hình ảnh sông, hồ ở các thành phố và thị trấn thuộc châu Âu trở nên tích cực hơn. Ngày nay, sông và hồ đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp không gian giải trí, tạo ra cảnh quan thẩm mỹ và là điểm gặp gỡ cho các hoạt động xã hội và văn hóa. Vì vậy, ngày càng có nhiều dự án khôi phục sông, hồ đô thị được khởi xướng không phải chỉ với mục đích cải thiện hệ sinh thái thủy sinh mà còn là một phần của các dự án tái tạo đô thị gắn liền với các con sông chảy qua các thành phố (Brun, 2015).
Việc bảo tồn, khai thác và cải thiện môi trường nước đô thị ngày càng được quan tâm bởi điều này mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng. Những lợi ích có thể kể đến như: Giảm rủi ro lũ lụt và giúp lập kế hoạch quản lý rủi ro lũ lụt; Tạo cơ hội tiếp cận với môi trường tự nhiên, cung cấp không gian mở mới tiện nghi và giải trí, và mạng lưới xanh cho động vật hoang dã và con người; Giảm hiệu ứng đảo nhiệt; Giảm ô nhiễm nước đô thị bằng cách kết hợp các kế hoạch thoát nước bền vững và khắc phục đất bị ô nhiễm; Cải thiện đường đi của cá và môi trường sống trong dòng và ven sông (ECRR, 2015). Không dừng ở đó, những lợi ích này còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn hơn, bởi vùng nước đô thị sau khi được khôi phục sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn, góp phần thúc đẩy các hoạt động giải trí, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, khuyến khích đầu tư kinh doanh và du lịch, đồng thời tăng giá trị tài sản. Điều này góp phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng xanh, các kế hoạch hành động về đa dạng sinh học của địa phương, các mục tiêu về phúc lợi và tái tạo (Natural Scotland, 2015).
Tựu chung lại, việc khôi phục các dòng sông đô thị, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư và công nghiệp hóa góp phần cải thiện chất lượng môi trường và tăng chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Các dòng sông đô thị thường là các hồ chứa đa chức năng, vừa có tính đa dạng sinh học vừa là không gian mở trong các thành phố. Do đó, việc tích cực bảo vệ và khôi phục các khu vực như vậy là cần thiết để định hình trật tự không gian của các thành phố hướng tới phát triển bền vững.
2. Chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị sông, hồ đô thị ở châu Âu
2.1. Khung pháp lý liên quan đến quản lý sông, hồ đô thị ở châu Âu
Ở Liên minh châu Âu, một số khung khổ pháp lý phục vụ cho hoạt động quản lý sông hồ đô thị đã được ban hành từ những năm 1990 như Chỉ thị xử lý nước thải đô thị (UWWTD); Chỉ thị Nitrat; và Chỉ thị khung về nước. Cụ thể, Chỉ thị Xử lý Nước thải Đô thị (UWWTD), được thông qua vào đầu năm 1991, nhằm mục đích bảo vệ môi trường khỏi những tác động tiêu cực của nước thải đô thị và xả thải từ một số ngành công nghiệp. Cũng trong năm 1991, Chỉ thị Nitrat được thông qua nhằm ngăn ngừa ô nhiễm nước ngầm và nước mặt do nitrat từ các nguồn nông nghiệp. Chỉ thị về Nitrat dù chủ yếu liên quan đến các hoạt động nông nghiệp bên ngoài khu vực đô thị, song ô nhiễm từ những hoạt động nông nghiệp này lại ảnh hưởng đến chất lượng nước ở khu vực thành thị.
Những chính sách nêu trên do chỉ tập trung vào cuộc chiến chống ô nhiễm nguồn nước nên đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không thể giúp chính quyền EU giải quyết được những thách thức khác liên quan đến nước như hạn hán, lũ lụt hay môi trường nước. Chính vì vậy, vào năm 2000, EU đã thông qua Chỉ thị Khung về Nước (WFD) nhằm bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái. Đây là văn bản pháp lý chính thức và toàn diện về nước của EU, phản ánh sự thay đổi từ việc coi nước chỉ là tài nguyên sang coi nước là một phần của môi trường. Theo đó, WFD hướng đến việc đảm bảo hệ sinh thái và chất lượng nước ở tất cả các vùng nước mặt của châu Âu (bao gồm cả sông và hồ đô thị) đều trong tình trạng tốt. Để thực hiện Chỉ thị Khung về nước, các kế hoạch quản lý lưu vực sông lần lượt được triển khai (thông qua lần đầu tiên năm 2009 và sau đó được cập nhập, bổ sung vào các năm 2015 và 2021). Kết quả là, chất lượng nước ở các thành phố thuộc châu Âu đã cải thiện đáng kể (EEA, 2016). Điển hình như ở thủ đô Viên của Áo, các dự án của chính quyền thành phố về khôi phục các nguồn nước đô thị nhằm đạt được các mục tiêu của WFD như dự án khôi phục sông Liesing, sông Wien và sông Danube đã giúp cải thiện hệ sinh thái cũng như tiềm năng sinh thái của những dòng sông này.
Ngoài các Chỉ thị nêu trên, châu Âu cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị khác, hỗ trợ cho công tác quản lý nguồn nước ở châu Âu như Chỉ thị về phòng chống lũ lụt năm 2007; Chỉ thị về Chim và Môi trường sống năm 2009 nhằm tăng khả năng ứng phó với lũ lụt của các khu vực đô thị cũng như đạt được các mục tiêu về bảo vệ đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn thiên nhiên đô thị, bao gồm cả môi trường sống nước ngọt.
Ở cấp quốc gia, nhiều thành phố ở châu Âu đã xây dựng các chiến lược để thúc đẩy quản lý tổng hợp đối với các vùng nước, đặc biệt trong việc phục hồi các sông, hồ, chẳng hạn như chiến lược thông tắc (de-culverting strategy) trên sông của Thành phố Oslo và Chương trình Nước của Thành phố Stockholm. Đơn cử như với Thành phố Stockholm, đây là thành phố có 10% diện tích được bao phủ bởi nước và có nhiều hồ phục vụ cho mục đích giải trí. Sự gần gũi của thành phố với nước và đặc tính thủy sinh nội tại cộng với những cam kết mạnh mẽ nhằm đạt được tình trạng sinh thái và hóa học tốt theo chỉ thị WFD đã dẫn đến sự ra đời của Chương trình Bảo vệ Nước (2006–2015) đầy tham vọng vào năm 2006. Mục tiêu của chương trình này đó là cải thiện chất lượng nước, đồng thời tăng giá trị giải trí của các vùng nước ở Stockholm. Theo sau đó, để củng cố cho những nỗ lực của các địa phương trong việc cải thiện chất lượng nước ở Stockholm, Kế hoạch Hành động vì Tình trạng Nước Tốt cũng đã được chính quyền thành phố Stockholm thông qua vào năm 2015.
2.2. Cải thiện chất lượng nước và phục hồi hệ sinh thái, hệ thống thủy văn của sông, hồ đô thị
Kể từ những năm 1980, ở một số khu vực đô thị thuộc Tây và Bắc Âu, nhiều dự án khôi phục dòng sông đã được thực hiện. Các dự án này chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải hoặc nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải đã có; và kết nối các hệ thống xử lý nước thải. Kết quả là, việc xả thải vào các sông, hồ đô thị giảm đáng kể. Chẳng hạn, Sông Zenne của Brussels nổi tiếng là một trong những con sông ô nhiễm nhất của Bỉ, tất cả nước thải từ thủ đô Brussels đều được thải vào Zenne mà không qua xử lý cho đến năm 2000. Năm 2007, việc hoàn thành nhà máy xử lý nước thải mới thứ hai đã góp phần rất lớn vào việc khắc phục vấn đề này. Tại một số thành phố ở Đông Âu, việc xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải cũng đã giúp giảm lượng chất thải và cải thiện chất lượng nước. Việc giảm xả thải và sự tồn tại của các hệ thống xử lý nước thải còn giúp cải thiện hệ sinh thái của sông, hồ đô thị. Ví dụ ở nhiều thủ đô của châu Âu trong đó của Paris, cá hồi hoang dã đã trở lại sông Seine sau gần một thế kỷ vắng bóng. Không chỉ cá hồi, số lượng các loài cá ở sông Seine cũng đã tăng lên đáng kể kể từ năm 1995 do chất lượng nước được cải thiện nhờ một nhà máy lọc nước mới (The Telegraph, 2009).
Đối với các hồ có nồng độ dinh dưỡng cao, hay nói cách khác là xảy ra hiện tượng phú dưỡng, một phương pháp phục hồi đặc biệt được sử dụng là xử lý sinh học (biomanipulation). Phương pháp này thường được sử dụng để bổ sung cho các giải pháp giảm lượng chất dinh dưỡng bên ngoài thông qua các hệ thống xử lý nước thải hoặc chuyển hướng các dòng chảy giàu chất dinh dưỡng. Ví dụ, một dự án xử lý sinh học đã được triển khai cho Hồ Ülemiste, đây là nguồn cung cấp nước uống chính cho thành phố Tallinn thuộc Estonia. Không chỉ dừng lại ở việc lắp đặt các hệ thống lọc nước và xử lý nước thải, một số thành phố lớn ở châu Âu như Aarhus, Đan Mạch hay Lódz, Ba Lan cũng đã xây dựng các bể chứa nước cùng đường dẫn nước để tích trữ nước cho tới khi hệ thống thoát nước có đủ không gian nhằm ngăn chặn sự cố tràn nước thải khi trời mưa lớn. Ngoài ra, một số sông, hồ còn lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm chất lượng nước như Hồ Brabrand, sông Aarthus để tính toán và theo dõi chất lượng nước. Những biện pháp này cho đến nay đã làm thay đổi đáng kể cách người dân và du khách trải nghiệm sông, hồ, khiến nơi đây trở thành không gian mở hấp dẫn, có cảnh quan tự nhiên và thậm chí còn là nơi tắm rửa an toàn (Aarhus Municipality, 2008).
2.3. Áp dụng cách tiếp cận đa mục tiêu trong việc khôi phục sông, hồ đô thị
Khi thiết kế các dự án khôi phục sông và hồ đô thị, việc xem xét đến tính đa chức năng là rất quan trọng. Bởi việc phục hồi sông và hồ đô thị không chỉ đơn thuần sử dụng cách tiếp cận mục tiêu duy nhất, tức chỉ đạt được các mục tiêu môi trường trong chính sách nước của EU, mà cần phải tính đến các mục tiêu khác như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ hệ sinh thái, tái tạo đô thị, phòng chống lũ lụt và nâng cao giá trị giải trí. Việc thực hiện các dự án khôi phục sông, hồ đô thị đa mục tiêu được coi là các biện pháp đôi bên cùng có lợi giúp mang lại sức mạnh tổng hợp, giúp các quốc gia thực hiện đồng thời các chính sách khác nhau như WFD, Chỉ thị về Lũ lụt và Chỉ thị về Môi trường sống. Các biện pháp khôi phục đôi bên cùng có lợi như vậy cũng có thể dễ dàng nhận được sự đồng thuận về mặt chính trị cũng như sự chấp nhận từ phía công chúng hơn, nhờ đó đảm bảo được sự tài trợ từ nhiều nguồn.
Tại thành phố Ruhr ở Đức, là khu vực có quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, chính quyền thành phố đã thông qua bản quy hoạch tổng thể khôi phục Sông Emscher nhằm đạt được các mục tiêu sau: vừ giải quyết tình trạng suy giảm chất lượng nước, vừa phòng chống lũ lụt, khôi phục dòng sông, đồng thời tăng tính thẩm mỹ của cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy các hoạt động giải trí của người dân. Một ví dụ điển hình khác đó là trường hợp Hồ chứa Podutik (Ljubljana, Slovakia), việc thiết kế lại hồ chứa theo Chương trình Hành động vì Môi trường của Ljubljana (2014 - 2020) theo hướng đa chức năng (vừa phòng chống lũ lụt vừa là nơi cung cấp các dịch vụ sinh thái cao cấp như nơi trình diễn) bằng việc xây dựng những vùng đất ngập nước và lòng sông uốn khúc mới, đã góp phần nâng cao chất lượng nước và bảo tồn thiên nhiên, cũng như khuyến khích các mục đích sử dụng cho giải trí và giáo dục.
2.4. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng
Tại các nước Liên minh châu Âu, tham vấn cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng địa phương là một trong những bước quan trọng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp phục hồi ở các thành phố. Theo đó, lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp phục hồi dòng sông đô thị không nên theo cách tiếp cận từ trên xuống. Xã hội dân sự và khu vực tư nhân rất quan trọng đối với sự phát triển của các thành phố và họ cũng đóng vai trò chính trong việc đối phó với những thách thức phía trước. Một số ví dụ về sự tham gia của cộng đồng có thể kể đến như dự án khôi phục sông Isar, Munich; Khôi phục hồ chứa lũ Podutik ở Ljubljana hay như dự án thông tắc dòng chảy tại Oslo.
Tại Munich, tham vấn cộng đồng đã làm tăng khả năng chấp nhận dự án khôi phục sông Isar. Ngay từ khi bắt đầu Kế hoạch Isar vào năm 1995, công chúng đã được yêu cầu tham gia vào quá trình lập kế hoạch. Mọi người được phỏng vấn về dòng sông, trình bày quan điểm, sở thích của họ và kết quả của những cuộc phỏng vấn đó đã hình thành các hướng dẫn cho quá trình lập kế hoạch. Trong trường hợp thiết kế lại hồ chứa lũ Podutik ở Ljubljana, việc tổ chức các sự kiện thông tin của các tổ chức dân sự đã góp phần nâng cao nhận thức về tính đa chức năng của hồ chứa. Các hoạt động tham vấn cũng khắc phục tình trạng thiếu thông tin liên lạc của những người sử dụng cuối cùng trong khu vực hồ chứa lũ, là những người liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo trì, bảo dưỡng. Ở Oslo, kinh nghiệm thu được thông qua chiến lược thông tắc dòng chảy của thành phố cũng cho thấy rằng điều quan trọng là phải thu hút sự tham gia của các cộng đồng địa phương xung quanh các đoạn sông đang được thông tắc. Ngược lại, dự án nếu không áp dụng các quy trình có sự tham gia tốt và không được người dân đón nhận sẽ dễ nảy sinh nhiều xung đột.
3. Trường hợp nghiên cứu: Hồ Alte Donau, thủ đô Vienna, Áo
Hồ Alte Donau, một nhánh cũ của sông Danube, nằm ở hai quận thành phố Floridsdorf và Donaustadt thuộc thủ đô Vienna, Áo. Hồ có diện tích bề mặt khoảng 1,6 km2, chứa khoảng 3,7 triệu m3 nước và có độ sâu trung bình 2,3 mét, do đó là một trong những hồ đô thị lớn nhất châu Âu . Không chỉ giữ vị thế là khu vực giải trí rất nổi tiếng, hồ Alte Donau còn đóng vai trò là không gian sinh thái quan trọng của thủ đô Vienna. Từ những năm 1990, trước tình trạng suy thoái của hệ sinh thái hồ Alte Donau, chính quyền thành phố đã thực hiện một loạt các biện pháp khác nhau nhằm đáp ứng mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và sử dụng Hồ cho các giá trị văn hóa và giải trí bằng việc chuyển trọng tâm chính sách từ khai thác nước sang cải thiện sức khỏe hệ sinh thái. Cụ thể như sau:
Cải thiện chất lượng nước
Vào đầu những năm 1990, chất lượng nước của Hồ Alte Donau bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, chính quyền thành phố đã thực hiện các biện pháp khôi phục toàn diện cùng với các biện pháp bảo trì thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng nước của hồ Alte Donau luôn ở mức cao.
Thứ nhất, sử dụng các liệu pháp hóa học để giảm hiện tượng phú dưỡng, nguyên nhân chính làm giảm chất lượng nước của Hồ Alte Donau . Theo đó, các biện pháp bên trong vùng nước được thực hiện theo quy trình RIPLOX (bao gồm sục khí, thay nước, kết tủa hóa học và oxy hóa nitrat của trầm tích). Với phương pháp này, trước hết cần làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước bằng việc kết tủa photpho với clorua sắt. Sau đó, quá trình phân hủy vật chất hữu cơ dưới đáy vùng nước được hỗ trợ bởi việc bổ sung canxi nitrat. Nhờ sự trợ giúp của liệu pháp nước hóa học, mục tiêu giảm thiểu các chất dinh dưỡng đã đạt được ngay từ năm 1995 - 1996.
Thứ hai, ở bên ngoài vùng hồ, một số biện pháp cũng được thực hiện để giảm thiểu lượng chất dinh dưỡng chảy vào như hoàn thành mạng lưới thoát nước hoặc kết nối các khu vườn với hệ thống thoát nước công cộng. Gần khu vực bãi rác cũ Donaupark/Brukhaufen, một loạt giếng chắn đã được lắp đặt để ngăn dòng nước ngầm giàu chất dinh dưỡng chảy vào. Việc giảm chất dinh dưỡng đã góp phần ngăn chặn sự phát triển của tảo phù du, đặc biệt là tảo lam.
Thứ ba, lắp đặt một bộ lọc đất đặc biệt ở phía Tây Bắc của Alte Donau vào năm 2016 nhằm tìm ra giải pháp bền vững để dự trữ canxi cho lưu vực chính của Obere Alte Donau và tăng độ kiềm. Bộ lọc đất này có thể được cấp nước từ Neue Donau, là vùng nước nồng độ canxi cao hơn và độ kiềm cao hơn nước của Alte Donau. Điểm đặc biệt của bộ lọc đất là hàm lượng Ca có thể được dự trữ bổ sung bằng cách đi qua một bể chứa chứa đầy canxi cacbonat trước khi đi vào hệ thống của Alte Donau. Bộ lọc cho phép xả liên tục 2500 m3 mỗi ngày, đủ để nâng cao dung lượng đệm của Alte Donau vĩnh viễn.
Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, theo dõi và đánh giá chất lượng nước của Hồ. Trong suốt mùa tắm biển mùa hè (từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Chín), chính quyền thành phố Vienna thường xuyên đo chất lượng nước tại bảy điểm lấy mẫu. Việc kiểm tra chất lượng nước tắm tại các khu vực tắm của EU, trong đó có Hồ Alte Donau được tiến hành bởi phòng thí nghiệm vi sinh của cơ quan kiểm tra, giám định và chứng nhận (MA 39), thực hiện theo các thông số kỹ thuật của Chỉ thị Hội đồng về chất lượng nước tắm và quản lý nước (RL 2006/7/EG) và Pháp lệnh Nước tắm của Áo trong khoảng thời gian là 14 ngày. Trên thực tế, các mẫu nước được lấy luân phiên từ sông Danube mới và sông Danube cũ (hồ Alte Donau) vào đầu mỗi tuần và sau đó kết quả được công bố trên trang web của thành phố .
Với những biện pháp trên, chất lượng nước của Alte Donau luôn ở mức tốt trong nhiều năm nay, có thể so sánh với chất lượng nước của các hồ tắm hấp dẫn nhất của Áo. Ngoài chất lượng cao về mặt vệ sinh, Alte Donau còn là một nguồn nước có giá trị về mặt sinh thái.
Bảo tồn hệ sinh thái dưới nước và quản lý tốt thảm thực vật thủy sinh ngập nước
Đối với Alte Donau, những hàng cây thủy sinh rộng lớn cùng làn nước trong vắt từng là những nét đặc trưng của hồ. Một quần thể thực vật ngập nước lớn như vậy là cực kỳ quan trọng để duy trì chất lượng nước tốt. Bởi trong một vùng nước nông, thực vật dưới nước (thực vật thủy sinh) không chỉ cung cấp nơi trú ẩn cho cá và nhiều loài động vật không xương sống dưới nước mà còn hoạt động như một bộ lọc sinh học, giúp ổn định lòng hồ, bẫy trầm tích và giảm độ đục của nước . Tuy nhiên, vào những năm 1990, lớp thảm thực vật ngập nước đã suy giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước. Vì vậy, chính quyền thành phố đã nỗ lực tăng cường đa dạng sinh học thực vật ở Alte Donau bằng cách trồng thảm thực vật trong vùng hồ nhằm ổn định quần thể thực vật ngập nước. Mục đích chính là thúc đẩy sự sinh sôi nảy nở của rêu đá và các loài thực vật thủy sinh tầm thấp khác. Trước đó, quần thể thực vật thủy sinh phần lớn bị chi phối bởi một loài duy nhất, đó là cây cỏ sữa có gai (Myriophyllum spicatum).
Mặc dù có giá trị sinh thái cao song thảm thực vật thủy sinh ngập nước không được người bơi lội và chủ thuyền ưa chuộng. Bởi loài thực vật sống dưới nước chiếm ưu thế ở hồ Alte Donau là cây thủy sinh có gai. Loại cây này thường mọc cao và sát mặt hồ, do đó dễ dàng vướng vào chân vịt của động cơ thuyền, cản trở tay chèo hoặc cọ vào tay chân và bụng của người bơi. Vì vậy, để không ảnh hưởng đến hoạt động giải trí của hồ, từ năm 2003, chính quyền Thành phố Vienna đã xây dựng kế hoạch bảo trì và quản lý thảm thực vật thủy sinh ngập nước . Kế hoạch cung cấp lịch cắt cỏ trong vùng hồ nhằm kiểm soát các loài thực vật dưới nước, mục đích là loại bỏ các trở ngại đối với hoạt động bơi lội và chèo thuyền đồng thời phòng tránh mọi tác nhân gây hại đối với quần thể thực vật. Những phần thực vật được cắt tỉa và lấy ra khỏi nước sẽ giúp làm giảm tổng lượng chất dinh dưỡng trong hệ sinh thái và do đó ngăn ngừa hiện tượng phú dưỡng. Hơn nữa, việc cắt tỉa thảm thực vật ngập nước còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài sinh trưởng thấp như rêu đá (charophytes). Lịch cắt cỏ được thiết lập và quản lý sao cho việc cắt cỏ dưới nước không phá vỡ sự cân bằng sinh thái của hồ. Ngoài ra, để kiểm soát sự phát triển của thảm thực vật ngập nước, việc kiểm tra thường xuyên được thực hiện dưới sự giám sát khoa học. Các nhà sinh vật học thủy sinh sẽ theo dõi đều đặn sự phát triển của thực vật dưới nước trong suốt các tháng mùa hè bằng việc lặn xuống hồ cùng với máy đo tiếng vang sử dụng sóng âm thanh để xác định vị trí thực vật dưới nước. Sau đó, kế hoạch cắt cỏ kỹ thuật số sẽ được tạo ra trên cơ sở những dữ liệu được thu thập. Những chiếc thuyền cắt cỏ cũng được trang bị GPS, máy tính và phần mềm tương ứng nhằm xác định chính xác độ sâu để cắt cỏ.
Tuy vậy, chính quyền thành phố vẫn dành riêng một số vùng nước gần bờ hồ không bị cắt tỉa làm nơi trú ẩn cho các loài thực vật dưới nước. Quần thể thực vật dưới nước đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng nước song lại rất nhạy cảm với sự gián đoạn. Vì vậy, cần phải giữ một số khu vực không bị cắt để bù đắp cho việc cắt cỏ tập trung ở những nơi khác. Những vùng nước chưa được khai thác này cũng đóng vai trò là nơi sinh sản và nơi trú ẩn yên tĩnh của cá.
Quy hoạch cảnh quan theo hướng bền vững và phát huy các giá trị kinh tế của hồ
Từ những năm 1960, quy hoạch phát triển đô thị của Vienna đã tập trung vào vùng ngoại ô phía đông bắc, theo phương châm "đưa Vienna đến sông Danube”. Vì vậy, hồ Alte Donau đóng vai trò ngày càng lớn trong việc tạo ra không gian giải trí cho người dân của thành phố Vienna cũng như các thị trấn lân cận. Theo thời gian, các khu vực hoang dã trước đây dọc theo bờ sông đã được thay thế bằng nhiều cây xanh, tạo nên các hành lang xanh của thủ đô Vienna. Các bãi chứa chất thải được dọn sạch, hệ thống cống rãnh và đường cao tốc được xây dựng. Các tòa nhà chọc trời được xây dựng dọc theo bờ sông và các tuyến tàu điện ngầm được thiết kế để kết nối cảnh quan của Hồ với trung tâm thành phố. Ngày nay, Hồ Alte Donau được coi là "lá phổi xanh” của người dân Vienna và là điểm đến nổi tiếng của thành phố. Hàng năm, có tới 1,2 triệu người đến hồ Alte Donau để vãn cảnh, đồng thời tìm kiếm sự giải trí và thư giãn .
Với sự gia tăng dân số nhanh chóng, chính quyền thành phố Vienna đã xây dựng các Kế hoạch phát triển đô thị theo hướng tích hợp quy hoạch sinh thái và không gian mở vào quản lý lưu vực. Mục tiêu chính của kế hoạch là cải thiện công năng sử dụng của các không gian xanh và khu vực giải trí theo hướng thích ứng với hệ sinh thái và bảo vệ thiên nhiên. Cụ thể:
Thứ nhất, nâng cấp những không gian mở hiện tại và tăng cường khả năng tiếp cận những khu vực này. Các biện pháp chủ yếu đó là cải thiện môi trường của không gian mở theo hướng phủ xanh cả theo chiều dọc và mái che; giảm lưu lượng giao thông cơ giới cá nhân để giành lại không gian công cộng cho người dân (ví dụ: nơi công cộng, khu vực dành cho người đi bộ); tân trang các bãi cỏ để phục vụ nhu cầu tắm nắng, chăm sóc và bảo vệ cây cổ thụ và bãi lau sậy ven hồ; loại bỏ một số cây gây nguy hiểm do già cỗi, đồng thời trồng mới các cây mới thuộc các loài bản địa như dương, liễu và chanh.
Thứ hai, phát triển những khu vực giải trí và dịch vụ mới. Năm 2012, chính quyền thành phố đã thiết kế khu vực tắm mới bao gồm một bãi biển sỏi thoai thoải, một khu vực nông để chèo thuyền và một cầu tàu hoàn toàn mới, có các các bệ lặn dọc theo cầu tàu lớn hình chữ U. Những đặc điểm này cùng với không gian rộng rãi khiến Hồ Alte Donau trở thành điểm đến hấp dẫn của các gia đình có trẻ nhỏ và là nơi lý tưởng để tắm nắng và thư giãn. Chính quyền thành phố cung cấp nhiều lựa chọn để thư giãn và giải trí, từ chỗ ngồi đơn giản bên hồ đến các khu phức hợp giải trí toàn diện. Ngoài ra, bờ hồ cũng được khoác một diện mạo mới với cầu tàu tắm, các khu vực bãi cỏ liền kề và sân hiên dành cho người dân đến giải trí. Những người yêu thích thể thao cũng được phục vụ chu đáo với đường liên kết đến mạng lưới đường đua xe đạp và khu vực về đích cũng như khán đài dành cho các cuộc đua chèo thuyền. Việc sử dụng các cơ sở này là miễn phí.
Vào tháng 5/2015, một khu vực giải trí khác cũng đã được thiết kế ở nhiều khu vực xung quanh hồ Alte Donau, đó là những bãi cỏ tắm nắng trên dải ArbeiterInnen cùng với lối đi hướng ra hồ để bơi lội. Các tiện nghi khác cũng được cung cấp đầy đủ như nhà vệ sinh công cộng cố định, 30 chiếc ghế dài bằng gỗ và 10 chiếc bàn gỗ có sẵn cho du khách sử dụng. Không gian mở với cây xanh rợp bóng mát, bờ hồ được bao quanh bởi những khóm lau sậy xen kẽ với các điểm lấy nước khiến nơi đây trở thành điểm đến hoàn hảo để thư giãn và tận hưởng ngâm mình.
Thứ ba, phát huy các giá trị kinh tế của Hồ Alte Donau. Hồ Alte Donau không chỉ là khu vui chơi giải trí chất lượng cao và có môi trường sinh thái giá trị ở trung tâm thủ đô Vienna mà còn là địa điểm kinh doanh cho nhiều hoạt động giải trí. Trong những năm gần đây, việc sử dụng bờ hồ Alte Donau cho mục đích thương mại đã tăng lên đáng kể. Hồ Alte Donau thường được sử dụng cho các mục đích kinh tế như cho thuê thuyền, tổ chức dạy chèo thuyền, đánh bắt cá và chăn nuôi gia cầm (chăn ngỗng). Tại hồ có sẵn khoảng 500 thuyền buồm, thuyền đạp nước và thuyền chèo để du khách sử dụng. Bên cạnh đó, còn có hàng chục nhà hàng, quán cà phê, quán bar phục vụ cho các hoạt động giải trí xung quanh khu vực Hồ. Hơn nữa, ngoài một số bãi tắm công cộng còn có rất nhiều điểm tắm mà du khách có thể bơi miễn phí . Chất lượng nước thường xuyên được kiểm tra và xác minh để đảm bảo người bơi có thể tận hưởng cảm giác trong lành.
Tăng cường tuyên truyền và giáo dục người dân về tầm quan trọng của hệ sinh thái và bảo vệ nguồn nước đô thị
Để giáo dục những người sử dụng Hồ Alte Donau về tầm quan trọng sinh thái to lớn của Hồ và sự cần thiết của các biện pháp dài hạn để bảo vệ nguồn nước đô thị, rất nhiều biện pháp thông tin và truyền thông trong khuôn khổ dự án LIFE+ của Liên minh châu Âu đã được thực hiện nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng. Các biện pháp chủ yếu bao gồm: Sáu bảng thông tin lớn được đặt tại các điểm nóng xung quanh Hồ Alte Donau; Lắp đặt hệ thống biển báo mới gồm 20 cột thông tin trên các con đường và lối đi xung quanh hồ Alte Donau giúp du khách tìm đường dễ dàng và cung cấp thông tin hữu ích về các địa điểm giải trí; Cung cấp các hoạt động trải nghiệm dành cho trường học, gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên; Các chuyến tham quan và đi thuyền quanh hồ với sự hướng dẫn của chuyên gia; Tổ chức các sự kiện như Ngày đa dạng sinh học Vienna hay các sự kiện bảo vệ môi trường; Ứng dụng Wiener Wasserweg về các điểm tham quan xung quanh Alte Donau, cung cấp cho người đi bộ và những du khách khác những thông tin hấp dẫn về lịch sử, hệ thực vật và động vật của hồ Alte Donau, các cơ sở thể thao và giải trí.
4. Một số bài học rút ra
Nhìn chung, chất lượng nước ở các quốc gia châu Âu đã được cải thiện rất nhiều trong những thập kỷ qua. Chính vì vậy, công tác quản lý sông, hồ hiện nay của chính quyền các thành phố và thị trấn châu Âu chú trọng nhiều hơn vào việc cải thiện cấu trúc vật lý của sông và hồ đô thị. Bởi ngoài việc mang lại lợi ích cho hệ sinh thái nước, định hướng mới này giúp tạo ra những không gian mở đẹp mắt về mặt thẩm mỹ, đồng thời cho phép đối phó với những thách thức mới như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các vấn đề về chất lượng nước vẫn chưa được giải quyết triệt để ở tất cả các trung tâm đô thị trên khắp châu Âu và vẫn là một thách thức lớn ở một số thành phố. Qua phân tích kinh nghiệm của khu vực châu Âu trong vấn đề quản lý, khôi phục sông và hồ đô thị như trình bày ở phần trên, bài viết rút ra một số bài học sau:
Thứ nhất, các chính sách quản lý nước hiện nay cần phải hướng đến các kế hoạch phục hồi sông, hồ đô thị đa chức năng, không chỉ đạt được mục tiêu về chất lượng nước hay hệ sinh thái mà còn hướng đến việc tái tạo cảnh quan đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng xanh và mạng lưới xanh, cải thiện chất lượng sống cho người dân. Cách tiếp cận tổng hợp, đa mục tiêu không những mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội mà còn giúp các dự án dễ dàng giành được hỗ trợ chính trị, xã hội và tài chính. Bài học kinh nghiệm của chính quyền thành phố Vienna đó là tạo ra những thiết kế đẹp mắt và phù hợp với nhu cầu của du khách như cầu tàu, bãi biển, bệ lặn hay khu vực tắm nắng, picnic với những bải cỏ xanh mướt, đây chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến Hồ Alte Donau. Bên cạnh việc cung cấp khu giải trí tổ hợp với đa dạng dịch vụ, tiện nghi, chính quyền thành phố vẫn dành những khu vực riêng tư cho những du khách muốn không gian yên tĩnh để thư giãn. Cùng với việc thiết kế cảnh quan, sự trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất thiết yếu như nhà vệ sinh công cộng, bàn, ghế, biển báo, chỉ dẫn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sự hài lòng của du khách khi thăm quan và trải nghiệm các dịch vụ của Hồ.
Thứ hai, vấn đề tiên quyết và quan trọng cần quan tâm đó là cải thiện chất lượng nước. Chất lượng nước tốt không chỉ tạo ra môi trường tốt để bảo tồn hệ sinh thái dưới nước mà còn tạo ra môi trường trong lành cho các hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra trên và xung quanh hồ. Việc đảm bảo chất lượng nước luôn ở tình trạng tốt cũng sẽ giúp du khách an tâm và tận hưởng cảm giác thư giãn khi sử dụng các dịch vụ. Kinh nghiệm quản lý hồ Alte Donau cho thấy, trước hết cần xác định chính xác nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, sau đó cần sử dụng cách tiếp cận tổng hợp trong quản lý nguồn nước, không chỉ áp dụng đối với riêng vùng hồ mà còn tiếp cận từ bên ngoài để ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Chất lượng nước cần được kiểm tra, đánh giá thường xuyên ở nhiều điểm khác nhau để từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, việc quản lý hệ sinh thái dưới nước cần được thực hiện một cách khoa học. Hệ sinh thái động thực vật dưới nước cần được bảo tồn không chỉ vì mục đích đảm bảo tính đa dạng sinh học mà còn giúp cải thiện chất lượng nước. Một số biện pháp từ kinh nghiệm của Hồ Alte Donau, đó là: lên lịch cụ thể và khoa học cho công tác cắt cỏ hay dọn dẹp vệ sinh; áp dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động cắt cỏ để đảm bảo tính chính xác và không ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới nước; dành riêng một số khu vực làm nơi trú ẩn và sinh sản cho động vật dưới nước. Việc quản lý, bảo vệ các sông và hồ đô thị cần phối hợp tốt hơn với các biện pháp can thiệp trong lưu vực rộng lớn hơn bởi các thành phố và thị trấn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hoạt động diễn ra ở các vùng nông thôn thượng nguồn như ô nhiễm khuếch tán từ nông nghiệp làm suy giảm chất lượng nước hoặc thay đổi dòng chảy (nguy cơ lũ lụt tăng lên do thiếu khả năng giữ nước tự nhiên ở thượng nguồn).
Thứ ba, do tính phức tạp, tính đa chức năng và tính xã hội của việc quản lý, bảo vệ, khai thác cũng như phục hồi sông hồ ở các trung tâm đô thị, các quy trình cần phải có sự tham gia của cộng đồng và những quy trình này cần đảm bảo sự minh bạch và được quản trị một cách hiệu quả. Ngoài việc thu hút sự tham gia của cộng đồng và người dân bị ảnh hưởng bởi các kế hoạch về sông, hồ đô thị, việc quan trọng không kém là thiết lập sự hợp tác hiệu quả giữa các chủ thể khác nhau như các cơ quan chính phủ và các tổ chức, bên liên quan và ảnh hưởng đến việc ra quyết định cũng như khâu thực hiện các chính sách, kế hoạch. Đồng thời, cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các cấp hành chính khác nhau trong việc soạn thảo và thực hiện các văn bản chiến lược và tổ chức các quy trình tham vấn cộng đồng./.
Ths Đoàn Thị Kim Tuyến
Tài liệu tham khảo
1.Aarhus Municipality (2008). New central urban waterfront and mediaspace in Aarhus. Competition Brief, Volume I, truy cập tại: http://www.urbanmediaspace.dk/sites/default/files/pdf/konkurrencemateriale_volume_1_english.pdf.
2.Arzet, K. and Joven, S. The Isar experience, urban river restoration in Munich, truy cập tại: https://www.wwa-m.bayern.de/fluesse_seen/massnahmen/isarplan/doc/the_isar_experience.pdf.
3.Brun, A. (2015). The "Renaturation” of Urban Rivers: The Case of the St Charles River in Quebec. In book: Understanding and Managing Urban Water in Transition (pp.527-548).
4.Cổng thông tin điện tử thành phố Vienna (n.d.). Facts and figures - the Alte Donau. Truy cập tại: https://www.wien.gv.at/english/environment/waterbodies/old-danube/facts.html.
5.Cổng thông tin điện tử thành phố Vienna (n.d.). Rehabilitation of the Old Danube in the 1990s. Truy cập tại: https://www.wien.gv.at/umwelt/gewaesser/alte-donau/wasserqualitaet/sanierung-1990er.html.
6.Cổng thông tin điện tử thành phố Vienna (n.d.). Water quality Old Danube, New Danube and Stadlau lido - Viennese EU bathing areas. Truy cập tại: https://www.wien.gv.at/forschung/laboratorien/umweltmedizin/wasserhygiene/badewasserqualitaet/index.html.
7.Cổng thông tin điện tử thành phố Vienna (n.d.). The essential role of water plants in the Alte Donau. Truy cập tại: https://www.wien.gv.at/english/environment/waterbodies/old-danube/water-quality/plants.html.
8.Cổng thông tin điện tử thành phố Vienna (n.d.). Mowing of aquatic vegetation in the Alte Donau. Truy cập tại: https://www.wien.gv.at/english/environment/waterbodies/old-danube/water-quality/vegetation-management.html.
9.Cổng thông tin điện tử thành phố Vienna (n.d.). Sports and recreation on the Alte Donau. Truy cập tại: https://www.wien.gv.at/english/environment/waterbodies/old-danube/recreation.html.
10.Cổng thông tin điện tử thành phố Vienna (n.d.). Sports and recreation on the Alte Donau. Truy cập tại: https://www.wien.gv.at/english/environment/waterbodies/old-danube/recreation.html.
11.EEA (2016). Rivers and lakes in European cities: Past and future challenges. Luxembourg: Publications Office of the European Union.
12.ECRR (2015). Rivers in our towns and cities. European Centre for River Restoration, truy cập tại: https://www.ecrr.org/River-Restoration/Urban-River-Restoration.
13.Natural Scotland (2015). Delivering Scotland’s river basin management plans: Improving the physical condition of Scotland’s water environment, truy cập tại: https://www.cas.org.uk/system/files/publications/cas_response_to_rbmp_improving_the_physical_condition_of_scotlands_water_environment_v1.pdf.
14.The Telegraph (2009). Salmon return to France's River Seine, truy cập tại: https://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/france/6013819/Salmon-return-to-Frances-River-Seine.html.