Nghiên cứu đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/2/2024 | 2:46:41 PM

QLMT - Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn), là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học cao và chứa đựng nhiều loài thực vật quý, hiếm và nguy cấp.

Nhóm nghiên cứu do TS Đỗ Văn Hài và các cộng sự từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam vừa hoàn thành nhiệm vụ "Nghiên cứu tính đa dạng, đánh giá hiện trạng thực vật bậc cao có mạch, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn". Đây là một trong những hướng nghiên cứu ưu tiên của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nhằm bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên sinh học quý và hiếm có trên lãnh thổ Việt Nam.


Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có độ đa dạng sinh học cao. Ảnh: ST

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ với diện tích 15.715,02 ha, nằm tại tỉnh Bắc Kạn, là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học cao và chứa đựng nhiều loài thực vật quý, hiếm và nguy cấp. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được 1.251 loài và dưới loài thuộc 728 chi và 170 họ thực vật của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, 2 loài mới được phát hiện là Sporoxeia vietnamensis và Strobilanthes spathulatibracteata, cùng với 03 loài bổ sung cho hệ thực vật Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Công trình mở ra cơ hội khám phá và hiểu rõ hơn về sự đa dạng sinh học của khu vực, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học để bảo tồn và phát triển bền vững các loài thực vật quý, hiếm.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xác định được 11 nguy cơ gây tổn thất và suy giảm đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, từ đó đề xuất 7 nhóm giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Các biện pháp này bao gồm việc xây dựng, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, cũng như thực hiện chương trình giám sát đa dạng sinh học để đảm bảo sự hợp lý và bền vững trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên sinh học.

Công trình nghiên cứu này không chỉ đánh dấu một bước tiến mới trong việc hiểu biết và bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh học quý và hiếm tại Việt Nam, mà còn là nỗ lực không ngừng của cộng đồng nhà khoa học trong việc góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững và cân bằng với tự nhiên.

LÂM HÀ

Các tin khác

Nhóm sinh viên từ Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành công trong việc chế tạo siêu tụ điện từ vỏ sầu riêng, một phát minh có thể hỗ trợ hiệu quả trong y học cổ truyền.

Để đối phó với nguy cơ lũ và ngập lụt tại các khu vực tập trung đông dân cư ở vùng miền núi Bắc Bộ, TS Lê Viết Sơn cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Quy hoạch thủy lợi đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro lũ, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”.

Rác thải từ nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm trầm trọng cho nguồn nước và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí. Do đó, sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu khu vực miền Nam đã thành công trong việc sử dụng các phụ phẩm công nghiệp như bùn lắng, tro xỉ nhiệt điện than và xỉ lò đốt rác để tạo ra vật liệu san lấp mới có khả năng chịu lực thay thế cát san lấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục