Dự án sử dụng nước bền vững: Giải pháp tiết kiệm nước từ hộ gia đình

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/6/2024 | 4:09:07 PM

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường (EPRC) thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã phối hợp với Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) đề xuất phương án hướng dẫn người dân tiết kiệm nước bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng các thiết bị phù hợp.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường (EPRC) thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã phối hợp với Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) đề xuất phương án hướng dẫn người dân tiết kiệm nước bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng các thiết bị phù hợp.


Một khóa tập huấn trong khuôn khổ dự án cho kỹ sư, nhà thiết kế và sinh viên đại học trong lĩnh vực kỹ thuật nước và môi trường nước tại Đại học Bách khoa TP. Đà Nẵng. Ảnh: IGES

Hằng năm, khi vừa bước vào mùa nắng nóng, báo đài lại đồng loạt đưa tin về nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trên toàn TP. Đà Nẵng. Tình trạng xâm nhập mặn, suy giảm dòng chảy khiến trạm bơm phòng mặn không thể vận hành để đưa nước về Nhà máy nước Cầu Đỏ cấp nước cho thành phố.

"Một số nghiên cứu đã dự đoán rằng đến năm 2030, nhu cầu nước của thành phố dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với năng lực hiện tại của công ty cấp nước, và có thể gấp bốn lần trong thập kỷ tới”, TS. Phạm Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Ban nước và Thích ứng, Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu (IGES) chia sẻ tại phiên thảo luận "Quản lý nước thông minh để phục hồi và cung cấp các dịch vụ nước toàn diện” tại Diễn đàn Nước Thế giới 2024 diễn ra tại Indonesia vừa qua. "Nếu không có các biện pháp can thiệp thích hợp, Đà Nẵng có khả năng sẽ đối mặt với các rủi ro lớn về an ninh nước trong tương lai gần”.

Người dân sẽ liên tục phải chịu cảnh nguồn cung cấp nước không ổn định và khả năng thiếu nước cao, đặc biệt trong những mùa cao điểm như mùa nắng nóng hoặc mùa du lịch. Bản thân Công ty Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) - đơn vị quản lý và vận hành nguồn cung cấp nước ở Đà Nẵng - cũng lo lắng rằng nhu cầu sử dụng nước tăng cao, kết hợp với xu hướng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước thường xuyên hơn và suy giảm chất lượng nước.

Một trong những giải pháp được đưa ra đó là tìm kiếm nguồn nước thay thế hoặc tăng công suất của các nhà máy hiện có, song điều này đòi hỏi một khoản đầu tư lớn và dẫn đến tiêu thụ tài nguyên nhiều hơn. Liệu có cách nào khả dĩ hơn?

Câu hỏi này đã thôi thúc PGS.TS Trần Văn Quang và các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường (EPRC) của Đại học Bách khoa Đà Nẵng phối hợp với IGES để khởi xướng một dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính qua việc thay đổi lối sống theo hướng tiết kiệm điện nước. Dự án thuộc chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững (10 YFP) của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).

Thay vì tiếp cận theo hướng tác động đến nguồn cung để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng lên, các nhà khoa học quyết định tìm cách thay đổi lối sống của người dân. Họ đã tiến hành một cuộc khảo sát sơ bộ trước khi khởi động dự án và nhận thấy nhiều người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước. Tuy nhiên, vì không biết những mẹo hữu ích hoặc có thiết bị giúp tiết kiệm nước phù hợp trong nhà, họ không thể kiểm soát việc sử dụng nước của mình một cách hiệu quả. Khảo sát trên hơn 300 hộ gia đình trong dự án này đã chỉ ra mức độ dao động lớn trong lượng nước sinh hoạt sử dụng bình quân đầu người mỗi ngày (42 đến 500 lít/người/ngày), cho thấy rằng tiềm năng tiết kiệm nước thông qua thay đổi lối sống và các thiết bị trong nhà là hoàn toàn khả thi. "Chẳng hạn, tại Nhật Bản, một trong những lý do khiến nhu cầu về nước sinh hoạt rất cao là do người Nhật có xu hướng tắm bồn và dùng máy rửa chén - vốn tiêu tốn lượng nước lớn. Lối sống đóng vai trò vô cùng quan trọng”, TS. Phạm Ngọc Bảo đưa ra ví dụ.

Kết quả khảo sát tại thời điểm nghiên cứu đã tiết lộ rằng 33% hộ gia đình ở thành phố Đà Nẵng có mức tiêu thụ nước cao hơn mức trung bình, chiếm hơn 50% tổng lượng nước cung cấp. Tại thời điểm tiến hành khảo sát, do nhu cầu cao đặc biệt trong giờ cao điểm, thành phố vẫn thiếu khoảng 7.500 m³/ngày nước.

Trước tiên, các nhà khoa học đã khảo sát các hộ gia đình để thu về những dữ liệu về tình trạng sử dụng nước, tần suất đi vệ sinh, tắm gội, những người thường xuyên ở nhà và những người đi học, đi làm và chỉ ở nhà vào một vài khoảng thời gian nhất định. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu tại ĐH Bách khoa TP. Đà Nẵng đã đến từng nhà lắp đặt các thiết bị đo lượng nước water meter. "Mỗi một thiết bị sử dụng nước như toilet, bồn rửa tay, bồn rửa chén v.v. chúng tôi đều lắp đặt các thiết bị đo khác nhau để theo dõi lượng nước tiêu thụ thay đổi như thế nào trước và sau khi tiến hành dự án - cụ thể là sau khi chúng tôi giới thiệu cho các hộ gia đình về một số phương án tiết kiệm nước”, TS. Phạm Ngọc Bảo giải thích thêm.

Nhóm nghiên cứu đã giới thiệu cho các hộ gia đình những biện pháp tiết kiệm nước thụ động và chủ động. Các biện pháp thụ động bao gồm lắp đặt các thiết bị tiết kiệm nước và năng lượng, chẳng hạn như vòi nước tiết kiệm, bồn cầu hai chế độ xả, và hệ thống nước nóng năng lượng Mặt trời. Chẳng hạn, vòi sen tiết kiệm nước hiện đại sử dụng cơ chế hòa trộn bọt khí vào trong các hạt nước để giảm bớt đáng kể lưu lượng tại các đầu vòi nhưng vẫn đảm bảo áp lực đủ mạnh cho nhu cầu dùng nước. Bên cạnh các biện pháp thụ động, các biện pháp chủ động bao gồm giới thiệu và tập huấn các hành động thực tế như thói quen tránh sử dụng nước và năng lượng không cần thiết, tự theo dõi việc sử dụng nước và năng lượng hằng ngày. Thông qua những khảo sát trước đó, các nhà khoa học đã nắm được nhân khẩu của gia đình, tình trạng kinh tế, thói quen sử dụng nước để đưa ra những hướng dẫn phù hợp.

Dự kiến nếu tất cả các biện pháp thụ động và chủ động được thực hiện đúng cách, tổng lượng nước tiêu thụ trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của hộ gia đình có thể giảm từ 10 - 15%, đặc biệt là ở các hộ gia đình có mức sử dụng nước cao. Do đó, phương án có thể giúp tiết kiệm từ 5.500 - 8.100 m³/ngày. Nếu được triển khai nhân rộng trên toàn thành phố, đây sẽ là phương án tiềm năng trong việc giải quyết tình trạng thiếu nước trong giờ cao điểm ở Đà Nẵng.

Ngoài ra, lượng phát thải khí nhà kính có thể giảm tới 0,03 kg CO2/ngày/hộ gia đình (11 kg CO2/năm/hộ gia đình), và phát thải từ điện cũng có thể giảm xuống 0,11 kg CO2/ngày/hộ gia đình hoặc 40 kg CO2/năm/hộ gia đình.

Cần nỗ lực dài hạn

Dù rất mong muốn đạt được những con số trên, song TS. Phạm Ngọc Bảo thừa nhận rằng "rất khó để thay đổi thói quen của người dân. Cần phải có một chương trình nâng cao nhận thức dài hạn, chứ không phải là chỉ ngày một ngày hai mà thấy được ngay kết quả”. Đó là lý do nhóm dự án đã phát triển một khóa đào tạo nhắm vào sinh viên đại học (kỹ sư và nhà thiết kế môi trường trong tương lai) và tiến hành đào tạo cho tất cả các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, công ty cấp nước, lãnh đạo cộng đồng, hội phụ nữ và cư dân địa phương.

Chia sẻ bên lề phiên thảo luận tại Diễn đàn Nước Thế giới, anh cho biết nỗ lực tiết kiệm nước đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Sau khi có kết quả, nhóm nghiên cứu đã chia sẻ dữ liệu cho các giảng viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng để họ gắn kết vào các chương trình giảng dạy. Chẳng hạn, những sinh viên đang được đào tạo để trở thành kỹ sư sẽ được định hướng không chỉ nên quan tâm đến vấn đề đảm bảo nhu cầu cấp nước (ví dụ như đáp ứng lưu lượng cấp nước theo tiêu chuẩn quy định), mà còn chú trọng đến việc đè xuất các giải pháp giúp tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học đã đề xuất phương án tích hợp các nội dung nghiên cứu vào chương trình giảng dạy của sinh viên chuyên ngành kỹ thuật xây dựng. Về lâu dài, điều này sẽ góp phần giúp thành phố cải thiện thiết kế các tòa nhà và hệ thống cung cấp nước nói chung, góp phần giải quyết vấn đề nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu..

Bên cạnh đó, dự án đã hợp tác với các nhà giáo dục để khởi xướng các buổi chia sẻ tại trường mẫu giáo và trường tiểu học. Các hoạt động minh họa tiết kiệm nước trong lớp học đã thu hút được học sinh, các em tích cực thảo luận về các thực hành tiết kiệm nước với cha mẹ của mình.

Dự án cũng đã phát triển thành công một công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các nhà quản lý công ty cấp nước, các nhà hoạch định chính sách, và người dân để xác định các biện pháp hiệu quả nhất có sẵn để tiết kiệm nước ở các mức độ khác nhau. Các bài học kinh nghiệm từ dự án sẽ là những thông tin hữu ích để chính quyền thành phố có hành động phù hợp trong việc xây dựng các chính sách quản lý nước dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến nguồn nước.

"Dự án không đặt ra tham vọng triển khai thực tế các giải pháp trên quy mô toàn thành phố”, TS. Phạm Ngọc Bảo lưu ý. "Thực chất đây là một nghiên cứu dựa trên cơ sở thực tế, hướng đến đề xuất các giải pháp, các chính sách”.

Mặc dù dự án đã kết thúc được vài năm, nhưng kết quả của nó vẫn là cơ sở để các bên liên quan đến vấn đề nước tại Đà Nẵng có thể tham khảo trước khi ra quyết định. "An ninh nguồn nước là một vấn đề rất quan trọng đối với Đà Nẵng, nhất là khi lượng khách du lịch đến đây mỗi năm rất lớn, dẫn đến áp lực về nhu cầu nước sạch. Trong tương lai nếu chưa giải quyết được áp lực này, tình trạng khan hiếm nước - đặc biệt là trong mùa hè - tại Đà Nẵng chắc chắn vẫn sẽ xảy ra thường xuyên”, TS. Phạm Ngọc Bảo nhấn mạnh. Theo anh, mảng nghiên cứu về tìm kiếm giải pháp tiết kiệm nước cho khu vực khách sạn và các khu công nghiệp ở Đà Nẵng cũng sẽ là mảng nghiên cứu tiềm năng đối với các nhà khoa học trong thời gian tới.

Bài viết nằm trong chương trình World Water Forum Media Fellowship do Mạng lưới Báo chí Trái đất (The Earth Journalism Network) trực thuộc Internews và Australian Water Partnership tổ chức.

Theo Anh Thư/KH&PT

Tags sử dụng nước tiết kiện mnuowcs hộ gia đình thay đổi lối sống

Các tin khác

Từ thân cây thanh long, một loại thực vật phổ biến của Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại màng mỏng chitosan làm bao bì đóng gói với đặc tính kháng khuẩn vượt trội.

Theo ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển ở Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng với khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, có giá trị lên tới hơn 64 triệu USD trên thị trường.

Hiện nay, cầu lương thực của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng ngày càng tăng. Trồng lúa ba vụ/năm đã giúp cho sản lượng lúa tăng lên đến 14-16 tấn/ha/năm, bù đắp được lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa bị sử dụng vào mục đích khác (Nguyễn Bảo Vệ, 2010).

Hệ thống xử lý rác thải y tế bằng công nghệ hấp nhiệt ướt có thể đáp ứng nhu cầu cho các bệnh viện tự xử lý hay các mô hình tập trung từ 0,5 - 1 tấn và 2 - 10 tấn/ngày tùy quy mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục